COCO

bởi
473 lượt xem
A+A-
Reset

Hầu hết mọi nền văn hóa trên Trái Đất cùng chia sẻ một niềm tin: Chết chưa phải là kết thúc. Chúng ta tin rằng thân xác này là tạm bợ, và khi nó lụi tàn, con người sẽ tiếp tục sống ở một thế giới khác. Đó là viễn cảnh quá đỗi tuyệt vời, mang đến sự an ủi giữa sự đời vô thường, cũng như cơ hội được gặp lại người thân yêu đã mất. Cái chết sẽ bớt đáng sợ một nửa, hoặc hơn một nửa, nếu ta được gặp lại những người yêu thương ấy.

Mỗi dân tộc thể hiện niềm tin này theo những cách khác nhau. Người Việt Nam, như nhiều dân tộc châu Á khác, cúng người thân, ông bà, tổ tiên vào các ngày giỗ. Họ tin rằng người chết sẽ trở về cùng con cháu dùng bữa cơm gia đình. Đốt vàng mã là một cách giúp người chết có cuộc sống sung túc ở thế giới bên kia. Các dân tộc phương Tây, chịu ảnh hưởng bởi Kito giáo, ít thể hiện điều này hơn. Nhưng họ vẫn dành thời gian trong các ngày lễ như Phục Sinh hay Giáng Sinh để tưởng nhớ người đã mất. Riêng ở các nước châu Phi và Nam Mỹ, niềm tin này thể hiện rất mạnh mẽ, được tổ chức thành những ngày hội lớn tầm quốc gia. “Ngày của người chết”, hay Día de Muertos, ở Mexico, có lẽ là lễ hội được biết đến rộng rãi nhất.

Coco, bộ phim mới nhất của Pixar, dùng ngày lễ này làm lớp nền cho câu chuyện của mình. Đây cũng là lần đầu tiên nhân vật và bối cảnh phim Pixar đặt ở Mexico. Nhân vật chính là cậu bé 12 tuổi Miguel (Anthony Gonzalez), sống cùng gia đình mình tại ngôi làng nhỏ giả tưởng Santa Cecilia. Cậu yêu âm nhạc và mơ ước trở thành ca sĩ như Ernesto de la Cruz (Benjamin Bratt), một ca sĩ huyền thoại Mexico những năm 30. Đây là điều bình thường ở các nước Nam Mỹ nói chung, nơi âm nhạc luôn là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Thậm chí đến những người hát rong cũng có tên gọi riêng là Mariachi.

Tuy nhiên, Miguel lại sống trong một gia đình có lẽ là anti-âm nhạc duy nhất ở Mexico. Ông cố của cậu, một ca sĩ, đã bỏ bà cố để theo đuổi đam mê. Đau khổ và hận thù, bà đã tạo ra và duy trì một điều luật cấm âm nhạc trong gia đình, kéo dài đến đời con cháu. Miguel buộc phải giấu đi tình yêu của mình, cho đến phát hiện ra ông cố mình chính là Ernesto de la Cruz! Nếu ông là ca sĩ huyền thoại, tại sao cháu lại không được nối nghiệp? Và trong khi cố gắng lấy trộm cây đàn guitar trong “Ngày của người chết”, Miguel lạc vào… thế giới người chết.

Đây không phải lần đầu chúng ta được đến thế giới này. Book of Life (2010) từng chọn chủ đề tương tự, với nội dung tương tự. Người Mexico tin rằng sau khi chết đi, miễn là chưa bị lãng quên, con người tiếp tục sống tại một nơi gọi là Mictlan. Họ sinh hoạt bình thường như lúc còn sống, và chờ đợi đến ngày 2/11 hàng năm – ngày cánh cửa Âm Dương mở ra –  để trở về thăm lại người thân. Khi đến Mitclan, Miguel lần lượt gặp lại họ hàng đã mất, bao gồm cả bà cố. Họ sẵn sàng giúp cậu trở lại cuộc sống, với một điều kiện dễ đoán: Không nhạc nhũng gì nữa!  Dĩ nhiên, Miguel từ chối. Thay vào đó, cậu đi tìm sự giúp đỡ ở người ông nổi tiếng Ernesto de la Cruz.

