Một ông lão mất vợ buồn bã muốn tìm quên ở nơi hoang dã. Vì hoàn cảnh, ông ta buộc phải mang theo một thằng nhóc mập ù mồ côi. Họ cùng trải qua một chuyến phiêu lưu và tìm thấy sự gắn kết, như một gia đình. Bạn đang nghĩ đến Up (Vút bay, 2009) của Pixar? Không, đó là Hunt for the Wilderpeople (Săn tìm kẻ lạ, 2016).
Một chiếc xe cảnh sát đi qua vùng rừng núi hùng vĩ của New Zealand. Trên đó có hai nhân viên ban Phúc lợi Trẻ em và Ricky, một thằng bé 12 tuổi mập như cái thùng phi. Họ đang đưa nó đến nơi ở mới, và có thể là nơi ở cuối cùng, nếu Ricky không thôi các trò quậy phá. Đón cả ba là Bella (Rima Te Wiata), một phụ nữ miền quê chất phác. Vài phút sau, chồng bà là Hector (Sam Neil), xuất hiện từ trong rừng với con heo mới săn được sau lưng. Các cán bộ cần mẫn không quên cảnh báo Bella về sự hư đốn của thằng bé.
Như để chứng minh, đêm đầu tiên ở với gia đình mới, Ricky trốn đi. Nhưng đây là rừng núi, không phải thành thị, nên nó chỉ trốn xa được… 200 mét. Bella tìm thấy Ricky nằm lăn lóc trên thảm cỏ, và thay vì trách mắng, bà tươi cười mời nó về ăn sáng. Bằng sự quan tâm thật sự, Bella dần cảm hóa được Ricky. Hóa ra nó không hẳn là đứa trẻ hư, mà chỉ hơi kì quặc. Ví dụ như Ricky thích làm thơ Haiku bậy bạ, hay ăn nói trống không. Nhưng nó cũng vui mừng khi được tổ chức sinh nhật và nhận quà, như mọi thằng nhóc khác.
Mọi thứ dần tốt đẹp hơn với Ricky. Belle dạy nó bắn súng và săn lợn rừng, hứa rằng sẽ dạy nó thêm nhiều điều khác. Thật không may, điều lớn nhất bà dạy Ricky là sự vô thường của cuộc đời. Một ngày nọ, Belle đột ngột lăn ra chết, và tương lai tươi sáng vụt tắt với Ricky. Ông chồng Hector vì quá đau khổ, quyết định vào rừng ở ẩn một thời gian. Còn thằng nhóc sẽ phải quay lại trại trẻ mồ côi. Không bằng lòng với kết cục đó, Ricky trộm tro cốt của Belle, đốt nhà để giả chết, và cùng con chó cưng trốn vào rừng.
Tất nhiên, không có kĩ năng và kinh nghiệm, Ricky làm sao sống nổi ở trong rừng. Chỉ vài giờ, nó đã đói lả và từ bỏ ý định. Hector dễ dàng tìm thấy Ricky, nhưng trước khi ông kịp xách cổ thằng bé trở về, một tai nạn đã xảy ra. Không có cách nào khác, cả hai đành phải trú lại trong rừng mấy tuần liền. Đây là lúc Hunt for the Wilderpeople trở thành một phim hành trình điển hình. Nếu phần đầu phim mang hơi hướng hiện thực, thì những gì xảy ra kế tiếp cực kì điện ảnh hóa: Cả hai tình cờ trở thành đối tượng bị săn đuổi, nổi tiếng trên truyền thông, và trải qua những màn hành động khó tin.
Wilderpeople trước hết là một phim rất vui nhộn. Chất hài của phim là sự kết hợp giữa kĩ thuật dựng phim xuất sắc, lời thoại thông minh và sự ăn ý của dàn diễn viên. Đạo diễn Taika Waititi, được biết đến rộng rãi sau What We Do in the Shadow (Ta làm gì trong tối, 2014), có lối dẫn truyện rất giống với Wes Anderson. Ông ưa dùng lối cắt cảnh nhanh, nhiều góc máy lạ, sử dụng âm nhạc nhuần nhuyễn, để tạo ra sức hấp dẫn. Phim cũng được chia ra thành từng chương riêng biệt, tương tự như Fantastic Mr. Fox(Ngài cáo siêu phàm, 2009) hay The Grand Budapest Hotel (Khách sạn đế vương, 2015). Cách làm này đòi hỏi phải giữ nhịp phim cực tốt. Và Waititi đảm bảo được điều đó.
