Một cảnh quan trọng ở cuối Captain Marvel, phim riêng về nữ siêu anh hùng đầu tiên của Marvel, là khi Veir (Brie Larson) nhớ lại những lần mình ngã xuống và đứng lên. Không bao giờ đầu hàng, đó là thông điệp. Nhưng ta không thấy xúc động hay thuyết phục, vì không biết cô nàng là ai. Các cảnh flashback thiếu hiệu quả vì không kết nối được với nhân vật. Thông điệp cũng chẳng ăn khớp gì với cốt truyện. Và quan trọng nhất, Veirs không có tính cách, trong một kịch bản yếu ớt nhất của vũ trụ Marvel tính đến nay.
Một ví dụ khác về sự phi logic trong tâm lí, đến từ sự yếu kém của khâu biên kịch: Cảnh phim cô bạ[wp-review id=”234″]n Maria (Lashana Lynch) đắn đo tham gia chuyến bay lên tàu vũ trụ. Bỗng nhiên cô con gái thốt lên những lời thuyết phục mẹ… đi vào chỗ chết. Có đứa con nào tỏ ra hào hứng khi có thể xa mẹ mãi mãi? Và tại sao nhân vật “nhà khoa học da xanh” lại phải hi sinh không cần thiết để đánh lạc hướng? Đó là cách các biên kịch giải quyết những nút thắt, giống như cách Veirs đứng dậy, vô cùng dễ dãi và non tay, chẳng cần chuẩn bị gì trước đó.
Hay như cách đặc vụ Nick Fury thời trẻ (Samuel L. Jackson CGI) tương tác với Vers. Làm sao ông dễ dàng tin tưởng và giúp đỡ cô nàng chỉ sau hai lần gặp mặt? Nếu là một kẻ biến hình, làm thế nào Vers biết lời ông kể về quá khứ là thật, khi ngồi với nhau trong quán nước? Những lời thoại chỉ dùng để cho biết background nhân vật một cách lộ liễu. Hai diễn viên cố gắng tạo tương tác bằng những nụ cười gượng ép, thay vì chi tiết hoặc thông qua hành động. Từ một nhân vật đáng kính và khá ngầu trong Avengers, Fury trở thành một nhân viên bàn giấy chọc cười trong bộ phim này.
Có rất nhiều thứ sai trong tác phẩn của bộ đôi đạo diễn/biên kịch Anna Boden và Ryan Fleck, tác giả của Half Nelson (2006), Sugar (2008) và It’s Kind of a Funny Story (2011). Tiếp tục là lối lấy đạo diễn độc lập làm phim bom tấn của Marvel. Nhưng khác với Taika Waititi và Thor: Ragnarok (2017), lần này là một thất bại. Thất bại ngay từ cách tiếp cận, thay vì đi từ A đến B theo truyền thống, kể câu chuyện về Carol Versder từ lúc ở trái đất, họ lại chọn cách “truy tìm kí ức” dễ dãi khi giải thích nguồn gốc nhân vật bằng vài ba hình ảnh lướt qua. Chúng ta chẳng có liên kết gì với Carol ngày xưa, để gắn bó với cô ở hiện tại.
Phần còn lại của phim là một hành trình tìm sự thật xưa như trái đất – tên vũ trụ là C-53. Không có gì tò mò hay cuốn hút ở đây, bởi Vers đơn giản là đi thẳng đến sự thật, không có lối rẽ, đường sai. Nhiều người hẳn cũng đoán được phản diện chính ngay từ đầu phim, bởi làm gì có ai khác để đắn đo suy đoán. Tình tiết của phim chỉ đủ để làm một phim ngắn 30 phút, được kéo dài gấp ba, bốn lần bằng các trường đoạn hành động.
Lấy bối cảnh thập niên 90, nhưng không khí của Captain Marvel chẳng có vẻ gì là 90s. Ngoại trừ vài chi tiết nhỏ như tiệm băng đĩa bom tấn và vài ca khúc, chiếc máy tính tải dữ liệu với tốc độ bàn thờ, phim vẫn đậm đặc chất hiện đại. Các đặc vụ S.H.I.E.L.D với trang phục bóng loáng và tóc tai chải chuốt, kiểu tóc của họ cũng thuộc về thế kỉ 21. Việc thiếu vắng các bối cảnh đường phố khiến việc chọn thời điểm hoài niệm là vô nghĩa. Ta sẽ không thấy có chút gì quá vãng như từng có trong Guardian of the Galaxy, với các lựa chọn âm nhạc thập kỉ 70.