Chúng ta đã từng nói về sự giao thoa bản sắc giữa Disney và Pixar, kể từ khi về chung một nhà. Coco tiếp tục là minh chứng cho điều đó. Một nhân vật phải thoát khỏi sự kìm kẹp của gia đình là đặc sản của Disney. Âm nhạc hay khám phá cuộc sống, đều như nhau. Trong khi việc tạo ra một thế giới mới lạ, với những luật lệ thú vị riêng, là nghề của Pixar. Sau Inside Out khám phá đầu óc con người, hãng phim này tìm đến thế giới người chết của Mexico.

Như mọi khi, họ làm điều đó một cách đẹp đẽ và choáng ngợp. Khi những tòa nhà đầy màu sắc hiện ra, trước đó là chiếc cầu làm bằng hoa cúc vạn thọ rực rỡ (loài cúc có 20 cánh, gọi là hoa của người chết), tôi có cùng cảm giác xưa cũ như lần đầu chứng kiến thế giới của Inside OutMonster Inc.Toy Story… Bất kì thế giới tuyệt vời nào khác của Pixar. Không phải là một thành tựu về mặt đồ họa, nhưng đạo diễn Lee Unkrich (Toy Story 3) biết cách làm trí tưởng tượng của chúng ta ngạc nhiên. Thế giới này đáng tin ở sức sống của nó, được thể hiện qua các hệ thống quản lí và nét sinh hoạt sinh động của người dân. Vùng đất người chết hiện lên như một ngôi làng thân thiện, mà nếu là sự thật, hẳn sẽ khiến cái chết dễ chịu hơn rất nhiều. Điều quan trọng khác là luật lệ rõ ràng, được giới thiệu ngay từ đầu: Nếu không được nhớ đến, cụ thể là có ảnh thờ ở phòng cung hiến, bạn sẽ trở thành một linh hồn lạc lõng, không thể trở về.

Chuyện phim tiếp diễn khi Miguel gặp Héctor (Gael García Bernal), một linh hồn lạc lõng như thế. Anh ta không thể về thăm người thân, vì không có ảnh thờ ở bất kì đâu. Niềm hi vọng duy nhất là cô con gái mà Héctor đã bỏ lại. Cả hai thực hiện một thỏa thuận. Héctor giúp Miguel gặp gỡ ông cố Ernesto. Và khi trở về, Miguel sẽ mang theo bức ảnh của Héctor, đưa vào một phòng cung hiến nào đó. Những gì xảy đến, tôi sẽ không tiết lộ, dù không hẳn mới mẻ hay khó đoán. Đó là một cú twist nhỏ (hoặc lớn, tùy vào độ bất ngờ của bạn), vài trường đoạn hành động phải có của thể loại, một vài con thú đồng hành dễ thương, và cuối cùng là điều chúng ta mong chờ ở Pixar: Cảm xúc đẹp đẽ khiến ta rơi nước mắt.

Coco là một phim được làm với kĩ thuật cao ở tất cả các khâu, kết hợp khéo léo giữa văn hóa và câu chuyện. Trailer đánh lừa chúng ta vào một hành trình rất Disney về tự do và đam mê, trong khi thông điệp chính xác của phim là về tình cảm gia đình. Kịch bản của Lee Unkrich cho thấy sự thấu hiểu của ông về ý nghĩa Ngày Của Người Chết, cũng như các lớp lang của nó. Ngày lễ này không chỉ phản ánh niềm tin tâm linh về một thế giới sau cái chết, mà còn là mối liên kết bền chặt không dứt của con người với dòng họ, tổ tiên. Giải thích vì sao ta cần nhớ đến người thân đã mất, kể cả những người chưa từng gặp. Mỗi người là kết quả của một sợi dây sinh mệnh kéo dài không dứt từ khởi thủy. Coco mang đến một ý tưởng thú vị về sự kết nối qua các thế hệ, cả vô hình như tình thân và hiện hữu như âm nhạc. Ngay từ đầu, ta đã cảm thấy Miguel và Héctor khá giống nhau cả về tính cách lẫn điệu bộ, và sau đó là một màn song tấu ăn ý.

