Trang chủ Phía Sau Màn Ảnh BỘ PHIM KHÔNG BAO GIỜ KẾT THÚC

BỘ PHIM KHÔNG BAO GIỜ KẾT THÚC

bởi
607 lượt xem
A+A-
Reset

Có nhiều cách để đạo diễn thực hiện một bộ phim. Đôi khi rất kì công, như đạo diễn Richard Linklater mất 12 năm để quay Boyhood (Thời niên thiếu, 2014) theo thời gian thực. Và đôi khi rất… kì quái, như đạo diễn Ilya Khrzhanovsky của Nga, khi tạo ra cả một thế giới riêng trong Dau (Đời nhà khoa học, 2019).

Dự án kì lạ

Ngày 17/2 vừa qua, bộ phim tiểu sử Dau, kể về cuộc đời nhà khoa học Xô Viết nổi tiếng Lev Landau chính thức ra mắt ở Pháp. Landau có nhiều đóng góp lớn lao trong vật lí lượng tử, đoạt giải Nobel Vật lí vào năm 1962. Tuy vậy, đời sống riêng của ông mới là mảnh đất màu mỡ cho điện ảnh. Landau qua lại với nhiều phụ nữ, khám phá tình dục tự do, trong khi duy trì hôn nhân với người vợ đáng thương Nora. Ông vào viện tâm thần sáu lần và chết do tổn thương từ một tai nạn xe hơi thảm khốc.

Nghe qua nội dung, Dau giống với một phim tiểu sử điển hình. Nhưng nếu vô tình lạc vào hai nhà hát lớn nhất của Pháp là Théâtre de la Ville và Théâtre du Châtelet, thời điểm diễn ra lễ công chiếu, bạn sẽ biết đây không hề là bộ phim “bình thường”. Bên trong, bạn sẽ gặp hàng trăm người là diễn viên, thành viên đoàn làm phim, đi lại nói cười. Một số phòng được trang trí theo kiểu cộng sản Liên Xô thế kỉ trước. Một số phòng khác lại giống các câu lạc bộ đêm Berlin. Nếu bước vào lúc bình minh, bạn có thể gặp khán giả trở ra từ buổi chiếu xuyên đêm. Bởi vì sự kiện diễn ra 24/24, và thời lượng của phim là… 5 giờ 30 phút.

Thưởng thức bộ phim này có lẽ sẽ giống với một hình thức tra tấn. Theo đánh giá của các nhà bình luận, Dau giống như một tập hợp lộn xộn các câu chuyện, không theo trật tự hay chủ đích nào. Cây bút Rachel Donadio của tờ The Atlantic miêu tả bộ phim “điên rồ, nhàm chán và mang chất khiêu dâm”. Nhưng ông, như nhiều người khác, bày tỏ sự khâm phục với quá trình sản xuất độc nhất vô nhị của Khrzhanovsky. Một cuộc cách mạng về sáng tạo, hoặc đơn giản là ý tưởng tâm thần. Giống như Truman Show (Chương trình của Truman, 1998) hay Synecdoche, New York (Cải dung, New York, 2008), đạo diễn người Nga đã tạo ra một thế giới biệt lập của Liên Xô thế kỉ trước, đưa hàng trăm người vào “sống” thật sự trong 3 năm, và ghi hình họ.

Năm 2006, hàng trăm diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, nghệ sĩ đường phố, nhà khoa học, người dân, cả tội phạm và các băng đảng… đã từ bỏ cuộc sống thường nhật để chui vào một phim trường khổng lồ đặt tại Kharkov, Ukraine. Được Khrzhanovsky gọi là “Học viện” còn báo chí phương Tây là “Truman Show thời Stalin”, rộng 12 ngàn mét vuông, nơi đây được xây dựng thành một khu vực tập trung ở Moscow từ năm 1938-1968.  Nội bất xuất, ngoại bất nhập, các diễn viên ăn mặc và sống 24/24 như những người dân Liên Xô thời kì ấy. Không có kịch bản, lời thoại hay định hướng nào, trừ nhân vật Lev Landau và những người liên quan. Đó là cách Dau ghi hình.

Thế giới song song 

Dau có lẽ là dự án tốn kém, tốn công sức và thời gian nhất của điện ảnh Nga thời hiện đại. Kinh phí không được tiết lộ, nhưng rõ ràng không thể khiêm tốn, đều từ kêu gọi góp vốn. Thành công từ bộ phim 4 (Số 4, 2004), đã giúp Khrzhanovsky đủ uy tín để đạt được con số cần thiết. Ý tưởng về một “không gian thực” nảy ra khi ông đang buồn chán vì biết DAU như thông thường sẽ là “thứ ngớ ngẩn”. “Đó là một khoảnh khắc bừng sáng kiểu Dostoevskian,” ông nói, nhắc đến văn hào Nga Dostoevsky.

