THE PIANIST

bởi Phan Cao Hoài Nam
503 lượt xem
A+A-
Reset

Xem xong The Pianist, tôi có cảm giác giống như nhân vật sĩ quan Đức Quốc Xã ở gần cuối phim khi lắng nghe Szpiman dạo đàn. Cả bộ phim như một bản nhạc réo rắt đầy mê hoặc, và gây sự xúc động mạnh mẽ. Từng thanh âm một, khi là sợ hãi, giận dữ, kinh ngạc, đau đớn, khi lại hồi hộp lo lắng, cảm thương, để lại một dư âm khó tả và nhiều nghĩ suy.

Bối cảnh trong phim là đất nước Ba Lan – nơi có hơn nửa triệu người Do Thái sinh sống – suốt những tháng năm xảy ra thế chiến thứ II. Đạo diễn Roman Polanski cũng chính là một cậu bé Do Thái đã trải qua những khắc nghiệt của chiến tranh thế giới, hiểu và cảm thông với hàng triệu người Do Thái đã ngã xuống dưới họng súng quân đội SS. Vì vậy ông đã mang vào phim sự chân thực đến ngạt thở của một thời kinh hoàng.

Nội dung phim dựa trên cuộc đời của nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpiman, một trong số ít những người may mắn sống sót khỏi đợt tàn sát của Hitler. Sau 1945, Ba Lan được giải phóng, ông tiếp tục chơi đàn và mất vào năm 2000. Bộ phim là khúc ca cảm động về niềm tin, nghị lực sống mãnh liệt của con người trong những điều kiện cùng cực nhất, và tình yêu âm nhạc đã mang lại những điều kì diệu, xóa bỏ những ranh giới của chiến tranh, đưa con người xích lại gần nhau. Chiến tranh có khốc liệt đến đâu,nhưng tình người, những giá trị nhân văn cao cả vẫn luôn sống mãi.

Đã nghe đến phim này từ lâu, khi dò vào mục “Những bộ phim cảm động nhất mọi thời đại” trên mạng, đến tận bây giờ mới có dịp xem. Và chắc chắn đây sẽ là một trong những bộ phim tôi yêu thích nhất.

Điều choáng váng nhất chính là hiện thực về tội ác của Đức Quốc Xã đối với người Do Thái. Từng nghe, từng đọc, từng xem về cuộc diệt chủng khủng khiếp này, nhưng chưa bao giờ thật sự cảm nhận được. Chỉ thấy mơ hồ, cũng giống như Pôn Pốt ở Campuchia, hay của đất nước Rwanda ở Châu Phi mà thôi. Cho đến khi xem The Pianist.

Đó là sự kết thúc những tháng ngày yên bình, khi Hitler chính thức phát động W.W II, và thực hiện âm mưu tận diệt người Do Thái, mà hắn cho là “chủng tộc hạ đẳng”. Mở đầu phim là cảnh Szpiman dạo đàn ở đài phát thanh thì vụ nổ bom xảy ra, báo hiệu cho những biến động của một thời kì mới.

Nửa triệu người Do Thái ở Ba Lan đã phải từng bước làm theo những điều luật vô lý của Hitler, mà đích đến cuối cùng chẳng có gì khác ngoài cái chết. Họ bắt đầu phải đeo những tấm vải có in biểu tượng ngôi sao 6 cánh màu xanh, để phân biệt với những người “thượng đẳng” nhất. Họ phải tìm cách giấu đi số tiền mình có, do có đạo luật cấm người Do Thái giữ nhiều tiền, và hàng tá luật khác, cấm người Do Thái vào quán rượu, vào công viên, đi trên vỉa hè…Từng bước, họ được chuyển đến những khu riêng biệt, rồi các trại tập trung – nơi được xem như địa ngục thực sự, đã kết liễu hơn 6 triệu người Do Thái trong cuộc chiến đẫm máu này.

