MOMMY

bởi
535 lượt xem
A+A-
Reset

Có lẽ chưa bao giờ tình mẫu tử lại được khác họa đầy dữ dội, gai góc và cả mê đắm như trong Mommy (Mẹ, 2014) của đạo diễn “thần đồng” Canada Xavier Dolan.

Mommy mở đầu bằng lời dẫn mang hơi hướng giả tưởng, nói về một điều luật không có ở hiện thực. Đó là cho phép phụ huynh gửi con vào các cơ sở y tế công cộng, trong trường hợp đứa con mất khả năng kiểm soát hành vi, mà không phải thôn quá các trình tự pháp lí phức tạp. Nghĩa là, đất nước Canada giả tưởng ấy cho phép bố mẹ tự do bỏ rơi con cái. Rào cản pháp luật biến mất. Chỉ còn rào cản về đạo đức.

Diane ‘Die’ Després (Anne Dorval), với tên lót “chết” có tính gợi ý, đang chết dần chết mòn với cậu con trai Steve (Antoine-Olivier Pilon). Vốn mắc chứng rối loạn kiểm soát bẩm sinh, và ảnh hưởng nặng nề bởi cái chết của cha ba năm trước, Steve ngày càng tỏ ra bạo lực. Đầu phim, cậu bị đuổi khỏi trường nội trú vì phóng hỏa phòng học, gây tổn thương cho một người bạn. Cô hiệu trưởng gợi ý Diana gửi con cho chính phủ. “Đi chết đi,” người mẹ phản kháng với vẻ khinh bỉ.

Nhưng đó là lúc Diana chưa hình dung được cuộc sống địa ngục phía trước. Giống như tựa bài hát hiển thị lỗi trên màn hình, “hell” thay vì “hello”. Vấn đề của Steve trầm trọng hơn những gì Diana, và người xem, có thể hình dung. Một đứa trẻ sẵn sàng gọi mẹ là “con khốn” nếu bị từ chối yêu cầu, đòi đánh người lái taxi khi ông ta đi sai đường, bốc đồng thường xuyên… rõ ràng nằm ngoài tầm kiểm soát của Diana.

Mọi thứ có vẻ tươi sáng hơn đôi chút với sự xuất hiện của cô hàng xóm Kyla (Suzanne Clément), đồng thời là giáo viên trung học. Kyla đang gặp vấn đề trong khả năng nói, có lẽ là hậu quả từ chứng trầm cảm khi phải thường xuyên đổi chỗ ở theo chồng. Cô giáo kết bạn với Diane, và theo cách nào đó, tìm thấy niềm vui ở gia đình bão tố này. Cô kèm cặp cho Steve, hướng cậu bé đến một tương lai tươi sáng với trường đại học và nghệ thuật. Nhưng liệu tương lai ấy có thật sự khả thi?

Mommy là bộ phim thứ hai của Xavier Dolan về tình mẫu tử, nỗi ám ảnh khôn nguôi của đạo diễn trẻ đến từ Canada. Giống như bộ phim đầu với cái tên khá sốc I Killed My Mother (Tôi đã giết mẹ, 2009), Mommy tiếp tục là một màn tự sự rất gai góc, rất đời, khai thác mối quan hệ tưởng như giản đơn này ở một góc độ sâu sắc mới.

Từ trước đến nay, tình cảm gia đình được mặc định là thiêng liêng và vô điều kiện. Tình yêu cha mẹ dành cho con cái, nếu có, là vô điều kiện. Tuy nhiên, thế giới của Xavier Dolan không chấp nhận sự giản đơn ấy. Nếu chủ đề của I Killed My Mother gói gọn trong câu nói của người mẹ “Tôi yêu con trai tôi, nhưng không chịu nổi việc ở với nó”, thì Mommy là mệnh đề được phát triển tiếp: “Tôi sẽ chịu đựng nó được bao lâu?”

Cả bộ phim gần như chỉ có ba nhân vật, trong đó Kyla đóng vai chứng nhân, còn hai mẹ con nhà Diane là những họng núi lửa tuôn trào không dứt. Suốt gần hai giờ rưỡi thời lượng, người xem như thể bước vào một ngôi nhà kinh dị, trong đó những con ma chính là hỗn hợp những cảm xúc bị dồn nén: Yêu, ghét, giận dữ, tuyệt vọng… Chúng cứ tuôn trào, rồi ngưng lại, rồi lại tuôn trào, phơi bày trước mắt ta những ngóc ngách tâm lý được xử lý hết sức tinh tế bởi Dolan.

