Trang chủ Phía Sau Màn Ảnh CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ

CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ

bởi Phan Cao Hoài Nam
674 lượt xem
A+A-
Reset

Năm 2017, trang Metacritc bình chọn Bong Joon-Ho ở vị trí 13 trong tốp “25 đạo diễn xuất sắc nhất thế kỉ 21”. Giờ đây, vị trí đó hẳn phải cao hơn nhiều, khi ông vừa mang về giải Cành cọ vàng đầu tiên cho Hàn Quốc với phim Parasite (Kí sinh trùng).

Lần đầu tiên

Thật ra, những ai quen với lộ trình của Cannes có thể dự đoán chiến tích này. Ông đã trở thành gương mặt ưu tú tại LHP này nhiều năm nay, khởi đầu với Mother! (Người mẹ, 2009) ở hạng mục Góc nhìn đặc biệt. Năm 2011, ông trở thành giám khảo cho hạng mục quay phim. Năm 2017, Bong nhận đề cử Cành cọ vàng đầu tiên với Okja (Siêu lợn). Tất cả đều biết Cannes tôn vinh ông chỉ là chuyện sớm muộn. Điều còn thiếu là một tác phẩm đột phá.

Parasite đã xuất sắc vượt qua đối thủ lớn nhất là Once Upon A Time in Hollywood (Ngày xửa ngày xửa ở Hollywood), bộ phim thứ 9 của Quentin Tarantino. Tác phẩm từ Mĩ có dàn diễn viên thượng thặng bao gồm Leonardo DiCaprio, Brat Pitt, Margot Robbnie… và nhận được tràng pháo tay 6 phút khi công chiếu. Nhưng cuối cùng, chất hài đen, tính châm biếm và sức sáng tạo của Parasite đã chinh phục được ban giám khảo. Bộ phim đang được giới phê bình ngợi khen là một trong những phim hay nhất thế kỉ 21. Phim cũng đứng đầu cuộc bình chọn của trang Indiewire cho “tác phẩm hay nhất 2019”.

Bong Joon-Ho sinh năm 1969 ở Daegu, trong một gia đình trí thức danh giá. Ông ngoại là tiểu thuyết gia nổi tiếng Park Tae Won, bố là nhà thiết kế đồ họa và các anh chị đều là giảng viên đại học. Thời thơ ấu của Bong gắn liền với các bộ phim phương Tây chiếu trên truyền hình. Thay vì thưởng thức vô tư như bao đứa trẻ khác, cậu bé Bong chỉ chú ý đến khía cạnh làm phim. “Tôi thường xem phim của Sam Peckinpah, vốn cắt cảnh rất nhiều,” ông kể lại, “Tôi chỉ để ý xem cảnh cắt nào còn thiếu hay cần thêm vào.”

Đam mê phim ảnh nhưng Bong không dám theo học trường phim. “Chỉ nghĩ đến việc nói với cha là tôi chết khiếp. Thế hệ cha ông ngày ấy không nghĩ phim là nghệ thuật,” ông kể lại. Thay vào đó, Bong theo học khoa Xã hội ở đại học Yonsei. Thập kỉ 80 là thời kì các luồng tư tưởng đối chọi nhau dữ dội ở Hàn Quốc. Nhưng chính từ đó, một thế hệ đạo diễn với mối quan tâm lớn về xã hội, chính trị ra đời. Cùng trường với Bong còn có Hong Sang-Soo, về sau thực hiện The President’s Last Bang (Ám sát tổng thống, 2005). Đạo diễn của Oldboy (Báo thù, 2003) là Park Chan-wook thì ở ngay cùng khu phố. Dù vậy, cả ba chưa bao giờ gặp gỡ.

Quyết định dấn thân

Dù học khác ngành, Bong Joon-Ho chưa bao giờ nguôi đam mê với phim ảnh. Suốt thời đại học, ông vẫn đều đặn thực hiện các phim ngắn. Những biến động chính trị cuối thập kỉ 80 đã mở đường cho cuộc cách mạng điện ảnh ở Hàn. Bong cảm thấy không thể đứng ngoài cuộc và dũng cảm nói cho cha biết ý định làm phim. Cha ông đồng ý. Sau hai năm theo học trường phim, Bong dành nửa thập kỉ tiếp theo phụ việc cho các đạo diễn danh tiếng.

