Ngày xửa ngày xưa, tại một thiên hà xa thật xa… À! Tại một hòn đảo xa thật xa, có một cô gái mồ côi, luôn giữ trong mình kỉ vật người cha để lại. Một tấm bản đồ! Một ngày nọ, cô bị truy đuổi bởi đám người đến từ những chiếc thuyền lạ, và buộc phải rời khỏi hòn đảo. Cô gặp gỡ và đồng hành cùng một thuyền trưởng kì quái, trên chiếc thuyền huyền thoại của ông ta. Bỗng nhiên, cô rơi vào cuộc chiến giữa các phe phái, giữa những hận thù từ quá khứ, và cố gắng giải mã tấm bản đồ dẫn đến nơi bí mật. Ở đó, một thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt đang chờ đợi…
Không, bạn không phải đang xem phần mới nhất của Star Wars The Force Awakens, mà là phần 6 loạt Pirates of Carribeans có tên Dead Men Tell No Tales. Ta đã xem bao nhiêu lần mô típ “người cha vắng mặt” này, vốn bắt nguồn từ Odyssey và phổ biến nhờ Star Wars, trong những năm qua? Đặt một đứa trẻ mồ côi ở nơi nào đó hoang vắng, cho nó một người cha giấu mặt đâu đó ngoài kia, và thế là đủ mục đích cho một chuyến phiêu lưu.
Nói thế không có nghĩa Dead Men Tell No Tales (hay Salazar’s Revenge, tùy khu vực) là sự bắt chước. Thật ra, phần phim cướp biển mới nhất còn gấp đôi số lượng trẻ mồ côi lên. Phim mở đầu với Henry Turner (Brenton Thwaites), con trai của Will Tuner (Orlando Bloom) tìm cách cứu cha khỏi lời nguyền tàu Hà Lan Bay. Sau đó, đến lượt cô gái trẻ yêu khoa học Carina (Kaya Scodelario), cố gắng lần theo tấm Bản đồ bất khả đọc được gợi ý từ quyển sổ người cha để lại, để tìm kiếm kho báu. Cũng có thể là gấp ba, nếu tính luôn cả Jack Sparrow (Johnny Depp). Trong một cảnh phòng giam, gã ta đi ngang qua một người ở sau song sắt và thốt lên: “Cha?” Nhưng hóa ra đó là ông chú Paul McCartney.
Kẻ phản diện lần này là Salazar, được vào vai bởi nam diễn viên Tây Ban Nha Javier Bardem. Thêm một kẻ dính phải lời nguyền phải sống trên con tàu ma, bất tử và không thể bước lên bờ, nhờ công Jack Sparrow. Vô tình được giải thoát, hắn ta lùng sục khắp đại dương, đánh đắm bất kì con tàu nào gặp mặt, để tìm kiếm tên Chim Sẻ đáng ghét. Trong số đó có tàu của Barbossa (Geoffrey Rush). Như mọi khi, để tiết kiệm thời gian, mọi vấn đề đều được giải quyết bằng một báu vật duy nhất: Đinh ba của thần Poseidon.
Salazar’s Revenge là một hành trình không có mấy chất phiêu lưu, điều khiến ta mê đắm ở những phần đầu tiên. Đai dương trở nên nhỏ bé, khi những con thuyền chỉ mất một ngày đêm để tìm ra nhau (và cả cha con thất lạc bao năm). Không có những vùng đất mới hay nhân vật thú vị, không có những sinh vật kì lạ hay báu vật cuốn hút. Tất cả đi theo công thức bom tấn của Hollywood ở mức cơ bản nhất: Cho các nhân vật một lí do để ra khơi, rồi sau đó lấp đầy thời gian bằng các trường đoạn hành động.