Xem phim, bạn sẽ hiểu thế nào là sống trong nỗi sợ hãi về cái chết. Quân đội Đức không xem dân Do Thái là người, mà giống như một cái nhọt, một loại động vật ghê tởm phải diệt trừ. Choáng váng nhất là cảnh bắt bớ trong đêm, khi lính SS thẳng tay quẳng 1 ông già từ trên lầu xuống, và hành hình những người còn lại bằng cách cho họ chạy và nã súng. Ở các trại tập trung, từng cái xác vất vưởng trên hè phố trở nên quen thuộc, người ta chết đói, chết cóng, chết vì bị đánh đập, một ông già húp lấy húp để thức ăn vương vãi trên đất, một người vợ tìm chồng, tên lính Đức lôi mọi người nhảy nhót làm vui, đứa bé bị đánh chết khi tìm cách lấy lương thực từ ngoài những bức tường…Chúng kết thúc tất cả trên những chuyến tàu dẫn đến cõi chết, “… ngày nào cũng có những chuyến xe lửa đi từ Warsaw đến Treblinka, sau đó đi về rỗng không. Không thấy xe chở lương thực tiếp tế đến đó…”

Những người sống sót là các thanh niên còn khỏe mạnh, được sử dụng như nô lệ lao động, nhưng không có nghĩa là cái chết đã buông tha. Thỉnh thoảng vẫn có những tên sĩ quan lôi một vài người bắt nằm úp xuống, và tử hình bằng cách bắn súng vào đầu.

Szpilman đã sống sót qua những ngày đen tối đó, nhờ sự giúp đỡ của những người mến tài anh. Là Itzak,người kéo anh ra khỏi chuyến tàu tử thần, là Majorek, người giúp anh thoát khỏi trại tập trung, vợ chồng nghệ sĩ Dorota giúp anh lẩn trốn, và đặc biệt nhất là Wilm Hosenfield – một sĩ quan phát xít Đức đã kéo anh ra khỏi cơn chết đói.

Gia đình, những người bạn lần lượt mất đi, người bỏ mạng trên tàu, người bị bắn chết trên phố, người chết trong các trại tập trung. Còn lại một mình, Szpilman sống chui nhủi trong những căn nhà đổ nát, tìm ăn những thức ăn thừa, những thứ bỏ đi, trốn tránh sự lùng sục của lính Đức, cho đến ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng Ba Lan.

Điều gây xúc động nhất trong phim chính là nghị lực sống phi thường của người nghệ sĩ này. Có nhiều cảnh khiến người xem phải lặng đi. Là khi cả gia đình 6 người chia nhau một viên kẹo đường. Rồi khi Szpilman tìm đến nhà Dorota– người hâm mộ của mình – và ngập ngừng nói: “Có thể cho tôi xin một ít bánh mì không?”. Từ một người nghệ sĩ thành công, anh trở thành một tên sống nhờ vào thức ăn người khác mang đến. Có lần quá đói, anh đã phải ăn những lát khoai tây thối và bị ngộ độc. Không ai còn có thể nhận ra đó là người nghệ sĩ hào hoa vẫn chơi những bản nhạc Chopin ở đầu phim. Về sau này, Szpilman lang thang trong khu phố đổ nát, chui nhủi trong một gác mái, uống thứ nước dơ bẩn sót lại của bệnh viện và ăn tất cả những gì có thể. Anh làm mọi thứ, chỉ cần được sống.

Trong hoàn cảnh đó, chỉ cần phát ra một tiếng động để bị phát giác thì cầm chắc cái chết. Ngay cả việc thở cũng phải cẩn thận thì nói gì đến chơi đàn. Nhưng tình yêu âm nhạc trong anhchưa bao giờ lụi tàn. Có một cảnhmang lại nhiều cảm xúc sâu xa, đó là khi ngồi bên chiếc đàn Piano cũ kỹ, Spzilman để cho những nốt nhạc tưởng tượng của mình vang lên dưới những ngón tay trên không. Nỗi khát khao bị kìm nén, chiến tranh tước mất của con người ta quyền được sống, và quyền được thực hiện ước mơ.nhìn Szpilman khát khao với ước muốn được chơi đàn, thật khó có thể kìm lòng.

Diễn viên Adrian Brody hoàn toàn xứng đáng khi nhận giải Cesar cho nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong bộ phim này. Khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt đượm buồn của người nghệ sĩ, những cảm xúc vui buồn, sợ hãi, đau khổ anh thể hiện, những hành động của anh trên phim, gieo vào lòng người nỗi thương cảm lớn lao.

