Vấn đề của A Silent Voice (Dáng hình thanh âm) cũng giống như vấn đề của bất kì phim chuyển thể từ manga thất bại nào khác. Nói chính xác, đây không phải là phim, mà là một clip minh họa cho truyện tranh. Có một chủ đề khá hay về bạo lực học đường và khiếm thính, nhưng việc thiếu vắng một tư duy chuyển dịch thật sự, đã biến tác phẩm của đạo diễn Naoko Yamada trở thành một miếng pho mát đầy lỗ hổng cả về tâm lí lẫn cốt truyện. Một trải nghiệm lê thê trong rạp chiếu bóng với tôi, như thể vô tận.
Không phải ngẫu nhiên mà giải Oscar “dựng” lên thêm giải thưởng “Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất”, bên cạnh kịch bản gốc. Trái với suy nghĩ nhiều người, “chuyển thể” giữa hai thể loại là một công việc hết sức khó khăn. Cũng giống như dịch thuật vậy, truyền tải được nội dung từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác đã không đơn giản, còn giữ được tinh hoa bản gốc thì phải gọi là kì công. Người thực hiện đòi hỏi phải giỏi, và quan trọng hơn cả giỏi, là phải thấu hiểu bản chất của cả hai nền tảng.
Đó là dịch thuật, còn từ manga sang anime, khoảng cách tưởng như gần (đều có kết cấu là hình ảnh) nhưng thật sự rất xa. Kịch bản của A Silent Voice xứng đáng được lấy làm ví dụ cho việc nó xa đến mức nào.
Sự khác biệt đầu tiên là ở lớp nền. Manga cũng giống như phim truyền hình, có đủ dung lượng cho lớp nền, từ đó thoải mái tung tẩy với nhân vật, với cao trào. Phim điện ảnh thì thiếu vắng thời lượng, nên phải tìm cách tóm gọn lớp nền bằng chi tiết, sao cho thật thuyết phục. A Silent Voice không làm được điều này.
Một ví dụ nhỏ là hành động bấm bút chì của cậu bé nghịch ngợm Shoya (Miyu Irino), khi lần đầu đón cô bé khiếm thính Shoko (Saori Hayami) vào lớp. Chi tiết thể hiện rằng cậu bé đang nhàm chán. Nếu đọc manga, bạn sẽ hiểu, vì có cả một trường đoạn dài trước đó thể hiện rằng thứ Shoya ghét nhất trên đời là chán. Cũng vì thế, cậu mới bắt nạt Shoko như một trò vui. Nhưng trong phim, ta không có được lớp nền đó. Vì thế, không những chi tiết này trở nên vô nghĩa hay khó hiểu, mà còn giấu đi lí do để Shoya bắt nạt Shoko.
Hay như khi Shoko chạy trốn khỏi Shoya, khi gặp lại ở trường trung học. Trong bản manga có cho thấy nội tâm của cô bé, rằng cô rất ghét Shoya. Trong phim, ta không hiểu được rằng là cô bé sợ, ghét, hay xấu hổ? Hành động chạy trốn không đến mức khiên cưỡng, nhưng rất kịch.
Và còn rất nhiều sự thiếu hụt khác từ kịch bản chuyển thể của Reiko Yoshida. Nếu là một người xem phim trước rồi sau đó mới tìm đọc manga như tôi, bạn sẽ thấy từng lỗ hổng tâm lí hiện lên rõ mồn một. Thông thường, biên kịch sẽ tìm cách vá các lỗ hổng này bằng các sáng tạo riêng. Nhưng ta không thấy bất kì điều gì như thế ở đây. Do đó, các nhân vật xuất hiện như thể các diễn viên tồi, giả tạo. Mất đi đường dây tâm lí, chính xác là không có, thì mọi thứ khác như hình ảnh, màu sắc… đều là vô nghĩa.
