Trang chủ Post #1894

Post #1894

bởi

roger-ebert-1

KHÔNG BỘ PHIM HAY NÀO QUÁ DÀI

Với người yêu điện ảnh, cái tên Roger Ebert có một vị trí sánh ngang với những đạo diễn huyền thoại Hollywood. Khi Roger qua đời vào tháng Tư vừa qua, không chỉ những đạo diễn và diễn viên nổi tiếng nhất, cả Tổng thống Barack Obama cũng gửi lời chia buồn bày tỏ sự tiếc nuối. Roger Ebert không làm phim. Ông là một nhà bình luận phim.

Roger Ebert chắc chắn không phải là người đầu tiên viết bình phim. Lịch sử ngành bình luận xuất hiện và đi cùng với lịch sử điện ảnh. Cách đây hơn 100 năm, WG Faulkner được coi là người đầu tiên giữ mục bình luận điện ảnh Anh quốc, khi viết cho tờ London Evening News vào năm 1912. Thậm chí trước đó, nhà văn người Nga Maxim Gorky cũng có thể coi là nhà bình luận, khi viết bài phê bình về bộ sưu tập phim của anh em nhà Lumière, năm 1886.

Giống như các bước phát triển của Hollywood, ngành bình luận phim ở Mỹ cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Trong quyển The Complete Hstory of American Film Critics (Lịch sử hoàn chỉnh nền bình luận phim Mỹ) của Jerry Robert, cho biết nhà bình luận đầu tiên của Mỹ là Frank E. Wood, chuyên viết về những bộ phim câm vào những năm 1920. Tiếp đó là thời kỳ nở rộ của nghề bình luận, trong đó có nhiều người xuất thân từ ngành sản xuất phim, đạo diễn, biên kịch. Những cây bút này thường được tôn trọng bởi sự hiểu biết sâu sắc về nghề.

Ban đầu, những bài viết về phim hoàn toàn thuần khiết. Nhà bình luận nêu ra ý kiến bản thân, khen những phim hay và chê những phim dở. Nhưng mọi thứ dần thay đổi khi các doanh nghiệp điện ảnh nhận ra, các bài bình luận ảnh hưởng đến doanh thu của họ. Những nhà xuất bản ngoài luồng như Heast vào cuộc. Không quan tâm đến chuyên môn bình luận nói chung, họ luôn đưa ra những bài viết theo chủ kiến riêng. Thế nên, các hãng phim phải nghiến răng đặt bài quảng cáo trên báo, nhất là khi phim họ nhận được quá nhiều phê bình tiêu cực. Các bài viết về phim trở nên an toàn hơn, thường là giới thiệu diễn viên, thuyết phục hơn là “can gián” người xem đến rạp.

Những cuộc bút chiến bùng nổ giữa hai phái viết bình phim “chân thực” hay “quảng cáo”, dẫn đến sự ra đời của Hiệp hội Bình luận phim Quốc gia (National Society of Film Critics), năm 1966. Người sáng lập là bộ tứ bình luận, đến từ các báo khác nhau, nhằm chống lại sức ảnh hưởng của nhà bình luận Bosley Crowther của tờ The New York Times lúc bấy giờ. Hiệp hội này tập hợp những cây bút có lối viết trí thức, lập ra những giải thưởng hằng năm uy tín dành cho giới bình luận ở Mỹ. Một năm sau, Roger Ebert mới bước chân vào con đường bình luận chuyên nghiệp, khi gia nhập tờ The Chicago Sun-Times. Ông cũng không nghĩ mình sẽ ở đó cho đến 46 năm sau, cũng như không thể tiên đoán vai trò lớn lao của chính mình với điện ảnh.

Anh em nhà Lumière, một trong những bộ đôi tiên phong của điện ảnh Anh em nhà Lumière, một trong những bộ đôi tiên phong của điện ảnh

Một nền sản xuất phim lớn đòi hỏi một nền bình luận chuyên nghiệp đồng hành. Những nhà bình luận tên tuổi như Roger được kính trọng không kém các đạo diễn hàng đầu. Nhưng sự đánh đổi là khá nặng nề. Roger mỗi năm phải viết từ 200 đến 250 bài bình luận phim, đỉnh điểm là 306 bài vào năm 2012. Nhân lên với số lượng và thời lượng phim phải xem, sẽ ra một con số khủng khiếp. Vì thế, dù có rất nhiều nhà bình luận đang làm việc nhưng số người gây dựng được tên tuổi và bám trụ với nghề không nhiều.

Roger-Ebert-Thumbnail-New-2

ĐƯA NHỮNG BỘ PHIM RA ÁNH SÁNG

Roger Ebert chính là người đầu tiên trong giới phê bình điện ảnh giành giải Pulitzer (năm 1975) và cũng là nhà phê bình đầu tiên được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng của Hollywood (năm 2005). Những bài bình luận phim của Roger là sự kết hợp giữa kiến thức sâu rộng, trải nghiệm, óc phân tích và cảm xúc tinh tế. “Trí tuệ của bạn có thể nhầm lẫn nhưng cảm xúc không hề nói dối bạn”, ông nói. Một câu nói khác rất được yêu thích về phim ảnh của ông là: “Không bộ phim hay nào là quá dài và chẳng bộ phim dở nào đủ ngắn” (câu nói trích trong bài bình luận phim “The best of Youth” dài hơn 6 tiếng của Ý vào năm 2003).