Dolan vẫn làm điều anh làm tốt nhất, là chinh phục người xem bằng sự chân thật. Diana và Steve là cặp mẹ con mà ta có thể nhìn thấy thường xuyên trong cuộc sống. Họ hoang dã theo cùng một cách. Chúng ta không hề thấy khó hiểu cho vấn đề Steve gặp phải, nếu nhìn vào Diana. Một phụ nữ tứ tuần nhưng ăn mặc như thể nữ sinh nổi loạn tuổi hai mươi, hút thuốc phà phà và cũng mất kiểm soát cảm xúc. Cậu con trai là một phiên bản tệ hại hơn. Tuy nhiên, đâu đó giữa các cơn cuồng nộ, là sự dịu dàng, như khi Steve nhìn ngắm bức ảnh bố. Thiếu vắng cột trụ đàn ông, họ bị cuộc đời dần cho ra bã, và chỉ biết nương tựa vào nhau trong bất lực.

Xem Mommy, người ta chắc chắn sẽ chú ý ngay đến khung hình theo tỉ lệ 1:1 của phim. Một ô vuông hoàn hảo. Trước đó, nếu cần dùng ô vuông, các đạo diễn thường sử dụng “tỉ lệ Academy” là 1.37:1, như Gus Van Sant trong Elephant (Con voi, 2003). Bởi hình vuông hoàn hảo trong điện ảnh là không thân thiện với thị giác khán giả. Dolan và Mommy cần sự thiếu thân thiện ấy. Các góc cạnh của khung hình trở thành những khung sắt nhà tù, mà ở đó, không nhân vật nào thoát ra được.

Khung hình này mang đến một sự chật chội đầy chủ ý. Nó chỉ vừa để chứa một người, một khuôn mặt. Khi có hai hay nhiều hơn, như cảnh hạnh phúc nhất mà Diana, Steve và Kyla cùng chụp chung tấm hình, ta cảm thấy như ngộp thở vì thiếu không gian. Đó là tình cảnh mà Diana phải chịu đựng. Tình yêu không hề vô điều kiện. Khi ta gắn đời mình với một ai đó khác, chịu trách nhiệm với họ, là ta phải chịu đánh mất một phần đời mình. Mommy đặt ra câu hỏi: Sẽ thế nào khi phần bị mất ấy gần như là tất cả? Sẽ thế nào khi hai mẹ con lâm vào tình cảnh mà tiền bạc, chứ không phải tình yêu, mới đóng vai trò quyền định. Vì “tình yêu không có giá trị gì ở đây cả, nó không biết nói,” như lời thoại của cô hiệu trưởng.

Sức hấp dẫn của Mommy còn đến từ chất giới tính đặc biệt, như một lớp màng mỏng dát lên mỗi cảnh phim. Ở đời thật, Dolan là một người toàn tính luyến ái (omisexual), nghĩa là có khuynh hướng tình dục lên bất kì cá nhân, bất kì điều gì. Steve trong phim là một phần hiện thân của Dolan, do đó, thể hiện một cách tự nhiên khuynh hướng này. Có một cảnh nụ hôn gây sốc trong Mommy sẽ khiến nhiều người thấy khó chịu. Nhưng đó là tâm lý có thật của con người, và một đạo diễn trẻ trung, đầy tính cách mạng như Dolan không có gì ngại ngần để thể hiện nó.

Mommy là bộ phim rất dễ chia hai phe yêu ghét. Yêu sẽ rất yêu và ghét sẽ rất ghét. Bởi đây là tác phẩm mang tính thách thức, từ kĩ thuật đến nội dung và thông điệp, vượt qua những giới hạn thông thường. Chính điều này đã giúp Xavier Dolan, chỉ mới 25 tuổi khi thực hiện Mommy, nhận được giải thưởng Giám khảo cao quí tại LHP Cannes năm đó. Sự thách thức thể hiện rõ nhất ở đoạn kết, có lẽ khác biệt hẳn với những gì chúng ta thường xem. Và ở đó, cái tinh túy nhất của điện ảnh hiện ra: Qua những khung hình ta không xem một bộ phim, mà xem một cuộc đời.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00