The Danish Girl hội đủ gần như mọi yếu tố để là một phim hay, hoặc thậm chí xuất sắc. Tom Hooper là một đạo diễn giỏi và chỉnh chu, người đạt đến mức chuẩn mực năm 2010 với giải Oscar cho The King Speech, và vẫn làm tốt ngay cả thể loại nhạc kịch lạ lẫm trong Les Miserable năm 2012. Eddie Redmayne là diễn viên có thực lực hàng đầu hiện nay, dù có tính giải Oscar nam chính năm ngoái hay không. Đóng cặp với anh là nữ diễn viên trẻ Alicia Vikander gây ấn tượng trong năm 2015 với Ex-Machina và The Man From U.N.C.L.E. Và cuộc đời của Lili Elbe, một trong những người chuyển giới đầu tiên trên thế giới, là một đề tài hay, hợp thời điểm, và dễ được lòng cả khán giả đại chúng lẫn giới phê bình.
Nhưng đôi khi, tổng hòa của những yếu tố riêng biệt xuất sắc, lại không mang đến giá trị tương xứng. Thật sự, trước khi xem phim, tôi không hình dung được lý do nào đã khiến Danish Girl nhận về đánh giá tiêu cực đến mức ngạc nhiên như thế. Nhất là với một trailer rất xúc động, gây được tiếng vang khi công bố cách đây chừng 3 tháng, và đặt Eddie vào vị thế lần thứ hai liên tiếp nhận đề cử Oscar cho nam chính.
Đó cũng là vấn đề đầu tiên của Danish Girl, khi cả bộ phim gần như là phần mở rộng của trailer ấy. Những tình tiết chính trong đường dây câu chuyện, dù có lẽ không nhiều bất ngờ, đã được dùng hết cho quảng bá. Lili Elbe, sống vào đầu thế kỷ 20 ở thành phố Copenhagen, Đan Mạch, ban đầu là nam họa sĩ tài năng Einar Wegener. Anh cưới vợ là bạn học ở Học viện Mỹ thuật Gerda Gottlieb, cũng là một họa sĩ. Nếu Einar được công nhận bởi các bức vẽ phong cảnh, thì Gerda ưa thích vẽ chân dung. Trong một lần người mẫu vắng mặt, Gerda nhờ chồng mình làm mẫu thay với các trang phục phụ nữ. Đó là khởi điểm cho sự ra đời của Lili Elbe, cô gái Đan Mạch vẫn ngủ say trong con người chàng họa sĩ.
Danish Girl gây ấn tượng đầu tiên là ở phần nhạc nền ám ảnh xuất sắc của Alexandre Desplat. Tôi không hề biết ông soạn nhạc cho phim, trong nỗ lực biết càng ít về phim càng tốt trước khi xem, và nhiều lần bị ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của các bản nhạc sử dụng trong phim. Chúng đầy sức mạnh, bắt được đúng chất huyền bí cần có của câu chuyện và thiên nhiên Đông Âu vừa đẹp đẽ vừa mênh mang lạnh giá. Trước khi phim bắt đầu, tôi ở trong rạp chiếu bóng với màn hình lớn để poster phim, và chỉ những nốt nhạc vang lên. Ngay lúc đó tôi đã có thể cảm thấy tâm tình của Lili ẩn chứa, nỗi đau của cô, khát khao của cô, như những dòng chảy cuộn trào bất tận trong không gian. Đây là lần đầu tiên kể từ Let The Right One In (2008), tôi bắt gặp lại phần âm nhạc có thể truyền tải được tình cảm nhân vật, ở mức độ sâu sắc như thế.
Thật lạ lùng khi phải ngợi khen hầu hết những thành tố cấu thành một tác phẩm, lại phải đi đến kết luận rằng tác phẩm ấy không được như chờ đợi. Ngoài âm nhạc, phần hình ảnh của Danish Girl đạt tiêu chuẩn rất cao về mặt thẩm mỹ. Tom Hooper là người luôn kỹ lưỡng về chất liệu hình ảnh, và trong bộ phim này, ý định của ông về việc biến mỗi khung hình thành một bức tranh đẹp là rất rõ ràng. Ông chăm chút đến từng yếu tố bố cục, màu sắc, cảnh nền, sự hài hòa… để mang đến ấn tượng thị giác đủ để làm hài lòng các nhà phê bình hội họa. Nếu đang xem trên máy tính, tôi hẳn sẽ tìm cắt những “bức tranh” này để làm hình nền mà không cần suy nghĩ. Rất nhiều cảnh tĩnh rất đẹp mắt, nhất là ở trong các khu vực kiến trúc như thư viện, nhà triển lãm, nhà thờ. Cả những cảnh thông thường cũng đầy sự kỳ công, như khi Gerda ngồi ở hàng ghế trong cơn mưa đêm.