Sau khi xây dựng “học viện”, Khrzhanovsky bắt đầu tuyển diễn viên. Hơn 3.500 đơn đăng kí từ khắp mọi nơi, nhưng chỉ có hơn 400 người được chấp nhận. Họ đều phải kí vào một bản cam kết với các điều khoản cụ thể, trong đó có tình dục. Không có ranh giới giữa thật và ảo trong thế giới Dau, diễn viên tự do kết hôn và làm mọi thứ mình thích. Kết quả là 14 đứa trẻ được sinh ra ở đây. “Nơi này không phải phim trường lịch sử, mà là một vũ trụ song song,” vị đạo diễn 43 tuổi giải thích. “Nơi người ta tái sinh ra một cái tôi mới.”

Các camera hiện đại được bố trí khắp nơi, ghi lại gần như tất cả hoạt cảnh diễn ra. Diễn viên không hề biết mình bị ghi hình ở đâu, vào lúc nào. Không phải không có sự cố trong thế giới hoài niệm thu nhỏ này. Vài diễn viên đã vi phạm điều khoản, như sử dụng điện thoại, và bị đuổi. Vài người khác bỏ trốn bởi cảm thấy khó ở và gần như phát điên. Một bà mẹ lo sợ cho đứa con mới sinh, vì nghĩ Khrzhanovsky sẽ “bạo hành nó để tăng kịch tích”, điều vị đạo diễn phản đối… Sau 3 năm, quá trình quay phim kết thúc khi một nhóm diễn viên đã nổi loạn phá hủy phim trường.

Nghệ thuật hay rác rưởi?

Dau mất 6 năm sau đó cho phần hậu kì. Sau khi lỡ hẹn tại Cannes, Khrzhanovsky tìm cách ra mắt phim ở 3 thành phố Berlin, Luân Đôn và Paris vào tháng 10/2018. Chính quyền Berlin không đồng ý vì các sự kiện công chiếu dự định đặt tại bức tường Berlin. Luân Đôn cũng do dự. Cuối cùng, chỉ có Paris chấp nhận bộ phim, nhưng dời đến cuối tháng 1 cho các sự kiện. Theo Khrzhanovsky, bộ phim chưa dừng lại ở rạp chiếu bóng, mà sẽ tiếp tục ra mắt bản phim số và các “phần ngoại truyện” có sự tương tác của khán giả xem phim. “Một câu chuyện không bao giờ kết thúc,” tờ Caravan nhận xét.

Sau khi ra mắt, Dau nhận về nhiều phản hồi trái chiều. Các ý kiến tiêu cực chê trách thời lượng phim quá dài, các cảnh phim vô nghĩa không phục vụ ý đồ nghệ thuật nào, cũng như ranh giới mong manh với phim khiêu dâm. Như trong một cảnh, màn hình được chia thành 16 ô nhỏ, cho thấy cuộc sống các nhân vật. Một số là cảnh làm tình sống sượng. Đời sống ái tình của Landau dĩ nhiên là tâm điểm, nhưng hiếm khi được phát triển cùng tâm lí nhân vật. Đáp lại, đạo diễn Khrzhanovsky cho rằng: “Tình dục là thật, nhưng nó không quan trọng. Quan trọng là những gì xảy ra giữa con người.”

Dường như, tất cả đều không tương xứng với sự đồ sộ và dũng cảm của quá trình sản xuất. Một dự án với tham vọng hoành tráng, nhưng lại mâu thuẫn cực độ với sản phẩm cuối cùng. “Có lẽ đó là ý ẩn dụ lớn cho số phận của Liên Xô,” cây bút Rachel Donadio nhận xét. “Dau còn là trường hợp điển hình cho văn hóa truyền miệng của giới nghệ sĩ Paris,” Donadio chốt lại. “Một văn hóa chứa chấp bất kì dự án nào khẳng định là mình là avant-garde, bất kể kì cục hay tầm thường đến đâu.”

Ngược lại, cũng có những lời khen cho sự táo bạo của Khrzhanovsky. Ít nhất, đó là một bộ phim sống động, mang đến không khí xưa cũ chân thật của Mát-xcơ-va ngày cũ. Bất kì cuộc cách mạng nào cũng cần có bước chân tiên phong. Trước Khrzhanovsky, chưa ai dám nghĩ một lối làm phim như vậy có thể tồn tại. Còn về giá trị nghệ thuật, DAU nằm ở đâu đó giữa thử nghiệm cá nhân, phim tác giả và “rác rưởi”, như lời Donadio nhận xét. Một giấc mơ hoang đường của Khrzhanovsky, giống như nhân vật Caden trong Synecdoche, New York, và cơn ác mộng của những người còn lại. Cơn ác mộng ấy đáng nhớ hay đáng quên, là tùy thuộc ở người xem.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00