Tháng 9 chào đón tôi bằng cái chết. Sáng sớm, mẹ gọi dậy và nói rằng con chó nhà vừa bị xe tông. Nó tên Bô, mới ba tháng tuổi, đến ở với tôi được hai tháng. Mẹ hay để cổng mở buổi sáng để nó chạy ra chơi, vì khu phố tôi ở vốn không có xe lớn ra vào. Tôi giật mình bật dậy, chạy ra thấy nó nằm bất động trên vũng máu.
Nhưng nó chưa chết ngay lúc đó. Tôi quay trở vào nhà để thở, và để tỉnh táo lại. Khi trở ra bất ngờ nó tỉnh lại, ngồi dậy, thở khó nhọc vì đau. Có vẻ chiếc xe đã tông vào một bên hàm, khiến nó ngất đi. Sau vài phút, nó đã có thể tự đi vào bên trong. Tôi và mẹ mừng rỡ, nghĩ rằng chắc không sao. Hai tiếng sau, khi mẹ đi làm và còn mình tôi ở nhà, nó lên cơn co giật rồi mới chết.
Một ngày không bình thường. Tôi có thể cảm nhận rõ điều đó. Tôi nhìn khung cảnh sân nhà mình, và thấy nó nhuốm màu sắc khác. Dù vẫn nắng, vẫn chim hót, vẫn gió nhẹ nhàng. Như thể buổi sáng của năm 2090 nào đó mà tôi và tất cả những người tôi biết sẽ không thức dậy nữa. Nó nhuốm tôi bằng thứ trống rỗng khó diễn tả, ngay cả không khí hít vào cũng khác. Tôi khóa cửa nhà, dắt xe ra rồi đạp đến bến xe buýt, rồi bắt xe lên Sài Gòn. Tôi muốn có cảm giác ở trên đường, chứ không hẳn cần đi đâu hay gặp ai. Đầu tôi bắt đầu nhức nhối.
Ngày mai là lễ Quốc Khánh, nên chuyến xe trống vắng hơn đôi chút. Hoặc là do tôi tự cảm thấy thế, vì bây giờ, tôi chẳng thể nhớ được những quãng đường mình đã đi qua. Những người bạn khả dĩ đang làm việc của họ ở công ty, ở tòa soạn. Những người xa lạ ngồi xung quanh tôi cũng thế, dù là ai, nghề nghiệp là gì, trang phục và độ tuổi như thế nào, đều đang có những đích đến đang chờ đợi họ. Bất giác, tôi cảm nhận rõ ràng rằng mình đang ở ngoài rìa của sự chuyển động ấy. Như một vệ tinh có vẻ đang quay chung quỹ đạo, thực chất ở thế giới hoàn toàn khác. Dù tôi có ngồi giữa họ hay không, hay có hữu hình với họ hay không
.
Tôi nghĩ rằng nên có điều gì đó để làm, nên quyết định sẽ ghé tòa soạn lấy nhuận bút. Sau đó đi sang chỗ bảo hành để lấy lại con chuột máy tính bị hư. Loanh quanh ở quận 1 và quận 3. Tiếp đó thì tôi không biết. Có lẽ sẽ đi xem phim, vì nhận ra hôm nay trùng với ngày giảm giá của Galaxy. Và có vài phim tôi cần xem cho các bài viết sắp tới.
Suốt hành trình đó, trong đầu tôi chỉ có hình ảnh của con chó trong những giây phút cuối, còn trong tim là cảm giác đau đớn.
Dù tôi luôn nghĩ về cái chết, có lẽ từ năm lớp 8, và từ đó gần như mỗi ngày cho đến ngày hôm nay, tôi may mắn chỉ có vài trải nghiệm thật sự với nó. Có lẽ giống hầu hết mọi người, và ít hơn một số người. Một vài người họ hàng thời thơ bé, theo cùng kịch bản: tôi gặp họ vài lần, rồi một ngày nghe tin họ không còn nữa, rồi đi cùng bố mẹ đến viếng, đi qua di ảnh và cố gắng mường tượng lại họ khi còn sống. Một vài người bạn, trong đó có một người là do lỗi của tôi vào năm lớp 4 hay 5, nghĩ lại thì, có thể đó là xuất phát điểm cho nỗi ám ảnh của tôi về cái chết. Mẹ của người bạn thân vào cuối năm lớp 12. Ông nội mà tôi chỉ nhớ mang máng đã từng gặp từ khi rất bé.
