Trang chủ Blog A Day in a Life old_post_2014

A Day in a Life old_post_2014

bởi Phan Cao Hoài Nam
217 lượt xem
A+A-
Reset

Ngày hôm qua, khi đang xem những cảnh tuyệt vời nhất của Interstellar trong rạp chiếu bóng, tôi lại nghĩ, một lần nữa, “mình sẽ không rời bỏ nơi này”. Nơi này, giữa những hàng ghế đỏ trong bóng đêm, màn hình sáng trước mặt với những hình ảnh chớp nhoáng liên tục, âm thanh vang dội từ bốn bức tường. Tôi chợt nhớ đến căn nhà cũ kỹ ọp ẹp nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, nếu tôi không nhầm, với tấm bảng “Tạp chí điện ảnh”. Có lẽ tương tự thế, một tòa soạn nhỏ, không có nhiều người, không phô trương ồn ào, nơi có nhiều người lớn tuổi hơn là những người trẻ. Mỗi tuần một vài bài cố định, thỉnh thoảng có thêm phụ san, thêm việc, nhưng chỉ vào những dịp ngẫu hứng. Tôi sẽ ở đó, và trở lại đây, viết và xem phim, xem phim và viết, cho đến hết cuộc đời.

Cuộc đời như vậy có ổn không?

Tôi không phải là một trong số họ, những người có thể tạo ra những bộ phim như thế, đôi lúc tôi đã ao ước mình có thể. Nhưng họ có niềm vui của họ, những người thưởng thức như tôi có niềm vui của tôi. Và dẫu cho hàng trăm hàng ngàn bộ phim ra đời mỗi năm, những điều mới mẻ vẫn đến. Những bộ phim xuất sắc và không hề giống nhau, những bộ phim ngập tràn cảm xúc không lặp lại, mỗi bộ phim hay là một điều duy nhất, vẫn đến. Một tập hợp lũy thừa bao nhiêu đây, bao giờ họ mới thôi không còn làm ra những tác phẩm tuyệt vời nữa? Bao giờ họ mới cạn kiệt ý tưởng và nhiệt huyết, cạn kiệt sự tìm tòi và khám phá, cạn kiệt những suy tư và thông điệp? Nền điện ảnh mới chỉ khoảng 100 năm thôi, và tôi cũng chỉ ở đây chưa trọn con số ấy.

Mùa thu là mùa tôi chờ đợi nhất trong năm. Không phải vì nó đẹp, thậm chí nó còn không hiện diện ở miền Nam này. Mùa thu là mùa của những bộ phim hay nhất. Còn tôi vì nó háo hức như một đứa trẻ.

Nhưng khi ra khỏi rạp, ngày hôm qua là Galaxy Nguyễn Du, tôi bỗng dừng lại và, như mọi khi, có một cảm quan lạ lùng về thực tại. Đây không phải là rạp tôi thích lắm, nhưng vì chẳng còn nơi nào có suất phù hợp, đành phải lựa chọn. Tôi đứng chờ bạn lấy xe, ở một góc nhìn thẳng vào cửa ra vào, nơi có lẽ cả trăm người – hầu hết đều trẻ trung và ăn mặc đẹp đẽ, tụ tập thành từng góc trò chuyện. Ở tấm bảng lớn là banner của Interstellar, Cooper quay lưng và bước đi vào hành tinh băng giá, một poster khá đẹp theo ý tôi. Trời đã nhá nhem tối, và tôi chuẩn bị trở về nhà.

Trong đầu tôi bỗng hiện lên một hình ảnh khác, một buổi sáng mưa phùn ở Los Angeles, trong một chung cư cao cấp. Một người đàn ông, khoảng 60 tuổi, giật mình thức giấc, vùng dậy khỏi lớp chăn và thở dốc. Ông nhìn ra ngoài cửa kính mịt mờ bởi những hạt mưa lất phất và hơi sương lạnh lẽo. “Tôi là ai?”, ông tự hỏi, “tôi đang làm gì ở đây?”. Tiếp sau đó, tôi không biết, có lẽ ông sẽ khóc. Theo kiểu một đứa trẻ, bưng hai tay lên mặt mà nức nở. Ông là Robin Williams, trong những tháng cuối đời, một trong những điều người ta kể về ông, để miêu tả những vấn đề ông gặp phải.

