Trang chủ Năm Phát Hành2017 AMERICAN ASSASSIN

AMERICAN ASSASSIN

bởi
449 lượt xem
A+A-
Reset

Xem American Assassin (Sát thủ kiểu Mỹ) giống như chứng kiến một cậu bé cố chứng tỏ mình là đàn ông. Phim dán nhãn R cho các màn tra tấn, máu me, khủng bố… giống như cậu ta cố để râu, mặc áo khoác rộng thùng thình, đôi khi phun phèo phèo và nói những câu thật ngầu. Nhưng chúng ta dễ dàng thấy đó vẫn chỉ là cậu bé.

Có lẽ chỉ có phim Mỹ mới có kiểu đặt tựa rất tự hào dân tộc là “American + ba chấm”. American Pie, American Gangster, American Graffiti, American Sniper, American Beauty… Tháng trước có American Made, và giờ là American Assassin. Khi thêm “nước Mỹ” vào, tựa phim bỗng như chứa đựng sự vĩ đại và đậm chất văn hóa, chất Mỹ, dù đôi khi rất khó định nghĩa chất Mỹ là thế nào. Nhưng không phải mọi thứ mang tên Mỹ đều là vàng.

Dựa trên quyển tiểu thuyết ăn khách cùng tên của Vince Flynn, American Assassin rất kì vọng phát triển thành một loạt phim hành động điệp viên, như Bourne. Phim mở đầu bằng một cảnh ở bãi biển, khi nam chính Mitch Rapp (Dylan O’Brien) có một màn cầu hôn ngọt ngào với bạn gái. Bi kịch ập đến khi một nhóm khủng bố tấn công, xả súng hàng loạt và giết đi cô gái. Vài năm sau, Flynn gia nhập một đội đặc nhiệm bí mật của CIA, do cựu binh thời chiến tranh lạnh Hurley (Michael Keaton) huấn luyện. Cùng nhau, họ phải phá được đường dây sản xuất vũ khí hạt nhân tại quốc gia Trung Đông nọ.

Một cốt truyện thoạt nghe đã thấy bình thường. Và khi được phát triển trong phim, dưới bàn tay của đạo diễn lần đầu làm phim hành động Michael Cuesta, lại càng không có gì đặc biệt. Ngôn ngữ điện ảnh của Cuesta là khá đơn điệu, đến mức ngay cả các chuyển cảnh đối thoại cũng đều đều, thiếu điểm nhấn. Chuyện phim dễ đoán, và gần như đã tiết lộ hết ở trailer. Khi gần 2h đồng hồ mà chỉ là bản mở rộng của trailer, ta biết rằng khó có thể trông chờ gì được.

Điểm yếu nhất của American Assasin là quá cliché. Một số phim theo hướng này vẫn đáng theo dõi, nhờ nhân vật thú vị. Tác phẩm của Cuesta không có điều đó. Các nhân vật trong phim đều mỏng, thiếu chiều sâu, gần như không phát triển gì thêm khi chuyện phim trôi đi. Một nam chính hận thù, bốc đồng, hành động vô kỉ luật, vẫn tiếp tục như thế đến khi kết thúc. Một người huấn luyện cứng cựa, gan góc, vẫn tiếp tục gan góc, cứng cựa, không cho thấy ngóc ngách nội tâm nào. Một nữ chỉ huy da màu không hiểu vì sao ưu ái nam chính, liên tục đưa ra những quyết định khó hiểu. Các nhân vật khác thì như những cái bóng mờ, xuất hiện và biến mất để gây sốc. Các chi tiết thì rời rạc và phạm một lỗi to đùng là “từ trên trời rớt xuống” để giải quyết các mâu thuẫn.

