GROUNDHOG DAY

bởi
856 lượt xem
A+A-
Reset

Có những bộ phim luôn hay hơn sau mỗi lần xem. Tôi có một vài bộ phim không bao giờ xóa. Và thật lạ lùng bởi ma thuật này. Những cảnh phim vẫn thế, âm nhạc vẫn thế, diễn viên vẫn thế, không có gì thay đổi, nhưng ta lại tìm thấy những điều mới, cảm xúc mới, nhận ra những điều ta chưa thấy trước đây và thấm thía hơn những gì ta đã biết.

Tôi biết một anh chàng trên Internet đã xem Groundhog Day (Ngày chuột chũi) 194 lần. Anh ta tên Robert Black, vẫn tiếp tục viết cho project có tên phim, với dòng giới thiệu “Watching a movie over and over again, a movie about living a day over and over again, because that is what life is all about” (Xem một bộ phim hết lần này đến lần khác, bộ phim kể về việc sống một ngày mãi mãi, vì đó là cách cuộc sống diễn ra). Robert viết về những cảm xúc của mình khi đang xem phim, về cuộc sống. Bạn có thể tưởng tượng được không, hơn 200 entries trong hai năm qua đều bắt đầu cùng một cách: anh xem một cảnh phim nào đó, dừng lại và viết.

Anh là minh chứng cho việc một người có thể yêu một bộ phim đến mức nào?

Hay có thể hỏi ngược lại: một bộ phim như thế nào để một người có thể yêu đến thế?

Tôi viết những dòng này giữa những giai điệu bản soundtrack “The Ice Sculpture”, bản nhạc dịu dàng của một trong những cảnh đẹp nhất trong phim. Rita ngồi giữa con phố đêm lạnh lẽo mùa đông, chờ đợi. Cô đã “mua” được Phil trong buổi đấu giá bằng tất cả số tiền cô có và anh đang tặng cô một bức điêu khắc băng. Rita, với gương mặt ửng hồng và nụ cười hạnh phúc, nói rằng cô đang chết cóng đây. Phil hài hước nói rằng anh muốn xứng đáng với từng đồng xu cô bỏ ra. Khi anh quay bức tượng lại, cô nói “Thật tuyệt diệu” rồi quay lại nhìn anh, xúc động, đôi mắt cô có một thứ ánh sáng nào đó. “Làm sao anh làm được điều này?”, Rita hỏi.

“Anh nhớ những đường nét trên gương mặt em rõ đến mức, anh có thể làm nó với đôi mắt anh nhắm lại.”

Và tuyết rơi. Tôi tưởng tượng cảnh phim này có thể sến súa đến mức nào, nếu không phải là Bill Murray, nếu không phải là McDowell, nếu không phải dưới bàn tay của đạo diễn Harold Ramis, mà Bill đã cộng tác trong hai phần Ghost Buster. Khoảnh khắc đó diễn ra giản dị, tự nhiên và đầy cảm xúc, Rita hạnh phúc và sáng ngời, còn Phil đứng đâu đó giữa yêu thương và đau khổ. Đôi mắt anh thấm đượm nỗi buồn, vì anh biết khoảnh khắc này sẽ qua. Và sáng hôm sau, “ngày hôm nay” sẽ trở lại và Rita sẽ không còn nhớ gì nữa.

Đó là tình cảnh mà anh mắc phải ở Punxsutawney, một ngôi làng nhỏ phía Tây bang Pennsylvania. Ở đây, ngày 2 tháng 2 mỗi năm được gọi là “Ngày chuột chũi”. Người dân sẽ tụ tập lại xem ngài thị trưởng “gõ cửa” và xem bóng của chú chuột Phil. Nếu chú ta thấy chiếc bóng của mình, nghĩa là mùa đông sẽ dài thêm 6 tuần. Nếu không, mùa xuân sẽ đến sớm. Là một phóng viên thời tiết, Phil Connor bắt buộc phải đến đây hàng năm để đưa tin. Không biết có phải vì trùng tên với một con gặm nhấm nổi tiếng hay không, Phil ghét cay ghét đắng nơi này.

Nhưng “Ngày chuột chũi” có lẽ không phải điều duy nhất khiến Phil thấy khó chịu. Bởi anh ta là một kẻ gàn dở và ích kỷ, theo lời tay quay phim Larry (Christ Elliott) nói với Rita. Cô là biên tập viên mới về đài và được phân công đi cùng. Phil liên tục mỉa mai cả hai trong chuyến đi, và không ngại tỏ ra mình đáng ghét. Nhưng không chỉ khinh khỉnh đồng nghiệp, Phil dị ứng với tất cả mọi người. Từ bà chủ khách sạn, đến vị khách gặp ở cầu thang, anh bạn cũ bán bảo hiểm, tất cả. Khi Rita khen ngợi sự hào hứng và nồng nhiệt của người dân, Phil nhăn mặt nói “Lũ nhà quê ấy mà”. Phil chỉ muốn biến khỏi đây. Khi cơn bão đến và chặn đứng đường trở về, anh ta phàn nàn với viên cảnh sát. “Anh không xem dự báo thời tiết à?”, viên cảnh sát hỏi. “Tôi ‘đẻ’ ra cái dự báo của anh chứ đâu”. Anh ta nghĩ mình thông minh hơn mọi người ở ngôi làng quê mùa này.