Phải nói rằng, Coco không phải là một phim quá xuất sắc về nội dung. Phim dùng nhiều “cliché” của dòng điệp viên. Có một cảnh sử dụng truyền hình để lật tẩy trước đám đông. Trước đó là một cảnh khiêu vũ “giả”, khi bà cố của Miguel chạy trốn đám bảo vệ. Chúng ta sẽ cảm thấy ngờ ngợ như đã xem ở đâu đó. Các nhân vật phụ đôi lúc gây hài hơi quá, như các bộ xương họ hàng Miguel. Bản thân cậu bé cũng không phải là một nhân vật đủ chiều sâu để trở nên khác biệt. Ít nhất so với các nhân vật chính trước đây của Pixar. Sự thật, ta sẽ không để tâm lắm đến Miguel trong suốt bộ phim, hay các rắc rối của cậu với âm nhạc. Vai trò chính của cậu là tạo ra lí do và đảm nhiệm phần hành động. Từ khóa “nắm lấy khoảnh khắc” được nhắc lại nhiều lần như một thông điệp cảm hứng kèm theo. Nhưng có lẽ đó là chủ ý của các biên kịch, Miguel chỉ cần phù hợp với dòng chảy câu chuyện là đủ. Vì đến nửa phim, người xem sẽ dồn sự quan tâm đến một mối quan hệ khác, một Father and Daughter khác được lồng ghép khéo léo, mà tựa phim đã chỉ ra: Coco và cha của bà.

Đây là lúc Pixar chứng tỏ vì sao họ được gọi là “phù thủy cảm xúc”, những người điều khiển tuyến lệ của khán giả suốt nhiều năm qua. Mỗi khi xem phim của họ, tôi luôn cố gắng tìm hiểu xem sức mạnh đó đến từ đâu. Là từ lối cắt cảnh chuẩn mực đã thành kĩ năng, lồng ghép âm nhạc giàu cảm xúc (trong phim này là của Michael Giacchino), là cách chuẩn bị chi tiết cẩn thận (Coco đã gọi “Cha ơi, cha ơi…” ngay từ đầu phim), hay ở cách họ nắm vững các giá trị phổ quát của tình cảm con người, như một chuyên gia tâm lí giàu kinh nghiệm. Với Coco, tôi nhận ra một điều khác nữa, đó là cách đạo diễn Lee Unkrich để cho chúng ta tưởng tượng. Đôi lúc, những gì không hiện lên trên màn hình lại chạm vào ta sâu sắc nhất. Đó là những tháng năm chờ đợi dài đằng đẵng của Coco, là nỗi oan ức và cô độc của cha cô, là sự tiếc nuối cho một hoặc nhiều cuộc đời lẽ ra đã hạnh phúc hơn… Những điều đó không thể hiện bằng hình ảnh, mà người xem sẽ tự hình dung, mỗi khi bản nhạc Remember Me vang lên.

Coco là bộ phim không thể không hài lòng sau khi thưởng thức, dù bạn ở độ tuổi nào đi nữa. Bởi lẽ, phim đề cao các giá trị bất biến theo thời gian, như theo đuổi đam mê và “family comes first”. Sử dụng văn hóa làm nền một cách hợp lý, nó còn mang đến một sự dễ chịu trong tiềm thức, về một niềm tin chung của nhân loại: Cái chết chưa phải là kết thúc. Sâu thẳm trong mỗi chúng ta, dù lí trí đến mấy, có lẽ đều mong muốn đó là sự thật. Thật dễ chịu làm sao nếu có một vùng đất của người chết, với những người thân quen đang chờ đợi, chỉ cần ta còn nhớ đến. Chúng ta có thể sửa chữa những lỗi lầm, nói những điều chưa kịp nói, làm những điều chưa kịp làm… với họ. Cuộc sống này sẽ bớt phiền muộn và hối tiếc biết bao nhiêu.

Đó là lí do vì sao ta luôn cần những bộ phim như Coco, hay hãng phim như Pixar, hay nghệ thuật nói chung. Chúng mang đến nguồn năng lượng tinh thần cần thiết trên đường đời, và nói như Roger Ebert: “Giúp ta điều hòa với sự thật tối thượng rằng tất cả chúng ta đều sẽ chết.” Cái chết sẽ bớt đáng sợ hơn, ngay khi bộ phim kết thúc, ta ngước nhìn xung quanh và thấy gia đình mình ở đó.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00