Trang chủ Năm Phát Hành2017 THREE BILLBOARDS OUTSIDE EBBBING, MISSOURI

THREE BILLBOARDS OUTSIDE EBBBING, MISSOURI

bởi
468 lượt xem
A+A-
Reset

Giận dữ, hay phẫn nộ, là một trong bảy tội lỗi của Cơ Đốc giáo. Nhưng vì sao một trong những cảm xúc nguyên thủy nhất, có lẽ xuất hiện cùng với loài người, lại là tội lỗi? Đơn giản vì từ giận dữ sẽ sinh ra bạo lực, và bạo lực chỉ sinh ra bạo lực, với mức độ tăng lên như liều thuốc phiện. Bạo lực dẫn đến tổn thương. Giống như câu chuyện về người cha dạy con mình đóng đinh lên tấm gỗ mỗi khi nổi giận. Dù gỡ những chiếc đinh đi, dấu vết vẫn còn in lại.

Three Billboards Outsite Ebbing, Missouri là bộ phim khắc họa đầy đủ dáng hình của giận dữ. Chính xác hơn, làm cho giận dữ trở nên hữu hình. Một cô con gái bị cưỡng hiếp, “trong lúc chết”, là cái cớ, là mồi lửa cho người mẹ Mildred (Frances McDormand) bùng phát cơn giận. Giống như một đám cháy, nó nhanh chóng lan ra những người xung quanh. Nó có màu đỏ của máu và của lửa, được sơn phết lên 3 tấm biển bên ngoài thị trấn hẻo lánh Ebbing.

Một trong ba tấm biển ghi tên nạn nhân đầu tiên, là cảnh sát trưởng Willoughby (Woody Harrelson). Một viên chức tận tụy và được yêu mến, nhưng thiếu hụt nhiều thứ để có thể phá án. Như những phụ tá tài năng chẳng hạn. Đi cùng ông là Dixon (Sam Rockwell), điển hình cho một công vụ nhà quê, ham chơi và vô trách nhiệm. Chúng ta thấy họ ở khắp mọi nơi, như trong loạt truyền hình Mindhunter chỉ ra. Trong một đồn cảnh sát mà người già chiếm số đông, Wiloughby rõ ràng khó có hi vọng. Nhưng thách thức lớn nhất mà ông phải đối mặt, là bệnh ung thư.

Căn bệnh này cũng là thử thách đầu tiên đối với cơn giận của Mildred. Nghĩa tử là nghĩa tận, như người Việt thường nói. Thế nhưng, nó đã thất bại. Trong trận đánh đầu tiên giữa giữa hận thù và lương tri, hận thù đã thắng. “Cô biết tôi bị bệnh nhưng vẫn sơn nó?” Willoughby hỏi với ánh mắt kinh ngạc. “Có ích gì nếu tôi sơn nó khi ông đã chết?” Chúng ta hiểu bi kịch lớn đến mức nào, khi thấy cơn giận lấn át cả nỗi cảm thông. Một đặc tính của giận dữ là luôn phải có mục tiêu để hướng đến. Như ngọn lửa không thế tồn tại nếu không đốt đi một thứ gì.

Chuyện phim Three Billboards, từ đó, chính xác trở thành một cuộc chiến, đúng như lời Willoughby dự đoán. Có lúc nhân tính giành lợi thế, như khi Mildred bị Willoughby ho vào mặt trong phòng thẩm vấn. Diễn xuất của McDormand trong khoảnh khắc ấy thôi cũng đã đủ cho cô một đề cử Oscar. Nhưng đa phần, giận dữ mới là kẻ mạnh hơn. Ba tấm biển trở thành một biểu tượng, phản chiếu con quỉ bên trong mỗi người. Mở đầu, nó có hình một đứa trẻ sơ sinh. Người ta sơn lên nó, nguyền rủa nó, rồi thiêu rụi nó. Và lần lượt, các hành động quá khích xảy ra và bắt đầu thiêu rụi, cả nghĩa bóng và nghĩa đen, những con người vô tội.

Câu chuyện trong phim là giả tưởng, dù dĩ nhiên, có thể lấy cảm hứng từ bất kì vụ án ghê rợn nào. Thị trấn Ebbing cũng là giả tưởng. Nhưng vấn đề Three Billboards có lẽ chưa bao giờ thật và hợp thời như hiện tại. Đây không phải một phim phá án, mà là phim về cuộc đấu tranh nội tâm. Giữa thiện và ác. Giữa phần “con” và phần “người”. Giữa hận thù và tình yêu. Cuộc đấu tranh muôn thuở, có lẽ sẽ không bao giờ kết thúc trừ khi con người kết thúc. Còn gọi là hợp thời, vì có lẽ, chưa có thời đại nào mà nỗi giận dữ dễ bị kích phát ở cá nhân lẫn số đông dễ dàng như hiện tại, dưới ảnh hưởng của truyền thông.

Three Billboards có một kịch bản tốt, đầy sức nặng, và được cáng đáng bởi dàn diễn viên tài năng – lời miêu tả có vẻ thừa thãi với McDorman, Sam Rockwell, Woody Harrelson… Điều đáng giá nhất của mỗi bộ phim phản ánh hiện thực, luôn là chân dung những con người. Với bộ phim này, chúng ta học được thêm, hiểm thêm về những người lao động miền quê nước Mỹ, lối sống, lối hành xử, văn hóa, các vấn nạn trong lòng xã hội của họ. Và nếu phải so sánh, với The Hunt kể về xã hội châu Âu, hay chỉ cần nhìn ra nơi chúng ta đang sống, có lẽ ta sẽ thấy một điểm chung nào đó, một gốc rễ nào đó, tưởng như đang nói về chính chúng ta. Bởi vì, về bản chất, con người ở mọi nơi đều được gầy dựng trên những nền tảng cảm xúc giống nhau.