Nhưng điều kỳ lạ xảy đến. Sáng hôm sau, Phil thức giấc và cảm thấy quen thuộc. Chương trình Radio phát giống y hệt hôm trước, vẫn hai anh chàng DJ đang đùa giỡn cùng bản nhạc “I got you babe” của Sonny và Cher. Phil mở cửa sổ và nhìn thấy khung cảnh là của ngày hôm qua. Đây là lúc câu chuyện bắt đầu. Chúa, hay ai đó, đã trừng phạt thái độ của Phil bằng cách bắt anh phải sống lại ngày anh chán ghét nhất, ở nơi anh chán ghét nhất, mãi mãi. Dù Phil có làm gì đi nữa, khi đồng hồ điểm 6 giờ sáng, mọi thứ đều quay trở lại “Ngày chuột chũi” một lần nữa.

Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì trong tình cảnh của Phil? Biên kịch Danny Rubin đã khéo léo dẫn dắt câu chuyện theo đúng cách mà chúng ta tưởng tượng. Ai cũng dễ dàng nhận ra, sống mãi cùng một ngày đồng nghĩa với sự bất tử và tự do. Phil có thể làm bất cứ điều gì anh ta muốn mà không sợ hậu quả. Anh có thể ăn tất cả đồ ngọt ưa thích, tính toán để trộm tiền và trở thành đại gia (nếu bị bắt chỉ cần chờ đến hôm sau), cưa cẩm và ngủ với mọi cô gái trong làng… Nhưng những niềm vui ấy sớm qua nhanh, để lại nỗi chán chường và mệt mỏi. Mọi điều anh ta làm, những người đã gặp, những gì đã diễn ra, đều bị xóa sạch sẽ vào sáng hôm sau.

Việc sống đi sống lại cùng một ngày chỉ là cái nền cho một điều lớn lao hơn, đối với Phil, đó là sự thay đổi. Có một lý do nào đó để anh bị kẹt lại, và chắc chắn sẽ có một lý do để giải thoát anh, và tôi chờ đợi. Chỉ có thể là tình yêu, tôi đã nghĩ thế, và Rita xuất hiện. Khi đã có thời gian, Phil bắt đầu nhìn mọi người xung quanh một cách rõ ràng hơn, anh nhìn thấy cô. Ban đầu chỉ là tán tỉnh, sau nhiều nỗ lực và mánh khóe, Phil đã có thể bắt chuyện và hẹn hò với Rita. Khi dành nhiều thời gian đến thế cho một người, Phil dần hiểu và yêu Rita. Cô tốt bụng, tử tế, yêu văn chương, có một nụ cười rạng rỡ và tâm hồn đẹp. Cô giống như một thiên thần. Ngược hẳn với Phil. Anh tìm cách để khiến cô yêu anh, nhưng luôn thất bại. Đó là lúc anh nhận ra tình yêu không phải thứ có được bằng sự giả dối, dù có thử bao nhiêu lần đi nữa.

Tôi yêu những bộ phim về sự thay đổi của một con người. Một phần, vì đó là điều tôi hiếm khi làm được. Phần khác, nó mang lại niềm tin rằng con người, dù bất kỳ ai, luôn có thể trở nên tốt đẹp hơn. Câu hỏi mà biên kịch Rubin đặt ra khi viết Groundhog Day là, liệu một người sẽ như thế nào nếu anh ta được sống bất tử? Tất nhiên, anh ta sẽ sa đọa, sẽ hư hỏng, sẽ thỏa mãn tất cả những lạc thú mà bình thường anh ta không có được. Nhưng cho đến cuối cùng, tất cả chúng ta đều sẽ như Phil, trở về với bản chất cơ bản nhất của con người: yêu thương và học hỏi. Đó là hai điều sẽ giúp chúng ta sống mãi qua những tháng năm bất tận. Đó là điều khiến niềm vui sống không bao giờ cạn.

