Trang chủ Năm Phát Hành2007 4 MONTHS, 3 WEEKS, 2 DAYS

4 MONTHS, 3 WEEKS, 2 DAYS

bởi
553 lượt xem
A+A-
Reset

Lấy bối cảnh những năm 80, nhưng sức tác động mạnh mẽ của  4 Months, 3 Weeks, and 2 Days (4 tháng, 3 tuần, 2 ngày, 2007) dường như không bị thời gian giới hạn. Một phim ám ảnh và xuất sắc hàng đầu về chủ đề nhức nhối ở bất kì thời đại nào: Nạn nạo phá thai.

 Phim bắt đầu bằng một cảnh dài trong khu trọ trường đại học. Hai cô bạn Dragut (Laura Vasiliu) và Otilia (Anamaria Marinca) đang bàn tính một kế hoạch gì đó. Trong khi Dragut ở trong phòng chuẩn bị, Otilia bắt đầu đi qua những hành lang dài, gõ cửa những căn phòng bừa bộn tối tăm kiểu sinh viên, mượn hết đồ này thứ nọ từ những người bạn. Người xem có thể tưởng hai cô đang chuẩn bị cho chuyến du lịch. Nhưng vẻ mặt cả hai không hề có niềm vui đó. Họ chuẩn bị phá thai cho Dragut.

Đó là Rumani của năm 1987, những năm cuối cùng dưới chế độ Nicolae Ceaușescu, vốn nghiêm cấm việc phá thai. Nhưng trừ vài chi tiết nhỏ về phương tiện công cộng, gần như không có điều gì khiến chúng ta biết đó là quá khứ. Thành phố vô danh trong 4 Months, 3 Weeks, and 2 Days có sự ảm đạm lạnh lẽo của bất kì phố thị châu Âu hẻo lánh nào ở hiện tại. Và câu chuyện của phim, hoàn toàn có thể đặt ngoài bầu không khí chính trị căng thẳng thời kì đó mà không tổn hại gì.

Otilia gặp gỡ một tay bác sĩ chui tên Bebe (Vlad Ivanov), người nói rằng hắn ta có thể chịu tội đến 10 năm tù vì dám làm việc này. “Bebe” tiếng Rumani nghĩa là “baby” (trẻ em), một kiểu mỉa mai của đạo diễn Cristian Mungiu: Một “đứa trẻ” chuyên giết những đứa trẻ. Dù là người mang thai, nhưng không phải Dragut, mà chính Otilia mới phải một tay sắp xếp mọi thứ. Từ mượn tiền của người bạn trai Edi (Alexandru Potocean), liên hệ đặt phòng, cho đến thương lượng với tay bác sĩ. Cuối cùng, họ sắp xếp được một phòng khách sạn nhớp nháp, sẵn sàng hủy đi sinh linh mới được thành hình. “4 tháng, 3 tuần và 2 ngày” – chúng ta dễ dàng đoán được tựa phim có nghĩa gì.

4 Months, 3 Weeks, and 2 Days là bộ phim bước ngoặt trong sự nghiệp của Cristian Mungiu. Nó giành giải Cành cọ vàng tại liên hoan phim Cannes 2008, và được xem là một trong những phim cột trụ chính của điện ảnh thế giới trong thập niên 2000. Kịch bản, do chính tay ông viết, tách ra từ một dự án khác tên Memories of a Golden Age (Kí ức thời hoàng kim). Đây là ý tưởng tập hợp nhiều phim ngắn mang tính châm biếm về giai đoạn Ceaușescu, được Mungui thực hiện sau đó vào năm 2009.

Điều đáng chú ý là, tất cả những phim ngắn trong Golden Age đều có tư liệu là sự thật. Câu chuyện của Dragut và Olivie không là ngoại lệ. Bi kịch của hai cô gái trẻ, xảy ra 15 năm trước khi Mungiu chuyển thể lên màn ảnh, có thể xem là tấn kịch trong một giai đoạn chính trị đen tối bóp nghẹt quyền tự do con người. Nhưng sức sống của phim không nằm ở đó. 4 Months, 3 Weeks, anhd 2 Days chứa đựng những giá trị hiện thực, và có lẽ sẽ còn giá trị rất lâu, về sự thiếu hiểu biết và ngây dại của giới trẻ trước thiên chức làm cha mẹ. Ở đây, “giới trẻ” là sinh viên.

