Trang chủ Năm Phát Hành2016 NOCTURNAL ANIMALS

NOCTURNAL ANIMALS

bởi
602 lượt xem
A+A-
Reset

Bạn có thể thích hoặc không thích Nocturnal Animals (Động vật ăn đêm, 2016), bộ phim thứ hai của đạo diễn xuất thân từ giới thời trang Tom Ford, nhưng bạn sẽ phải nhớ về nó. Đây không phải là kiểu phim thỏa mãn giác quan người xem, mà tìm cách lấp đầy chúng. Những khung hình ám ảnh, bầu không khí tối tăm, câu chuyện nhiều lớp lang về sự mất mát và báo thù, sẽ đeo bám tâm trí chúng ta rất lâu sau đó.

Nocturnal Animals mở đầu bằng một cảnh lạ lùng: Những người phụ nữ phốp pháp đến quái dị, khỏa thân nhảy múa không dứt, rung lắc những bầu ngực hay tảng thịt chảy dài, xấu xí. Cảnh tiếp theo là Susan Morrow (Amy Adams), một chủ phòng triển lãm giàu có, ngồi bất động giữa họ trong căn phòng. Đó là công trình mới nhất của cô trong thế giới sáng tạo, và phần nào đó, phản ánh tình trạng tinh thần hiện tại của bản thân cô: Chán nản, rệu rã, và đang mục rữa dần.

Nhưng nếu chỉ đơn thuần giải nghĩa các cảnh phim một cách rõ ràng theo hình ảnh, sẽ là một sự xúc phạm với Tom Ford. Nếu có bí quyết thành công chung nào đó giữa các sản phẩm thời trang và điện ảnh, hai lĩnh vực mà ông tham gia vào, chính là ở việc điều khiển cảm xúc khán giả. Một trang phục lộng lẫy hay khung hình lung linh là vô nghĩa, nếu không khơi dậy được sự phấn khích, thèm muốn, hoặc thán phục từ người xem. Nhà thiết kế hay đạo diễn giỏi, là kẻ giật dây các luồng cảm xúc đó. Ở những cảnh đầu của Animals, thứ Ford mang đến một sự khó chịu về mặt thị giác, được chủ ý kéo dài lê thê, khiến ta vừa nhăn mặt nhưng vẫn bị hút vào khung hình. Những phút đầu tiên là cực kì quan trọng, nếu các đạo diễn khác thường tìm cách xây lớp nền về tình tiết, thì Ford lại chọn xây lớp nền về tâm lí.

Nocturnal Animals không kể một, mà đến ba câu chuyện. Trở về nhà sau buổi triển lãm, Susan nhận được một bản thảo tiểu thuyết từ người chồng cũ Edward Sheffield (Jake Gyllenhaal). Câu chuyện thứ hai chính là nội dung quyển tiểu thuyết, kể về gia đình của Tony Hasting trong chuyến đi định mệnh trong đêm Texas. Ở vùng hoang vắng, chiếc xe của họ bị chặn lại bởi nhóm thanh niên địa phương cầm đầu là Ray (Aaron Taylor-Johnson). Yếu đuối và hèn nhát, Tony bất lực để vợ và con gái bị chúng bắt đi, hãm hiếp, rồi sát hại. Với sự giúp sức của thám tử Bobby (Michael Shannon), anh cố gắng để đòi lại công lí, dù trong hay ngoài khuôn khổ pháp luật.

Câu chuyện thứ ba là ở thế giới thật, nhưng trong quá khứ. Đó là chuyện tình vừa tươi đẹp vừa thương giữa Susan và Edward, bắt đầu từ những ngày thanh xuân. Edward từ bỏ trường luật để theo đuổi nghiệp văn chương. Ngưỡng mộ quyết tâm của bạn trai, Susan bỏ ngoài tai lời khuyên tìm chồng giàu có từ mẹ mình, mà lấy anh. Hiện thực diễn ra đúng như lời người mẹ cảnh báo: Cuộc sống nghèo khổ khó khăn, cũng như tài năng mãi không được công nhận của Edward, khiến Susan chán nản. Để nhanh chóng li dị chồng, cũng như đi theo người bạn trai hào hoa mới, cô làm một việc tàn nhẫn: Giết chết đứa con trong bụng mình.

Kịch bản Nocturnal Animals được Tom Ford chuyển thể từ tiểu thuyết Tony and Susan (Tony và Susan) của Austin Wright, xuất bản năm 1993. Ai từng đọc quyển sách sẽ hiểu lí do Ford lựa chọn để chuyển thành phim: Cấu tứ của nó. Ford thuộc kiểu đạo diễn không xem phim ảnh là sự nghiệp, mà là cuộc chơi. Một sở thích xuất phát, bổ trợ, hoặc để rèn dũa cho tư duy thời trang của ông. Nếu phim đầu tay A Single Man (Gã độc thân, 2009), Ford chơi với màu sắc và các khung hình, thì đến Animals, ông thử sức với cấu trúc.