Captain Marvel giống như một chiếc bánh hamberger làm vội để phục vụ cho các thực khách đói lòng chờ đợi Avengers: Endgame. Vô tình Marvel lại hạ thấp giá trị của tác phẩm đầu tiên về nữ anh hùng của mình. Mặc cho các lời tuyên bố hùng hồn về nữ quyền của Brie Larson, dẫn đến việc bị tẩy chay, bản thân bộ phim lại anti-nữ quyền rõ rệt. Nhân vật Carol không phải hình mẫu làm chủ số phận, mà luôn bị thao túng bởi kẻ khác. Bất kì khi nào đắn đo, chỉ cần vài lời ngon ngọt, cô liền lập tức nghe theo.
Carol gợi đến hình ảnh một lực điền ngây ngô, hơn là một quân nhân ý chí mạnh mẽ. Khi không cho chúng ta thấy các nỗ lực trước đó, việc cô bỗng nhiên có được siêu năng lực và mạnh mẽ vô song là không thuyết phục. Mọi thứ trong phim đơn giản như trong quyển truyện trẻ con. Và cách lấy đàn ông làm áp lực, từ người cha, anh trai, đồng đội… càng khiến hình ảnh nữ quyền kệch cỡm. Nữ quyền không phải là chống lại đàn ông, Wonder Woman của DC từng có thông điệp sâu sắc hơn, là đặt vai trò của mình lên thế giới.
Brie Larson có vẻ ngoài khá phù hợp trong trang phục Captain Marvel, khi không phải chạy. Với một tượng vàng Oscar, khả năng diễn xuất của cô là không phải bàn. Tuy vậy, vai diễn Carol chẳng khai thác được tí chút nào tài năng đó. Thậm chí, cô còn lép vế hơn chú “mèo” Ngỗng về mặt ấn tượng để lại. Ngỗng và Samuel L. Jackson tạo thành một cặp ăn ý hơn hẳn. Larson được bù lại đôi chút bằng một trường đoạn cuối phim mãn nhãn, kết hợp với bản nhạc Just a Girl của ban nhạc No Doubt. Đó là những giây phút đáng giá duy nhất trong phim.
Hai nhân vật đáng quan tâm hơn là Talos (Ben Mendelsohn), thủ lĩnh người Skrull, có số phận gian truân hấp dẫn hơn hẳn nhân vật chính, và cô bạn Maria, vẫn có nhiều đất thể hiện diễn xuất hơn hẳn nhân vật chính. Jude Law trong vai đội trưởng Yon-Rogg, tiếp tục duy trì truyền thống phản diện nhàm nhán của Marvel, đứng giữa chính tà, không đáng sợ cũng chẳng đáng ghét, không màu. Nhưng có lẽ, với việc “buff” sức mạnh vội vàng cho Captain Marvel, phản diện cỡ nào trong phim cũng chỉ là một trò đùa.
Doanh thu khổng lồ của Captain Marvel, tính đến thời điểm này, không phản ánh đúng chất lượng bộ phim. Nhưng có bao giờ doanh thu được đánh đồng với chất lượng? Vũ trụ Marvel đã đạt đến tầm cỡ bất kì xuất phẩm nào của họ cũng sẽ ăn khách. Khán giả buộc phải xem phim này để xem phim kế tiếp. Một số chi tiết thú vị về vũ trụ này, như giải thích con mắt của Nick Fury, khối năng lượng, máy nhắn tin… đưa ra để phục vụ các fan trung thành. Một vài chi tiết hài hước để giúp người xem được giải trí. Cuối cùng, sau khi 2 cảnh after credit khép lại, thứ đọng lại trong tâm trí tôi chỉ là con mèo Flerken.
ĐẠI ÚY MARVEL © 2019 Marvel Studios − All right reserved. Đạo diễn: Anna Boden, Ryan Fleck Diễn viên: Brie Larson, Samuel L. Jackson, Ben Mendelsohn Thời lượng: 2h 3m |