Còn chứng kiến giây phút sự sống bị tước đoạt, chỉ có hai lần. Lần đầu là vào năm đầu đại học, tôi và Ngọc tình cờ thấy một chú chim đang bị thương ở phía sau dãy nhà A1. Chúng tôi đã cố gắng băng bó và chăm sóc nó, nhưng giống như con Bô, nó có vẻ khỏe lên trước khi co giật rồi chết.
Ở lần thứ hai này, tôi có nhiều thời gian hơn. Nhưng quá trình thì tệ hại hơn. Vì con Bô không phải là chó vô chủ hay tình cờ tôi gặp trên đường. Đã rất lâu rồi nhà tôi mới nuôi vì bố tôi vốn không thích chó, và tôi ngại tụi nó khổ khi ở chung với bố. Vài con chó trước đều là do mẹ đưa về, thường bị bố xích ở sau nhà (tôi và em trai len lén đưa ra trước chơi khi bố đi vắng), và một ngày trở về không còn ở đó nữa. Mẹ sẽ bảo bố đã mang cho ai, hoặc là đã chết vì lý do này nọ. Tôi không hề nhìn thấy.
Riêng Bô là do tôi lựa chọn. Tôi xin từ lứa con mới đẻ của chó nhà bạn. Tôi gặp nó giữa năm con chó con khác từ lúc lọt lòng, chưa mở mắt. Tôi chọn nó vì có đốm trắng ở chân và ở đuôi. Phải chờ một tháng để nó cứng hẳn mới đưa được về, tôi để nó trong chiếc túi đựng đồ đá bóng đặt trước bụng, và đạp về từ nhà bạn. Nó cứ ngoe nguẩy đòi lòi đầu ra hoài, khiến tôi phải dừng lại vài lần để nhét vô lại. Nó là con chó của tôi. Thời gian này bố mẹ và em trai đều đi làm, chỉ có tôi ở nhà, nên tôi là người chăm sóc nó nhiều nhất. Tôi cho nó ăn uống, dọn vệ sinh cho nó, đi mua vòng cổ, mua thuốc xổ và thuốc tiêu chảy cho nó, và đùa giỡn với nó. Bô là con chó đầu tiên mà bố tôi thương, vì nó khôn và ngoan. Lớn lên một chút, trên lưng nó xuất hiện vệt lông xoắn dài với hai xoáy mà bạn tôi bảo là đặc điểm của chó Phú Quốc.
Tôi may mắn chưa trải qua mất mát nào từ những người thân yêu, hoặc vì ý thức ngày đó còn nhạt nhòa, hoặc những mối liên hệ quá xa xôi. Đây có lẽ là lần gần nhất, dù không phải “người”, về mặt tình cảm. Nhận thức hiện sinh khiến tôi không thể trải qua mọi thứ ở thực tại. Đã từ lâu, khi tôi trải qua một sự kiện, nó diễn ra ở hai chiều hiện tại và ký ức, giống như tôi đang bước đi trên băng chuyền và mỗi giây phút tôi muốn nắm giữ đều trôi tuột ra phía sau. Ngay giây phút con chó hấp hối, tôi hoàn toàn không hiểu được thời gian là gì nữa. Nó vẫn còn đang sống, và tôi ở đó, biết rõ rằng chỉ chút nữa thôi nó sẽ chết. Chút nữa thôi nó sẽ không còn trên cõi đời. Thời điểm sẽ đến, không cách nào ngăn lại được, và sẽ là đổi thay.