Trong Three Billboards, McDorman gần như vào một vai tương phản với vai diễn biểu tượng nữ thanh tra Marge Gunderson trong Fargo (1996). Nếu như Gunderson là một phụ nữ lí trí, nhân ái trong một thế giới độc ác, thì Mildred là một người mẹ trở nên loạn trí bởi sự độc ác thế giới gây ra. Diễn xuất của McDorman, với tôi, như thể chứng kiến dòng nước bị đun sôi trong một chiếc bồn thủy tinh. Chúng ta cảm nhận được sức nóng tỏa ra, nhưng đồng thời, nhìn thấu được chuyển động phức tạp bên trong. Đáng thương, đáng giận, đáng sợ, mất đi niềm tin, tuyệt vọng rồi hi vọng… tất cả cuộn xoáy lại với nhau, bên dưới một bề ngoài khắc khổ, cứng cỏi, sẵn sàng làm kẻ thù của cả thế giới. Có khi ta tưởng như Mildred có thể gục ngã bất kì lúc nào. Khi khác ta lại thấy dường như không gì có thể đánh gục được cô.

Các tuyến phụ của phim đều được dựng lên và giải quyết ổn thỏa, có mục đích rõ ràng. Viên cảnh sát trưởng Willoughby là tiếng nói của tình yêu, của thiện lương. Ông chết đi và để lại một hạt mầm, lẻ loi nhưng có sức sống mạnh mẽ, nảy nở giữa mảnh đất của hỗn loạn và chết chóc. Ông gửi nó đi bằng những lá thư. Tương tự McDorman, Harrelson tỏa sáng ở những khoảnh khắc rất nhỏ, như ở lần chuyện trò đầu tiên với Mildred. Willoughby là sự cân bằng về mặt cảm xúc đối với người xem. Nếu không có ông, tất cả sẽ gãy đổ trước sức nặng của những thù địch, những lời chửi tục, mạt sát và sự vô minh.

Sam Rockwell, tài tử từng một mình một phim trong Moon (2009), có một vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp. Cảnh sát Dixon trong phim cũng chính là Mildred, chỉ là ở phe công quyền. Có một chút chủ ý khi ban đầu cả hai mặc đồng phục khác nhau, đi những chiếc xe khác nhau. Để rồi cuối cùng, họ mặc đồ giống nhau, lên cùng một chiếc xe, cùng chiến tuyến. Họ đều phải đánh mất một thứ gì đó để tìm lại nhân tính. Kết thúc của Three Billboards không phải là một kết thúc mở, vì chúng ta đều đoán được quyết định của họ, với một nụ cười trên môi. Có một vài màn trình diễn thuyết phục khác đến từ người mẹ già của Dixon, do Sandy Martin thủ vai và anh chàng quản lí bảng in Red Welby của Caleb Landry Jones.

Dù vậy, Three Billboards không phải không có điểm yếu. Có một sự chông chênh trong lối dẫn dắt của đạo diễn Martin McDonagh, đôi khi dẫn đến rối loạn ở nhịp phim. Các cao trào, chất hành động trong phim diễn ra quá nhanh, quá dồn dập, một chút vụng về. Như cảnh trong siêu thị, khi người đàn ông lạ mặt  đến đe dọa Mildred vừa ra khỏi cửa, người vợ của Willoughby liền bước vào. Người xem không có không gian để thở. Nổi danh với các tác phẩm hành động giật gân pha chất đen như In Bruges hay Seven Psychopaths, McDonagh chưa giỏi tiết chế sự hứng thú của mình mỗi khi đến cảnh cháy nổ, mạnh bạo. Nhiều lần trong khi thưởng thức, tôi có cảm giác hồi hộp như thể đang xem một người đi trên dây. Chỉ một chút nữa thôi, bộ phim sẽ rơi sang vùng “over”, bị làm quá. May mắn, điều đó đã không xảy ra.

Three Billboards Outside Ebbing, Missouri có lẽ là phim đậm chất Oscar nhất trong các đề cử năm nay. Nó mổ xẻ một vấn đề nhân sinh của thời đại, và hướng đến những điều tốt đẹp. Có đôi chút không khí tôn giáo phảng phất, như ở cảnh con nai xuất hiện trong vườn. Có những câu hỏi đặt ra buộc chúng ta phải suy nghĩ. “Nếu Chúa không tồn tại, nghĩa là con người thoải mái làm gì nhau cũng được?” Có lẽ đã đến lúc mà con người phải tự chịu trách nhiệm và lựa chọn cho hành động của mình. Chúng ta mưu cầu tự do, và đã đạt được những thành tựu về tự do. Nhưng thoát ra khỏi các thiết chế tôn giáo hay pháp luật, chúng ta còn lại gì? Con người còn lại gì?

Với tôi, thật khó để xem bộ phim này mà không liên tưởng đến các hiện tượng xã hội những ngày qua. Nổi bật là vụ xin 50.000 chữ kí của một gia đình người bị hại đòi xử tử nghi phạm Nhật Bản. Chỉ là trùng hợp, nhưng các tình tiết rất gần với câu chuyện của bà mẹ Mildred. Sự bi thảm là tương đương. Nhưng một chữ kí để yêu cầu xét xử sẽ khác với một chữ kí yêu cầu giết người. Giống như đòi hỏi công lý sẽ khác với đòi hỏi trả thù. Một chữ kí hay ba tấm biển không khác gì nhau. Và giá trị của Three Billboards Outside EbbingMissouri là một lần nữa sẽ buộc chúng ta phải suy nghĩ, phải lựa chọn.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00