TENET

1 comment 1541 views

What will be, will be well—for what is, is well,  

To take interest is well, and not to take interest shall be well

– Walt Whitman

Thời gian, thời gian, thời gian…

Giống như Richard Linklater, Christopher Nolan là đạo diễn bị ám ảnh bởi thời gian. Nhưng nếu Linklater ám ảnh theo kiểu một ông già nhìn ngược về lúc trẻ, chiêm nghiệm, Nolan lại giống đứa trẻ chơi đùa với món đồ chơi yêu thích. Nó sẽ soi mói, lật món đồ lên xuống, ngắm nghía và chơi đùa theo nhiều cách khác nhau.

Tenet là trò chơi thời gian mới nhất của Nolan. Còn xa mới là phim hay nhất, hay thậm chí là “hay”, nhưng phức tạp và kích thích tư duy nhất. Chỉ tiếc rằng về tổng thể, nó giống một bản dựng nháp hơn là phim hoàn chỉnh. Nó có một nửa đầu lộn xộn, rời rạc, với phần dựng phim cắt cảnh ẩu tả, một cốt truyện điệp viên lạc loài với yếu tố gia đình, một nhân vật chính trống rỗng (dù là chủ ý), các câu thoại hạng C và phần diễn xuất hầu hết đáng chán – một phần do nội dung không cần nhiều lực diễn lắm.

Mọi thứ khác các trường đoạn thời gian giống như nhiệm vụ mệt mỏi mà mỗi đứa trẻ phải làm để nhận phần thưởng. Bù lại, khi Nolan trở về với thứ ông say mê – các ý tưởng – chúng ta được thưởng thức những trường đoạn nguyên bản thông minh đáng giá. Do đó, tôi chỉ muốn nói về thứ lấp lánh, kích thích tư duy trong bộ phim này: Thời gian.

Đảo ngược Entropy

Tenet mang đến một cách du hành ngược thời gian khá mới mẻ: Đảo ngược Entropy. Từ này được các nhân vật trong phim nhắc đến khá nhiều lần, nếu bạn để ý.

Eutropy dịch tiếng Việt là “độ hỗn độn” hoặc “độ hỗn loạn” về thông tin. Chính xác hơn có lẽ là “mật độ thông tin tối thiểu” của vật chất. Entropy thường dùng làm đơn vị đo sự phát tan nhiệt trong nhiệt động lực học. Nhưng nó cũng có nhiều ứng dụng khác.

Một lối giải thích dễ hiểu: Entropy là cách đo lượng thông tin tối thiểu cần thiết để miêu tả một sự vật. Vật càng phức tạp sẽ cần nhiều thông tin hơn để miêu tả nó. Ví dụ, một nguyên tử sẽ ít Entropy hơn một phân tử, vốn được cấu tạo bởi nhiều nguyên tử. Tương tự, một khối băng với các phân tử đứng yên sẽ có ít Entropy hơn một dòng nước chuyển động chứa các phân tử hỗn độn.

Cờ vua có tổng cộng khoảng 10^50 nước đi sẽ ít Entropy hơn cờ vây vốn có khoảng 10^170 nước đi.

Định luật thứ hai của nhiệt động lực học nói rằng: Entropy luôn có xu hướng giữ nguyên hoặc tăng lên, không bao giờ giảm đi.

Mỗi một sự vật, hiện tượng thay đổi sẽ sinh ra lượng Entropy lớn hơn chính nó trước đó. Một khúc gỗ bị đốt sẽ sinh ra năng lượng, khói, tro, và cả các quá trình phức tạp khác trong môi trường. Băng tan thành nước cũng sinh ra năng lượng, các dòng nước hỗn độn tỏa ra nhiều hướng, làm ướt xung quanh…

Dĩ nhiên, bạn có thể làm đông nước thành băng, nhưng nó lại ngốn thêm nhiệt lượng cho tủ lạnh (chẳng hạn), hao mòn thiết bị, thời gian chờ đợi… nghĩa là làm lượng Entropy phải miêu tả tăng thêm. Entropy không bao giờ giảm đi, ta không bao giờ có thể đưa một sự vật về trạng thái trước đó.

