ROMA

bởi
1.4K lượt xem
A+A-
Reset

Cảnh đầu tiên của Roma (Khu phố Roma, 2018) là một ảo ảnh. Khung cửa sổ in bóng mỗi khi dòng nước lau nhà chảy qua sàn gạch, có một chiếc máy bay trên nền trời. Một cảnh đầy sức mạnh bao quát mọi thứ của bộ phim này: Dòng chảy cuộc đời với những trắc trở của nó, sự biến thiên của thời gian và các kí ức tuổi thơ đã thành mộng ảo.

Roma kể về hai người phụ nữ ở hai giai cấp, nhưng có số phận tương đồng và quyện chặt với nhau. Người đang lau dọn phân chó ở hành lang là cô hầu gái Cleo (Yalitza Aparicio), với gương mặt đậm chất bản địa Mexico. Cô phục vụ cho một gia đình trung lưu da trắng ở thành phố Mexico đầu thập kỉ 70. Người kia là bà chủ Sofia (Marina de Tavira), thường xuyên vắng mặt đến mức giao cả 4 đứa con cho Sofia chăm sóc.

Như mọi phụ nữ khác, bi kịch của cả hai đến từ đám đàn ông. Cleo quen một thanh niên trong vùng, người có hành động khá điển hình là cao chạy xa bay khi nghe tin cô có bầu. (Trước đó là một cảnh buồn cười trong phòng khách sạn). Sofia thì trải qua cuộc hôn nhân trên đà đổ vỡ, khi người chồng tìm cách trốn khỏi hiện thực gia đình chán chường. Cảnh xuất hiện của anh chồng, bao gồm các góc cận bàn tay trên vô lăng, điếu thuốc hút dở, và cả chiếc kính xe va vào tường, thể hiện sự tách biệt và nứt vỡ của anh ta với mái ấm. Chúng ta đều có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra.

Roma là kí ức tuổi thơ của đạo diễn Alfonso Cuáron, đạt đỉnh danh vọng với tượng vàng Oscar năm 2013 với Gravity (Cuộc chiến không trọng lực). Ngay sau đó, ông quyết định thoái lui khỏi công nghiệp điện ảnh, tìm về tuổi thơ thuần khiết với bộ phim độc lập này. 5 năm là thời gian Cuáron cống hiến cho Roma, gần như mọi chi tiết đều dựa trên quá khứ của ông. Khu phố Roma nơi ông sống, cô hầu gái mà ông xem như mẹ ruột, các anh chị em, gia đình tan vỡ… và cả những biến động lịch sử của “cuộc chiến dơ bẩn” (The Dirty War) mà chúng ta sẽ được chứng kiến một phần trong phim.

Roma hoàn toàn là phim trắng đen. Nhưng không phải kiểu trắng đen ảo cảnh, mộng mị như nhiều phim về quá khứ khác. Mọi thứ trong phim hiện lên rõ ràng, sống động và mang tính liên tục của hiện thực. Cuáron tận dụng chất tương phản của loại hình này để làm bật các chi tiết, hơn là thể hiện góc nhìn cá nhân về quá khứ. Dĩ nhiên, với những người lớn lên trong các rạp phim đen trắng, như bộ phim La Grande Vadrouille (1966) Cleo và tình nhân thưởng thức, kí ức luôn là đen trắng.

Câu chuyện của Roma gợi nhớ đến những tác phẩm của các đạo diễn Trung Quốc thập kỉ 90, như To Live (Phải sống) của Trương Nghệ Mưu. Những phim kể về thân phận con người trong các biến thiên lịch sử. Nhưng nếu các phim kia đẩy nhân vật vào dòng xoáy sự kiện và bị tác động mạnh mẽ bởi đó, Cleo và Sofia dường như tách biệt hơn. Họ chứng kiến những biến động thời đại, như cuộc thảm sát Tlatelolco, nhưng là qua một tấm gương. Họ không trò chuyện về chính trị hay chọn một phe phái nào, vì chỉ là những con người bình thường mưu cầu bình yên. Cuáron rõ ràng không muốn tuổi thơ ông bị xâm phạm, hoặc vấy bẩn, bởi sự xấu xa ngoài kia.