Animals có cấu trúc “truyện trong truyện” vốn không còn mới mẻ ở Hollywood. Gần đây nhất, tương đồng và rất xuất sắc, là SYNECDOCHE, NEW YORK (Cải dung, New York, 2006) của Charlie Kaufman. Cả hai phim đều dùng một câu chuyện biểu tượng, chồng chéo giữa thực tại và quá khứ, để khắc họa nỗi đau và cái chết. Nếu ở New York là cái chết hiện sinh, thì Animals là cái chết của tinh thần con người. Trong phim, Susan đang dần đi đến chỗ tàn lụi, ở cả sự nghiệp lẫn cuộc sống riêng. Câu chuyện báo thù của Tony, ẩn dụ cho nỗi đau Edward phải trải qua khi mất đi cả người vợ (Susan ngày trẻ) lẫn đứa con (chưa ra đời), là chiếc đinh cuối cùng đóng lên quan tài.

Đây là kiểu cấu trúc sẽ khiến ngay cả những đạo diễn kì cựu phải toát mồ hôi. Nhưng với Ford, ta có thể cảm thấy ông thích thú được chơi đùa với nó. Điều khác lạ là, thứ kết nối ba câu chuyện trong Animals, không chỉ là các kĩ thuật dựng phim hoặc sắp xếp tình tiết như nhiều đạo diễn sẽ sử dụng, mà còn là các chất liệu thị giác: Màu sắc, ánh sáng, trang phục, bố cục khung hình, cách bài trí… Như cách Ford sử dụng bóng tối làm lớp keo kết dính Tony trong tưởng tượng và Susan ngoài đời thật. Bóng tối là thứ bao phủ tâm hồn họ. Hay cách ông dùng trang phục để phân biệt một Susan tươi trẻ, nhiệt huyết trong quá khứ, với một Susan già cỗi, trống rỗng, đơn điệu ở hiện tại. Tất cả hợp thành một bầu không khí đặc quánh gợi đến các phim của David Lynch, như Blue Velvet (Nhung xanh, 1986).

Nhưng sự tiến bộ của Ford, không phải ở cách thể hiện các kĩ năng thị giác, mà ở cách ông tiết chế chúng. Bản năng mạnh mẽ và tính cầu toàn của một nhà thiết kế, đôi lúc làm hại Ford trong Single Man, giờ đã được kiểm soát. Ta không còn thấy sự hoàn hảo đến khó chịu, chất stylist phô trương, và sự sắp đặt lộ liễu trong từng khung hình như trước. Ford đã chấp nhận tuân theo bối cảnh và dòng chảy của cốt truyện, để có được sự tự nhiên cần thiết. Đó là thứ chỉ chảy trong máu của một đạo diễn, không phải nhà thiết kế.

Là một tác phẩm điện ảnh, dĩ nhiên Nocturnal Animals còn phải đảm bảo được sự đầy đặn về nội dung. Bộ phim làm được điều đó, ở cả tính giải trí lẫn cảm xúc. Hai cuộc báo thù, của Tony và Edward, với sự hỗ trợ xuất sắc của nam diễn viên Michael Shannon, diễn ra đầy kịch tính, hồi hộp. Shannon nhận một đề cử Oscar rất xứng đáng trong vai thám tử Bobby, người tận tụy với công lí chứ không phải pháp luật, cho đến lúc chết. Đây là kiểu nhân vật cuốn hút ta ngay từ phút đầu tiên, chỉ bằng sự hiện diện của họ, nhân dáng và ánh mắt. Diễn xuất của Shannon gợi đến những thám tử đáng nhớ nhất trên màn ảnh, như Cohle trong True Detective (Thám tử chân chính, 2014) hay Gittes của Chinatown (Phố Tàu, 1974).

Hai diễn viên chính là Jake Gyllenhaal và Amy Adams, như thường lệ, hoàn thành tốt vai trò của họ. Cả hai đều là những diễn viên nội lực hàng đầu, và ngay cả khi không đột phá hay xuất sắc, họ vẫn dễ dàng chiếm lĩnh màn ảnh, gánh vác cả câu chuyện. Tương tác giữa họ là rất tốt, trong chuyện tình lãng mạn và khổ đau ở quá khứ, sẽ dễ chiếm lấy sự đồng cảm của người trẻ. Đó là hình ảnh về một cặp đôi đến với nhau và tan vỡ, đều từ sự tin tưởng. Không có điều gì giết chết tình yêu, nhanh chóng và tàn nhẫn, bằng việc mất lòng tin. Đó còn là về nỗi sợ hãi mang tính chất tâm lí của những đứa trẻ, sợ rằng lớn lên sẽ giống cha mẹ chúng. Đây đó, ta có thể tìm thấy những mảnh nhỏ của tuổi trẻ chính mình, như câu thoại: “Khi yêu một ai đó, ta phải rất cẩn thận. Vì có thể ta không bao giờ có tình yêu đó lần nữa.”

Nếu có thứ gì đáng gọi là điểm yếu của Nocturnal Animals, có lẽ là việc nó không dành cho số đông. Cũng như cách nghệ thuật thật sự không dành cho số đông. So với Single Man, nó đen tối hơn, khó chịu hơn, ám ảnh hơn, đến mức tôi sẽ hiếm khi đưa Animals ra bàn tán hay gợi ý cho người khác. Nhưng nếu ai đó hỏi tôi rằng, đâu là bộ phim ấn tượng nhất trong năm 2016, Nocturnal Animals là tác phẩm sẽ hiện ra trong những giây đầu tiên.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00