Ở thang đo vũ trụ, điều này giải thích vì sao mọi thứ có thể được tạo ra từ Big Bang – vốn là một điểm tập trung năng lượng cực nhỏ. Mỗi quá trình sau Big Bang lại tạo ra Entropy lớn hơn cho vũ trụ, và cứ thế. Nghĩa là, từ vụ nổ Big Bang, Entropy tăng lên, thời gian mới xuất hiện vì mọi thứ mới bắt đầu vận động. Trước đó không hề có thời gian. Hình tượng “mũi tên thời gian” luôn bay về phía trước là như thế.

Cửa xoay Đảo Ngược

Christopher Nolan làm nên Tenet bằng cách đặt ra giả định rằng, nếu ta có thể đảo ngược Entropy thì sao? Ông làm điều đó bằng cách tạo ra một thiết bị mang hình dạng một cửa xoay, làm đảo ngược Entropy của tất cả vật thể vào bên trong nó. Như vậy, vật thể ấy có thể ngược dòng về quá khứ, trước khi bước vào một cửa xoay khác để xuôi dòng trở lại.

Nếu vật thể ấy là con người, như P (Protagonist – nhân vật chính hay John David Washington), có thể xem là P đã du hành ngược thời gian.

Trong phim, Nolan dùng màu sắc để chỉ thị cho hai dòng thời gian Xuôi – Ngược. Đỏ là Xuôi và xanh là Ngược. (Ngoài lề, đầu phim, logo mới của hãng Warner Bros. màu đỏ còn công ty Syncope màu xanh). Giống như dấu hiệu màu trên áo đội Đỏ và đội Xanh ở cảnh cao trào. Ông còn xây dựng hai lối vào Đỏ – Xanh ở trước mỗi cửa xoay, cánh nhau một tấm kính.

Vấn đề nằm ở đây. Tấm kính chia cắt dễ khiến người xem nhầm lẫn rằng hai lối vào là hai không-thời gian khác nhau, một bên chảy xuôi, một bên chảy ngược. Chính xác ở cả hai lối đều chung một không-thời gian và đó là xuôi. Chỉ có vật thể bước ra từ cửa Xanh là di động ngược. Việc chia ra hai lối để Nolan giải quyết một nghịch lý không gian: Không ai có thể bước vào cửa Đỏ được vì sẽ đụng ngay chính mình bước ra từ cửa Xanh, khớp đến từng phân tử.

Bạn thử tưởng tượng không gian xung quanh chúng ta là kín và luôn được lấp đầy bởi một số lượng phân tử nhất định. Lấy đâu ra khoảng trống để “lấp” vào thêm một vật thể du hành đảo ngược, để có đến hai vật thể ấy cùng tồn tại?

Nhưng, như Nolan đã gài sẵn ở mở đầu phim: “Đừng cố hiểu, hãy cảm nhận.” Vì chúng ta chấp nhận rằng khi có cửa xoay Đảo Ngược, các nghịch lý này đều đã được giải quyết.

Điểm khác biệt so với các lối du hành dựa vào các vật thể kì quặc hoặc phép thuật thường thấy là gì? Vật thể du hành không thể chọn lựa thời điểm. Bạn đang ở năm 2020, nếu muốn quay lại 2019 thì phải sống trọn một năm trong tình trạng ngược dòng. Nếu có tham vọng thay đổi thế giới như giết chết Hitler, bạn phải cố gắng sống 70 năm ngược dòng kế tiếp. Mong là lúc đó bạn vẫn đủ sức khỏe.

Và chỉ có con-cháu-ngược-dòng của bạn mới có thể gặp gỡ các danh nhân như Napoléon hay Leonardo De Vinci.

Đó là lí do vì sao một vài phân cảnh, các nhân vật phải “trú” trong một buồng kín để chờ thời gian ngược dòng trôi qua.

Nghịch lý về vật lý

Vấn đề đau đầu nhất của Tenet không phải là du hành thời gian, mà là các định luật vật lý khi du hành ngược. Khi một vật thể bước vào cửa Đỏ và ra cửa Xanh, vậy các định luật vật lý tác động lên nó sẽ ra sao? Hãy chuẩn bị cho một cơn lũ trào dâng của các thắc mắc.