Nhưng đó không phải là vấn đề của riêng ông. Đó là vấn đề của hầu hết các diễn viên ở Hollywood gặp phải. Ví dụ như Heath Ledger. Tôi không rõ vai diễn The Joker có thật sự quyết định đến cái chết của Heath Ledger hay không, hay nhiều đến mức nào, nhưng tôi biết nó ảnh hưởng đến anh. Trong một bài phỏng vấn, anh kể rằng mình không thể ngủ được, dù đã vài tháng trôi qua sau khi bộ phim đóng máy. Anh dùng thuốc ngủ và thuốc giảm đau, nhưng vô dụng. Hay như cái chết của một nam diễn viên mà tôi yêu thích vào năm nay là Phillip Seymour Hoffman, do sử dụng ma túy quá liều. River Phoenix cũng chết vì sử dụng ma túy quá liều. Hầu hết các diễn viên đều sử dụng ma túy và các chất kích thích. Họ giàu có, họ có tất cả mọi thứ người ta mơ ước, họ có tất cả những gì họ muốn, nhưng họ vẫn đau khổ. Tôi không nghĩ hầu hết họ đều sa đọa vì tiền và danh vọng, tôi nghĩ họ muốn tìm thứ gì đó thuộc về chính mình, như Robin Williams. Vì cả cuộc đời họ sống cuộc đời của những người khác.

Và đột nhiên, tôi thấy sợ.

Cảnh tượng một ông già vẫn gặp ác mộng và tự hỏi mình là ai vào buổi sáng nào đó, khiến tôi sợ hãi.

Tôi vẫn tìm đọc những người yêu điện ảnh thực sự, tôi không quen họ nhưng tôi biết đến họ, và ngạc nhiên thấy rằng hầu hết họ đều quen biết nhau. Rất dễ để nhận ra một người yêu điện ảnh, giữa những người thích điện ảnh hay quan tâm đến nó. Họ đều giống nhau ở một điểm gần như là nỗi ám ảnh, họ sống trong những thế giới khác và gặp khó khăn trong việc hòa nhập với thực tại. Một nhân vật trên phim, ở vào một khoảnh khắc nhất định, còn gần gũi hơn cả những người thân thiết nhất. Họ xem đi xem lại một bộ phim dành cho những thời điểm sầu thảm, đôi khi nó làm họ khá hơn, đôi khi không, nhưng họ vẫn xem nó. Họ đối xử và hành động hoàn toàn lạc tông với những người xung quanh, vì xu hướng hành động của họ chịu ảnh hưởng của các tình huống trong phim, và đối với người bình luận, là óc phân tích họ có. Họ phân tích cuộc sống như phân tích một bộ phim, đa phần họ nghĩ rằng mình hiểu được cảm xúc người khác đến tận cùng, cho đến khi họ nhận ra họ chỉ làm mọi thứ rối tung và phức tạp quá mức cần thiết. Điều chung nhất, là nơi họ thấy thoải mái nhất, không phải ở nơi làm việc (điều này cũng đúng với hầu hết mọi người), không phải ở nhà, công viên, không phải một địa điểm du lịch mơ ước, thậm chí không phải ở trên giường cạnh một cô gái xinh đẹp đang say ngủ, mà là trước một màn hình, với những hình ảnh thay đổi liên tục, và liên tục. 

Thứ họ “nghiện”, không phải là ma túy nhưng cũng tương tự, là một khoảnh khắc cảm xúc dâng tràn, một điểm “G” khoái cảm có được bởi tập hợp của vô vàn cảm xúc phức hợp tạo nên từ câu chuyện, nhân vật, cách dẫn dắt, câu thoại, diễn xuất, âm nhạc… Ở điểm đó, trái tim rung lên thổn thức, và nước mắt cứ chực trào ra. Hoặc đôi khi, nó chỉ đơn giản là chạm vào sự ngưỡng mộ mang tính tâm linh. Họ ở đó, sững sờ trước những gì mình đang cảm thấy, trải qua những giây phút như là đê mê. Giống như ma túy, họ không thể thôi mong chờ và tìm kiếm cảm xúc ấy. Nó khiến họ yêu đời hơn, vị tha hơn, nhìn cuộc sống nhiều màu sắc hơn. Đôi khi, nó trở thành cuộc sống.

Chỉ có một điều thôi, giống như những diễn viên Hollywood đã chết và đang chết, họ sống cuộc đời của những người khác – dù ở một mức độ khác. Những cuộc đời đó tạo thành một lớp màng bao quanh họ, cô lập họ, và không buông tha họ. Lớp màng ấy chẳng có gì ngoài nỗi cô đơn.

Tôi không nói rằng chỉ những người yêu phim ảnh mới thấy cô đơn. Hầu hết chúng ta đều cô đơn. Nhưng họ, cô đơn vì một nguyên do không mấy người gặp phải, họ như bước trên mặt trăng, cứ phải tìm một trọng lực để nhấn mình xuống, để cảm thấy sức nặng cuộc sống thực của chính mình.