Ai từng quen thuộc với phong cách của vị đạo diễn sẽ không ngạc nhiên với các kĩ thuật trong Roma. Vẫn là những cảnh quay dài thương hiệu, nhưng đã được nâng cấp lên một tầm mức mới. Không phải người bạn thân và cộng sự ăn ý Luzbeski, chính Cuáron là tay máy chính của phim. Roma có rất ít góc cận, mà chủ yếu là trung và toàn, di chuyển theo nhân vật, chủ yếu là Cleo. Đó là cách ông mở ra thế giới kí ức của mình. Có phải khi nhớ lại quá khứ, chúng ta cũng mặc nhiên hình dung là những cảnh toàn? Bộ não con người luôn đặt mọi thứ ở góc nhìn thứ ba.

Có một điều dễ gây nhầm lẫn là nhân vật chính của phim. Ở đoạn đầu, chúng ta mặc định ngay đó là Cleo, người xuất hiện đầu tiên và dường như trải qua các sự kiện chính. Nhưng khi phim trôi đi, tôi không còn chắc nữa. Khi không có các cảnh cận, mỗi nhân vật từ Cleo, Sofia, bà ngoại, cho đến 4 đứa bé, đều sống một cuộc sống riêng. Ống kính trở thành một đôi mắt dõi theo họ, chứ không mổ xẻ, xoáy sâu hay hé lộ bất kì điều gì. Sự chân thật của Roma là nhờ đó.

Những cảnh quay của Roma vô cùng giản dị, nhưng chứa đựng nội lực. Thưởng thức các khung hình của phim là một trải nghiệm lạ lùng với tôi. Ban đầu, tôi không mấy ấn tượng, nhất là khi so sánh với những phim trước của ông như Children of Men (2006)hay And Your Mother Too (2001). Nhưng sau khi phim kết thúc, cho đến vài ngày sau, hình ảnh của những sân thượng phất phơ dây quần áo, sân nhà đầy phân chó, những căn phòng và cầu thang… cứ lởn vởn trong tâm trí tôi. Chúng bỗng trở nên thân thương như kí ức ấu thơ của chính mình. Một phần vì các khung cảnh ấy rất gần với đời sống ở Sài Gòn (Việt Nam và Mexico gần như cùng vĩ độ), phần khác vì sự âu yếm và tình cảm Cuáron đặt vào mỗi cú máy.

Nhiều người sẽ thấy khó chịu vì phân chó xuất hiện rất nhiều trong phim, kể cả những con chó. Chúng gần như ở khắp mọi nơi, trong nhà, trên phố, khắp các ngõ hẻm. Nhưng nếu đã xem các phim về đời sống Mexico bạn sẽ không ngạc nhiên. Đây là một trong những nước có số lượng chó hoang nhiều nhất thế giới. Chó gắn liền với đời sống người dân nước này, giống như mèo với người dân Istanbul. Không phải ngẫu nhiên mà linh hồn đồng hành cùng chú bé trong Coco (2017) là một chút chó. Một bộ phim rất hay của Alejandro G. Iñárritu có tựa Amores perros (2002), mang nghĩa “tình yêu là chó má”.  Trong đó, hình tượng chó được gắn liền với số phận con người.

Vài người diễn giải rằng cảnh phân chó trên sân nhà, mà Cleo phải lau rửa mỗi ngày, tượng trưng cho số phận nghèo hèn của cô. Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghiêng về phía đó đơn giản là một kí ức giản dị, in hằn trong trí nhớ của Cuáron, gắn liền với hình tượng cô giúp việc mà ông yêu quí nhất, hay người mẹ thứ hai: Cleo. Khi ta nhớ về một người thân thương, người đó không xuất hiện như bức tượng, mà luôn gắn liền với công việc hay hoạt động nào đó. Tôi luôn nhớ về bố mình trong bộ quân phục bộ đội, nghiêm trang, hay khi ông đang ủi chúng. Tôi nhớ về mẹ khi bà đang quét nhà hay nấu ăn. Cuáron thì nhớ về Cleo bằng công việc lau dọn, với đống phấn chó có vẻ nhiều bất thường dưới góc nhìn của một cậu bé.