Tóm lại thì, Entropy của “cái gì” bị đảo ngược? Là bản thân vật thể hay là một “trường bao bọc” quanh vật thể?

Trong phim, đó không thể là bản thân vật thể, như P chẳng hạn. Bởi nếu như thế, anh phải trẻ đi, do mọi biến đổi vật lý của cơ thể P bị đảo ngược. Nhưng như vậy P không thể sống nổi một giây nào. Tóc ngắn thì được nhưng máu chảy ngược? Mắt phát ra thay vì nhận vào các tia sáng? Tai phát ra thay vì nhận các tín hiệu âm thanh? Ngay cả các tín hiệu thần kinh của anh ta di chuyển ngược thì P cũng chẳng thể tư duy bình thường.

Vậy thì, ta có thể xác nhận có một trường bao bọc nào đó, như một lớp áo giáp vô hình giúp vật thể tách biệt với dòng thời gian ngược xung quanh. Nghĩa là với một lớp không gian cực mỏng nào đó bao quanh, không gian của P vẫn là thuận theo góc nhìn chủ quan của anh. Vậy thì, vẫn câu hỏi cũ: Entropy của cái gì bị đảo ngược? Rõ ràng không phải bản thân vật thể.

Sự rắc rối mà Nolan tặc lưỡi cho qua này bắt nguồn từ khác biệt cơ bản nhất giữa P và viên đạn: Một vật thể “sống” và vật thể kia “không sống”. (Liên quan đến “ý chí tự do” ở phần cuối của bài này). Với viên đạn, ta dễ dàng chấp nhận Entropy của nó đảo ngược, với con người, thì không. Tenet chấp nhận sự nhập nhằng giữa sống và không sống này. P nhận các hiệu ứng đảo ngược Entropy như viên đạn nếu có lợi, và nếu có hại thì… không nhận. Gọi là lỗ hổng của thuyết du hành này cũng không sai.

Sẽ hợp lý hơn nếu Nolan cho tất cả mọi người du hành ngược thời gian phải mặc một bộ giáp đặc biệt, thay vì chỉ mỗi mặt nạ oxi.

Rắc rối tiếp theo: Các lực vật lý tác động đến vật thể ngược dòng này như thế nào? Như ta đã biết, có bốn lực cơ bản: Trọng lực, lực điện từ, lực mạnh và lực yếu. Như thể hiện trên phim, các lực điện từ, lực mạnh và lực yếu bị đảo ngược theo chiều vật thể, nhưng trọng lực thì lúc có lúc không. Viên đạn không bị bay thẳng lên trời khi bay ngược vào khẩu súng, nhưng nó lại bay lên tay P khi anh thực hiện động tác thả xuống. Một cú tặc lưỡi khác.

Ngay cả việc lửa biến thành băng khi Sator làm nổ chiếc xe lật của P, thoạt nghe có vẻ hợp lý nhưng rốt cuộc thì không. Bởi vì ngọn lửa, chiếc xe đâu có chui vào cửa Đảo Ngược? Vì sao bỗng dưng chúng hành xử như thể là vật thể bị đảo ngược để cứu mạng P? Nếu đúng như lí thuyết, P phải bị nổ chết và đóng vòng lặp ở đó. Và ở các cảnh trước, P sẽ thấy cái xe cháy đen cùng với xác của mình bên trong. Giống như những gì đã xảy ra với Neil.

Tội nghiệp Sator, sai lầm lớn nhất của ông ta chỉ đơn giản không phải là Nhân Vật Chính.

Dòng chảy cứng

Khác với các phim thời gian khác thường sử dụng thuyết đa vũ trụ để giải quyết nghịch lý, Tenet không dùng đến. Mọi sự kiện đều chỉ xảy ra trong một không-thời gian duy nhất, trong một dòng chảy cứng. “Những gì xảy ra đã xảy ra”, Neil nói, dễ suy tiếp thành “Những gì không xảy ra đã không xảy ra.”