Tôi nhớ mình đã đi rất nhiều rạp chiếu bóng. Tôi vẫn muốn đi hết những rạp chiếu bóng ở thành phố, nhưng chưa thể. Tôi đã từng mường tượng nó khác, và có thể nó từng như thế ở những thời đại trước hoặc một đất nước khác, những rạp nhỏ cũ kỹ, như đã có trong True Romance hay Taxi Driver, với một luồng ánh sáng phát ra từ một khe hở hình chữ nhật trên cao. Tôi chưa có dịp vào một rạp nào như thế, dù nghe nói có một số rạp cũ ở thành phố, giá rẻ, chất lượng tồi (tất nhiên), một số nơi còn phục vụ nước ngọt miễn phí, nơi chỉ có những cặp tình nhân mua vé để lợi dụng sự vắng vẻ và bóng tối cho mục đích xúc giác hóa tình yêu của họ. Tôi sẽ đến, chắc chắn rồi.

Trong số chúng, có một rạp nhỏ ở siêu thị LotteMark gần nhà tôi ở Biên Hòa. Không có gì đặc biệt về nó, ngoài việc những kỷ niệm khiến nó trở nên đặc biệt. Tôi từng có những giây phút hạnh phúc nhất, và trống rỗng nhất, ở đó, đều là những buổi đêm. Một buổi đêm tháng 8, tôi có cảm giác như là tình yêu và thật trọn vẹn. Tôi không rõ những người khác như thế nào, nhưng với tôi, không phải ai cũng có thể là bạn đồng hành trong rạp chiếu bóng. Bạn sẽ thích đi với một số người hơn một số người khác, và với một số ít người hơn nữa, bạn luôn muốn cùng họ trải qua những điểm “G” điện ảnh ấy. Tôi ở đó, dễ chịu, tin tưởng, một bàn tay níu lấy tay áo mình, những hơi thở thật nhẹ trong bóng tối. Một năm sau, tôi vẫn lui tới rạp chiếu bóng ấy, gần như hàng tuần, một mình. Có những đêm tôi chọn suất khuya nhất, hoặc có đêm tôi xem liền hai phim, hầu như cả rạp lúc ấy chỉ chưa đến 5 người. Tôi cảm thấy hơi buồn cười rằng hình như tôi là ông chủ ở đây, tôi có thể chọn ngồi chỗ nào tùy thích, gác chân tùy thích, chẳng ai phàn nàn. Có ai mà phàn nàn, những người soát vé cũng đã đi đâu mất hết rồi. Nhưng phần nhiều, tôi ngồi yên một chỗ, lơ mơ ngủ vì những bộ phim dở, hiếm có phim hay ở suất cuối, chẳng biết vì sao, cho đến khi dòng chữ credit xuất hiện.

Khi bước ra khỏi rạp vào lúc nửa đêm, xung quanh đều im ắng và vắng bóng người, đèn đã tắt hết trừ chỗ lối đi. Những sạp hàng đã đóng cửa, những tấm lưới sắt chạm đến tận sàn, những con ma-nơ-canh khoác lên mình bóng tối thật sống động, cứ nhìn vào từ mọi hướng, tiếng thang máy rì rầm gần xa, tiếng bước chân vang vào tường và vọng đến cuối hành lang, tôi mỉm cười và nghĩ rằng, những giấc mơ cũng chỉ thật được đến mức này thôi. Tôi thấy được an ủi.

Trên chuyến xe bus đêm để về nhà, từ buổi chiếu Interstellar, tôi tận dụng chút thời gian để viết reviews bằng điện thoại. Một cách để qua nhanh giây phút chờ đợi, nó khá hiệu quả. Nhưng pin báo đỏ, nói rằng tôi không thể sử dụng nó nhiều nữa. Tôi đành gác lại và quyết định sẽ nghe nhạc. Nhìn vào list nhạc của mình, tôi thở dài, cũng chỉ toàn là nhạc nền từ phim ảnh. Main theme của Eternal Sunshine, Ice Scrupture của Groundhog day, Waiting của The Classic, Eli theme của Let the Right one in, Main theme của Cloud Atlas, La Valse d’Amélie của Amélie, Bagatelle for Violin&Piano của Buzzer Beat

Tôi chọn Ice Scrupture, có tiếng saxophone nhẹ nhàng mà tôi rất yêu. Tôi để đầu lên thành cửa sổ, nhắm mắt lại, và trong phút chốc hoàn toàn bình yên. Bây giờ, hiện tại này, tôi không cần nghĩ về bất kỳ điều gì nữa. Kể cả ngày mai.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00