Có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao loài chó lại trở thành thú cưng thân thiết nhất với con người? Chuyện đã bắt đầu như thế nào? Vì sao không phải là một loài khác, như báo hay sư tử? Bạn có hai lựa chọn: Hoặc là xem loạt truyền hình khoa học nổi tiếng Cosmos: A Spacetime Odyssey (2014), hoặc xem bộ phim Alpha (Alpha: Người thủ lĩnh, 2018).
Tôi không hiểu lắm về tựa việt của bộ phim này, khi Alpha là tên của chú chó sói, không phải “người”. Đây là chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái La Mã, có lẽ để nhấn mạnh đây là con sói đầu tiên được thuần hóa. Tổ tiên của các giòng giống chó nhà đa dạng sau này. Người thuần hóa nó là Keda (Kodi Smit-McPhee), con trai của thủ lĩnh một bộ lạc 20.000 năm trước. Giống như Hitcock trong How to Train the Dragon, đây là một cậu trai yếu ớt, nhạy cảm, khác hẳn cha. “Nó lãnh đạo bằng trái tim, không phải bằng sức mạnh,” mẹ cậu nhận xét.
Cảnh đầu tiên của phim là một cuộc săn bò, và Keda bị một con bò to lớn húc văng xuống vực. Không hẳn là cảnh mở đầu quá thành công, bởi tạo cảm giác kĩ xảo quá đà. Nhưng ít nhất, kịch bản mở ra một điều chân thật: Trong tự nhiên, kẻ nào tỏ ra sợ hãi và yếu đuối sẽ trở thành con mồi. Chuyện phim bỗng quay về một tuần trước, xây dựng lớp nền cho các nhân vật, rồi mới dẫn đến sự kiện này. Chúng ta biết thêm vài tập tục của bộ lạc, như những cậu trai vượt qua đợt tuyển chọn săn bắt sẽ bị… đánh nhừ tử. Đây là tập tục có thật, vẫn tồn tại ở một số thổ dân châu Phi và Nam Mỹ ngày nay.
Chuyện phim thật sự chỉ bắt đầu sau khi Keda rơi xuống vực và bị bỏ lại. Đúng lúc chúng ta tưởng như sắp chứng kiến một Revenant (Người về từ cõi chết, 2015) khác, với một Leo khác, thì Alpha xuất hiện. Đó không hẳn là Alpha thật sự, như lời kể của cha Keda trong một buổi tối. Keda tự đặt tên cho con sói. Cả hai gặp gỡ không thân thiện lắm, nhưng nhanh chóng trở nên gắn bó trong hành trình về nhà đầy hiểm nguy trắc trở của Keda. Cậu bé học cách trở thành một con sói độc lập. Còn con sói trở nên có trái tim.
Dù mở đầu có gây lo lắng về vấn đề kĩ xảo, phần còn lại của Alpha ngập đầy những khung hình tuyệt vời, khoáng đạt về thiên nhiên rộng lớn hùng vĩ. Đạo diễn Albert Hughes, được biết đến với The Book of Eli (Quyển sách của Eli, 2010), tận tâm chăm chút và rất chịu khó sáng tạo trong từng cảnh quay. Có một cảnh quay dài, khi ống kính băng qua vùng bình địa rộng lớn, cho thấy quãng đường vời vợi mà đoàn người phải vượt qua cho mỗi cuộc săn. Đó cũng chính là quãng đường Keda phải chinh phục lúc trở về. Hugh tận dụng khoảng không rộng lớn để mang đến những cảnh trời đêm đẹp ngỡ ngàng và giàu tính gợi. Thời kì ấy, con người nhỏ bé, yếu đuối biết bao và chịu khuất phục hoàn toàn trước tự nhiên. Ở cảnh người cha thủ lĩnh khổ đau, tưởng như đã mất con trai, hiệu ứng bắt bóng được dùng rất hợp lí và giàu cảm xúc.
Từ đó về sau, không có giây phút nào người xem bắt gặp cảm giác lạm dụng kĩ xảo quá đà. Tất cả đều chân thực, gai góc, chạm vào cảm giác của ta. Nhất là khi tuyết trắng và băng giá bắt đầu bao phủ. Khi thưởng thức những cảnh phim ấy, tôi chỉ có một suy nghĩ rằng thật may mắn khi được sinh ra ở thời đại này.
Cốt truyện tiếp theo, bạn có thể đoán trước, là câu chuyện về “cậu bé và chú chó” điển hình. Tôi không rõ phim dùng kĩ xảo hay một con sói thật, hoặc cả hai, nhưng Alpha rất sống động và… đáng yêu. Nếu từng đọc qua quá trình thực hiện Life of Pi (Cuộc đời của Pi, 2013) của Lý An, bạn sẽ hiểu làm phim về con vật khó đến mức nào. Không kĩ xảo nào đủ sức bắt chước biểu cảm hay tạo ra được linh hồn cho chúng. Alpha trong phim cũng thuyết phục không khác gì chú hổ Khan. Theo dõi quá trình chú sói trở thành bạn đồng hành đáng tin cậy của Keda, với tôi, là khá thú vị. Có lẽ bất kì người yêu chó nào cũng sẽ thấy thích thú.
Tuy nhiên, Alpha chỉ dừng lại ở một hành trình dễ chịu, chưa đủ sức đứng vào hàng các phim về thú cưng hay nhất, hay sử thi hay nhất. Đoạn kết không được thỏa mãn lắm, và có đôi chút gượng ép khi cố mang ra một chi tiết biểu tượng. Quá trình thuần hóa sói không thể đơn giản và nhanh chóng như thế. Một Alpha là chưa đủ. Thực tế khắc nghiệt hơn nhiều, con người đã phải thải loại rất nhiều những con sói hoang dã, không thể tuân phục, qua nhiều năm tháng. Loài sói cũng phải đánh đối, hi sinh tự do để lấy thức ăn và sự an toàn. Nếu thật sự đào sâu, Alpha sẽ máu me và đau đớn hơn với cả Keda lẫn chú sói.
Thông điệp trưởng thành của phim cũng chưa đủ sức để khiến ta xúc động. Nam diễn viên trẻ tuổi Kodi Smit-McPhee có một vai diễn hết sức cố gắng, và có lúc, tạo cảm giác như sắp sửa trình diễn một khoảnh khắc đẳng cấp xuất thần. Nhưng khoảnh khắc ấy không bao giờ đến. Nửa sau của Alpha tỏ ra thiếu vắng chi tiết, ở cả mặt sinh tồn lẫn “thủ lĩnh”, để liên kết với thông điệp “bằng trái tim” ban đầu. Dù có râu ria hay tóc dài ra, Keda vẫn không có được khí chất của một người đàn ông được trui rèn qua tai nạn và bão tuyết. Cũng giống như một con sói không thể thân thiết với người chỉ sau thời gian ngắn. Một thủ lĩnh không thể sinh ra dễ dàng như thế.
Dù sao, trong tình hình phim rạp ảm đam thế này, Alpha là tác phẩm đủ sức để giúp những kẻ yêu phim chống đỡ. Một phim được làm với sự chăm chút và có lẽ, cả tình yêu dành cho loài thú cưng thân thiết của con người. Dù có yêu thích một chuyến phiêu lưu vào thời quá khứ xa xôi hay không, chúng ta cũng sẽ cảm nhận được tình yêu đó.