Như vậy, mọi thứ đều đã được định trước, không thể thay đổi. Kết thúc của Tenet có lẽ không có hậu như người ta tưởng, bởi thế giới tương lai vẫn sẽ bị hủy diệt bởi thảm họa môi trường. Thế hệ con cháu của P và Kat, như Max, chẳng thể cứu rỗi. Người ta chỉ có thể hi vọng rằng Sator chỉ là một trong nhiều kế hoạch sinh tồn của người-tương-lai, và mong là kế hoạch khác sẽ thành công. Trốn khỏi Trái Đất chờ nó hồi sinh như trong Wall-E hay Instertellar chẳng hạn.

Do đó, mọi hành động của P và những người khác đều chỉ dẫn đến một kết quả. Họ không thể thay đổi gì trong các nỗ lực ấy, mà chỉ có thể hiểu xem chúng có ý nghĩa gì. Giống như chúng ta xem một bộ phim trong rạp chiếu bóng, với câu chuyện, nhân vật, hành động đã được dựng sẵn từ trước. Ý chí tự do chỉ là ảo giác.

Nếu có thể hình dung câu chuyện của Tenet ở toàn cảnh, như chúng ta từ trên cao nhìn xuống thế giới đồ chơi chẳng hạn, ta sẽ thấy mọi thứ đều khớp với nhau. Tất cả con người cả xuôi cả ngược đều đang chảy trôi theo thời gian, làm đúng việc của họ cùng một lúc.

Vậy thì ta có thể thắc mắc, vậy thì “ai” hay “kịch bản” nào quyết định xem chuyện sẽ xảy ra thế này chứ không phải thế kia? Như khi P chuẩn bị bước vào cửa Đỏ, thế lực nào quyết định rằng sẽ có P khác ở bên kia đang đi ngược vào? Anh ta đi vào lúc 3 giờ chiều có khác lúc 4 giờ chiều? Sẽ thế nào nếu P không bao giờ thấy chính mình ở cửa kia, và do đó, không bao giờ bước vào cửa Đỏ?

Ở đây, người ta chỉ viện được hai lý giải: Một là Chúa trời nào đó đã quyết định tất cả. Chúa trời dĩ nhiên là đạo diễn/biên kịch Christopher Nolan, theo lối nói hoa mỹ quen thuộc trong giới điện ảnh. Hai là đa vũ trụ thật sự tồn tại, có thể có đến 14,000,605 vũ trụ như Doctor Strange đã thấy. Trong Endgame, đơn giản chúng ta chỉ theo dõi đúng cái vũ trụ duy nhất mà Thanos thất bại. Trong Tenet cũng thế.

Đóng vòng lặp

Nolan không quên gợi ra một công việc quan trọng ở cuối phim, đóng vòng lặp. Có một phim khá hay liên quan đến chủ đề này là Looper (2012). Bạn không thể để một vật thể ngược thời gian lang thang ở quá khứ được.

Vì sao ư? Hãy thử xét đến viên đạn ở đầu phim. Khá dễ hiểu rằng nó sẽ di chuyển ngược về đầu mũi tên thời gian, nhưng đến khi nào? Nếu không có ai đóng vòng lặp, nghĩa là đưa viên đạn trở ngược vào cửa xoay, nó sẽ ở đó mãi mãi về quá khứ. Một người tiền sử đã tìm thấy nó trước tiên, hoặc một con khủng long đã vô tình ngậm phải. Nó sẽ có ngay cả trước vụ nổ Big Bang, nơi thời gian không tồn tại. Đó là nghịch lý.

Hãy xét đến một chi tiết nhỏ khác là vết nứt trên kính ở cảng Tự Do. Đồng ý rằng viên đạn gây ra nó với vật lý ngược, vậy thì vết nứt đó ở đó từ lúc nào? Muốn hợp lý thì nó phải luôn ở đó. Khi người thợ đặt tấm kính vào đã có sẵn vết nứt. Các vật chất sẽ tự tạo ra vết nứt ấy. Vậy thì ông chủ công trình phải dễ chịu lắm mới cho qua (hoặc xem là phong cách trang trí?).

