Trang chủ Năm Phát Hành2017 YOU WERE NEVER REALLY HERE

YOU WERE NEVER REALLY HERE

bởi
942 lượt xem
A+A-
Reset

Một sát thủ với quá khứ ám ảnh tìm cách giải cứu cô bé bị bắt cóc. Chúng ta đã xem câu chuyện này rất nhiều lần trước đây, từ Leon: The Professional (Sát thủ Leon, 1994), Man on Fire (Trong cơn cuồng nộ, 2006), The Man from Nowhere (Sát thủ vô danh, 2009)… Nhưng You Were Never Really Here (Không bao giờ hiện diện, 2017) là một trải nghiệm rất khác, đến từ nữ đạo diễn Scotland Lynne Ramsay.

Ở thành phố New York tăm tối và nhớp nháp, Joe (Joaquin Phoenix) kiếm sống bằng nghề sát thủ. Không phải kiểu chuyên nghiệp nai nịt gọn gàng, súng ống tận răng, như Hitman chẳng hạn. Joe to lớn, có vẻ chậm chạp, sử dụng một chiếc búa làm vũ khí. Cảnh đầu phim, gã thực hiện “công việc” với sự vô cảm đáng sợ. Nhưng không có cảnh tượng ghê rợn nào. Những gì khán giả thấy đều là các khung hình rời rạc: Túi nhựa, chiếc búa nhuốm máu, hành lang vắng lặng… Dựng nên bức tranh toàn cảnh rồi cảm nhận mọi sắc thái, là công việc của người xem.

Đó là cách Lynne Ramsay dẫn dắt You Were Never Really Here, có kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Jonathan Ames. Cô đưa chúng ta vào hiện thực của Joe, một cựu binh ám ảnh bởi chiến tranh và trước đó là nạn nhân của bạo hành gia đình. Ta không chỉ thấy những hình ảnh ở hiện tại, mà còn cả quá khứ, những tưởng tượng đau đớn của Joe. Đôi lúc, gã biến mất khỏi khung hình. Vì thực tại đối với Joe cũng rời rạc và phân mảnh, đúng với tâm lí của những bệnh nhân tâm thần: Gã không bao giờ thực sự “ở đây”.

Joe không sống một mình, mà cùng với người mẹ đã già đến mức như một bóng ma trong căn hộ lạnh lẽo. Gã chăm sóc bà với sự tận tâm vô vọng. Vài chi tiết cho thấy Joe bị ám ảnh với ý định tự tử. Chuyện phim tiếp diễn như một kịch bản viết lại từ các phim trước. Thông qua trung gian, Joe nhận một hợp đồng khác thường, là giải cứu cô con gái bị bắt cóc Nina (Ekaterina Samsonov) của vị thượng nghị sĩ. Giết chóc đơn thuần sẽ dễ hơn nhiều, nhưng Joe nhận lời. Chúng ta đều biết mọi thứ sẽ trở nên phức tạp và ngoài tầm kiểm soát.

Nếu chỉ đọc tóm tắt nội dung, nhiều người dễ dàng bỏ qua Never Really Here. Nhưng đây không phải là một tác phẩm đậm chất hành động như nhiều phim cùng đề tài trước đó, mà là một hành trình tâm lí. Một màn bóc tách nội tâm của Lynne Ramsay, kín kẽ đến mức dễ khiến nhiều người nhầm lẫn về thể loại. Đó là lí do vì sao bộ phim gây chia rẽ giới phê bình và khán giả đại chúng, như điểm số tại các trang phim Rotten Tomatoes hay IMDB thể hiện.

Vì là phim tâm lí, thứ đạo diễn Lynne Ramsay dựng xây là một không gian tâm lí. Do đó, thành phố New York hiện lên không giống ở thế kỉ 21. Ramsay dành nhiều thời gian cho các khung hình từ cửa sổ taxi, những con phố đêm, các biển hiệu nháy sáng, những tòa nhà cao tầng… Phết lên chúng thứ âm nhạc điện tử nhầy nhụa, như vẳng ra từ một ô cửa xa xôi, ta có một New York bẩn thỉu, lạc lõng và phập phồng hơi thở của thập niên 80. Dĩ nhiên, không thể không nhận ra ảnh hưởng của Martin Scorsese và Taxi Driver (Tài xế taxi, 1976) lên phong cách của Ramsay.

