2015 là một năm đại thành công của điện ảnh Hungary, với thành tích đáng khen của Son Of Saul (Con trai của Saul), thắng giải Oscar hạng mục nói tiếng nước ngoài. Nhưng nếu chỉ chú ý đến Saul, bạn có thể bỏ lỡ một phim khác xuất sắc không kém từ quốc gia Trung Âu này: Liza, The Fox-Fairy (Liza, nàng tiên cáo).
Có thể xem Liza, The Fox-Fairy như một bên đôi cánh giúp điện ảnh Hungary có một năm 2015 bay cao hoàn hảo. Nếu Son Of Saul chinh chiến trên các mặt trận nghệ thuật, đánh tiếng vang đến khán giả quốc tế, thì Fox-Fairy đóng vai kẻ càn quét phòng vé. Phim đã thu hút trên 100.000 lượt khán giả nội địa, thu về 500 ngàn đôla. Nghe có vẻ không nhiều, nhưng đó là kỉ lục bởi Hungary có chưa đến 10 triệu dân.
Nhưng nói thế không có nghĩa Fox-Fairy là phim thương mại. Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Károly Ujj Mészáros, tương tự Saul, cũng là một “hit” ở các liên hoan phim (LHP). Nó thắng giải cao nhất ở LHP Seatle và Fantasporto, hạng nhì ở LHP Austin Fantastic. Và đặc biệt ở các giải thưởng nội địa như giải của Hội phê bình phim Hungary hay LHP Hungary tại Los Angeles, không phải Saul, Fox-Fairy mới là kẻ chiến thắng.
Chuyện phim kể về hành trình tìm kiếm tình yêu của Liza (Mónika Balsai), một y tá cô đơn chăm sóc cho vợ của viên sứ quán Nhật Bản. Viên sứ quán mất đã lâu, còn bà vợ mắc bệnh nằm liệt giường, ngày ngày vẫn nhớ thương chồng. Liza dành từng phút cuộc đời cô để chăm sóc bà, và bị ảnh hưởng bởi văn hóa Nhật từ đó. Cô có một người bạn tưởng tượng là linh hồn Tomy Tami (David Sakurai), nam ca sĩ Nhật nổi tiếng từ thập niên 50, vẫn thường lơ lửng bay ra bay vào và cùng Liza hát vang những bản nhạc cũ.
Vào ngày sinh nhật 30 tuổi, Liza xin bà vợ nghỉ làm một ngày. Được gợi cảm hứng từ một quyển tiểu thuyết lãng mạn, Liza tin rằng người yêu cô sẽ xuất hiện vào ngày này. Cô không ngờ ý định đó khiến Tami ghen tuông dữ dội. Hắn ta bắt đầu kế hoạch “tiêu diệt” các kẻ ngáng đường, mà người đầu tiên là… bà vợ viên sứ quán. Đó là khởi đầu của một cuộc tàn sát quái đản, khi bất kì ai được Lisa để ý đều chết bất đắc kì tử. Để cuối cùng, cô tin rằng mình chính là “nàng tiên cáo” – nhân vật trong truyện cổ Nhật Bản, vốn chịu lời nguyền cô độc vĩnh viễn.
Liza, The Fox-Fairy có kịch bản dựa trên vở kịch nổi tiếng Liselotte és a május (Nàng Liselote tháng Năm) của Zsolt Pozsgai, nhưng không hề có lớp nền văn hóa Nhật. Nó được thêm vào bởi đạo diễn Mészáros, người yêu mến đến ám ảnh xứ sở mặt trời mọc, và từng có cơ hội thực hiện vài clip quảng cáo ở đó. Ông tin rằng có một sự tương đồng nhất định giữa người Nhật và người Hungary. Vì thế Fox-Fairy tràn ngập các chi tiết về Nhật Bản, kể cả việc sử dụng chữ “Tử” tiếng Nhật để báo hiệu những cái chết sắp đến.
Cái chết, hay sự giễu nhại về cái chết, luôn là chủ đề chủ đạo của thể loại hài đen (black comedy) mà Fox-Fairy là một đại diện. Bất chấp sự u ám cố hữu, khi được đem ra làm trò một cách cao tay, cái chết có thể cực kì hài hước. Đó là điều mà đạo diễn Mészáros mang đến trong Fox-Fairy. Thực ra, tựa phim có thể được đặt lại là “1001 cách giết người yêu của Liza”. Từ đầu đến cuối đơn giản kể lại cách Tami “tiêu diệt” các tình địch, đủ các thể loại từ bình thường đến kì quái. Có kẻ giật điện chết, té cầu thang chết, bị đâm chết. Cũng có kẻ ăn quá no mà chết, hay uống quá nhiều nước.
