Trang chủ Năm Phát Hành2018 TÌM VỢ CHO BÀ

TÌM VỢ CHO BÀ

bởi
560 lượt xem
A+A-
Reset

Tôi luôn cảm thấy sợ hãi mỗi khi diễn viên Việt Nam, chủ yếu là các diễn viên không chuyên, diễn các cảnh nội tâm. Cảm giác ngượng ngùng như khi đang xem một vở kịch mà diễn viên bỗng gặp sự cố, như té ngã hay quên thoại, đứng tồng ngồng trên sân khấu vậy. Bộ đôi S.T 365 và Jang Mi trong Tìm Vợ Cho Bà không nằm ngoài nhóm đó.

“Tìm Vợ Cho Bà” là một lối chơi chữ gây tò mò. Dĩ nhiên không phải tìm vợ cho bà nội của Long, nhân vật do S.T thủ vai, mà là cho chính cậu công tử ăn chơi này. Nợ tiền cờ bạc, Long chỉ có lối thoát là tiền thừa kế từ bà nội (nghệ sĩ cải lương Thanh Hằng). Điều kiện bà đặt ra, ngoài việc đủ 25 tuổi, còn là phải cưới được một cô dâu thảo. Sau nhiều nỗ lực, Long tìm được một cô bé nhà nghèo là Linh (Jang Mi), và bắt đầu màn sống chung bất đắc dĩ.

Phim được chuyển thể từ bộ phim Phillipines Bride for Rents. Tôi chưa xem bộ phim gốc, nhưng quả thật, không tìm thấy ở bản chuyển thể này điều gì đặc biệt để phải remake. Cốt truyện của phim không mới mẻ, đã được dùng ở Hollywood từ những năm 90, và các cú twist đều dễ đoán và dễ dãi. Phim thuộc thể loại hợp đồng hôn nhân – những cặp đôi nam nữ buộc phải ở giả bộ với nhau vì điều kiện nào đó. Bạn đã nghe qua Just Go With It (2011), The Proposal (2009), The Wedding Date (2005), Leap Year(2010)… và Pretty Woman (1990)?  Gần đây nhất, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cũng có một phim tương tự là 100 Ngày Bên Em, với diễn xuất của cặp đôi Jun Phạm và Khả Ngân. Jun cũng là thành viên cũ của 365.

Remake phim nước ngoài là một hướng đi khá ổn của phim Việt những năm gần đây. Nó giải quyết khâu quan trọng nhất, và luôn yếu kém nhất của phim ảnh trong nước, là kịch bản. Tuy nhiên, điều này không giúp cải thiện các khâu còn lại. Như công tác đạo diễn chẳng hạn. Tìm Vợ Cho Bà, tương tự nhiều phim giải trí khác, không tạo cảm giác là một phim hoàn chỉnh, mà giống như những phân đoạn rời rạc được lắp ghép với nhau. Bạn có thể học hỏi, hoặc làm lại những trường đoạn, những góc quay, nhưng không điều gì thay thế được tư duy điện ảnh và lối dẫn truyện. Khoảng cách giữa bản gốc và bản làm lại có thể được kéo lại gần nhau, như Em Là Bà Nội Của Anh, hay là các phiên bản riêng biệt với những nét riêng biệt như Tháng Năm Rực Rỡ, hoặc là một bản bắt chước vụng về.

Tác phẩm của đạo diễn Lương Trung Tín rõ ràng không phải ở hai vế đầu tiên. Tâm lí nhân vật phát triển trồi sụt và không đáng tin, phần lớn vì dẫn dắt không khéo. Như khi Long và Linh gặp gỡ bà nội lần đầu tiên, sau đó quay sang cãi nhau trong xe và Long xúc phạm Linh. Một cảnh như thế sẽ cần thời gian để chuẩn bị. Ngay sau khi Linh từ chối hợp đồng, lập tức có một cảnh gia đình cô bị đuổi khỏi nhà để làm động lực. Điều này không có gì đáng nói, nhưng cách cảnh phim diễn ra cần khéo léo hơn, chứ không lồ lộ dụng ý như vậy.

Nếu ví kịch bản như một cơ thể, thì diễn xuất sẽ là trái tim Tìm Vợ Cho Bà không có một trái tim khỏe mạnh, thậm chí yếu ớt. Điểm mạnh của S.T có lẽ là nụ cười rạng rỡ, ở một ít cảnh tạo cảm giác tự nhiên như khi hai nhân vật đùa giỡn, nhưng không được khai thác. Và mỗi khi anh chuẩn bị nổi giận thì tôi lại rùng mình. Vì sao tất cả diễn viên chỉ có một cách là trợn mắt long sòng sọc và cao giọng để tạo cao trào, trong mọi bộ phim? Jang Mi xuất hiện khá ấn tượng với vẻ ngoài bắt mắt, nhưng khi bắt đầu diễn xuất thì lộ rõ sự non yếu. Nhất là với một vai diễn trong diễn như Linh.

Trong khi đó, một vấn đề khi mời các nghệ sĩ cải lương, hoặc kịch nói vào phim điện ảnh, là phá đi không khí. Khi nghệ sĩ Thanh Hằng cất giọng, người ta sẽ có cảm giác như bầu không khí cải lương phảng phất đâu đây. Vấn đề này mãi vẫn không được giải quyết, có lẽ vì không có cách để giải quyết. Không có nhiều diễn viên điện ảnh thực lực để thay thế các vai đứng tuổi hiện nay.

Tìm Vợ Cho Bà có thể gây hài ở một vài cảnh, nhưng cũng là điều mà hầu hết phim Việt hiện nay làm được, ở bất kì thể loại nào. Các tuyến truyện phụ, như gia đình của Linh hay ông bố của Long mờ nhạt, không đủ để làm nền cho cảm xúc của hai nhân vật chính. Điểm hấp dẫn nhất của thể loại hoàng tử – lọ lem này, chủ yếu là sự thay đổi, trưởng thành của hoàng tử. Tình yêu thay đổi con người là một thông điệp hay ho. Nhưng trong phim, đâu là khoảnh khắc cho thấy sự thay đổi đó? Đâu là chi tiết đủ để thuyết phục chúng ta tin rằng cậu trai ăn chơi kia đã biết suy nghĩ, lớn hơn? Sự liên kết giữa hai nhân vật là quá yếu, và dường như không ai thay đổi ai cả. Kịch bản là thứ bảo họ thay đổi.

Ngoài ra, có lẽ trong mọi đoàn phim remake sẽ cần thêm một vị trí là “biên tập tiếng Việt”. Những câu thoại theo cấu trúc tiếng Anh, như thể được dịch ra, đầy rẫy trong phim, cả trong đoạn clip quảng cáo về tình yêu ở các độ tuổi. Các cặp đôi có bề ngoài chân thật và diễn xuất rất tốt, nhưng nói những lời như đang đọc trên giấy. Và làm sao chúng ta tin vào tình yêu, nếu mọi thứ đều tốt đẹp một cách ngây ngô như vậy? Ngay cả ở một bộ phim lãng mạn tuổi teen như Tìm Vợ Cho Bà cũng cần một chút chân thực. Nhưng ở đây, cả bộ phim này cũng giống như một clip quảng cáo về tình yêu, không phải tình yêu.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00