Hay như ngôi nhà bị cả đội Đỏ và đội Xanh phá hủy trong cảnh cao trào. Nolan đã tinh quái khi chỉ cho mỗi đội phá hủy một tầng, và đội Xanh là đội phá hủy tầng dưới. Như vậy, ở thời gian xuôi, đội Đỏ sẽ thấy ngôi nhà bị phá hủy tầng trên, và còn móng. Bởi vì, làm sao tầng trên nó có thể lơ lửng trên không trung được? Hoặc nếu đội Xanh phá hủy cả ngôi nhà, ban đầu nó sẽ là một đống gạch vụn với đủ vật chất để tái tạo trở lại. Ai lại tính toán và đặt sẵn như vậy chứ, và để làm gì?

Tất cả những điều này liên quan đến một chủ đề thú vị ngay sau đây: Ý chí tự do của con người. Có những sự kiện chỉ có thể xảy ra nếu có ý chí tự do, mặc dù là một ảo giác, tác động đến.

Nhưng trước hết, về chuyện đóng vòng lặp, còn có một cách khác là mọi vật thể ngược dòng tự hủy diệt, như Neil và trở thành cát bụi. Nhưng đó chỉ phù hợp với nhận thức tổng quan của chúng ta, chứ không thật sự hợp lý. Bởi các vật chất cấu thành, các phân tử của cả Neil và viên đạn vẫn sẽ tiếp tục đảo ngược đến những điểm sâu hun hút trong quá khứ.

Do đó, công việc của P và tổ chức Tenet có lẽ không chỉ là ngăn chặn Sator. Cứu thế giới chỉ là việc nhỏ thôi. Còn công việc chính của họ mang tính chất cửu vạn nhiều hơn. Họ sẽ phải tốn nhiều năm tháng truy tìm và đưa mọi-vật-thể từng qua cửa xoay trở lại cửa xoay! Từng viên đạn, từng khẩu súng, từng tấm bia tập bắn, từng bộ áo, từng con người… cho đến mảnh cuối cùng. Bạn sẽ hỏi, nếu họ không làm thì sao?

Câu trả lời: Họ phải làm! Vì vũ trụ bắt họ phải làm, cách này hay cách khác.

Gọng kìm thời gian

Giống như cái cách đặt tên “gọng kìm thời gian” và “cảng tự do”, chủ đề chính của Tenet là về ý chí tự do, hay ý chí cá nhân, đặt trong dòng chảy cứng của thời gian. Nó là câu hỏi hiện sinh không mấy mới mẻ, và thật ra, câu trả lời của Tent cũng chẳng mới là bao. Richard Linklater cũng từng trả lời câu hỏi này trong cảnh cuối của Boyhood (2014): “The moment seize us.”

Tại sao là từ seize, vốn có nghĩa chiếm hữu, tràn ngập, chộp lấy? Vì chúng ta chỉ là những sinh vật tội nghiệp bị cầm tù bởi thời gian. Thời điểm sinh và thời điểm chết luôn là gọng kìm kẹp lấy mỗi con người. Chúng ta không thể “sống” hay tồn tại ngoài thời gian và già đi, yếu đi vì nó. Điều an ủi duy nhất khiến ta không cảm thấy những song sắt nhà tù là sự mù mờ về tương lai. Hãy tưởng tượng nếu khi sinh ra, mỗi người đều nhận được một lời phong thư chứa lời nhắn về thời điểm và nguyên nhân chết, liệu ta có còn muốn sống? Nhưng ngay cả vậy, ta cũng không thể kết thúc cuộc đời sớm hơn hay trễ hơn. Tất cả đã được định sẵn!