Fox-Fairy có được chất phim rất tương đồng với tác phẩm Argentina giành Oscar 2014 mục nói tiếng nước ngoài, là Wild Tales (Sự tích hoang dã). Cùng cách biến cái chết thành trò cười sảng khoái, cùng lối sáng tạo ra các cách thức giết người không giống ai. Thậm chí Fox-Fairy còn quái dị hơn, khi pha lẫn không khí Nhật Bản khác biệt. Chúng ta khó có thể nhịn cười mỗi khi Tomy Tami, với cặp mắt kính và bộ vét xanh đặc trưng, xuất hiện. Mónika Balsai với các đường nét khuôn mặt khá Á Châu, cũng để lại ấn tượng mạnh về thị giác mỗi lần hóa thành “tiên cáo.” Các mánh hài hước khác, dù cũ kĩ đến đâu (như dùng tiếng chiếc radio bị rè trở thành nhạc nền kinh dị), đều được sử dụng hết sức duyên dáng. Thành công lớn ở phòng vé là minh chứng cho tính giải trí tuyệt vời của Fox-Fairy.
Trong thế giới của Liza, chỉ có một người duy nhất tránh được các ngón đòn của Tami. Đó là một điều tra viên ít nói tên Zoltan (Szabolcs Bede-Fazekas). Anh ta là người duy nhất có thể giải lời nguyền tiên cáo: Một tình yêu chân thành, không vụ lợi, không cần đáp trả. Điểm xuất sắc của The Fox-Fairy là ở việc bộ phim vẫn giữ được chất tình cảm xúc động, giản dị và đời thường. Về nỗi cô đơn và tình yêu. Về nỗi khát khao hạnh phúc. Và chạm vào trái tim chúng ta nhờ sự gần gũi về mặt cảm xúc.
Ở bề mặt, Fox-Fairy có thể giống Wild Tales, nhưng cốt lõi tình cảm của phim lại là Amélie, bộ phim lãng mạn Pháp năm 2001. Liza giống như một phiên bản khác của Amélia, xinh đẹp và ngây thơ, một nàng Alice ở xứ sở người lớn. Diễn xuất của Balsai cũng hệt như Audrey Tautou, chứa đựng cả sự thú vị lẫn buồn bã mơ hồ. Bên dưới lớp vỏ của những màn giết chóc, Fox-Fairy là một câu chuyện tình đẹp theo kiểu cổ tích thời hiện đại: Nàng Alice mỗi ngày đều bước ra thế giới xa lạ ngoài kia, ngu ngơ tìm đến những con sói, còn người đàn ông của đời nàng thì ở ngay trong nhà, cặm cụi sửa chữa cho nàng từng cái đèn hỏng hay ống nước hư. Và chờ ngày nàng nhìn thấy mình.
Không dễ dàng để hòa quyện tất cả những lớp lang có trong Fox-Fairy một cách gọn gàng và cân bằng, điều đạo diễn Mészáros đã làm được. Ông mang đến một tác phẩm khiến người xem khó rời khỏi chỗ ngồi nhờ sự lôi cuốn, hài hước, và để lại họ những ấn tượng về sự độc nhất. Fox-Fairy dường như rất giống nhiều phim khác, nhưng dường như lại chưa từng bắt gặp. Kể cả cách các hiệu ứng đặc biệt được sử dụng trong phim – một ví dụ cho việc kĩ xảo phục vụ tốt cho nội dung là như thế nào. Những khung hình không thật, mộng mơ, có không khí, điển hình là cảnh trong căn phòng cuối cùng, được lưu giữ trong tâm trí chúng ta lâu đến lạ lùng, sau khi phim kết thúc.
Âm nhạc cũng là một điểm sáng đáng giá của phim. Các ca khúc cả Nhật Bản và Hungary được dùng thẳng vào các trường đoạn đầy phá cách và rất khó quên. Album nhạc phim đã được chọn là “Nhạc phim thành công nhất năm 2015” của Hungary, và có 4 ca khúc sau đó được phát hành dưới dạng đĩa than cho giới sưu tầm.