Trang chủ Năm Phát Hành2007 BRIDGE TO TERABITHIA

BRIDGE TO TERABITHIA

bởi
1.1K lượt xem
A+A-
Reset

Tôi không biết mình nên cám ơn hay chê trách trailer lừa dối của hãng Disney, khi quảng bá cho Bridge To Terabithia. Lần đầu xem phim, mà không hề biết đến nội dung hay quyển sách cùng tên, hay bản phim cũ năm 1985, tôi tưởng mình sắp bước vào chuyến phiêu lưu kiểu Narnia. Hai đứa trẻ, tình cờ tìm được một con đường bí mật, dẫn chúng đến cây cầu huyền bí để vào xứ sở diệu kỳ. Ở đó, chúng chiến đấu với những sinh vật kỳ lạ, chiến thắng và trở thành kẻ trị vì vương quốc. Đó là những gì trailer thể hiện.

Một trailer câu khách, và hoàn toàn sai lệch với nội dung phim. Nhưng cũng nhờ đó, tôi bị bất ngờ trước những gì mình tìm thấy: câu chuyện xúc động về tình bạn giữa hai đứa trẻ cô đơn, hai đứa trẻ đặc biệt với sự nhạy cảm và mộng mơ, nhưng khiến chúng bị xa lánh. Cả hai tạo nên một vương quốc tưởng tượng riêng cho mình, và chia sẻ cuộc sống với nhau, cùng giúp đỡ và thay đổi lẫn nhau. Một bộ phim vừa ấm áp vừa đau thương, được kể mượt mà bởi đạo diễn chuyên làm phim hoạt hình Gabor Csupo, âm nhạc tuyệt vời từ Aaron Zigman, một trong những phim có nhạc nền hay nhất với tôi, và không thể không kể đến diễn xuất trong sáng và giàu cảm xúc của bộ đôi ngôi sao tuổi teen (năm 2007) Josh Hutcherson và AnnaSophia Robb.

Tôi đã khóc ở lần xem đầu tiên cách đây vài năm. Và ngay cả khi đã biết trước điều sẽ xảy ra, vẫn không thể ngăn được nước mắt ở lần xem lại này.

Dù có những cảnh dùng đến kỹ xảo, và được đầu tư khá kỹ lưỡng để vẽ ra vương quốc tưởng tượng Terabithia, thì bộ phim vẫn gắn với thực tế nhiều hơn. Jess, một cậu bé miền quê nhà nghèo, đến mức không có một đôi giày đàng hoàng đi học, dường như không có một niềm vui sống nào. Cậu là người vô hình ở nhà giữa các chị gái, và là một kẻ lập dị bị bắt nạt ở trường học. Jess chỉ thích chạy và vẽ, với một tâm hồn nhạy cảm và dễ tổn thương. Cậu cảm thấy xa cách với người bố nghiêm khắc của mình, nhưng cũng mong chờ tình yêu thương từ ông, dù chỉ nhỏ bé như một nụ hôn chúc ngủ ngon.

Rồi Leslie xuất hiện. Cô bé đánh bại Jess trong cuộc thi chạy và chú ý đến cậu ngay từ đầu. Leslie cảm thấy được nỗi cô đơn của cậu, cảm thấy Jess giống mình, và tìm cách kết bạn. AnnaSophia Robb đã tự mình viết thư cho đạo diễn Csupó, một lá thư “đẹp đẽ, ấm lòng” về tình yêu cô bé dành cho quyển sách và nhân vật Leslie. Csupó bị thuyết phục bởi lá thư ấy, và dù ngoại hình của Robb không giống với miêu tả trong sách, thì tính cách, sự nhiệt tình và thấu hiểu giúp cô bé vào vai Leslie hoàn hảo nhất. Và một lý do khác, vị đạo diễn cảm thấy một sự gắn bó đặc biệt giữa Robb và Hush Hutcherson, người vào vai Jess. Ông biết rằng hai đứa trẻ sẽ mang đến đúng cảm xúc mà bộ phim cần chạm đến.

Tôi yêu những bộ phim có không gian tuổi thơ như Terabithia. Một miền quê thanh bình với con đường xuyên qua những hàng cây, với những khu rừng trải dài như vô tận. Bao nhiêu đứa trẻ, trong đó có tôi, từng trải qua những tháng ngày đẹp đẽ nhất ở đó, với biết bao cuộc phiêu lưu kỳ thú. Những khu rừng là thế giới riêng của trẻ con, chứa đựng tất cả sự tưởng tượng và mộng mơ của chúng. Sẽ luôn có một điều gì đó thật kỳ diệu, thật ma thuật, chờ đợi chúng sau những tán cây, những con suối, mọi đứa trẻ đều biết điều này. Tôi nhớ mình có lần từng đi rất sâu vào trong rừng, với hi vọng tìm được một cánh đồng với hàng cây trĩu quả. Tôi trở về, và kể với lũ trẻ về cánh đồng đó, say mê như thể mình vừa đến được, chạm được và nếm được trái cây ngọt lành nơi ấy. Đó là Terabithia của tôi.