Những nhà bình luận hàng đầu đã biến công việc của mình thành nghệ thuật. Bên cạnh Roger, vài cái tên nổi bật khác có James Agee (tờ Time, The Nation), Vincent Canby (tờ The New York Times) hay Pauline Kael (tờ The New Yorker). Dựa vào trải nghiệm, kiến thức, khả năng cảm thụ và tất nhiên, khả năng viết bậc thầy, họ đánh giá và xếp hạng từng bộ phim. Có rất nhiều cách xếp hạng, phổ biến là thang điểm 10 hoặc 5, riêng Roger nổi danh với hệ thống 4 sao và biểu tượng “Two thumps up” (hai ngón tay cái đưa lên, nghĩa là chất lượng) đã trở thành thương hiệu của ông. Những bài viết xuất sắc còn có khả năng định hướng cho khán giả và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu rạp chiếu bóng hoặc bán DVD của phim đó sau này.

Nhưng điều khiến công việc của nhà bình luận được đánh giá cao, chính là đưa ra ánh sáng những bộ phim nghệ thuật xuất sắc nhưng ít người biết đến. Nhờ họ và những bài bình luận tích cực, các phim như The Hurt Locker (2008) hay Blue Valentine (2010), vốn không có kinh phí quảng bá đã được nhiều khán giả tìm xem. Nhờ họ, những giá trị nghệ thuật, những cảnh quay đắt giá và dụng ý được diễn giải và chạm đến trái tim khán giả. Bên cạnh đó, các nhà bình luận góp phần hạn chế sự lên ngôi của các phim thương mại câu khách bằng các bài viết bình luận gay gắt. Góp phần cho sự phát triển của điện ảnh chân chính, vai trò của nhà bình luận không nhỏ. Điều này, đôi khi khiến người ta nhầm lẫn rằng, bình luận phim nghĩa là đứng về các phim độc lập và chống lại phim thương mại.

Sự phát triển vượt bậc của Internet, các thiết bị truyền thông và mạng xã hội như Facebook hay Twitter đã dẫn đến câu hỏi: Liệu bình luận phim có chết hay không? Liệu khán giả có còn tìm đọc các bài bình luận, trong tình thế rất nhiều thông tin bủa vây ở rất nhiều nguồn và đánh giá cá nhân có thể đến từ bất kỳ ai gần gũi hơn (một chừng mực nào đó, đáng tin cậy hơn)?

Roger Ebert nhận giải Putlizer năm 1974 Roger Ebert nhận giải Putlizer năm 1974

TIẾNG NÓI RIÊNG

Chính Roger Ebert đã trả lời cho câu hỏi này từ rất sớm. Năm 1994, người ta đã có thể đọc những bài bình luận của ông trên mạng qua những moderm điện thoại “đồ đá”. Sau khi bị phát hiện ung thư năm 2002 và phải cắt mất hàm dưới vào năm 2006, Roger không thể nói. Nhưng Internet trở thành tiếng nói của ông. Ngoài những bài bình luận thu hút rất đông độc giả, chính xác là 31.260 “tweets” đã được ông đưa lên Twitter và nhận được sự theo dõi của hàng vạn người.

Giới bình luận phim Hollywood đã thay đổi theo thời cuộc. Ngày trước, người ta còn định nghĩa một nhà bình luận phim bằng 4 phép cộng: Viết báo giấy + viết trong x năm + là thành viên của hiệp hội bình luận + được trả tiền để viết. Hiện tại đã khác, khái niệm “bình luận online” đã xuất hiện. Các trang phim dành cho fan như Box Office Prophets thường tổng hợp những bài bình luận từ người xem có kinh nghiệm. Những trang thông tin uy tín như Rotten Tomatoes, tập hợp và kết nối những bài bình luận chuyên nghiệp. Trong khi trang Metacritic gán những số điểm lên mỗi bài bình luận và lấy trung bình để lập thang đánh giá.

Giống như trải nghiệm trong rạp chiếu phim đang thay đổi để theo kịp định dạng 3D, nền bình luận cũng đang biến chuyển để tồn tại. GS David Borwell, ngành Điện ảnh ĐH Wicousin, đã viết đầy lạc quan về tương lai của giới bình luận phim:

KHÔNG CÓ GÌ NẾU KHÔNG CÓ PHÊ BÌNH PHIM

Các nhà làm phim và những người phê bình là hai mái chèo của một chiếc thuyền, một mối quan hệ cộng sinh. Sự phát triển của cả hai mặt là động lực để tạo nên một nền điện ảnh mạnh mẽ và giá trị. Tổng thống Obama, trong lời tuyên bố trước sự ra đi của Roger Ebert, đã nói: “Nền điện ảnh sẽ không được như bây giờ nếu không có Roger Ebert. Đối với một thế hệ người Mỹ, ông chính là điện ảnh”. Nói rộng ra, bình luận phim cũng chính là điện ảnh. Và nó sẽ không chết khi điện ảnh không chết.

roger ebert loves movie

-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00