Trừ gã bác sĩ Bebe lạnh lùng tàn nhẫn đến cùng cực, không có nhân vật nào trong phim xa lạ hay lỗi thời. Đó là Dragut, người ngây ngô bậc nhất trong số những cô gái dính bầu từng xuất hiện trên phim. Cô không thể xác định được thời điểm xuất hiện đứa trẻ, và cứ thế trì hoãn cho đến lúc nước ngập cả chân. Nhưng ngay cả thế, Dragut quá sợ hãi để dám làm bất kì thứ gì. Sợ hãi đến mức vô tình và ích kỉ. Chúng ta có Adi, gã bạn trai của Otilia – đại diện cho tất cả những đứa trẻ trong lốt chàng trai, thoải mái vui chơi nhưng luôn trốn tránh trách nhiệm. Đó là hai hình tượng điển hình trong các bài báo phản ảnh về nạn nạo phá thai, ở bất kì đâu.

Người còn lại là Otilia. Một người bạn cùng phòng tốt bụng đến mức khó tin. Cô làm mọi thứ để giúp đỡ Dragut, quá nhiều so với mức một người bạn. Ban đầu người xem sẽ không hiểu, nhưng khi chuyện phim trôi đi, Otilia trở thành chiều sâu tâm lý mà bộ phim còn thiếu. Nếu Dragut là hình mẫu về sự ngây ngô, thì Otilia là sức nặng nội tâm, để biến 4 Months, 3 Weeks, and 2 Days thành một phim đầy đặn. Có những dấu hiệu cho thấy Otilia cũng đã có thai và sớm muộn gì, cô cũng sẽ ở vào hoàn cảnh Dragut hiện tại. Lúc đó, người duy nhất cô có thể dựa vào, không phải là anh chàng Adi yếu đuối, mà là Dragut. Có một cảnh đối thoại tuyệt vời giữa Otilia và Adi, diễn ra trong nhà anh ta, mổ xẻ đến tận cùng sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ khi chuyện đã rồi: Đàn ông sẽ trở về với mẹ, còn phụ nữ phải giải quyết một mình.

Dưới bàn tay dẫn dắt tuyệt vời của Mungiu, 4 Months, 3 Weeks, and 2 Days chạm được đến độ sâu cần thiết ở mỗi khía cạnh nó chạm vào. Ngoài tâm lý và phản ánh hiện thực, kiến thức về nạo phá thai cũng được truyền tải rất đầy đủ và trực quan. Với một vài người xem, có thể là đáng sợ. Đủ đáng sợ để ám ảnh tâm trí họ và buộc họ phải nhìn nhận sâu sắc hơn về việc phá thai. Hủy đi một sinh mệnh, dù không được chào đón, là nhân đạo hay sát nhân? Câu trả lời nằm ở một cảnh cực kì ấn tượng trong phòng tắm, sẽ gợi nhiều người nhớ đến Enter the Void (Lạc vào hư vô, 2009) của Gaspar Noé. Nhưng cảnh quay này biến cảnh phim của Noé thành một thứ màu mè, diêm dúa không hơn.

Chuyện phim khá đơn giản, nhưng 4 Months, 3 Weeks, and 2 Days có được sự cuốn hút riêng đến từ cách kể. Trước khi có Alfonso Cuarón và Alejandro Iñárritu, Mungiu đã cho thấy những cảnh quay dài có thể hiệu quả đến mức nào. Không có bom đạn hay máu me, nhưng phim hồi hộp và căng thẳng không thua bất kì tác phẩm rùng rợn nào. Những góc quay không bao giờ cho thấy toàn cảnh, tập trung vào gương mặt chỉ một nhân vật trong đối thoại, khiến ta phải tự đặt mình vào tâm thế của họ.

Tất nhiên, mọi kĩ thuật chỉ tối ưu cùng với màn trình diễn xuất sắc của diễn viên. Không thể có lời chê trách nào dành cho nữ diễn viên chính Anamaria Marinca. Gần như toàn bộ thời lượng phim là dành cho cô, và không một phút nào Marinca tỏ ra đuối sức. Trong những cảnh đối thoại, cô làm rất tốt, và trong những cảnh im lặng, cô còn làm tốt hơn. Như thể chúng ta có thể nhìn vào và đọc được Otilia đang nghĩ gì. Trường đoạn thể hiện rõ nhất điều này là bữa tiệc sinh nhật của mẹ Adi. Cô như ở một thế giới khác với những người xung quanh – gia đình của anh chàng người yêu. Và chúng ta biết, trong ánh mắt cô hướng về người xem ở cảnh cuối cùng, cô sẽ lựa chọn điều gì cho đứa con đang nằm trong bụng mình.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00