Còn với Leslie và Jess, Terabithia là một vương quốc nơi không có nỗi buồn phiền nào hiện hữu. Leslie là một cô bé giàu trí tưởng tượng và giỏi trong ngôn từ. Trong khi Jess có tài trong việc thể hiện hình ảnh. Chính điều đó khiến cả hai lạc lõng giữa đám bạn xung quanh. Điểm khác biệt duy nhất giữa chúng, là Jesse chìm trong u sầu, còn Leslie lạc quan và đầy sức sống. Cô bé tự chủ, mạnh mẽ, không bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Cô bé là ánh dương chiếu qua đời Jess. Leslie dạy cho Jess cách “mở rộng tâm trí” để nhìn cuộc sống dưới góc nhìn khác. “Nếu bố mẹ cậu là nhà văn, chắc cậu dành nhiều thời gian bên họ nhỉ?”, Jess hỏi. “Không hẳn thế,” Leslie trả lời, và tôi hiểu rằng cô bé không hoàn hảo. Đó là cách Leslie trải qua nỗi cô đơn theo cách riêng của mình, biến những kẻ bắt nạt thành sóc, thành kền kền, biến những nỗi buồn từ thế giới thật thành niềm vui trong tưởng tượng. Một sợi dây bỏ quên trong rừng, lại có thể dẫn lối đến một nơi kỳ thú, cuộc sống lúc đó sẽ tươi đẹp hơn biết bao nhiêu?

Tình bạn trong sáng giữa Leslie và Jess gợi tôi nhớ đến tình bạn giữa Gordie và Christ trong Stand By Me, bộ phim “coming-of-age” xuất sắc năm 1986. Những đứa trẻ sẻ chia thế giới của nhau, sẻ chia nỗi đau, giúp nhau vượt qua để lớn lên. Leslie dần thay đổi Jess. Buổi đêm của ngày đầu tiên hai đứa trẻ đến Terabithia, Jess không ngủ được. Chỉ một cảnh quay ngắn ngủi mà ấm áp. Jess nhìn ra ngoài cửa sổ và mỉm cười, ánh lên trong mắt cậu là một niềm hạnh phúc trong trẻo và mới mẻ, mà cậu chưa từng biết đến. Niềm hạnh phúc khi không còn một mình, không còn cô đơn. Tôi yêu từng chi tiết nhỏ bé của sự quan tâm mà cả hai dành cho nhau, quà tặng sinh nhật của Leslie, chú chó nhỏ từ Jess, và những cử chỉ của tình yêu đến từ các nhân vật khác: tình cảm em gái dành cho anh trai, tình cảm cha con, một cử chỉ nhân ái có thể thay đổi con người (Janice), cô giáo an ủi với nỗi đau của học trò; bộ phim được kết nối bằng những ngọn lửa ấy, và sưởi ấm trái tim ta.

Đây là bộ phim cuối cùng của tay máy kỳ cựu Michael Chapman, người đã tham gia các bộ phim nổi tiếng như JawsTaxi Driver hay Raging Bull. Ông muốn kết thúc sự nghiệp của mình với một bộ phim thật sự hay, và đã dành hết tâm sức cho “Terabithia”. Vì đây là “một câu chuyện đẹp đẽ”, ông nói, “là thể loại phim tôi muốn quay vào thời điểm này của cuộc đời”.

Và cảnh quay dưới mưa ấy, dù tôi có xem đi xem lại bao nhiêu lần đi nữa, vẫn đẹp đẽ và xúc động như lần đầu tiên. Giống như hình ảnh Christ bước đi và biến mất trong trí nhớ Gordie, là một điều gì đó quí giá mà ta sẽ mang theo đến suốt cuộc đời. Điều may mắn nhất của những đứa trẻ, là không bao giờ lo lắng đến ngày mai. Mỗi ngày, chúng gặp gỡ nhau, chơi đùa và nói lời “hẹn gặp lại” thật nhẹ nhàng. Như thể ngày mai, ngày mai, và ngày mai nữa cũng sẽ như hôm nay, sẽ không có lời tạm biệt. Người viết kịch bản cho phim là Paterson, câu chuyện giữa Leslie và Jess chính là câu chuyện thật của ông, với một cô bé hàng xóm vào năm 8 tuổi. Mẹ ông đã dựa vào đó để viết nên quyển sách. Vì thế, ông khắc họa chân thực sự đột ngột ấy, khoảnh khắc ấy, điều ông đã trải qua. Một ngày, ta trở về và mọi thứ không còn như cũ, và mọi người nhìn vào ta thật khác lạ. Ta ngơ ngác không hiểu nhưng biết rằng có điều gì đó rất nghiêm trọng, rất lớn lao và vượt khỏi tầm hiểu biết ở đây. Ta đi ngủ và sáng hôm sau thức dậy, bình thản vì nghĩ rằng đó chỉ là ác mộng. Đó chính là cuộc sống, và khiến tim tôi thắt lại.

Thật khó để viết về Bridge To Terabithia thêm nữa, tôi đã dành cả một buổi tối chỉ để loay hoay mãi mà không cảm thấy hài lòng. Tôi sẽ viết lại một ngày nào đó. Chỉ biết rằng đây là bộ phim mà tôi sẽ yêu rất nhiều, như “Stand by me”, như “Groundhog day”, những bộ phim tôi chỉ muốn xem đi xem lại mỗi khi có dịp, mỗi khi có một người bạn ghé qua. Tôi yêu, tôi yêu, tôi yêu bộ phim này. Điều cuối cùng muốn nói, là cũng như đối với Gordie, Christ không bao giờ mất đi, thì Leslie cũng thế. Mỗi người bạn đặc biệt, đã để lại dấu ấn trong đời ta thì sẽ ở lại mãi mãi. Leslie đã đến Terabithia, nơi cô bé không bao giờ bị lãng quên. Nơi ở trong trái tim của Jess.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Nguyen Dang Liem
Nguyen Dang Liem
4 months ago

Cảm ơn! Bài bình luận rất hay!

1
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00