Điểm nhấn nhiều ý nghĩa là cảnh Szpilman đàn cho một viên sĩ quan Đức nghe gần cuối phim. Cuộc chạm trán bất ngờ xảy ra, và gần như chắc chắn, anh sẽ phải nhận một viên đạn vào đầu. Nhưng khi Hosenfield (tên người sĩ quan) hỏi“Anh làm gì?” và nhận được câu trả lời “Tôi là nghệ sĩ dương cầm”, anh đã cho Spzilman được đàn. Một cảnh phim mang tính chất đột phá, và lắng đọng. Hai con người, hai giai cấp, hai bờ chiến tuyến, hai vị thế khác nhau, cùng hòa mình dưới sự kì diệu của âm nhạc.

Szpilman chơi đàn với tất cả sự say mê dồn nén, với nỗi lo lắng, sợ hãi, và cũng là sự thanh thản. Chắc hẳn anh đã nghĩ đến cái chết của mình khi tiếng đàn kết thúc, nên đã dành mọi tài năng thể hiện ở bạn nhạc này. Những ngón tay điêu luyện lướt trên phím đàn, dù vẫn trong bộ dạng rách rưới, nhưng Szpilman đã trở về với tư cách là một nghệ sĩ, và anh trở nên cao đẹp.

Điều đáng nói là bản nhạc của Chopin mà anh chơi, vẫn được coi là sự sỉ nhục đối với người Đức, vì nó thể hiện lòng yêu nước thiết tha của dân BaLan. Vậy nên chơi nhạc Chopin trước mặt lính Đức chẳng khác nào tự sát. Szpilman trong giờ phút ấy vẫn thể hiện tình yêu dành cho Tổ quốc với khí thế hiên ngang nhất.

May mắn thay, Hosenfield là người tốt. Một người yêu âm nhạc chân chính ít nhất không thể là một kẻ độc ác, dù anh là lính phát xít. Anh say đắm trước tài năng của Szpilman, và quyết định giúp đỡ người Do Thái đáng thươngnày. Anh đã mang cho Szpilman lương thực, tặng cả chiếc áo khoác của mình để giúp người nghệ sĩ vượt qua mùa đông. Đó là tình bạn. Lúc này, giữa hai con người ấy không còn ranh giới về quốc gia, dântộc, về kẻthù, chiến tranh, tư tưởng… không còn bất kì rào cản nào nữa. Chỉ còn tình bạn ấm áp giữa hai con người có chung tình yêu âm nhạc. Không chiến tranh nào có thể xóa bỏ những giá trị nhân văn cao cả của con người, đó là thông điệp đáng giá nhất mà bộ phim mang lại.

Điều đáng tiếc là cuối phim, khi Szpilman được sống trong hòa bình thì Hosenfield phải trải qua phần còn lại cuộc đời trong nhà tù Xô Viết. Anh đã không thể thực hiện được lời hẹn sẽ dõi theo Szpilman khi chia tay. Hosenfield mất năm 1952, để lại một quyển nhật kí chứa đầy hoài nghi,những câu hỏi muôn đời về bản chất chiến tranh và con người, mà ông không bao giờ giải đáp được. Và, cả nhân loại sẽ không bao giờ giải đáp được.

Xem The Pianist xong chợt nhớ đến truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân được học năm lớp 11, nhất là cảnh cuối. Nhưng hồi đó đọc thì không có cảm giác gì. Còn với The Pianist là chấn động trong tâm hồn. Sẽ giữ ở đâu đó một Pianist cho riêng mình, để tự thấy Hãng Sản Xuấtcòn được sống là một hạnh phúc. Dù cho kịch bản có khác đi, ở vào những tình huống tồi tệ hơn, dù cho không có đàn, thậm chí không còn tay để chơi đàn, tôi tin rằng người nghệ sĩ ấy vẫn có thể dạo được những nốt nhạc đẹp nhất, đó là nốt nhạc của niềm tin và sức sống vô bờ.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00