Làm phim kinh dị dịp Giáng Sinh quả là ý tưởng thú vị của Michael Dougherty. Giống như một món lạ giữa bữa tiệc toàn món quen. Krampus là nhân vật thú vị, dù quen thuộc với khán giả phương Tây hơn là Việt Nam: phiên bản “đen tối” của ông già Noel, một con quỷ chuyên đi trừng phạt những đứa trẻ hư. Thông điệp của phim, về việc người ta nên học cách thương yêu người thân trong gia đình, dù họ có nhiều tật xấu và đáng ghét đến đâu đi nữa, và đừng quên đi tinh thần Giáng sinh thật sự, cũng có vẻ ổn.
Nhưng sau cùng, thì Krampus không hẳn là một phim thú vị lắm. Nó là tập hợp những màn hù dọa đã cũ, với các nhân vật cũ, dẫn đến kết thúc đã được sử dụng khoảng một ngàn lần hơn.
Mở màn bằng đoạn giới thiệu khá hài hước về Black Friday, nhưng không ăn nhập lắm với nội dung phim, Krampus xoay quanh gia đình cậu bé Max. Cậu dường như là đứa trẻ cuối cùng còn tin vào ông già Noel, cho đến khi phải đón tiếp gia đình đám anh em họ đáng ghét. Trong bữa ăn, chúng nhạo báng Max và khiến cậu mất đi lòng tin ấy. Điều đó đã mở đường cho con quỷ đáng sợ tìm đến.
Chúng ta sẽ thấy những nhân vật “tiêu chuẩn” ở đây, và sẽ có cảm giác đã từng thấy họ ở phim nào đó khác. Một người bà có vai trò giải thích các bí ẩn. Một bà dì khó chịu độc miệng nhưng hóa ra rất “ngầu” khi cần. Một ông bác họ (hói đầu, như mọi khi) nói về sức mạnh đàn ông các thứ, dĩ nhiên, là kẻ vô dụng nhất. Một ông bố nhu mì trở thành người hùng. Những đứa anh em họ khó ưa. Nhưng thay vì bị tất cả mọi người bỏ rơi và phải ở nhà chống lại những tên trộm, giờ đây Max và gia đình phải đoàn kết chống lại những con quỷ.
Krampus, ở mặt tích cực, là một phim dễ xem dịp Giáng sinh. Kết hợp giữa hài hước và kinh dị, dù không mặt nào thật sự xuất sắc, Dougherty biết cách để khiến chúng vẫn đủ sức lôi cuốn. Con quỷ Giáng sinh có một màn xuất hiện bay nhảy khá ấn tượng. Không gian “sập bẫy” bị cô lập không lối thoát thường thấy (The Mist, Lost, The Cube…) được khắc họa một cách đáng sợ, giống như một cơn ác mộng. Dougherty khéo léo thêm vào chút máu me cần thiết để tăng sức hấp dẫn, nhưng không bị quá đà.
Điểm thất bại, là không có gì được gọi là đáng nhớ ở bộ phim này. Được làm theo đúng công thức và đảm bảo nằm trong ranh giới an toàn, Krampus có thể không nhàm chán, nhưng khó lưu lại được gì trong tâm trí sau khi kết thúc. Những màn hù dọa giống như một tập hợp lặp lại của Child’s Play, Trick And Treat, và rất gần Goosebumps vừa rồi, nhưng yếu kém hơn. Về mặt tình cảm, các nhân vật có phát triển, nhưng chỉ ở trong cái “khung” có sẵn để làm nền. Trong khi đó, nhân vật chính Max hoàn toàn bị bỏ quên, thành ra không có cảm giác cốt truyện đang tiến triển.
Dù vậy, có thể không phải Max, mà con quỷ Krampus mới là nhân vật khán giả muốn xem nhất. Dougherty từng nói ông rất thích thú với hình tượng này, bởi nó không giống loại ma quỷ hù dọa thông thường, nó không độc ác, mà có chút gì đó “chơi đùa” trong tính cách. Nó thích thú trò “mèo vờn chuột” này với nạn nhân. Nghĩa là nó có trí khôn và suy nghĩ. Tuy nhiên, phiên bản Krampus trong phim thì khá nhạt nhẽo, với tạo hình và cử động khô cứng như đồ chơi (tương tự các “đệ tử” khác), khiến nó trở nên giả tạo. Tôi cứ có cảm giác rằng đang xem một chương trình truyền hình thực tế, với ai đó ở trong trang phục Krampus để hù dọa người ta. Thậm chí còn còn tệ hơn những bộ hóa trang ở lễ hội Krampus diễn ra vào đêm 5/12 ở các đường phố phương Tây. Dougherty cũng không thổi được vào nhân vật này sự huyền bí lẽ ra phải có.
Sự huyền bí duy nhất, nằm ở đoạn kết, được lựa chọn theo cách giật gân sáo mòn, và không hợp với tinh thần phim ngày lễ. Nó đẩy Krampus ra khỏi danh sách phim Giáng sinh đúng nghĩa. Thông điệp về tinh thần ngày lễ, về sự sẻ chia, niềm tin, về mọi thứ khác, trở nên vô nghĩa khi sau khi các nhân vật đã thay đổi, đã hiểu được nhau và trở nên tốt hơn, họ vẫn phải trả giá. Vậy việc nhận ra chúng có ý nghĩa gì? Tôi cho là Dougherty đã gặp bế tắc trong việc nghĩ ra một kết thúc phù hợp và mới mẻ. Cuối cùng, ông lại chọn cái đi ngược lại điều muốn truyền tải ban đầu, như những phim Giáng Sinh kinh điển nhất The Christmas Carol và It’s A Wonderful Life, những phim mà Krampus được gợi cảm hứng.
Và ngay cả lý do để dẫn con quỷ đáng sợ đến ống khói nhà Max, cũng không thuyết phục lắm. Bởi cậu không phải là một đứa trẻ hư. Thậm chí cậu đã dũng cảm đứng ra để bảo vệ niềm tin của mình, dù phải chịu tổn thương. Max đáng mến, và vì thế, cậu không đáng phải nhận sự trừng phạt khủng khiếp đến thế. Có hàng tá đứa trẻ kinh khủng cần Krampus ghé thăm hơn nhiều.
Vậy thì, vì sao chúng ta phải tin vào ông già Noel nữa? Khi một đứa trẻ ngoan của ông gặp nạn mà ông không hề xuất hiện để cứu lấy?