A MONSTER CALL

bởi
533 lượt xem
A+A-
Reset

“Trong đời, con sẽ trải qua rất nhiều ngày buồn thảm, nhưng ngày buồn thảm nhất là ngày con mất mẹ con.”

Lời người bố nói với con trai trong quyển sách Những tấm lòng cao cả của nhà văn Ý Edmondo De Amicis, là câu văn tôi không bao giờ quên. Gần như mỗi người lớn lên đều cùng trải qua một cơn ác mộng: Thấy mẹ mình qua đời và thức giấc với gối đẫm nước mắt. Nhiều người trải qua không chỉ một lần. Khác với những giấc mơ đáng sợ khác, đây là cơn ác mộng sẽ trở thành sự thật, ngày nào đó.

Mất đi người thân luôn là sự kiện đau buồn, nhưng mất đi mẹ hoặc bố, là những dấu mốc mang tính bước ngoặt. Ở tuổi trưởng thành, thường thì cùng với nỗi đau, người ta buộc phải nhìn nhận, phóng chiếu, và xác định lại toàn bộ cuộc đời mình. Giống như nhà văn Mĩ Paul Auster đã làm trong quyển Khởi sinh của cô độc. Nhưng nếu “ngày buồn thảm nhất” ấy xảy ra ở tuổi thiếu niên, khoảng thời gian hình thành nhân cách và dễ đổ vỡ nhất, điều gì sẽ xảy ra? Xứ sở của những chuyện cổ tích đen tối Tây Ban Nha khắc họa cơn ác mộng trưởng thành này một cách chân thực, sâu sắc và cảm động với A Monster Calls (Lời thỉnh cầu quái vật, 2016).

Conor O’Mailey (Lewis MacDougall) là một học sinh trung học cô độc. Cậu đang trải qua quãng thời gian khó khăn. Ở nhà, cậu sống với người mẹ (Felicity Jones) mắc bệnh ung thư, và đang đi đến giai đoạn cuối. Cha cậu đã li dị vợ và lập gia đình mới ở Mĩ. Ở trường, Conor là đối tượng bắt nạt của đám bạn cùng lớp. Hàng đêm, vào lúc 12 giờ 7 phút, cậu còn bị hành hạ bởi cơn ác mộng lặp đi lặp lại: Cảnh tượng một hố sâu nuốt chửng nhà thờ, nơi mẹ cậu đang đứng. Conor luôn cố gắng níu lấy tay mẹ, và luôn thất bại.

Giấc mơ đó có thể là tiềm thức về nỗi sợ hãi mất mát của Conor. Nhưng còn có một giấc mơ hoặc tưởng tượng khác, kì quặc hơn, chồng lên đó. Một con quái vật (Liam Neeson lồng tiếng) thành hình từ cây cổ tùng trước nhà, luôn xuất hiện mỗi khi Conor buông tay. Nó nói rằng sẽ kể cho cậu nghe ba câu chuyện mỗi lần ghé thăm. Khi xong xuôi, Conor sẽ phải kể cho nó nghe câu chuyện thứ tư, mà cậu luôn giấu kín.

Giống như Pan’s Labyrinth của Guillermo del Toro ra đời trước đúng 10 năm, A Monster Calls xây dựng một thực tại thứ ba, kết hợp giữa thực tế và mộng ảo. Và cũng như Pan, nó rất đen tối. Ba câu chuyện từ con quái vật không hề đi theo khuôn mẫu thông thường. Lần lượt nó kể về một hoàng tử giết người yêu để lấy cớ cướp ngôi dì ghẻ, một nhà truyền giáo thiếu niềm tin gặp bất hạnh, và về một kẻ vô hình tự làm đau mình bằng cách để bị nhìn thấy. Không có người tốt hay kẻ xấu, cũng không có trừng phạt hay phần thưởng, không có cả những ranh giới tốt xấu. Đó là bộ mặt thật của cuộc sống mà Conor đang phải đối mặt.

Với những người yêu mến thể loại trưởng thành (coming-of-age), không khó để giải nghĩa A Monster Calls. Mỗi câu chuyện đều là phép ẩn dụ cho các sự kiện xảy ra với Conor, mỗi nhân vật đều là hóa thân của các cảm xúc tiêu cực chất chứa trong cậu. Chúng chứa đựng những sự thật, hoặc bài học, mà Conor tìm thấy trong tình cảnh bất hạnh của bản thân. Thế giới ấy là một hành trình tâm tưởng, nơi Conor học cách trải qua và giải nghĩa mất mát quá lớn đầu đời.

Tất cả là những thông điệp không mới, nhất là trong thể loại trưởng thành vốn đã quá đông đúc những tác phẩm xuất sắc. Nhưng A Monster Calls biết cách để tách mình khỏi đám đông. Phần kịch bản do Patrick Ness, tác giả quyển sách chuyển thể cùng tên, chắp bút, có được sự gọn gàng chặt chẽ và đủ sâu sắc về mặt tâm lí. Một đứa trẻ phải chứng kiến cái chết từng ngày của mẹ sẽ cảm thấy gì? Tất cả các phức cảm sâu kín của Conor như lo lắng, sợ hãi, phẫn nộ và cả độc ác… của Conor đều được lột tả, thông qua các trường đoạn tưởng tượng ghê rợn. Và hầu hết đều khiến chúng ta bất ngờ – điều đã khá xa xỉ hiện nay. Những thứ tưởng như quá rõ ràng, như mối quan hệ giữa kẻ bắt nạt và nạn nhân, đều bị lật ngược. Trong phim, Conor mới chính là kẻ tìm cách để “bị” bắt nạt, vì ít nhất cậu sẽ được ai đó nhìn thấy và tiếp xúc. Chi tiết này khiến sự cô độc của cậu càng khủng khiếp hơn.