Phil học cách để yêu thương, không chỉ Rita mà tất cả những người dân trong thị trấn. Anh có thời gian để gặp họ, biết họ, hiểu họ. Anh bắt đầu hiểu những giá trị khác của cuộc sống, điều khiến tôi bất ngờ ở lần đầu xem phim. Tôi ngỡ rằng tình yêu sẽ cứu giúp Phil, nhưng không phải, không chỉ có thế. Anh đang dần yêu chính nơi anh từng ghét, yêu những con người anh từng ghét, và hiểu ra ý nghĩa của một ngày lễ anh đến hàng năm nhưng chưa bao giờ hiểu. Anh giúp đỡ cụ già ăn xin, ở bên cụ để biết rằng đó là ngày cuối cùng cụ sống, không thể thay đổi. Mỗi đồng tiền lẻ hay một bữa cơm ngon với cụ, là một ân huệ cuối đời mà anh đã thờ ơ bỏ qua. Phil học được cách quan tâm thực sự, vì anh đã biết cuộc sống mong manh đến thế nào. Mỗi con người trong ngôi làng, giống như cụ già, không còn là những người “quê mùa ngốc nghếch” nữa. Họ có tình cảm, có vấn đề, có rắc rối, trong một ngày, họ có thể chết, gãy chân vì té cây, lủng bánh xe, mắc nghẹn, đau lưng… Phil sống đủ lâu với họ để trở thành người thân của họ, và anh yêu họ với những điều bình dị đẹp đẽ ấy. Anh hiểu ra rằng, “Ngày chuột chũi” không phải chỉ là một dịp lễ với trò ngớ ngẩn, mà chứa đựng hi vọng và sức sống của mỗi người dân, rằng mùa đông cũng có thể trở nên ấm áp bởi tình người và sự lạc quan.

Và rồi, anh có được trái tim của Rita. Một cách tự nhiên nhất, anh trở thành hình mẫu lý tưởng cô từng mộng mơ, mà không hề có chủ đích. Thật khó để không cảm thấy nguồn cảm hứng đó, khi chứng kiến Phil học Piano, học điêu khắc, đọc sách, trở thành một con người mới. Từ một gã khốn ban đầu, anh thành người trong mộng của Rita, một người tốt bụng, luôn giúp đỡ mọi người – một ai đó trái ngược hẳn với anh ở đầu phim. Khi quay phim này, mỗi khi đạo diễn Ramis giải thích một cảnh quay, Bill Murray thường hỏi lại: “Vậy là Phil tốt hay Phil xấu?”. Ban đầu, vị đạo diễn cũng đang cân nhắc rất nhiều diễn viên cho vai Phil, có cả Tom Hank hay John Travolta, nhưng từ chối vì “họ trông quá tốt”. Bill có đủ cả hai thái cực cho sự thay đổi, nhưng điều thuyết phục trong phim, chúng ta nhận ra đó vẫn là Phil. Không phải là một Phil khác hẳn, mà là một Phil tốt đẹp hơn. Anh muốn trở thành người tốt và học cách trở thành người tốt. Đó cũng là điều chúng ta có thể làm được, trở thành một “chính mình” ngày mai tốt hơn hôm nay.

Giống như lời của anh chàng mê phim Robert Black, cuộc sống thật sự cũng không khác lắm với Groundhog day, khi chúng ta đang sống đi sống lại cùng một ngày, ngày “hôm nay”. Và chúng ta nên trân trọng mỗi khoảnh khắc đang có, vì không cần phải hứng chịu một lời nguyền như Phil, chúng ta cũng biết rằng tất cả sẽ trôi qua. Nhưng chỉ những người ngay khi trải qua những giây phút hạnh phúc nhất, mà vẫn mang trong lòng nỗi tiếc nuối cho khoảnh khắc nó qua đi, mới là những người cảm nhận được niềm hạnh phúc trọn vẹn. Tôi nhớ đến một vài dòng trong quyển sách “Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar” vừa đọc xong mấy ngày trước. Tác giả nói về những người hiện sinh luôn suy nghĩ về cái chết, và cho rằng đó cũng là một cách sống hay. Sống núp bóng cái chết. “Để sống đích thực, chúng ta phải đối mặt với sự thật là chúng ta sẽ phải chết, và nhận lấy trách nhiệm sống một cuộc đời ý nghĩa dưới bóng cái chết”. Tương tự như nhau.

Tôi chưa xem Groundhog Day nhiều như Black, nhưng tôi hiểu vì sao anh có thể xem đi xem lại mãi một bộ phim mà không chán. Đây chính là kiểu phim như thế, cổ vũ cho những điều tốt đẹp trong mỗi con người, cổ vũ sống yêu thương, chan hòa và nhân ái với đồng loại, cổ vũ chúng ta chú ý và dành thời gian nhiều hơn để hiểu được họ, cổ vũ mỗi người thay đổi và phát triển khả năng bản thân mỗi ngày. Bộ phim còn mang lại cảm xúc về tình yêu cuộc sống, chúng ta còn mong gì hơn nữa? Với tôi, tôi đã yêu không gian cổ kính của những bộ phim cũ từ trước, tôi đang yêu những giai điệu saxophone nhẹ nhàng của George Fenton, yêu những cảnh phim đẹp và giàu cảm xúc, nó khiến tôi tin tưởng vào tình yêu và niềm hạnh phúc, và tôi sẽ còn yêu gì nữa ở bộ phim này? Tôi sẽ để dành nó cho một “hôm nay” khác. Những bộ phim hay, cũng như những quyển sách hay, chúng không có tuổi nhưng sẽ luôn lớn lên theo ta, theo mỗi trải nghiệm và sự trưởng thành ta có được.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00