Có rất nhiều nghề nghiệp trên đời người ta phải làm một mình, nhưng chỉ một số ít khiến họ thấy cô đơn. Với tôi, một trong những nghề cô đơn nhất là phi công. Không phải phi công chở hành khách, vốn ở cùng phi hành đoàn và hàng trăm hành khách, mà là những phi công chiến đấu, phi công chuyển thư (ngày trước), phi công vận tải chuyên biệt.. Những người một mình trong khối sắt như quan tài, lơ lửng giữa bầu trời còn nhiều hơn bước đi trên mặt đất.
First Man, bộ phim tiểu sử về Neil Amstrong, không chỉ là hành trình trở thành người đầu tiên lên mặt trăng của anh. Trọng tâm của phim là khắc họa nỗi cô đơn ấy, mà nếu có một tên gọi theo kiểu Haruki Murakami, sẽ là “nỗi buồn phi công”. Neil là phi công trước khi trở thành phi hành gia. Nỗi cô đơn giống như một tấm kính ngăn cách anh với tất cả, từ người vợ tần tảo, các con, cho đến những đồng nghiệp cùng vào sinh ra tử. Giống như hình ảnh tấm kính ngăn cách ở cuối phim. Tấm kính vốn đã xuất hiện từ ngày ông chọn nghiệp phi công, phải đối diện với cái chết, và ngày một dày hơn bởi những mất mát.
Trường đoạn đầu tiên, đạo diễn Damien Chazelle đã dành nhiều công sức để cho người xem “cảm thấy” thế nào là nỗi sợ hãi của phi công. Bằng hình ảnh và âm thanh dồn dập, chúng ta được đưa vào khoang lái với Neil Amstrong. Ở đó, mỗi tín hiệu sai đều trở thành tín hiệu chết chóc. Mỗi luồng sáng đỏ đều mang vẻ đe dọa. Mỗi giây phút đều là cuộc đấu với tử thần. Trường đoạn sẽ gợi nhiều người nhớ đến đoạn đầu của Instertellar. Neil thoát chết bằng cả sự quyết đoán lẫn may mắn, nhưng mỗi lần sống sót trở về, một phần sức sống trong anh bị gặm nhấm.
Tuy vậy, với Neil, không mối nguy nào sánh được với nỗi đau khi cô con gái đầu lòng qua đời. Đó là bước ngoặt đưa Neil đến với cuộc tuyển chọn nhà du hành vũ trụ. Anh cần phải chú tâm đến thứ gì đó khác ngoài bi kịch. Phần còn lại của phim là hai hành trình song song. Hành trình cả nhân loại đều biết, dẫn đến bước chân đầu tiên in dấu lên mặt trăng, khắc tên Neil Amstrong mãi mãi trong lịch sử nhân loại. Và hành trình ít người biết hơn, về một người đàn ông cố gắng trèo lên khỏi hố sâu ngăn cách mình với những người thân yêu.
First Man có một kịch bản thuộc hàng tốt nhất của thể loại tiểu sử. Josh Singer, nhà biên kịch từng thắng Oscar Kịch bản gốc với Spotlight (2015), tiếp tục cho thấy tài năng ở việc khai thác tâm lý nhân vật. Neil Amstrong trong phim hiện lên rất khác với những hình ảnh tươi cười, mạnh mẽ thường thấy trên truyền hình hoặc sách báo. Chúng ta sẽ biết đến anh với tư cách một cá nhân, không còn là biểu tượng, với những mâu thuẫn với bản thân và gia đình, đặc biệt với người vợ Janet (Claire Foy). Chúng ta sẽ được hiểu những áp lực Neil phải chịu đựng, những thứ anh, và những người khác, phải đánh đổi và hi sinh để giúp nước Mỹ vượt lên trong cuộc chiến vũ trụ với Liên Xô. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ có một hình dung về xã hội Mỹ thời điểm ấy, đủ ấn tượng dù chỉ chấm phá, và biết rằng bất kì thành tựu đột phá nào cũng phải vượt qua các rào cản dân sinh nặng nề. (Trong phim, những người da đen đã đọc một bài thơ đả kích, đánh đồng việc lên mặt trăng với phân biệt chủng tộc).