Tenet dùng thuật ngữ “gọng kìm” để miêu tả một dạng khác của nghịch lý ông nội – nghịch lý dùng để miêu tả tình huống nguyên nhân và kết quả tự triệt tiêu nhau đặt trong du hành thời gian. Quay về giết ông nội chỉ là tình huống biểu tượng, ta có thể hiểu nghịch lý này ở nhiều tình huống khác. Ví dụ như một người ở tương lai có cỗ máy thời gian đem bản thiết kế cỗ máy này về quá khứ giao cho người sáng tạo ra nó. Vậy ai là người thật sự thiết kế cỗ máy? Trong một tập truyện Doraemon, ông họa sĩ bí ý tưởng nhờ Nobita đến tương lai lấy số truyện kế tiếp về để vẽ lại. Ai mới là tác giả?

Trong phim, cả Sator và P đều sử dụng gọng kìm này để lấy lợi thế trong cuộc chiến. Đặt trong dòng chảy cứng, không có đa vũ trụ, mọi thứ thật kì quặc. Hãy tưởng tượng ta là Sator trong trường đoạn đua xe ở Tallin. Mở đầu, ta nhận được tin nhắn (có thể là thư thoại) của Sator tương lai đã đi ngược về tiết lộ thông tin có được qua cuộc tra khảo. Thậm chí, tin nhắn đó còn có thể hướng dẫn đường đi nước bước, phải tra khảo thế nào, bắn Kat ở đâu. Sator hiện tại chỉ việc làm theo bước qua cửa, tra khảo, moi thông tin, đua xe… và cuối cùng thành công.

Vậy thì, ai là người nghĩ ra chuyện tra khảo ấy? Ai là người đưa ra các quyết định? Giữa vô vàn các khả năng có thể xảy ra, vì sao khả năng thành công chắc chắn ấy lại tìm đến Sator?

Điều này dẫn đến một trường đoạn cao trào với đội Đỏ và đội Xanh khá khiên cưỡng, vì nó dẫn đến một vòng lặp vô tận. Ở đây, cả hai phe Sator lẫn P đều sử dụng gọng kìm để biết thông tin về đối thủ. Hãy tưởng tượng một tên lính thông tin của phe Saitor nấp sẵn trong hầm, nhìn thấy kết cuộc Neil đỡ đạn cho P, liền quay ngược về báo lại cho Sator. Thế là ngay trước khi Neil mở khóa vào hầm, anh bị một kẻ từ tương lai khác trở về ngăn chặn. Nhưng Neil trên đường chạy vào nhìn thấy cảnh đó, và quyết định quay ngược lại để ngăn chặn kẻ ngăn chặn. Và cứ thế…

Một cuộc chiến với gọng kìm thời gian sẽ luôn tiệm cận với kết quả thắng thua, nhưng không bao giờ với tới kết quả đó.

Điều duy nhất quyết định kết quả chính là thứ khởi đầu cho mọi hành động: Ý chí tự do.

Ý chí tự do

Tôi bắt đầu viết bài này từ lúc nào? Theo quan điểm vật lý là khi tôi mở máy tính lên và đặt tay vào các phím chữ. Nhưng sự thật, tôi đã bắt đầu ngay khi nảy ra ý nghĩ “Tôi sẽ viết bài này”. Nó tác động đến tương lai tôi, thay đổi các kế hoạch của tôi và từ đó, thay đổi đời tôi.

Hãy nghĩ đến những khả năng có thể xảy ra trong khoảng thời gian đáng lẽ tôi đã làm việc khác này. Tôi có thể đến một quán café hoặc bữa tiệc, gặp ai đó và khởi đầu một mối quan hệ. Tôi có thể tình cờ mua vé số của người bán dạo và thắng giải nhất, dù tỉ lệ khá thấp. Tôi thậm chí cũng có thể gặp tai nạn ngoài đường phố và qua đời… Khi tôi chọn ngồi đây và viết bài, tất cả những khả năng đó biến mất. Nhưng ngược lại, nếu tôi không ở đây, mọi khả năng đều là có thể.

Mối liên hệ giữa ý chí/quyết định của tôi và các khả năng có thể/không thể là hai yếu tố chính định hình đời tôi. Dĩ nhiên luôn có các tác động từ bên ngoài. Tôi chỉ không thể biết được tất cả những mối liên hệ nhân quả dẫn đến chúng.

Câu hỏi đặt ra: Tôi có tự quyết định đời mình hay không?

