DRIVE MY CAR

bởi
382 lượt xem
A+A-
Reset

Drive My Car là một phim-tiểu thuyết, nếu có thể dùng từ này. Thật lạ khi thưởng thức một phim điện ảnh lại mang đến cảm giác như đọc tiểu thuyết. Tôi nghĩ rằng, không phải vì bộ phim được chuyển thể từ các truyện ngắn của Haruki Murakami, mà vì ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn Ryûsuke Hamaguchi vốn đã sở hữu phong vị của tiểu thuyết. Chúng ta thường nói rằng lối dẫn truyện của một đạo diễn là “ngôn ngữ” của họ, một lối so sánh vô thức với viết văn, vậy thì Drive My Car là minh chứng cho ngôn ngữ tiểu thuyết trong điện ảnh là như thế nào: Dày dặn về mặt hình ảnh, giống như một nhà văn tỉ mỉ dựng cảnh trước khi kể chuyện. Tỉ mỉ trong việc xây dựng các tuyến phụ, các nhân vật đều có số phận và câu chuyện riêng. Nhiều lớp nghĩa trong từng khung hình, giống như các tầng nghĩa trong mỗi đoạn văn. Gần như mọi thông điệp cốt lõi và quan trọng nhất đều thể hiện bằng thoại, thay vì thuần hành động.

Drive My Car mở đầu cùng qui tắc mở đầu của tiểu thuyết, tạo ra sự bất thường trong một tình huống thông thường. Nhân vật chính Kafuku (Hidetoshi Nishijima) bất ngờ về nhà và phát hiện vợ mình ngoại tình, một cảnh tượng quen thuộc. Nhưng thay vì ghen tuông tức giận như mọi ông chồng trên đời, Kafuku chọn cách im lặng rời đi. Lạ lùng hơn, sau đó anh trò chuyện và làm tình với vợ như chưa có gì xảy ra. Chúng ta bị hút vào một câu hỏi cần giải đáp, như cách mà nhà văn Haruki Murakami thường sử dụng để hút độc giả: Ném cho họ một bí ẩn. Chuyện gì đã xảy ra giữa hai vợ chồng họ? Và khi một chút manh mối về đứa con đã mất vừa hé lộ, phim đột ngột chuyển hướng bằng cái chết của người vợ và bất ngờ hơn là những dòng giới thiệu hiện lên.

Hamaguchi mất đến hơn 40 phút để “bắt đầu” bộ phim như thế. Dòng giới thiệu tách biệt hoàn toàn quá khứ và hiện tại của Kafuku. Một quá khứ đầy rẫy sự kiện và cảm xúc, giống như một chương truyện dài, nhưng là lớp nền cần thiết để khán giả hiểu được những gì phía sau. Mỗi khi Kafuku đau khổ và nhớ về người vợ đã mất, chính chúng ta cũng sẽ nhớ về cô. Nhớ khung hình đầu tiên khi cô xuất hiện với cơ thể chìm trong bóng tối, và ta tự hỏi: Người đàn bà này là ai?

Chuyện phim là tập hợp và mở rộng từ ba truyện ngắn trong tập Những người đàn ông không có đàn bà (2015) của Haruki Murakami. Phần kịch bản được viết khéo léo đến nỗi, nếu không đọc trước tập truyện, chúng ta hẳn sẽ không nghĩ rằng phim là từ nhiều truyện ghép lại. Không hề có cảm giác vụn vặn hoặc không liên quan giữa chúng. Chi tiết chủ đạo, giống như tựa phim, là “cầm lái xe tôi”. Hai năm sau cái chết của vợ, Kafuku nhận lời chỉ đạo vở kịch Nga Bác Vanya của Chekov. Do có tiền sự gây tai nạn, nhà sản xuất yêu cầu anh không được tự lái xe về khách sạn, mà phải do nữ tài xế Misaki (Tōko Miura) cầm lái. Misaki có gương mặt của một con búp bê vỡ. Dễ đoán được rằng không gian trong chiếc xe Saab đỏ sẽ trở thành nơi chia sẻ và chữa lành cho hai tâm hồn tổn thương. Một mô típ thường thấy, như trong phim đoạt giải Phim hay nhất Oscar 2018 Greenbook.