Chất bạo lực cũng vừa đậm đặc lại vừa tiết chế, ở mặt hình ảnh. Nghe có vẻ kì lạ khi một phim nhãn R lại muốn tiết chế bạo lực. Nhưng sự ghê rợn chưa bao giờ phụ thuộc hoàn toàn vào hình ảnh. Giống như Scorsese, Ramsay là kiểu đạo diễn ưa thích cảm giác hơn thị giác. Cô muốn nó diễn ra trong tâm trí người xem, chậm rãi và hiệu quả, bằng lối xử lí các trường đoạn sáng tạo và khéo léo. Trong cảnh Joe xử lí đám bảo vệ, góc nhìn được chuyển lên các camera chống trộm. Điều này vừa cho thấy lợi thế của thứ vũ khí thô sơ là búa, vốn không gây tiếng động và hạ gục nhanh chóng, vừa kích thích người xem tưởng tượng. Một cảnh cắt cổ ở cuối phim chỉ cho người xem thấy kết quả, không phải quá trình. Những cái rùng mình chỉ đến khi chúng ta nghĩ về nó.

Dù có sự xuất hiện của vài diễn viên khác, Never Really Here vẫn có thể xem là phim độc diễn của Joaquin Phoenix. Một vai tiết chế thoại như Joe đòi hỏi người diễn viên phải thể hiện tâm lí bằng cả cơ thể, từ những tiểu tiết. Như thân hình to lớn, chậm chạp của Joe tạo cảm giác về gánh nặng gã phải chịu đựng. Diễn xuất của Phoenix trong không thuộc kiểu khiến ta thốt lên thán phục, nhưng ám ảnh không rời. Anh mang đến cuộc chiến vô hình, tàn khốc trong con người Joe, bất kì lúc nào ta nhìn vào gã.

Cô bé Nina, do nữ diễn viên trẻ mang hai dòng máu Nga-Mỹ Ekaterina Samsonov thủ vai, là một điểm sáng khác. Một thiên thần mắc đọa. Gương mặt và tính cách của Nina có gợi đến Natalie Portman trong Leon: The Professional. Tuy nhiên, đây không phải kiểu phim tập trung vào mối quan hệ giữa sát thủ và con tin như Leon, để Samsonov thể hiện tài năng. Never Really Here là hành trình tự cứu rỗi của riêng Joe. Nina là hiện thân của hi vọng sống thoi thóp mà gã luôn bám lấy, không phải là bản thân hi vọng.

You Were Never Really Here cũng khiến người xem dễ nhầm lần về thông điệp. Đây không phải phim về một sát thủ hoàn lương, hay được cứu vớt bởi lòng nhân ái từ người khác. Ngược với chất bạo lực dàn trải, Never Really Here chính xác là một phim phản bạo lực, theo cách gần giống với Mystic Driver (Dòng sông huyền bí, 2003) của Clint Eastwood. Bạo lực dù ở bất kì dạng nào, bạo hành gia đình hay chiến tranh, cũng đều hủy hoại và gặm nhấm linh hồn con người. Một kịch bản cao tay sẽ cho thấy hậu quả để cảnh tỉnh, không phải diễn biến để gây sốc. Tác phẩm của Ramsay thuộc kiểu phim ấy.

You Were Never Really Here cũng không thiếu những khoảnh khắc tình cảm xúc động, ở tình mẫu tử và cảm hứng sống. Nắm vững các lớp lang tâm lí, Lynne Ramsay khiến tất cả đều chân thực và thuyết phục. Thưởng thức bộ phim cũng giống như bước vào một thung lũng tăm tối của tâm hồn con người, rất khó chịu, nhưng nhờ đó ánh sáng lối ra đẹp đẽ hơn bao giờ. Đến mức một câu nói giản đơn như “Hôm nay là một ngày đẹp trời” cũng khiến ta muốn bước qua mọi nỗi đau, để sống tiếp.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00