Nếu phải dùng một từ để miêu tả về phong cách làm phim của Tom Hooper, có lẽ sẽ là “chuẩn mực”. Mọi thứ đều đạt tiêu chuẩn, đều ở vị trí của nó, gọn gàng, không kẽ hở, không thể chê vào đâu được. Như cảm giác tôi từng có khi xem The King Speech của ông, kiểu phim được làm ra để dạy trong trường điện ảnh. Danish Girl lẽ ra sẽ giống như thế. Nhưng hóa ra, giữa sự tinh tế và cầu kỳ chỉ cách nhau một bước chân. Nếu The King Speech có được thứ sức nặng chính trị để giữ lại sự cân bằng, thì Danish Girl, thiếu các mối nối tâm lý vững vàng, bước thẳng vào vùng hoa lệ của cái đẹp được cường điệu hóa, tiệm cận với phù phiếm.
Với tôi, khoảnh khắc bộ phim lộ ra yếu huyệt là khi Einer thốt lên: “Lili có tồn tại”, sau khi người vợ phát hiện anh đã hôn một chàng trai khác (Ben Whishaw) tại bữa tiệc. Nhưng Lili chưa thật sự thành hình ở thời điểm đó. Dĩ nhiên, Lili đã xuất hiện ngay từ đầu, từ diễn xuất lớp lang dày dặn của Eddie Redmayne. Chúng ta thấy người phụ nữ ở trong anh ở mọi thời điểm, anh thể hiện nó bằng cả ngôn ngữ tâm lý và hình thể, cả ánh mắt sâu thẳm và cử chỉ e lệ. Tuy nhiên, có một sự thiếu hụt trong dẫn dắt tâm lý, một khoảng trống lớn để lại khi Tom Hooper “nhảy” từ Einar sang Lili quá vội vàng. Danish Girl không phải câu chuyện về một phụ nữ phải giấu kín sự tồn tại trong lớp vỏ đàn ông ngay từ đầu, mà là về một người đàn ông bỗng phát hiện ra mình là phụ nữ. Nó phức tạp hơn rất nhiều. Nó đặt ra vô vàn các câu hỏi khác, và cần đến những chuyển biến và mâu thuẫn nội tâm lắt léo, trong hành trình anh ta chấp nhận chính mình. Những đụng chạm với các trang phục, một lần hóa trang, một nụ hôn, một trò chơi, dường như là chưa đủ. Lili ra đời quá nhanh mà chưa kịp phôi thai.
Có hai mâu thuẫn chính xảy ra trong quá trình Einar trở thành Lili. Xuyên suốt và hữu hình là giữa Einar với người vợ/người chị Gerda (AliciaVikander). Mở đầu phim, mối liên hệ giữa họ được xây dựng hơi quá thừa thãi những cảnh gần gũi. Nó cần thiết ở dụng ý, gần như phải có một cách hiển nhiên, bởi cơ thể phụ nữ trần trụi của Gerda là sự phản chiếu bản ngã Einar. Nhưng chỉ nên xuất hiện thật xuất sắc ở một lần, để dành thời gian cho những khía cạnh con người khác. Sự thật rằng, những cảnh quan hệ của cả hai không khiến tôi thấy họ thân thiết với nhau hơn – không phải theo kiểu vợ chồng, cũng không phải những người bạn tâm giao như Alan và Joan trong Imitation Game – nền tảng cho tình yêu vô điều kiện Gerda dành cho Einar. Họ không có được sự tương tác tốt. Vikander, sau Ex-Machina, chứng tỏ rằng cô vẫn cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện kỹ năng diễn xuất. Dường như vẻ đẹp bí ẩn của cô chỉ thích hợp khi không cần biểu lộ quá nhiều, còn khi phải sôi nổi như U.N.C.L.E, hay phải đằm thắm trong Danish Girl, Vikander bỗng mất đi sức hút, như thể bùa phép bị hóa giải. Cô không đủ sức để theo kịp Eddie.
Mâu thuẫn còn lại, vô hình nhưng không kém quan trọng, là giữa Einar và Lili. Quyển hồi ký của Lili Elbe ngoài đời thật, miêu tả điều này như một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai nhân cách. Trong phim, Einar tỏ ra quá yếu thế trước Lili. Anh gần như biến mất ngay từ lần đầu Lili xuất hiện, không có chút kháng cự nào. Chúng ta sẽ không hiểu vì sao Lili có thể chối bỏ Einar quá nhanh như thế. Và trong một vài cảnh, cô chối bỏ một cách ích kỷ. Lili bị hút về phía phụ nữ quá mạnh mẽ, điều không khó hiểu, nhưng sẽ thuyết phục hơn nếu chúng ta thấy cô day dứt về lớp vỏ đàn ông của mình. Giá như cô cho thấy nỗi day dứt khi phải rời bỏ nó, ít nhất, đặt trong mối liên hệ với Gerda. Cô đang giết đi người chồng của vợ mình, nhưng dường như Lili không quan tâm. Cô có yêu Gerda? Cô có cân nhắc việc sẽ tiếp tục làm đàn ông vì tình yêu ấy? Luôn luôn là Lili. Ở mặt ngược lại, những chuyển biến của Gerda cũng không thật sự rõ ràng, khi bỗng nhiên cô quay sang ủng hộ Lili, mà thiếu đi một sự kiện, hay một nút thắt xoay chuyển thuyết phục.