Trong quá trình chỉ đạo, Kafuku cũng gặp lại một trong những tình nhân của vợ là chàng diễn viên trẻ Takatsuki (Masaki Okada). Trao cho Takatsuki vai chính của vở kịch là cách Kafuku mở ra cánh cửa tâm hồn tưởng như đã vĩnh viễn đóng kín của vợ. Một bất thường khác khó xảy ra ngoài đời thật: Tìm hiểu người mình yêu từ nhân tình của cô. Hành trình đó còn phóng chiếu vào hành trình dựng lại vở kịch Bác Vanya. Các diễn viên đủ quốc tịch tham gia diễn xuất bằng ngôn ngữ riêng, trong đó có cả kí hiệu câm, cố gắng để hiểu nhau và hiểu cảm xúc của nhau, vượt qua các rào cản hữu hình. Đôi khi, những trường đoạn và lời thoại của vở kịch như lời sấm của số phận dành riêng của Kafuku – như màn diễn thử của cô gái Hàn. Sử dụng kịch trong phim, lồng ghép hai thế giới nghệ thuật song hành, cũng là một thủ pháp kinh điển mang đến nhiều soi chiếu hơn cho thế giới nội tâm nhân vật.

Ryûsuke Hamaguchi dẫn dắt Drive My Car giống như cách Misaki cầm lái chiếc Saab. Chậm rãi. Chắn chắn. Tinh tế. Các khung hình đầy sức mạnh, đậm chất điện ảnh giúp thu hút sự chú ý của người xem, trong một thế giới thiếu vắng các kịch tính thông thường. Có lẽ vì người Nhật nói chung và người Nhật-của-Murakami nói riêng đều không giỏi thể hiện cảm xúc ra ngoài. Mọi thứ đều bị kìm nén trong các cử chỉ và lời nói lịch sự. Chúng ta chỉ có thể đoán biết bằng chi tiết, như nỗi lòng của Kafuku thay đổi từ những đợt sóng lăn tăn mặt hồ đến sóng cuộn triều dâng trên con tàu đêm. Hay từ hơi ấm vô thức của một cái ôm trên nền tuyết trắng. Hamaguchi dùng nhiều khung hình tĩnh trong một cảnh động, nhằm mang đến cảm giác đang ở trên xe, đang trôi đi giữa con đường và giữa dòng đời. Có một cảnh hút thuốc trong xe có lẽ sẽ thành biểu tượng cho bộ phim.

Các cao trào lớn nhỏ của phim hoàn toàn đến từ nội tâm của nhân vật. Dàn diễn viên của Drive My Car, đặc biệt là nam chính Hidetoshi Nishijima, đều có khả năng diễn bằng ánh mắt tuyệt vời. Hàng trăm trang tiểu thuyết có thể viết ra từ những ánh mắt ấy. Và để hiểu chúng, đòi hỏi khán giả cũng phải biết “nhìn” – từ trải nghiệm cá nhân. Chúng ta hiểu Kafuku đến đâu, ánh mắt của anh muốn nói gì, khi nhìn thấy người vợ lõa lồ cùng người lạ, khi nhìn thấy gã tình nhân trẻ xuất hiện buổi thử vai, khi nhìn ra xa xăm, phụ thuộc vào việc chúng ta đã trải qua những gì và hiểu bản thân đến đâu. Đúng như câu thoại đắt giá nhất của phim, “nếu muốn hiểu một ai khác, chúng ta phải nhìn lại bản thân thật thẳng thắn và sâu sắc.”