Khoảnh khắc đôi mắt của nó đờ đẫn, và sự sống mất đi trong cơ thể nó, khiến tôi ngây người lại. Tôi từng có cảm giác tương tự vào năm lớp 12, khi đi cùng bạn xuống Vũng Tàu nhận mẹ. Cảm giác rõ rệt rằng cơ thể chúng ta chỉ là những lớp vỏ hữu cơ, không có gì hơn, nơi chúng ta trú ngụ. Như một từ nào đó mà Paul Auster đã dùng để gọi tên lớp vỏ còn lại khi linh hồn rời bỏ nó, tôi đã quên. Giống như việc chúng ta đều là những thể vô hình vô dạng và phải cần đến phương tiện để tương tác với thế giới. Khi phương tiện mất đi, mọi thứ mất đi. Tôi chỉ không hiểu, tất cả đi đâu mất rồi? Trong khoảnh khắc đó, mọi thứ từng gắn liền với nó, đã đi đâu mất? Cả những bản năng chung như vui mừng và vẫy đuôi với chủ, tự động biết sủa, biết canh nhà, và những thứ riêng biến nó trở thành đặc biệt với riêng tôi, như cách nó chạy từ đàng xa lao vào mình tôi, rúc dưới cánh tay và nằm rạp xuống chờ vuốt ve, như cách nó khôn lỏi ngồi lại bên cửa, ngộ nghĩnh nhìn tôi khi biết tôi “dụ” nó ra khỏi nhà, và nhiều thứ nhỏ bé khác. Như thể một ánh đèn tắt đi đột ngột trong bóng tối, không bao giờ sáng lại.
Nỗi đau buồn chạm vào tôi nhiều đến thế khiến tôi ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ rằng với góc nhìn thứ ba, và là kẻ ngoài cuộc, mọi thứ sẽ chỉ chạm vào tôi như chạm vào lớp kính. Vì tôi sẽ luôn thấy tách biệt với bản thân, và bất kỳ điều gì, sẽ chỉ xảy ra với phân thân kia chứ không phải tôi. Hóa ra không phải. Có thể còn vì sự bi thảm của cái chết này. Máu chảy lênh láng từ phần hàm bị thương của nó, dính cả vào áo tôi. Nỗi đau còn đến từ việc chứng kiến sinh vật mà tôi yêu thương đang đau đớn. Và từ sự uất ức rằng chỉ tối qua thôi, mọi thứ vẫn bình thường, tôi và mẹ còn nhắc đến nó trước khi đi ngủ với niềm vui, cùng cười đùa về nó, và nghĩ rằng ngày mai vẫn sẽ bình thường. Lẽ ra phải như thế, không phải thế này.
Rồi tôi biết rằng, dù tôi có trốn tránh cuộc sống và vờ như chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì xảy ra với sự bình yên này, chỉ là sự ngụy biện và trốn tránh. Những sự kiện đều sẽ đến, một ngày nào đó, với những người tôi yêu thương. Diễn ra theo cùng một cách với sự mất mát này, cả những phản ứng của thể xác và tâm trí, bởi có chung cội rễ là tình cảm con người.
Tôi nhớ Johnny Depp từng nói rằng, chỉ có hai sinh vật sở hữu được tình yêu chân thành, không tì vết, đó là chó và trẻ sơ sinh. Những ngày này, tôi đang ở trong giai đoạn nghi ngờ tình yêu, dù công nhận rằng nó có thật và là bản chất tự nhiên. Nhưng liệu tình yêu nói chung, không chỉ tình yêu nam nữ hay gia đình, đồng loại, có phải là thứ mánh khóe để tự nhiên phục vụ cho mục đích duy nhất của nó là duy trì sự sống loài? Mọi thứ phức cảm và sâu nông khác chỉ là những nét phác của nó, con người chỉ cảm thấy những nét phác, chứ không thấy bức tranh tổng thể. Ngay cả đạo đức, luân lý, đúng sai, tôi đã từng đắn đo, khi bắt đầu nhận ra rằng vốn không có thiện ác trong giới tự nhiên. Chúng trở thành ý thức xã hội và in hằn vào nếp não, được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, bởi nguyên nhân cơ bản là có lợi cho việc đảm bảo sự sinh tồn của cộng đồng, của tập thể. Đây là điều phức tạp và dài hơi, tôi không thể nói đến từng khía cạnh, nhưng dần dần khiến tôi nghi ngờ về sự tự do của mình, dù biết rằng đã sinh ra làm người với thân xác và trí óc hữu hạn, là không bao giờ có thể tự do thật sự. Nhưng việc tình yêu là giả dối mang ý nghĩa khác, rằng ngay cả tâm trí tôi cũng không hề có tự do. Như vậy, việc sống ngay từ đầu đã không có ý nghĩa.