Bạn có nhận ra điện ảnh kì diệu mới kì diệu làm sao? Cũng như nghệ thuật nói chung, tất cả đều cung cấp cho con người một cách thức để quay ngược thời gian, trở về thế giới kí ức đã vĩnh viễn không còn nữa. Tôi nhận ra, ống kính trong Roma chính là đôi mắt yêu thương của Cuáron, ngắm nhìn ấu thơ và những người phụ nữ của đời mình.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông từng nói rằng “những người phụ nữ ấy đã tạc nên tôi ngày nay”. Dù không chỉ ra, người xem vẫn đoán được Cuáron chính là đứa con út thích tưởng tượng và ngắm bầu trời. Đứa trẻ được Cleo cứu sống. Ta không biết gì nhiều hơn về Cleo, bởi vì bản thân Cuáron-10-tuổi cũng không biết. Nhưng bộ phim xoay quanh Cleo vì bà là người gần gũi với ông nhất, hơn cả một người giúp việc. Một phụ nữ ít nói và cam chịu, với tình yêu thương vô điều kiện, mà bất kì ai lớn lên đủ đầy yêu thương cũng có kề bên.

Người mẹ xuất hiện mờ nhạt hơn bởi vì bà luôn vắng nhà. Người bà luôn ở đó, nhưng dường như không có tương tác với đám trẻ. Họ có một khoảng cách nhất định trên màn ảnh, cách xa người xem và chính Cuáron. Một cách tự nhiên, những đứa trẻ luôn biết cách để ai lọt vào thế giới riêng của chúng, như cách cậu con út và Cleo cùng nằm cùng nhau trên sân thượng. Dù vậy, tất cả những người phụ nữ ấy đều gần gũi, dù mạnh mẽ hay yếu đuối, luôn cố gắng tồn tại dù có hay không có đàn ông bên cạnh. “Dù ai có nói gì, phụ nữ chúng ta luôn là giống loài cô đơn”, bà chủ Sofia nói với Cleo. Đây là hiện thực chúng ta đã thấy quá nhiều lần, hoặc thậm chí đã trải qua, ở mọi nơi, Mexico hay Việt Nam.

Roma không có một câu chuyện giàu kịch tính, hay quá xúc động về mặt cảm xúc, nhưng thấm thía khó ngờ sau khi kết thúc. Bộ phim chỉ bắt đầu sau khi đã kết thúc. Nó tiếp tục chiếu đi chiếu lại trong tâm trí tôi nhiều ngày sau. Có một cảnh quay ấn tượng về thị giác: Cleo bước ra sóng nước, sau đó là cảnh cả gia đình ôm nhau trên bờ cát. Ống kính như muốn bao phủ và tôn vinh sự tồn tại của cô. Nhưng tôi không thích nó nhiều hơn các cảnh quay khác, bởi vì tất cả đều đẹp đẽ. Chúng đều lấp lánh vẻ đẹp của tình yêu thương.

Để rồi, hình ảnh chiếc máy bay trên nền trời xám cứ in mãi trong tâm trí tôi. Một ảo ảnh về tương lai, vừa thật vừa không thật. Tương lai của một đứa trẻ sẽ lớn lên, rời xa quê hương để đến Hollywood, trở thành đạo diễn lừng danh thế giới. Và rồi sau khi nếm trải đủ ngọt đắng cuộc đời, đứa trẻ nhận ra nó chưa bao giờ rời khỏi ngôi nhà ấu thơ, khu phố quen thuộc, như chú chó chờ đợi ở sau khung sắt, chưa từng rời xa những người phụ nữ và tình yêu của họ, một giây phút nào.

ROMA (2018)

ĐẠO DIỄN: ALFONSO CUARÓN

BIÊN KỊCH: ALFONSO CUARÓN

DIỄN VIÊN: YALITZA APARICIO, MARINA DE TAVIRA, DIEGO CORTINA AUTREY

THỜI LƯỢNG: 2H 15M

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00