Vậy, Drive My Car có phải là một phim xuất sắc? Đáng tiếc là không, không hẳn. Tôi cảm thấy rằng mình sẽ thích phim nhiều hơn ở tuổi đôi mươi, đúng như cách tôi thích Haruki Murakami nhiều hơn ở tuổi đôi mươi. Khi đã phân biệt được đâu là cốt lõi sự thật, đâu là thủ pháp nghệ thuật trong tiểu thuyết của ông, số lượng sách yêu thích liền giảm xuống. Drive My Car, giống như tập truyện gốc Những người đàn ông thiếu vắng đàn bà mà tôi quên gần hết sau khi đọc xong, đầy rẫy các thủ pháp. Câu chuyện về cô gái chui vào phòng người lạ. Con cá mút đá. Sáng tác cốt truyện khi làm tình. Nhân cách khác của người mẹ Misaki… tất cả đều là thủ pháp, phù hợp để giúp một truyện ngắn trở nên cuốn hút, nhưng không đủ đáng tin trong một bộ phim cần sự sâu sắc về nỗi đau con người.

Drive My Car gợi nhớ đến một phim tương đồng về chủ đề là Manchester by the Sea của Kenneth Lonergan năm 2016. Nhưng nếu tác phẩm của vị đạo diễn người Mỹ chạm đến trái tim ta bằng sự chân thật và phức tạp trong tâm lý người, bộ phim của Nhật lại không đạt cùng cấp độ. Thiếu vắng khám phá mới từ Drive My Car, mở đầu hứa hẹn nhưng kết lại giản đơn. Kafuku chính xác là kiểu nhân vật chính của Murakami, vấn đề giữa anh và vợ mang tính văn học hơn là đời thật, không phổ quát và gần gũi. Mất con cái và ngoại tình là các tình huống thực tế và cần giải mã, nhưng lại bị làm quá trong một tâm lý yếm thế và tránh né của Kafuku, và chẳng dẫn đến nơi nào đáng giá. Chúng ta cần biết lý do vì sao vợ anh hành xử như thế, cái chết của con ảnh hưởng thế nào, hay nhân dạng thực sự sau bóng đen của cô và cả mối quan hệ này. Cuối cùng, như nhiều cái kết trong sách của Murakami, tất cả chỉ là bí ẩn. Đôi lúc giữ lại bí ẩn là tốt, nhưng trong trường hợp này, nó giống như một sự tránh né.

Một điều nữa là dù kiểm soát rất tốt về hành động và cảm xúc nhân vật, Hamaguchi lặp lại quá nhiều phần câu thoại “phải sống tiếp” và khiến nó nghe như một câu khẩu hiệu. Dù rằng thông điệp cuối cùng về đối mặt với tổn thương và sự thật là khá phù hợp, tôi vẫn khó mà cảm thông cho anh, dẫn đến cảnh cao trào không đạt hiệu quả như mong muốn.Đôi khi quá nhiều trở thành quá ít. Manchester by the Sea thể hiện cùng một ý mà thậm chí không cần nhắc đến. Lựa chọn đưa vào cảnh kết ở Hàn Quốc, với Misaki nói tiếng Hàn, xe có biển số Hàn trong thời Covid phần nào phá đi không khí phim xây dựng trước đó. Giống như ta đang đọc một quyển tiểu thuyết và chương cuối hiện ra tấm băng rôn về vượt qua đại dịch vậy. Nó không xấu, nhưng không nên xuất hiện, vì sẽ bị lỗi thời. Covid sẽ lỗi thời, chỉ có những vấn đề muôn thuở của con người, như sự sống và cái chết, là ở lại.

Drive My Car, dù vậy, vẫn là một trải nghiệm điện ảnh dễ chịu, nhờ vào tài năng của đạo diễn Hamaguchi. Nó khiến tôi nhớ lại những buổi chiều mưa bên trang sách của Murakami nhiều năm trước, nhưng cũng nhắc tôi nhớ rằng vì sao mình không còn yêu thích chúng như trước nữa. Hiểu một người, không phải chỉ đơn giản là nhìn vào chính mình, càng không phải chỉ nhìn vào đối phương. Những câu thoại kiểu chân lý như trong phim có lẽ không còn phù hợp nữa. Tôi nghĩ cuộc đời không có công thức chung nào cả, cũng như không có sự đảm bảo nào. Giống như tất cả những điều khác chúng ta làm trong đời, mọi mối quan hệ ta níu giữ, mọi con đường chúng ta đi. Điều quan trọng chỉ nằm ở sự cố gắng.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00