Gần như mọi đứa bé tôi gặp đều mê mẩn Spider-Man. Nếu đến nhà tôi chơi, chúng sẽ nhào vào máy tính đòi xem youtube về Nhện. Nếu ra quầy đồ chơi, chúng sẽ lao đến trò lắp ghép hoặc mô hình của anh chàng phóng tơ. Một người bạn của tôi nói rằng ở Mỹ, trẻ em phát cuồng vì Peter Parker. Trong khi chẳng mấy đứa tỏ ra quyến luyến lũ nhện thật, tôi đoán rằng bộ đồ đỏ sặc sỡ, khả năng bắn tơ bằng cổ tay, hay cảnh tượng đu đưa qua những tòa nhà chọc trời… có sức hấp dẫn rất lớn với chúng. Hơn cả sức mạnh vô địch của SuperMan hay những món gadget thú vị của Batman.
Không chỉ trẻ con, nhiều người lớn cũng yêu mến chàng Spidey, kể cả những người không mấy quan tâm thế giới người hùng. Năm 2014, trang IGN chọn Spider-Man là siêu anh hùng vĩ đại nhất của Marvel. Tương tự, năm 2015, hàng ngàn độc giả trang Comic Book Resources cũng có đồng quan điểm. Có điều gì ở anh chàng nghèo rớt mồng tơi này cuốn hút ta đến vậy? Trong khi theo dõi những cảnh phim Spider-Man: Homecoming, bộ phim khởi đầu cho sự hợp tác Marvel – Sony khai thác nhân vật giá trị này theo hướng hoàn toàn mới, lí do dần hiện ra trong tôi.
Đó là chúng ta yêu, và đồng cảm, với cái chất “loser” của Parker. Trong thế giới người hùng ngập đầy biểu tượng của “winner”, các nhân vật cơ bắp với khả năng vô tận, đại diện cho sinh lực hùng mạnh của nước Mỹ, Spider-Man đứng về phía những kẻ thất bại. Giống như hầu hết những người bình thường, anh thua nhiều hơn thắng. Một chàng nerd điển hình, may mắn (hoặc xui xẻo) có được siêu năng lực do tai nạn, nhưng mãi mãi bị nguyền rủa bởi cảm giác tội lỗi và trách nhiệm phải gánh vác. Ngay cả một nhân vật khá tương đồng là Batman, ta vẫn không thấy thê thảm bằng, bởi Batman còn chỗ dựa là gia tài kếch xù. Spidey không có chỗ dựa nào ngoài chính mình. Chất kinh điển và vẻ đẹp của hình tượng này nằm ở chỗ: Dù thất bại bao nhiêu lần đi nữa, Peter Parker không bao giờ ngừng cố gắng.
Ba phần phim của Sam Raimi và hai phần của Marc Webb, đều đi theo đường dây này. Và lời cảnh báo cho những người yêu mến Tobey MaGuire hay Andrew Garfield, là Spider-Man phiên bản Tom Holland không có những điều đó. Homecoming, giống như tên gọi, là lời chào của đại gia đình Marvel dành cho đứa con lưu lạc. Đây là phim đầu tiên của Sony và Marvel hợp tác sản xuất và chia sẻ bản quyền nhân vật. Và để phù hợp chất vui nhộn tươi sáng của Marvel, các biên kịch giảm độ tuổi của Peter Parker xuống 15, tập trung khai thác đời sống học đường tếu táo. Còn hành trình chính của cậu bớt bi kịch đi rất nhiều. Nếu câu chuyện gốc của Spidey mang tính chất của sự trưởng thành, thì Homecoming dừng lại ở một bài thực tập, gống như cái gọi là “Stark Internship”. Một phiên bản mini của Iron Man, đưa Parker qua đúng những gì Tony Stark từng trải qua: Học cách sử dụng năng lực (bộ áo), rồi học cách không phụ thuộc vào nó.
Thứ Parker có mà Stark không có, là một người thầy. Trong phim, ta thấy IronMan theo dõi Spidey mọi lúc mọi nơi, và luôn xuất hiện đúng lúc cậu gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, mối nguy đến từ Vulture (Micheal Keaton), một bản sao phản diện kém cỏi hơn của Ivan Vanko từ IronMan 2, có vẻ không to lớn lắm. Điều khiến Stark đau đầu thật sự là tính bốc đồng kiểu “trẻ trâu” của Parker, cũng như khát khao chứng tỏ giá trị rất dễ hiểu ở tuổi mới lớn. Ngoài ra, ở tuổi này hẳn nhiên phải có chút lãng mạn: Parker cảm nắng cô bạn cùng lớp và chung đội tuyển học sinh giỏi Liz (Laura Harrier). Và như mọi phim học đường điển hình khác, cậu đánh bạn với “sidekick” là chàng mập châu Á Ned (Jacob Batalon), người mà công việc lớn nhất là thốt lên hai câu thoại “Awesome!” và “Crazy!”
Nhưng liệu Homecoming có thật sự “Awesome” hay “Crazy”? Câu trả lời là không. Điều tốt nhất ở phiên bản này là mang đến một góc nhìn khác trong thế giới người hùng Marvel. Một góc nhìn hiện thực hơn, từ phía dưới lên, nghĩa là qua đôi mắt của những người bình thường. Ta biết rằng sau mỗi đống đổ nát mà nhóm Avengers gây ra, sẽ có những nhân công phải dọn dẹp. Ta thấy Captain America xuất hiện trong những clip cổ động phát trong trường học, cả khi học sinh tập thể dục hay bị phạt. Ta nghe những lời người dân bàn tán về các siêu anh hùng. Cảnh đầu tiên là đoạn clip tự quay khá thú vị của Parker, thuật lại chuyến đi của cậu trong Civil Wars. Đó là một thế giới đáng tin mà sự hiện diện và tác động của các siêu anh hùng xảy ra tự nhiên, hợp lí.