Câu trả lời: Có và không, hay ngược lại, không và có.

Vì sao không? Vì những quyết định của tôi không hề do “tôi” quyết định, mà lại là kết quả của nhiều tác động khác, cả hữu hình lẫn vô hình. Nó xuất phát từ kiểu gen của tôi, các năng khiếu tôi có, những vận may khiến tôi quan tâm đến phim ảnh, những trải nghiệm quá khứ khiến tôi chú ý đến phim của Nolan, và hàng tỉ thứ khác. Nói tóm lại, mỗi quyết định của “ý chí” lại là kết quả của vô vàn các quá trình ý chí và phi ý chí trước đó. Thậm chí, như Nolan từng đề cập, nó có thể là do người khác “cài” vào đầu tôi, Inception.

Vì sao có? Tôi là người sẽ thực hiện hành động. Do đó, tôi có thể không thực hiện hành động. Đặt dưới góc nhìn thời gian cứng, dĩ nhiên đó là ảo giác. Nhưng với bản thân tôi, việc đang viết những dòng chữ này là do tôi quyết định. Tôi có thể dừng ngay lúc này nếu “muốn”, và từ đó, không độc giả tương lai nào đọc được đến đây. Nhưng nếu bạn đang đọc, nghĩa là tôi đã hoàn thành xong và không thể undone được nữa.

Trong Tenet, mặc dù không thể thay đổi được gì, nhưng ý chí của các nhân vật là điều khiến tất cả xảy ra. Viên đạn không thể bay ngược nếu thiếu ý chí muốn thả rơi của P. Thế giới sẽ bị hủy diệt nếu thiếu ý chí hi sinh của Neil. Ý chí là một lực tác động có giá trị như bốn lực cơ bản của vũ trụ, bởi nó thay đổi vũ trụ. Có thể ngày nào đó, người ta sẽ biết nó là lực của chiều không gian khác.

Ý chí mang đến ý nghĩa cho mọi việc ta làm. Nếu ta làm một việc nhưng không xuất phát từ ý muốn chủ quan, nó không có ý nghĩa. Hết hết trường hợp, ý nghĩa đến từ một cảm xúc. Do đó, hành động do ý chí con người khác với con bướm vô tình đập cánh và gây ra cơn bão. Về điểm này, Tenet làm rất tệ, tệ hơn rất nhiều so với bộ phim khá tương đồng trước đó là Inception. Vì chúng ta không biết/không hiểu/không thấy nguồn gốc cảm xúc của các hành động, các lựa chọn ý chí của nhân vật. Vì sao P quyết định giúp đỡ Kat, tình cảm nam nữ hay đồng cảm quá khứ? Vì sao Neil chấp nhận số phận của mình dễ dàng như thế? Vì sao Sator muốn lôi cả thế giới xuống cùng mình? Do đó, Tenet giống như một câu đố mà khi đã hiểu lời giải, ta sẽ chẳng muốn quay lại làm gì.

Cứu thế giới và hủy diệt thế giới cũng là ý chí tự do của mỗi nhân vật, chúng cần có một cái lõi cảm xúc để khiến chúng ta quan tâm. Giống như một bộ phim đã biết kết quả, ta đâu có hồi hộp, lo lắng gì nữa. Nhưng vì sao người ta vẫn có thể xem đi xem lại một phim nào đó? Vì cái mà chúng ta quan tâm là cái gì đứng sau các hành động/lựa chọn/ý chí đó, đơn giản bằng hai chữ con người và vẻ đẹp của họ. Vẻ đẹp của những tù nhân của thời gian nhưng luôn cố gắng vùng vẫy, vẻ đẹp của việc phải sống, của sinh tồn, và cao hơn nữa, là vẻ đẹp của sự chấp nhận.