Các câu chuyện của con quái vật không kể về con người. Nó miêu tả những thứ vô hình nhưng chi phối con người. Như nỗi đau. Không phải là nỗi đau thân xác, như điều người mẹ phải chịu đựng. Mà là nỗi đau tinh thần, đáng sợ hơn, giống như chất độc ăn mòn dần Conor và những người trong gia đình. Khi không thể chịu đựng nổi, họ quay sang làm tổn thương nhau. Đó còn là niềm tin bị phản bội, biểu thị bằng hình ảnh nhà thờ rơi xuống hố sâu. Và cuối cùng, là sự ngây thơ bị đánh mất, như lời con quái vật miêu tả về Conor “không còn là cậu bé, chưa phải người đàn ông”. Không có sự ngây thơ nào tồn tại khi đứng trước cái chết.

Về mặt kĩ thuật, A Monster Calls xứng đáng được gọi là thành tựu chỉ đạo của đạo diễn Tây Ban Nha J. A. Bayona. Ông dẫn truyện rất bài bản, chắc chắn, duy trì nhịp phim gần như hoàn hảo. Chỉ có một trường đoạn Bayona xử lí không tốt, là khi bí mật lớn nhất được con quái vật thét vào mặt Conor, dài dòng hơn cần thiết. Ngoài ra, giống như đồng hương Guillermo del Toro, ông cũng là một người duy mĩ, từng gây ấn tượng với các khung hình tuyệt đẹp trong The Orphane (2007). Với A Monster Calls, Bayona biến nó thành một màn trình diễn nghệ thuật, với đủ các chất liệu từ hiệu ứng máy tính, màu nước, cho đến vẽ 3D. Các hiệu ứng thị giác là rất xuất sắc, được sử dụng hiệu quả, và luôn tiết chế để không đi xa cốt truyện chính. Chúng tạo nên không khí mơ thực riêng biệt cho phim. Phần mĩ thuật của A Monster Calls có đủ lớp lang để so sánh với một phim hoạt họa chất lượng khác là Song of the Sea(2014).

Chắc chắn phải có lời khen dành cho dàn diễn viên trong phim. Cậu bé Lewis MacDougall, từng vào vai phụ trong Pan (2015), chứng tỏ tiềm năng trở thành một diễn viên nội lực tương lai. Một diễn viên giỏi luôn phải có bản năng “nói” bằng đôi mắt, và MacDougall sở hữu điều đó. Nữ diễn viên đang lên Felicity Jones không xuất hiện nhiều, nhưng luôn thuyết phục mỗi thời điểm cần đến cô nhất. Và có cả Sigourney Weaver, quá kì cựu để vào vai người bà khó tính nhưng đầy quan tâm trong phim. Weaver phối hợp rất tốt với MacDougall, mang đến một cảnh phim giàu cảm xúc trong xe hơi, dưới cơn mưa nặng hạt.

A Monster Calls không phải là một bộ phim thiếu nhi, dù kể về một đứa trẻ. Nó cũng không đội lốt phim thiếu nhi để dành cho người lớn. Đây là bộ phim dành cho những ai từng trải qua giây phút mất đi người thân yêu, và nhận ra sự thật về cuộc đời: Rằng sẽ không có cổ tích nào chờ đợi họ, không có hạnh phúc về sau. Giống như điều nhà bình luận Matt Zoller Seitz nhận ra 10 năm sau khi mất đi người vợ Jen thân yêu: “Đời tôi không phải là câu chuyện, chỉ là một chuỗi sự kiện xảy đến với tôi.” Không có ý nghĩa nào được gán cho, không có ai để đổ lỗi, không có cách nào khác ngoài chấp nhận sự thật, học hỏi chút gì đó dù đớn đau, để vượt qua và sống tiếp.

Không nhiều phim đủ gai góc miêu tả một đứa trẻ mệt mỏi đến mức muốn mẹ nó chết đi, mà vẫn đáng cảm thông. A Monster Calls có sự dũng cảm và chân thực đó. “Chân thực” là cốt lõi và là mục tiêu tối thượng của phim ảnh, hay bất kì loại hình nghệ thuật nào. Tất cả kĩ thuật, kĩ xảo, mánh lới, tất cả tài năng, rèn dũa, quan sát, tất cả nỗ lực, tham vọng, khao khát… của nghệ thuật, chỉ là để bắt được một khắc nhỏ bé mong manh của hiện thực, một chấm nhỏ phù du trong thời gian cuộc đời mỗi người, nhưng chứa đựng đầy đủ, trọn vẹn, tinh túy nhất những gì thuộc về con người và chỉ có ở con người. A Monster Calls biến cơn ác mộng của Conor, mà tất cả chúng ta đều đã, đang hoặc sẽ trải qua, trở thành sự thật của tôi và bạn. Bộ phim này, giống như một dạng khác của lời người bố nói với con trong tác phẩm Edmondo De Amics, mà tôi đọc được ngày thơ bé. Để rồi cả người con may mắn ấy, và tôi, đều ngay lập tức chạy đến bên người mẹ yêu quí của mình, mà ôm lấy bà.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00