Nhưng ưu điểm đó chỉ gỡ gạc lại đôi chút cho một phiên bản Spider-Man có lẽ nhạt nhòa nhất trong các phiên bản. Kể cả phần phim của Andrew Garfield. Homecoming không giống một phim về Người Nhện, bởi đã loại ra hầu hết những yếu tố quen thuộc của Người Nhện, cả năng lực lẫn tính cách. Về năng lực, phim loại đi một khả năng đặc trưng là Spider Sense, để thay bằng hàng trăm “giao thức” từ bộ áo Stark tặng, trong đó có “tơ điện”, “bom tơ”, “tơ sát thủ”… Chúng trông như đám đồ chơi mà bất kì ai cũng có thể sử dụng. Vì sao ta phải xem chúng, khi các bộ giáp của IronMan còn mạnh mẽ hơn và thú vị hơn? Thay thế năng lực đặc trưng thành phụ kiện bề ngoài, và lặp lại thứ có sẵn, không phải là lựa chọn khôn ngoan lắm.
Trong khi đó, kịch bản phim dừng lại ở mức an toàn, khá thiếu vắng tương tác. Có đến sáu biên kịch viết cho Homecoming, và ta thấy họ cố gắng để duy trì các màn hài hước như thế nào, đến mức biến dì May (Marisa Tomei) thành một phụ nữ sexy với điệu bộ uốn éo. Còn lại, trừ tình thầy trò Parker và Stark được ưu ái, các mối quan hệ còn lại dừng ở mức bề mặt: Tình thân giữa Parker và dì May, tình yêu giữa Parker và Liz, tình bạn giữa Parker và Ned… Chúng ở đó như thể hiển nhiên, nhưng không được phát triển. Dì May và Parker phải đối phó thế nào với sự mất mát của chú Ben? Tình cảm Parker dành cho Liz là gì, khi giữa họ gần như không có sự chia sẻ nào, ngoài những ánh nhìn ban đầu rất mô típ? Tình bạn giữa hai chàng nerd rõ ràng cần nhiều hoạt động học đường hơn thế. Tuổi mới lớn không đồng nghĩa với sự nông cạn. Tôi có cảm giác rằng việc đưa Parker về thời trung học chỉ để thoải mái cho việc nhồi nhét các cảnh hài, và bỏ qua các chủ đề khác.
Các nhân vật được xây dựng rất mỏng, ngay cả phản diện Vulture, mà Keaton tiếp tục vào vai “người chim”. Một kịch bản tốt đơn giản sẽ khiến ông ta đáng quan tâm hơn, khi cho thấy cách Vulture chăm lo gia đình hoặc đàn em. Một lần nữa, các nhân vật chỉ hiện diện, chứ không sống. Keaton có vẻ ngượng nghịu khi phải vào một vai không nội tâm. Vài phút ngắn ngủi của tay giang hồ Brice (Logan Marshall-Green), với gương mặt và nét diễn hao hao Tom Hardy, còn ấn tượng hơn.
Phần chỉ đạo của Jon Watts cũng không đặc biệt, thậm chí khá tệ ở lối cắt cảnh vụng về ở đầu phim. Đây là điều xảy ra khá thường xuyên ở hiện tại, khi các bom tấn thường sử dụng đạo diễn ít kinh nghiệm để tiết kiệm chi phí. Trước Homecoming, Watts là một đạo diễn truyền hình, gia tài điện ảnh mới chỉ có bộ phim 5 triệu đô kinh phí Cop Car (2015). Nỗ lực của anh chỉ là làm dẫn dắt sao cho tròn vai, vừa vặn. Tôi đánh giá Marc Webb của loạt Amazing Spider-Man cao hơn, vì Webb đưa được style cá nhân của mình vào phim. Dù không xuất sắc, nhưng khi loạt phim này kết lại, tôi luôn nhớ đến các trường đoạn lãng mạn là thế mạnh của Webb, như cảnh Parker bước về phía Gwen từ bên kia con đường. Còn Homecoming thiếu vắng một không khí nhất quán. Có lúc, ta thấy như đang xem Deadpool, những lúc khác là lối dẫn truyện đều đều và đúng công thức nhàm chán.
Về mặt cá nhân, Spider-Man của Tom Holland không có gì đáng chê, cũng chẳng có gì đáng nhớ. Đó có lẽ là điểm đáng chê. Holland có được vẻ ngoài baby dễ hút fan nữ và sự ngây thơ hợp độ tuổi. Nhưng khi bỏ lớp áo người Nhện ra, ta có cảm thấy đó là vị siêu anh hùng đáng giá? Hãy thử đặt các diễn viên đồng thế hệ khác vào vai này, như Asa Butterfield hay Logan Lerman, bạn có nghĩ Holland vượt trội hơn? Người ta có thể nói rằng đây chỉ là phim bản lề cho loạt Spidey thật sự trong vũ trụ Marvel. Nhưng Homecoming không giống một phim Marvel ngang hàng. Nó giống một bản IronMan 3.5 hay một phim nhỏ lẻ, lạc loài, đúng như vị trí của Parker trong Avengers, ít nhất ở thời điểm này.