Con chó của tôi, với đầy đủ bản năng của nó, tôi có thể thấy rất rõ, bởi nói rằng nó giống như đứa bé cũng không sai. Tôi vẫn không hiểu vì sao chỉ có riêng loài chó là có thể biểu hiện tình cảm sau nhiều ngàn năm chung sống với con người. Loài mèo không có, dù gắn bó với thời gian tương đương. Tôi nhớ từng đọc ở đâu đó rằng, khi gặp chủ, loài chó sẽ tự động tiết ra chất hóa học trong vỏ não, mà con người sẽ tự động tiết ra khi yêu. Hình như là Endorphin, nếu tôi không nhầm. Tình yêu của loài chó giống như phiên bản nguyên chất hơn của tình yêu người, khi không bị nhiều yếu tố xã hội và tính cách khác ảnh hưởng. Mọi con chó sinh ra đều có sẵn bản năng yêu và trung thành với chủ, đó là thành quả của tiến hóa.
Nhưng tôi cũng nhìn thấy những bản năng mà tự nhiên chưa hoàn toàn xóa bỏ được. Như khi cho ăn, và đây là điều tôi nhận ra có ở hầu hết mọi con chó, nếu ta giơ tay xoa đầu hay vuốt ve khi chúng đang ăn, chúng sẽ gầm gừ lại với ta. Con Bô của tôi cũng thế. Rõ ràng không phải nó muốn cắn tôi, hay tỏ ra vô ơn, bởi ngay sau đó nó lập tức vẫy đuôi và âu yếm như trước. Đó là sự cạnh tranh có bản chất nguyên thủy, từ thời chúng phải giành giật con mồi với các loài thú khác hoặc chính đồng loại, để sinh tồn, và vẫn còn in hằn trong nếp não đến ngày nay, hay trong mã gien. Có thể vài trăm hoặc vài ngàn năm nữa hành vi này sẽ biến mất. Nhưng tôi hiểu rằng loài chó không tự do, và được điều khiển bằng những công tắc tắt bật bí ẩn được hình thành bởi ý chí chủng loài, chứ không phải cá nhân. Và tôi cũng thế. Chúng ta đều thế.
Như việc những đứa trẻ con, chúng gần với bản năng nguyên thủy nhất. Những đứa con trai hiếu động và thích chơi đánh trận. Những đứa con gái thích chăm sóc búp bê. Vì sao gần như mọi đứa con trai đều thích đánh trận và mọi đứa con gái đều thích búp bê, ở giai đoạn nhận thức xã hội chưa hề hình thành. Chúng có nguồn gốc lịch sử. Hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu cuộc chiến vẫn còn được lưu lại trong mã gen đã được truyền lại liên tục không dứt từ thời nguyên thủy cho đến chúng, để bảo vệ bộ tộc, để săn bắn thú, để chiếm đất, để đoạt quyền, thánh chiến, hoặc để giải phóng, tìm kiếm tự do. Hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu đứa con đã được sinh ra và cách nuôi dưỡng chúng lớn lên vẫn được lưu lại trong mã gen theo cách tương tự. Chiến đấu để sống sót, và chăm sóc những đứa trẻ, là hai điều cơ bản nhất để duy trì sự sống từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nói cách khác, về bản chất, việc những đứa con trai có thiên hướng thích đánh nhau và những đứa con gái có thiên hướng thích chăm sóc trẻ con, thể hiện mục đích lớn nhất của chúng khi tồn tại trên đời. Và có chung nguồn gốc với cách mà con chó của tôi gầm gừ tôi, người cho nó ăn, vì gợi đến những cuộc tranh giành đẫm máu trong quá khứ.
Vì thế, ý thức và thái độ, hay cái tôi cá nhân của mỗi cá thể, vốn không có chút giá trị nào. Xét về mặt bản chất, ý thức tôi đang có không gì khác hơn là những dòng suy nghĩ miên man không dứt dưới dạng ngôn ngữ, và hình ảnh, xảy ra trong não mọi lúc, xúc tác bởi cảm xúc là các chất hóa học được tiết ra, với lớp nền là kinh nghiệm và hành vi là các phản xạ. Và tất cả đều nằm ngoài sự kiểm soát của “tôi”. Không có thứ gì là “tôi” tồn tại. Ý thức và các tương tác ý thức, cũng như mọi thứ gọi là “câu chuyện” tôi đang trải qua, với những sự kiện có vẻ có ý nghĩa và đẹp đẽ, hoặc đầy màu sắc, giống như một trò chơi lớn. Một bàn cờ với mỗi quân cờ không nhận thấy chúng đang được điều khiển bởi các bàn tay vô hình. Hay như câu nói của Balzac, tất cả là một tấn trò. Ý thức không quan trọng, vốn sẽ tan biến ngay khi cơ thể này tan biến, mà những kinh nghiệm được tích lũy, những chỉ số thích nghi, những biến đổi dù rất nhỏ được ghi nhận trong mấy mươi năm, sẽ in lại trong bộ gien được truyền đến con cái. Đó mới là thứ quan trọng và tự nhiên cần đến.