Ở lần đầu làm phim tiểu sử, Damien Chazelle có thể gọi là thành công khi dẫn dắt câu chuyện một cách mượt mà, đúng điệu. Nhịp phim chậm nhưng không gây nhàm chán, bởi luôn có áp lực từ tâm lý lẫn chi tiết đè lên tâm trí người xem. Mỗi khi Neil chui vào khoang lái, cách xử lí hình ảnh của Chazelle luôn mang đến hình ảnh một cỗ quan tài. Có một cảnh vụ nổ trong khoang kín khiến chúng ta nín thở vì choáng váng. Dù vẫn mang đến cho người xem trải nghiệm chân thực về quá trình đào tạo du hành gia của NASA, đến mức gần như là trải nghiệm góc nhìn thứ nhất, Chazelle không bao giờ thất lạc đường dây tâm lý của nhân vật chính. Anh hiểu rõ mình cần phải dính với Neil, và cách chiếc camera của tay máy Linus Sandgren bám theo Ryan Gosling mọi lúc thể hiện điều đó.
Dù vậy, Chazelle vẫn mang đến cảm giác của một người học việc giỏi, chưa phải là bậc thầy, ở thể loại tiểu sử nói chung và du hành không gian nói riêng. Anh cố gắng hòa quyện giữa thế mạnh âm nhạc của bản thân (phần sountrack của Justin Hurwitz tuyệt vời như mọi khi), với các khung hình mênh mang biểu tượng kiểu 2001: A Space Odyssey. Đôi lúc, âm nhạc bị lạm dụng để mở đầu một trường đoạn, mang đến cảm giác khập khiễng. Một số trường đoạn kĩ thuật có thể cắt ngắn, như khi các nhà du hành đáp xuống mặt trăng. Dù sao, đây vẫn là một bộ phim, không phải game nhập vai thực tế ảo như Apollo 11 – để chú tâm quá nhiều vào chuyên môn.
First Man vẫn là một bộ phim cảm động, với các chi tiết được lồng ghép khéo léo. Một chuyến du hành thật sự lên mặt trăng và vào tâm hồn con người, trong đó hành trình thứ hai quan trọng hơn. Chazelle dũng cảm, và theo tôi là đúng đắn, khi loại bỏ chi tiết cắm cờ Mỹ – một cảnh phim đã dùng quá nhiều và sẽ phá hỏng không gian tâm lý quan trọng giây phút ấy, khi Neil Amstrong cho thấy lí do thật sự lên mặt trăng. Gần như tất cả thành tựu vĩ đại của nhân loại đều gắn với những động lực, tình cảm rất cá nhân. First Man thành công trong việc mở ra những gì không có trên mặt báo. Xem phim, chúng ta hiểu về Neil Amstrong, chứ không phải “người đầu tiên”.
Chỉ có một điều đáng tiếc là màn trình diễn của Ryan Gosling chưa được đủ đầy trong bộ phim này. Gosling diễn không tệ, ở mức 8 điểm, nhưng anh đã duy trì điểm 8 này quá lâu, từ La La Land cho đến Blade Runner 2049, và giờ là First Man. Với vai diễn khó như Neil Amstrong, vốn đòi hỏi những đợt sóng ngầm dưới bề mặt phẳng lặng, ít không gian bộc lộ, Gosling cần làm được nhiều hơn. Những đợt sóng anh mang đến chưa đủ với nhân vật này, nhất là ở những khoảnh khắc tâm lý quyết định. Do đó, chúng ta hiểu được Neil trong phim, thông cảm với anh, nhưng chưa thể cảm thấy gắn bó. Diễn xuất của Gosling chưa đủ để phá đi lớp kính dày ấy, ở đoạn kết, để chạm đến trái tim ta.
Ngược lại, vai phụ cô vợ Janet được Claire Foy đảm nhiệm tuyệt vời, với đầy đủ sắc thái, sự chân thực và những khoảnh khắc bùng nổ. Tất nhiên, việc bung nội lực trong một vài cảnh dễ hơn rất nhiều duy trì trong toàn bộ thời lượng. Nhưng sự khập khiễng giữa Gosling và Foy dễ khiến người xem thấy Foy lấn át, trong tâm thức, sau khi phim khép lại. Đó có thể là điều sẽ xảy ra trong Oscar sắp tới. Foy hẳn sẽ có cơ hội Nữ phụ nhiều hơn Gosling Nam chính, nhất là hạng mục này gần như chắc chắn có sự xuất hiện của một Bradley Cooper chín muồi từ A Star is Born.
First Man là một trải nghiệm đáng giá trong rạp chiếu bóng, nhưng sẽ không khiến ta muốn thưởng thức lại lần thứ hai. “Chỉ một lần là đủ” chưa bao giờ là slogan của những phim thuộc hàng xuất sắc, như Apollo 13 chẳng hạn. Nhưng đây vẫn là màn khởi đầu hứa hẹn của đạo diễn Damien Chazelle, trong hành trình bước ra khỏi địa hạt âm nhạc, tiến đến những vùng đất khó nhằn hơn.