“Giữa thập kỉ 90 là thời gian điện ảnh Hàn mở cửa,” Bong nhớ lại. “Hong Sang-soo và Kim Ki-duk đã ra mắt phim đầu tay, còn Kang Je-Gyu thì dựng phim ở căn phòng sát nơi tôi làm việc.” Nỗ lực không biết mệt mỏi của ông đã mang đến cơ hội làm phim đầu tay Barking Dogs Never Bite (Chó sủa là chó không cắn, 2000). Một phim kinh phí thấp, quay ngay tại chung cư nơi ông ở, không nhận được nhiều sự chú ý. Nhưng đến phim thứ 2 Memory of a Murder (Hồi ức kẻ sát nhân, 2003), mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Thành công cả về nghệ thuật và thương mại của phim (hơn 5 triệu vé tại Hàn) trở thành đòn bẩy cho sự nghiệp Bong Joon-Ho.

Điều tách biệt Bong với các đạo diễn Hàn thành công thời kì này là biết cách hướng ra ngoài biên giới. Các phim kế tiếp của ông, như The Host hay Snowpiercer (Chuyến tàu băng giá, 2013), đều tận dụng thế mạnh kĩ xảo hoặc chủ đề ăn khách. Đặc biệt là The Host, một bom tấn đúng nghĩa với hiệu ứng đồ họa không hề thua kém các siêu phẩm Hollywood. “Các cấp độ tiếp cận, cả ý thức và vô thức, đến với tôi một cách tự nhiên khi viết kịch bản hay tìm kiếm ý tưởng,” ông cho biết. Có thể nói, Bong chính là người tiên phong, truyền cảm hứng để thay đổi nền điện ảnh Hàn theo hướng toàn cầu hóa.

Kiên trì để thành công

Parasite, tương tự Okja hay The Host (Quái vật sông Hàn, 2006), tiếp tục khai thác chủ đề quái vật. Một thể loại có vẻ xa lạ với điện ảnh châu Á, ma quỉ thì phù hợp hơn. Bong có lẽ là đạo diễn phương Đông duy nhất biến thể loại này thành thương hiệu. Nhưng thay vì khai thác yếu tố giải trí, ông dựa vào chúng để phản ánh các vấn đề xã hội. The Host là sự chống đối ngầm với quân đội Mĩ ở Hàn. Okja là sự châm biếm với thế giới ăn thịt và chủ nghĩa tư bản. Còn Parasite là khoảng cách giàu nghèo ở Hàn Quốc.

“Có rất nhiều định kiến người ta dành cho thể loại này, rằng nó dành cho con nít và vớ vẩn,” Bong trả lời một cuộc phỏng vấn. “Tôi cảm thấy bị chọc giận và xem đó là thử thách dành cho mình.” Giữa lời cam kết ấy và sản phẩm là rất nhiều công sức. Parasite không phải là tác phẩm đỉnh cao hiện tượng, mà là kết quả của một con đường dài. Bong đã tích lũy kinh nghiệm, kĩ thuật và các ý tưởng ngay từ những phim quái vật đầu tiên. Chính xác là từ con chó nhà bên. Chúng ta cũng thấy rằng các kiến thức từ trường đại học, tưởng như không liên quan, đã giúp sức cho phim của ông như thế nào.

Chiến thắng của Parasite là một dấu mốc cho sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Hàn, kể từ thế kỉ 21. Trùng hợp, 2019 là thời điểm kỉ niệm 100 năm của điện ảnh nước này. Hồi đầu năm, bộ phim Burning (Thiêu đốt) của đạo diễn Park Chan-Woo cũng lọt vào danh sách cuối đề cử Oscar Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Nam diễn viên chính là Yoo Ah-In thì được tờ The New York Times xếp vào danh sách “12 màn trình diễn ấn tượng nhất 2018”. Một năm đại thành công cho xứ Kim Chi, xuất phát từ những người đầu tàu như Bong Joon-Ho. Người không thể từ bỏ điện ảnh, dù đã cố tình rẽ đường sang đường khác.

Giáo khảo Cannes Alejandro González Iñárritu nhận xét về Parasite: “ Vui nhộn và đưa chúng tôi đi từ dòng phim này đến dòng phim khác đầy bất ngờ. Nói lên được các vấn đề toàn cầu trong một cốt truyện và bối cảnh địa phương.”

Đây là năm thứ 2 liên tiếp một phim châu Á thắng giải Cành cọ vàng. Năm 2018 là phim Shoplifter (Kẻ trộm vặt) của đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00