Sự vô nghĩa của ý thức có thể được diễn tả bằng hình ảnh về những con người đã từng sống và chết trên trái đất này. Có bao nhiêu người đã từng hít thở không khí, từng có ý thức, từng trò chuyện, từng yêu đương, từng làm tất cả những điều mà chúng ta đang làm? Câu trả lời gần nhất dựa trên tính toán của một tổ chức gọi là Population Reference Bureau, có thể cao hơn dự tính của nhiều người, là 108 tỉ. Dân số loài người hiện nay là khoảng 7.3 tỉ người. Nếu tạm chấp nhận con số này, thì 108 tỉ ý thức đó đã đi đâu sau khi chết đi? Và vì sao chúng ta vẫn cho rằng ý thức của chúng ta, hay cái tôi này, là quan trọng và đáng để chăm chút, đáng để được vuốt ve? Vì sao chúng ta vẫn tự tin để cho rằng bản thân mình là đặc biệt, và không phải là con rối người như những lời khôn ngoan mà thám tử Rust đã nói?
Do đó, điều tôi mong muốn và đang dần hướng đến, là sống lặng lẽ ở nơi đây cho đến khi tất cả kết thúc. Không để tâm trí bị ảnh hưởng bởi bất kỳ điều gì thuộc về thế giới người ngoài kia, và không phải tuân theo bất kỳ ý thức nào đã được gieo vào để giống với người khác, hay giống với số đông. Tôi không muốn lập gia đình hay sinh con, vì không còn thấy ý nghĩa nào trong đó. Tình yêu và cảm giác khao khát con cái nằm trong những điều tôi muốn tách biệt, là những cái khuôn không vừa với tôi. Gen của tôi cũng sẽ không vì thế mà mất đi, bởi các nhánh trước đó sẽ tiếp tục phát triển, như cách nó đã tồn tại từ trước tới nay, bỏ qua những nhánh yểu mệnh và tập trung vào những nhánh có sức sống tốt hơn. Cảm giác của tôi không quan trọng, cũng như ý thức này, mỗi niềm vui hay nỗi buồn đều chỉ là những đợt sóng cuộn đi cuộn đi theo thời gian, và sẽ mất đi cường độ theo độ tuổi tăng lên. Nếu cái chết đến, với tôi hay những người xung quanh, đó là điều hiển nhiên. Tôi sẽ đau buồn, khi bố mẹ hay bạn bè mất đi, nhưng rồi mọi thứ sẽ qua. Và ngày mà kiếp sống này không còn nữa, cũng sẽ bình thường như mọi ngày khác. Giờ tôi mới hiểu điều mà một người bạn đã nói khá lâu trước đây, khi lắng nghe bản nhạc The Last Man của Clint Mansell, rằng chết đi là cảm giác rất tuyệt vời.
Vậy mà không hiểu vì sao tôi lại khóc.
Lần cuối cùng tôi khóc vì điều gì đó không phải phim ảnh hoặc các câu chuyện, là hai năm trước đây. Đó là những ngày nước mắt có thể chực trào ra bất kỳ lúc nào, khi tôi đi trên đường, hay nằm một mình ở nhà. Giống như cách cơ thể tôi phản ứng để lấy lại cân bằng cho các nỗi đau. Sau những ngày tháng đó, khóc là hành vi kỳ lạ bậc nhất, cùng nhiều hành vi khác, mà tôi nhận thấy ở con người. Tôi không nghĩ mình sẽ khóc khi con chó của tôi chết đi, không thể nào. Đó là điều kỳ quặc. Vậy mà tôi không kìm được, khi ôm xác nó lên để đưa ra sau vườn. Không còn là nỗi uất ức và tức giận như trước, mà là những ký ức một, lần lượt đâm vào lồng ngực tôi.