Thành công của bộ đôi đạo diễn Na Uy Joachim Rønning và Espen Sandberg, là không khiến cho 2 giờ đồng hồ trở nên quá dài. Hollywood hiện tại đang có xu hướng thuê những đạo diễn độc lập làm phim bom tấn, để tiết kiệm chi phí. Có lẽ Disney chọn bộ đôi này vì họ từng làm một phim liên quan đến đại dương là Kon-Tiki (2012). Giống như các đạo diễn lần đầu cầm trịch siêu phẩm khác, họ gặp rắc rối trong việc kiểm soát thời lượng, tập trung một cách hơi lo lắng vào các màn hành động, luôn để chúng dài hơn cần thiết. Salazar’s Revenge hoàn toàn có thể đưa về 90 phút. Mắy mắn rằng, phần kịch bản đủ hài hước để đưa tất cả qua phà. (Có vài đoạn thoại hóm hỉnh như “sao chúng ta đi vào cái hướng khó hiểu đó?”) Và nhờchất độc lập, bộ phim có được sự chỉn chu và sáng tạo về các góc quay, như cảnh phim với chiếc máy chém khá hiệu quả, mà sẽ khó đạt được nếu vào tay một đạo diễn quen hơi phim hè.
Vấn đề của bộ phim, là ở nhân vật. Khi xem đến cảnh Henry và Carina bỗng nhiên nhìn nhau mỉm cười trong đêm đầu tiên trên tàu, tôi đã nghĩ đến cảnh đối thoại giữa hai đạo diễn. “Chết rồi Espen, ta không có đủ thời gian cho họ nói chuyện nữa,” Joachim hốt hoảng. “Ôi dào, cứ cho họ nói gì đó về quá khứ, là đủ để yêu nhau rồi,” Espen khoát tay. “Có ai quan tâm đâu mà!” Henry và Carina là một phiên bản khác của Will và Elizabeth (Keira Knightley) ở ba phần đầu. Nhưng nếu chuyện tình đời cha cần đến ba phần, thì đời con chỉ còn ba phút. Không hề có tương tác giữa hai diễn viên. Brenton Thwaites quá “babyface” so với Bloom, và lối diễn không tiến bộ gì hơn trong God of Egypt (2016). Kaya Scodelario, nàng Teresa trong loạt The Maze Runer, có khí chất hơn. Cô có biểu cảm của Nicole Kidman và vẻ ngoài đậm chất Ăng Lê của Daisy Ridley (có vẻ đang là gu của bom tấn), nhưng không có đủ việc để làm trong phim này.
Johnny Depp trở lại vai trò nhân vật phụ hài hước trong Salazar’s Revenge. Đó là quyết định chính xác, khi anh không còn đủ năng lượng trên màn ảnh. Ta nhìn thấy các cử chỉ quen thuộc của vị thuyền trường, nhưng chỉ là lớp vỏ. Ở vai diễn này thiếu vắng thứ gì đó như là sự nhiệt tình của Depp, khiến Jack rệu rã cũng như con thuyền Dying Gull. Barbossa của Geoffrey Rush là người duy nhất cần diễn xuất trong phim, và phần nào đó, ông làm ổn. Javier Bardem là một diễn viên dòng nghệ thuật tuyệt vời, nhưng tiếp tục gia nhập danh sách phản diện nhàm chán tại Hollywood, cùng với Mads Mikkelsen, Oscar Isaac, Mickey Rourke… Giống như các nhân vật khác trong phim, không có chút chiều sâu hay tính cách thú vị nào được khai thác ở Salazar, trừ giọng nói trầm khàn cuốn hút. Salazar’s Revenge là phim mà tất cả đều là nhân vật phụ, không có ai là chính.
Nhưng Salazar’s Revenge cũng có những khoảnh khắc đẹp, không đến từ hiện tại, mà từ quá khứ. Chuyện tình giữa Will và Elizabeth là điều tôi nhớ nhất sau ba phần đầu tiên của Pirates of Carribeans. Một chuyện tình mang đúng không khí huyền thoại của đại dương, lưu lại trong ta nhờ sự day dứt, như mọi chuyện tình hay nhất trên đời. Sẽ đẹp hơn nếu loạt Pirates of Carribeans vĩnh viễn để họ lại phần 3, như dự định ban đầu. Nhưng hóa ra, một kết thúc hạnh phúc cũng không đến nỗi nào.