Nhưng tất cả yếu tố kĩ thuật chỉ có thể thăng hoa nếu có được nền tảng tốt, là kịch bản. Waititi đã tự mình chuyển thể quyển sách Wild Pork and Watercress (Thịt lợn và cải xoong) của Barry Crump, thành một kịch bản mẫu mực ở mọi khía cạnh. Luôn có gì đó thú vị chờ đợi người xem mỗi năm phút. Waititi cũng giữ nguyên công thức ba hồi, theo đúng kiểu Hollywood. Nhưng chúng ta không có cảm giác đang xem một phim Hollywood, bởi các yếu tố bối cảnh và chất hài địa phương được thêm thắt khéo léo. Ví dụ như những khung cảnh rừng rậm rạp, đỉnh núi phủ tuyết trắng đậm chất châu Âu, hay giọng nói đặc sệt ngữ âm Anh Quốc hài hước của người dân.
Wilderpeople là một phim hành trình. Thông điệp quan trọng nhất của một phim hành trình, là sự trưởng thành. Còn điều khó khăn nhất, là đã có quá nhiều những phim hành trình trưởng thành xuất sắc. Có quá nhiều những cặp đôi đáng nhớ đã lớn lên cùng nhau sau những chuyến phiêu lưu. Như Up, bộ phim hoạt hình có nội dung rất gần với Widerpeople. Trong năm 2016, một phim còn gần hơn nữa Swiss Army Man (Xác sống biết nói), cũng lấy bối cảnh rừng rậm và phi thực tương đương.
Với Wilderpeople, bạn có thể yên tâm rằng sẽ không bao giờ bị nhầm lẫn. Khó nói rằng đạo diễn Waititi đã tạo ra điều gì mới mẻ, nhưng ông đủ sức để khiến bộ phim trở nên khác biệt. Mối quan hệ giữa Ricky và Hector là giữa cha và con trai, nhưng cũng là giữa những con người bị xã hội ruồng bỏ và phải tìm cách sống sót. Họ tìm kiếm tự do, như những con ngựa hoang, nhưng đồng thời cũng tìm kiếm sự gắn kết. Phim mang đến sự thông cảm cho những số phận bị bỏ rơi, với niềm tin rằng, dù là ai đi nữa cũng đều xứng đáng có được một gia đình.
Wilderpeople không sa vào những mô típ hoặc chi tiết sến súa, nhưng cũng không thô tục quá đà. Có nhiều phim hiện tại cố bám vào những thứ thô tục, đến mức kì quái, để tạo ra khác biệt. Waititi không làm thế. Ta có thể cảm thấy những giới hạn được đặt ra. Những thứ tục tĩu như bài thơ Haiku về thằng bạn “tự sướng” của Ricky, luôn được đặt đúng chỗ. Bộ đôi diễn viên Rima Te Wiata và Sam Neil không cần đến lớp nền, mà thuyết phục chúng ta bằng diễn xuất trực tiếp của họ. Ricky có phần ngỗ nghịch nhưng trong sáng, đáng yêu. Hector hơi “rừng rú” nhưng ấm áp, biết quan tâm. Nhiều người hẳn sẽ không nhận ra ông chính là tiến sĩ Grand trong loạt Jurassic Park (Công viên khủng long) lừng danh. Nhờ đó, những khoảnh khắc xúc động chạm được trái tim người xem, một cách giản dị và chân thực.
Một chuyến phiêu lưu thành công là khi người ta tận hưởng quá trình, và tiếc nuối khi kết thúc. Wilderpeople là chuyến phiêu lưu mà người xem không hề muốn kết thúc. Có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ và cảm xúc mà chúng ta muốn kéo dài mãi. Nói như Hector, là một phim rất “majectical” – một từ không có thật. Không có thật, nhưng rất tuyệt vời.