Ký ức gần nhất, là khi nó vừa tỉnh lại và thở khan, và lững thững đi vào bên trong. Lúc tôi ngồi xuống trước mặt nó, nó nhìn tôi rồi đưa đầu ra và dựa vào đùi tôi, nằm rạp xuống, mắt nhắm lại. Hình ảnh đó khiến tim tôi tan nát. Tôi cảm thấy được rằng trong giây phút đó, cơn đau mà nó phải chịu đựng đã giảm đi đôi chút. Phải rồi, vì cuộc sống của nó từ khi ra đời cho đến bây giờ, chưa đầy 3 tháng trời, chỉ xoay quanh tôi. Tôi là người duy nhất mà sinh vật bé bỏng này có thể dựa vào, trong cuộc đời ngắn ngủi nó. Nó còn chưa kịp lớn lên, chưa kịp ăn được nhiều món ngon, chưa kịp gặp gỡ con chó nào khác, nếu có thì chỉ là con chó lùn ở nhà trước mặt vài phút mỗi tối. Còn không phải là một con chó cái. Tôi không hiểu lắm, vì sao tất cả những thứ đó bỗng nhiên có ý nghĩa, nhưng tôi thấy nó đáng thương. Vì chưa được tận hưởng nhiều niềm vui. Phải rồi, là niềm vui. Vì sao niềm vui bỗng nhiên lại có ý nghĩa?
Trong khoảnh khắc mà nó dựa đầu vào tôi, có một điều gì đó trong tôi đã tan vỡ. Đây không phải là bất kỳ sự lừa dối nào, mà là sự thật. Cái chết biến mọi thứ thành sự thật. Tôi không còn quan tâm đến những thứ như bản năng hay các chất hóa học, tôi đang nhìn thấy điều giản dị và chân thành này, và tự nhiên nhất ở đây. Nó yêu thương tôi. Khoảng thời gian gắn bó khiến tôi trở nên có ý nghĩa với nó, và nó có ý nghĩa với tôi, dù chỉ trong vài tháng ngắn ngủi. Khi ôm nó vào lòng, tôi bỗng nhớ đến thói quen chạy từ xa đến và rúc vào dưới cánh tay tôi, điều không hề có ở những con chó khác, và đó là lúc tôi vỡ òa. Ngay cả bây giờ khi viết những dòng này, đã hai ngày sau, tôi vẫn cảm nhận được sự mất mát. Nó là thật, và chạm được vào tôi, vì tôi là thật. Mùi máu tanh tôi đang ngửi thấy là thật, và cả sức nặng trên tay. Tôi cuốn nó bằng tấm ni lông lớn ở nhà kho, rồi mang ra sau vườn, đặt trên bãi cỏ. Tôi nhìn cơ thể bất động của nó, gương mặt giống như cáo đáng yêu của nó, và thấy mình đang nức nở, mắt tôi nhòe đi, như thể là một đứa trẻ.
Buổi chiều nay trở về nhà, tôi thấy con chó trắng nhà hàng xóm chạy lại trước cổng nhà tôi và nhìn ngó vào trong. Nó đang tìm con chó của tôi. Và tôi thấy lòng mình thắt lại.
Tôi không còn biết phải viết gì tiếp theo, vì những dòng suy nghĩ vẫn chỉ đang rối loạn và vô trật tự, và nỗi buồn vẫn chưa nguôi ngoai. Tôi chỉ muốn giữ lại tất cả những thứ này, cho ngày nào đó. Vì bây giờ, từ thứ gì đó đã tan vỡ bên trong, là niềm mong muốn được học hỏi. Tôi nghĩ thế. Được trải qua nhiều điều nữa và học hỏi thêm, tôi không biết nó có ý nghĩa gì hay sẽ trả lời cho câu hỏi nào, hay là dấu mốc cho sự đổi thay. Tôi ghét điều mình từng làm trong quá khứ, khi gán ý nghĩa cho mọi thứ. Tôi chỉ muốn sống thật nhất có thể, không dối trá, và mong mỏi chạm được vào những nhận thức sâu hơn và giá trị hơn, nếu chúng có tồn tại. Cái chết của con chó khiến tôi nhận ra, chỉ bằng việc trải qua thật sự chứ không phải đứng bên ngoài và tưởng tượng, tôi mới có thể hiểu được điều đó đúng và chân thành nhất.
Đây là điều tôi muốn nhớ và phải nhớ, ngay bây giờ và cả tháng năm sau này.