Chất bạo lực trong phim được thể hiện khá ổn ở cảnh đầu phim, trong cảnh chạy loạn khi khủng bố tấn công, nhưng càng về sau càng lạm dụng. Sử dụng máu me và các cảnh “thật” chỉ là mức thấp nhất trong miêu tả bạo lực. American Assassin có một cảnh tra tấn sẽ khiến nhiều người nhăn mặt, nhưng vì ghê tởm nhiều hơn là ghê sợ. Bạo lực thật sự là phải tác động vào tâm trí, không phải giác quan, thông qua việc tạo dựng không khí và áp lực. “Mánh” duy nhất đạo diễn Cuesta có để tạo ra hồi hộp là các tình huống bất ngờ rẻ tiền, như bỗng nhiên một tiếng súng nổ, ở những cảnh ít người xem nghĩ đến nhất. Và như thế là chưa đủ.

Có rất nhiều điều vô lí và lỗ hổng trong tâm lý và tình tiết phim. Tôi có cảm giác như xem một vở kịch tự phát, mà ngay cả các diễn viên và đạo diễn không biết phải đi về đâu. Đôi chỗ vụng về đến buồn cười, như việc các nhân vật nữ trong phim đều chết thê thảm, như thể có hận thù gì với biên kịch: Từ vị hôn thê, cô gái trong khách sạn, nữ điệp viên… Và cuối cùng, rốt cuộc thì bộ phim này muốn nói về điều gì? Chúng ta sẽ không thể thấy được, hay cảm được bất kì thông điệp cụ thể nào. Hầu hết phim điệp viên là về lí tưởng và trách nhiệm. Hầu hết phim báo thù là về tình yêu. Hầu hết phim hình sự là các bí mật bị che giấu. American Assassin có vẻ có tất cả những thứ đó, nhưng hóa ra lại không có gì cả. Phim đi vào lối mòn ngay cả ở đoạn kết, khi cố kích động người xem, nhưng lại quên mất các vấn đề về thông điệp. Như vậy là nước Mỹ nuôi một nhóm sát thủ sẽ tiêu diệt bất cứ nguyên thủ nào chống đối, như một nước độc tài độc ác? Và các sát thủ ấy, như Rapp, sẵn sàng thực hiện với nụ cười mỉm mà không có bất kì tự vấn đạo đức nào? Làm sao chúng ta quan tâm đến một nhân vật như thế, cho dù đó có phải sự thật hay không.

Diễn xuất của diễn viên luôn là sản phẩm thô, và hiệu quả đến đâu, là nhờ bàn tay đạo diễn. Trong một phim mà đạo diễn làm không thật sự tốt, thì khó để đưa diễn xuất của bất kì ai trở nên nổi bật. Michael Keaton, sau khi hồi sinh với Birdman, đang rất tích cực trở lại cuộc chơi qua đủ các vai phản diện lẫn chính diện. Nhưng chưa có vai diễn nào ở dòng phim thị trường tỏ ra phù hợp với khả năng của ông, mới đây là Spider-Man: Homecoming và giờ là American Assassin. Còn Dylen O’Brien, nổi lên từ loạt The Maze Runner, dường như muốn lột xác bằng một hình tượng trưởng thành hơn. Thời điểm này có vẻ hơi sớm, khi ta thấy anh như đeo mặt nạ chì suốt bộ phim, chỉ để tỏ ra chất chứa nỗi đau và thù hận. Thứ anh thiếu là khí chất và sự từng trải, điều mà các tay lão làng như Liam Neeson thuyết phục ta ngay gần như chẳng cần cố gắng.

Điểm sáng duy nhất trong phim có lẽ là cảnh hạt nhân cuối phim, được xử lí khá tốt, cho thấy sức hủy diệt kinh hoàng và vấn nạn mà thế giới đang phải đối mặt. Nhưng bạn có thể giảm thiểu bao nhiêu sức mạnh của quả bom, khi thả nó xuống nước chỉ vài giây trước khi nổ? Và đó là giải pháp thông minh nhất mà các biên kịch nghĩ ra được? Và ở đâu ra cả một hạm đội hùng hậu chỉ để làm nền cho vụ nổ ấy? American Assassin đơn giản là một nỗ lực tạo loạt phim thất bại, như nhiều nỗ lực khác trong thời đại hoàng kim của phim chuỗi hiện tại.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00