Công tác đạo diễn của Naoko Yamada cũng thật nghèo nàn làm sao. Nhất là khi so sánh (điều không thể tránh được) với một phim hoạt hình Nhật được chiếu rạp không lâu trước đó là Your Name của Shinkai Makoto. Nếu Your Name sinh động và nhịp nhàng bao nhiêu, thì Silent Voice trơ cứng và đơn điệu bấy nhiêu. Như thể đạo diễn của phim không có bất kì ý thức nào về nhịp, về cao trào, về cấu tứ, về lối dẫn truyện. Tất cả những gì xuất hiện là vài nốt nhạc Piano lồng ghép, các hình ảnh cố đưa lên sao cho lung linh, sến súa. Thậm chí nghèo nàn đến mức trong các cảnh đối thoại, Yamada không biết làm cách nào hơn là lặp lại hàng trăm lần góc quay đùi và chân nhân vật. Do đó, thời lượng phim bị kéo ra quá dài, đến 2 giờ 9 phút cho một kịch bản có lẽ chỉ đủ sức cho một phim ngắn 30 phút. Hoặc 15.
Dù vậy, công bằng mà nói, ngay ở kịch bản gốc manga, Silent Voice cũng chỉ ở mức trung bình. Lấy đề tài bạo lực học đường và khiếm thính, nhưng bộ truyện này không khai thác được sâu sắc cả hai chủ đề này, hay mang đến cảm giác hiện thực. Hầu hết nhân vật chỉ là các sản phẩm “giấy”, nghĩa là từ tưởng tượng của tác giả, chứ không lấy nguyên mẫu từ đời thật. Vì thế, phần tâm lí rất giả, rất tầm thường và nhàm chán. Bọn trẻ con không có đầu óc trẻ con, mà do người lớn đội lốt, hành xử và nói năng rất vô lí. Như cách đám bạn thân lập tức quay sang bắt nạt Shoya, sau khi bị thầy trách mắng, hay bỏ công đi đồn đại ở các cấp lớp sau. Ngay cả khi gặp lại, chúng cũng liên tiếp yêu, ghét lộn xộn. Chủ yếu để tạo ra cao trào ở cấp độ truyện tranh, chứ không phải là điện ảnh.
Quan trọng hơn, Silent Voice có một câu chuyện quá mức đơn giản và khiên cưỡng. Tóm tắt lại thì là Shoya bắt nạt Shoko, Shoya bị đám bạn bắt nạt tương tự nên hiểu được nỗi đau Shoko, cuối cùng là Shoya tìm cách hòa giải những mâu thuẫn giữa Shoko và các người bạn cũ. Xen lẫn vào đó là việc cậu bị cô lập và cô đơn, từng chút một hiểu được sự ấm áp và giá trị của tình bạn. Nghe qua tưởng chừng khá hay, nhưng trong một thế giới mà mọi thứ đều khập khiễng, không có gì chạm được vào trái tim ta. Khập khiễng như chi tiết dấu X trên gương mặt mỗi người, như cái cách đám đông xung quanh luôn phản ứng thái quá với Shoya, như cách hành xử của người mẹ Shoko… và như lựa chọn tự sát ở đoạn kết. Tự sát không có gì sai, cái sai là không tạo đủ lớp nền cho hành động nặng nề đó.
Dù vậy, vẫn có vài khoảnh khắc dễ chịu trong phim. Đầu tiên là nhờ đến công lao của chàng mập luôn mặc áo “Hollywood”. Tình tiết hài thì không có gì xuất sắc, nhưng trong một bộ phim quá ngán ngẩm thế này, thứ gì vui vẻ cũng đều trở thành châu báu. Ngoài ra, Shoko là nhân vật có được tâm lí vững chắc hơn cả, và đôi lúc khiến ta đồng cảm nhờ phần lồng tiếng tuyệt vời. Giọng nói ê a có vẻ buồn cười ấy chính là biểu hiện rõ nhất khiếm khuyết của cô, cũng là nỗ lực vô vọng của cô bé trong việc cố gắng hòa nhập với thế giới bình thường. Điều đáng tiếc là, ngoài giọng nói ấy, ta không tìm thấy bất kì dáng hình nào khác, trong một bộ phim sẽ đánh mất niềm tin vào hoạt hình Nhật Bản, mới vừa được tìm lại bởi Your Name.