Sinh ra trên đời, điều khó chấp nhận nhất là ngày nào đó chúng ta sẽ chết. Chấp nhận rằng mọi điều ta làm, mọi người ta gặp, mọi tình yêu lớn nhất và nỗi hận thù lớn nhất đều sẽ tan biến trong thăm thẳm thời gian. Những dấu vết ta để lại cũng giống như dấu chân trên cát, chẳng in nổi qua hai đợt sóng. Ngay cả những quyết định của ý chí cũng nhiều lúc không thể thành hiện thực, bởi còn phụ thuộc vào vô vàn yếu tố xung quanh. Vì chỉ khi chấp nhận, chúng ta mới có thể “mở mắt” để thấy ý nghĩa trong thời gian tồn tại.

Do đó, nhân vật đẹp nhất trong Tenet là Neil. Anh ta chấp nhận số phận của mình và đi theo nó, không mảy may băn khoăn. Ở Neil có sự nhẹ nhàng của các bậc tu hành, ở cách anh ta ứng xử với mọi sự kiện xảy đến, cả với cái chết của mình. Đó là một lối ứng xử khác khi nhận được phong thư báo tử, có người sẽ chẳng muốn sống tiếp, có người lại chẳng còn lo lắng về cái chết. Giống như Walter White của Breaking Bad, ung thư mới là cánh cửa sự sống. Khi biết rằng mình sẽ chết, gánh nặng về cái chết mới được gỡ bỏ, ông ta bắt đầu tập trung vào việc sống.

Ý chí tự do lúc đó chẳng còn quan trọng, “những gì xảy ra đã xảy ra” trở là một câu triết lý về sự chấp nhận, con người hòa làm một với cái vũ trụ cứng luôn tiến về phía mũi tên này. Điều quan trọng nhất là phải hành động, đừng giống như chàng Nobita lười biếng mải dõi theo các kết quả, đắn đo về lựa chọn mà lỡ mất một ngày tuyệt đẹp. Ai biết rằng đó có phải là ngày cuối ta ở trên đời? Giống như những lời thơ của Walt Whitman, nhà thơ yêu thích của Nolan ở đầu bài viết này. Ta có quan tâm hay không thì mọi thứ vẫn xảy ra và dòng sông vẫn chảy trôi.

Everything that once lived…

Đôi khi, giá trị của một bộ phim không đến từ chất lượng của nó. Tenet không phải phim xuất sắc, nhưng những gì nó khơi gợi và ý tưởng tuyệt vời của nó thì khác. Những kẻ bị ám ảnh bởi thời gian đều là những kẻ hiện sinh, những kẻ hiện sinh đa phần đều trở thành triết gia, Nolan không là ngoại lệ. Ông đưa triết lý của mình vào phim ảnh, luôn tìm kiếm điều gì đó mới từ món đồ chơi thời gian, dĩ nhiên vẫn đảm bảo chất giải trí đã làm nên thương hiệu. Yêu thích hay không, tôi vẫn nghĩ rằng những người như Nolan là cột trụ giúp điện ảnh tiếp tục tồn tại.

Không liên quan đến bộ phim, hoặc có liên quan, có một lý thuyết mà theo lời nhà thiên văn học lừng danh Carl Sagan “vừa say đắm vừa thách thức” là không có gì giãn nở mãi mãi. Ngày nào đó, khi đã giãn nở đủ, vũ trụ sẽ co lại. Entrophy sẽ đảo ngược. Kết quả sẽ xảy ra trước nguyên nhân. Mọi người từng sống sẽ sống lại một lần nữa, giống câu thoại của series Dark “Mọi thứ từng sống sẽ sống mãi mãi trong dòng chảy vĩnh cửu của thời gian.”

Vậy thì, hãy sống đời mình theo cách mà bạn muốn trải nghiệm một và nhiều lần nữa. Đó sẽ là thiên đường và địa ngục của mỗi người, do chính họ tạo ra.

Cuộc đời chính là Tenet.

 

 

 

 

 

 

Bài Liên Quan

Ý Kiến Của Bạn

1 comment

WONDER WOMAN: 1984 - Bình Luận Phim - Phan Cao Hoài Nam May 25, 2021 - 4:33 pm

[…] thảm họa của điện ảnh. Những bộ phim bom tấn hiếm hoi dũng cảm ra mắt như Tenet và giờ là 1984, một cách vô tình, cũng không thể cứu vớt rạp chiếu bóng, ít […]

Reply