Thông điệp chính của phim “dũng cảm để là chính mình” là khá dễ để nhận thấy, bởi nó nằm ngay trên bề mặt nội dung: một người đàn ông tìm cách trở thành phụ nữ, không chỉ tinh thần, mà còn ở cơ thể. Tuy nhiên, sự dũng cảm đó không được thể hiện trọn vẹn. Hooper không cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng và sự nguy hiểm của cuộc phẫu thuật, đặt trong bối cảnh thô sơ về kỹ thuật đầu thế kỷ 20. Cũng như sức tác động của nó đến cộng đồng. Ngoài đời thật, sự kiện này đã thu hút sự quan tâm lớn của báo chí Đan Mạch và Châu Âu. Và cuộc đấu tranh của Lili không chỉ là được nhìn nhận về mặt hình thể, mà lớn lao hơn, để nhận được sự công nhận của xã hội. Trong những dòng hồi ký, cô nói rằng mình vừa vui sướng vừa sợ hãi với nhân dạng mới, vì thế giới có thể không chấp nhận cô. Lòng dũng cảm thật sự không đến từ việc cô dám nằm xuống chiếc giường phòng mổ, mà từ lúc cô dám đứng lên khỏi nó.
Không liên quan đến bộ phim, mà thực tế khi Lili lần đầu trở về Đan Mạch sau cuộc phẫu thuật, chị của cô (không được nhắc đến trong phim), đã ra đón cô. Khi nhìn thấy Lili, câu đầu tiên người chị nói là: “Đừng giận tôi nếu tôi chưa thể gọi cô bằng cái tên Lili. Hay nếu tôi cố tìm kiếm em trai tôi khi nhìn vào cô, vào đôi mắt cô, vào môi cô, vào đôi tay cô, và vào trán cô. Vì tôi yêu đôi mắt và vầng trán của nó rất nhiều. Tôi đã bao nhiêu lần hôn lên đôi mắt và vầng trán ấy.”
Đó mới là chất tình cảm cần đưa vào phim, thay vì khá nhiều các cảnh khóc lóc không cần thiết. Vì sao những nhà biên kịch và Tom Hooper lại cắt đi những giá trị về gia đình, về xã hội, vốn gần gũi và dễ cảm thông, để thay bằng một câu chuyện đơn lẻ và mang tính cá nhân hơn? Trong phim, Lili gần như không có mối quan hệ xã hội hay gia đình nào, trừ Gerda. Mọi thứ chỉ là câu chuyện đơn lẻ giữa Lili và Gerda. Để hiểu được lòng dũng cảm, chúng ta cần thấy được những trở ngại. Một trận đòn của hai tay ất ơ nào đó không có nghĩa lý gì. Vì sao Lili không gặp phải sự phản đối nào từ cộng đồng, khá lạ lùng cho một hành động mang tính tiên phong và đi ngược lại qui chuẩn về cả đạo đức lẫn tự nhiên thời điểm đó? Họ nghĩ gì về cô? Sự chấp nhận là khá dễ dãi ở những cảnh cuối. Và những người khác, những người đồng tính hoặc giống như cô, họ đang sống ra sao trong thời đại ấy? Họ có được niềm tin và hi vọng gì, hay niềm cảm hứng gì, từ Lili? Danish Girl gần như không xây dựng tuyến truyện phụ nào để thể hiện những điều đó, mà chỉ là những nhân vật lãng phí, có như không có của Ben Whishaw, hay anh bạn cũ Hans.
Danish Girl vẫn chứa đựng những cảnh dựng rất tốt và ám ảnh. Như khi Einar bỏ tiền để xem vũ nữ khỏa thân ở Pháp, khiến tôi rợn người. Phim cũng có những câu thoại xuất sắc “Khi anh mơ, anh mơ những giấc mơ của Lili”. Eddie Redmayne vô cùng xứng đáng với đề cử Oscar thứ hai liên tiếp, sự thật, diễn xuất đơn lẻ của anh cứu lấy bộ phim ở một vài giây phút. Còn Hooper đạt được một tiêu chuẩn mới về mặt hình ảnh trong phim. Nhưng về tổng thể, Danish Girl còn thiếu nhiều thứ để chạm vào trái tim và truyền tải thông điệp lớn lao lan tỏa mà bộ phim mong muốn. Một trong số đó là sự giản dị. Khi xem, đôi lúc tôi ước mong được nhìn thấy một lỗi lầm nào đó, một sự chông chênh trong khung hình, thậm chí mất nét, một sự vụng về của Eddie, hay một chi tiết về bối cảnh, trang phục, không tạo cảm giác có dụng ý. Dấu ấn của Hooper là quá nhiều, quá kỹ lưỡng, quá đẹp và hoàn hảo. Danish Girl có thể là ví dụ đầu tiên về việc sự hoàn hảo có khả năng trở thành kẻ phản bội như thế nào. Bởi một bộ phim đẹp, chưa bao giờ đồng nghĩa với một bộ phim hay.