Thập kỉ 90 ở Hollywood được xem là triều đại của “tứ hoàng” bao gồm: Tom Cruise, Leonardo DiCaprio, Brad Pitt và Johnny Depp. Giờ thì sao? Thời thế đã đổi nhưng gần như tất cả đều vẫn có vị trí đáng nể trong công nghiệp điện ảnh. Gọi là “gần như” vì có lẽ phải cân nhắc người cuối cùng: Johnny Depp.
Kẻ phản diện
“Điều gì đã xảy ra với Johnny Depp?” là tựa của nhiều bài báo sau khi Alice Through the Looking Glass (Alice ở xứ sở trong gương, 2016) ra mắt. Phim chỉ thu về gần 80 triệu đôla ở Bắc Mỹ và hãng Disney ôm chắc món lỗ nặng, khi bỏ ra đến 170 triệu đô kinh phí. Depp, trong vai Người Làm Mũ kì quái quen thuộc, ghi tiếp một tựa phim bom xịt vào “danh sách đen” vốn đã dày đặc của mình. Disney rõ là nạn nhân ưa thích của Depp. Anh từng đốt hơn 260 triệu đô của hãng này với The Lone Ranger (Kị sĩ cô độc, 2013).
Từng là một trong bộ tứ quyền lực của Hollywood ở thập kỉ 90, những người đủ sức hút khán giả đến rạp bằng danh tiếng, cái tên “Johnny Depp” giờ không còn là sự bảo chứng. Từ năm 2010, trừ loạt Pirates of Caribbean (Cướp biển vùng Caribe), các phim Depp vào vai chính hầu hết đều thất bại cả phòng vé lẫn phê bình: Dark Shadow (Lời nguyền bóng đêm), Transcendence (Trí tuệ siêu việt, 2014), Mortdecai (Quí tộc săn tranh)… thi nhau gục ngã ở rạp. Giờ đây, Johnny Depp chỉ bảo chứng cho cơn đau tim của các nhà sản xuất và phát hành.
Nhìn qua các đồng nghiệp chung ngai ngày trước, người hâm mộ hẳn sẽ thấy chạnh lòng cho Depp. Tom Cruise vẫn là ngôi sao hành động của Mission Impossible (Nhiệm vụ bất khả thi), bất chấp hơn 20 năm qua đi từ phần đầu tiên. Leonardo DiCaprio vừa mới chạm đến đỉnh vinh quang với tượng vàng Oscar diễn xuất với vai diễn trong The Revenant (Người về từ cõi chết, 2015). Brad Pitt có lẽ người có nhiều điểm tương đồng nhất với Depp: Cùng sinh năm 1963, cùng trải qua quãng thời gian sự nghiệp bết bát, cùng có một vụ li dị ồn ào. Nhưng nhìn vào hiệu ứng kinh khủng mà bộ ảnh “chàng Benjamin” khóc lóc trên tờ GQ tạo ra, người ta hiểu Pitt vẫn chưa ở bên kia sườn dốc.
Còn Johnny Depp? Dù vẫn được các hãng phim yêu mến mà trả bộn tiền cho các vai khách mời, Depp đang dần trở thành “bad boy” trong mắt người hâm mộ. Anh trở thành vai phản diện trong hầu hết các vụ ồn ào. Như li dị với Amber Heard, kiện cáo với các quản lí tài chính cũ, hay cả những chuyện tầm phào như cố lách luật mang thú cưng vào Úc. Từ một gã kì dị gây thích thú, Depp bỗng nhiên biến thành quái đản, chướng mắt.
Đứng lên hoặc chết
Người ta có thể tìm thấy hàng ngàn lí do cho thành công của một người, và cũng chừng đó khi anh ta thất bại. Với Johnny Depp, đó có thể là một cơn khủng hoảng tuổi trung niên nặng nề kéo dài hơn dự tính. Đó cũng có thể là hậu quả từ lối sống buông thả bạt mạng của một kẻ kiếm được 650 triệu đôla chỉ trong 13 năm tuổi trẻ và sớm xăm lên mình chữ “Cái chết là chắc chắn”. Và đó, nhiều khả năng cũng đến từ sự đổi thay thời thế, khi các ngôi sao riêng lẻ không kiếm chác mạnh bằng một tập hợp mặc đồ hóa trang.
Khi ngọn gió thời đại thổi đến, không ai có thể đứng yên. Ít nhiều thì Tom, Leo và Brad đều đã chịu chuyển động. Tom đã thử sức, dù thất bại, với dòng phim tập hợp bằng bộ phim The Mummy (Xác ướp, 2017). Leo trung thành với dòng nghệ thuật, nhưng luôn biến hóa không ngừng, như cách anh tham gia các phim của Quentin Tarantino. Brad thì biết tận dụng truyền thông để giữ sức hút. Trong khi đó, Depp diễn và sống như thể lún trong dòng cát thời gian. Anh vẫn chọn cùng một kiểu vai kì quái đã làm nên tên tuổi, sống theo kiểu hippy của những năm 80: Nay đây mai đó, hát hò cùng ban nhạc và tiêu hàng trăm ngàn đôla rượu chè mỗi tháng.
Điều gì đã xảy ra với Johnny Depp? Câu hỏi đó có lẽ không cấp thiết bằng: Điều gì sẽ đến với Jonny Depp? Trong mớ ngập ngụa của scandal và ảm đạm phòng vé, người ta vẫn thấy le lói chút ánh sáng. Đó là vai diễn tay cướp huyền thoại vùng nam Boston trong Black Mass (Khối đen, 2015). Chưa đến mức xuất sắc, nhưng ta thấy được dấu hiệu của tài năng vẫn còn đó. Có lẽ, đó chính là niềm hi vọng mong manh khiến các hãng phim vẫn chưa bỏ rơi Depp, vẫn tìm cách sử dụng anh, dù các con số phòng vé thét gào đòi từ bỏ.
Như một câu nói cũ, “kẻ thù lớn nhất của mỗi người là chính họ”. Vì thế, không ai có thể giúp Johnny Depp lúc này, trong những tháng năm chông chênh như cách thuyền trưởng Jack Sparrow đi trên các sợi dây. Anh phải tự nhận thức và chiến thắng. Nhiều người đã hoàn toàn mất niềm tin vào Depp, khi biết anh đã không còn coi trọng điện ảnh, sẵn sàng để đoàn làm phim phải chờ hàng tiếng đồng hồ hay thậm chí dùng máy nhắc lời thoại. Jack Sparrow đã ngã rất nhiều lần và đứng lên, còn Johnny Depp? Chỉ có thời gian trả lời.