Mới đây, đạo diễn Quentin Tarantino đã gửi một bức “tâm thư” yêu cầu không tiết lộ nội dung Once Upon a Time in Hollywood (Một thời ở Hollywood). Bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) của Bong Joon Ho cũng mở đầu bằng một đoạn phim nhắc nhở giữ bí mật. Từ bao giờ spoiler, hay tiết lộ nội dung, đã trở thành một vấn nạn thật sự?
Có một căn phòng đặc biệt ở Santa Monica, California, mà từ tường đến cửa đều bị sơn đen. Bên ngoài là một lớp bảo vệ nghiêm ngặt, người ra hay vào đều phải quét vân tay. Đừng nhầm lẫn, đó không phải là căn cứ quân đội Mĩ, mà là nơi các biên kịch của Amazon làm việc cho loạt Lord of the Rings (Chúa tể những chiếc nhẫn) sắp tới. Nhà sản xuất Chris Ryan so sánh điều này với “làm việc ở Liên Xô những năm 80” và giải thích: “Bí mật là sức mạnh trong thời đại này.”
Năm 2019, thời đại của mạng xã hội và fandom, bảo vệ nội dung phim dường như là nhiệm vụ hàng đầu của các hãng. Khi Avengers: Endgame chuẩn bị công chiếu hồi tháng 5, một phong trào “No spoiler” lan tỏa mạnh mẽ. Dàn diễn viên đăng hình với ngón tay đặt lên miệng, các meme cổ vũ lan truyền chóng mặt. Dĩ nhiên, điều này kích thích một bộ phận… tiết lộ nhiều nhất có thể. Một cuộc chiến giữa 2 phe đã thật sự xảy ra.
Điều gì có thể là spoiler? Một câu hỏi khó trả lời. Chuyện từng đơn giản hơn vào năm 1999. Những đứa trẻ bán hàng rong ngoài rạp đã đe dọa tiết lộ kết thúc The Sixth Sense nếu khán giả không mua kẹo cao su. Spoiler từng là kết thúc bất ngờ của một phim giật gân. Hay xa hơn là một nội dung cực kì quan trọng, như mối quan hệ giữa Luke Skywalker và Darth Vader trong Star Wars chẳng hạn.
Giờ đây, bất kì thông tin nào từ phim cũng có thể xem là tiết lộ: Kết thúc, nội dung, chi tiết, câu thoại… thậm chí là một nhân vật mới. Đôi khi, đó chỉ là một gợi ý. Nhà bình luận Jim Rich của tờ Esquire đã ngạc nhiên chứng kiến một người đàn ông ôm đầu giận dữ khi đọc tít báo của mình. Đó là mùa cuối loạt Breaking Bad (Biến chất, 2008-2013) và tít là “Walt đối mặt với đoạn kết đẫm máu”. Dĩ nhiên, với một loạt phim đầy rẫy bạo lực như Breaking Bad, đoạn kết phải đẫm máu. Nhưng người đàn ông vẫn cảm thấy bị xúc phạm.
Tác hại của spoiler? Không khó để hình dung. Khán giả sẽ cảm thấy trải nghiệm không còn trọn vẹn. Ai muốn xem Sixth Sense nếu biết bí mật về nhân vật của Bruce Willis? Trong khi hãng phim lo sợ doanh thu phim bị ảnh hưởng. Các spoiler ở mức độ lớn có thể hủy diệt cả tác phẩm. Năm 2017, HBO một phen chao đảo khi các hacker lấy được tài liệu về phần 7 Game of Thrones (Trò chơi vương quyền, 2011-2019). Phần bị mất bao gồm kịch bản, thông tin về cái chết của các nhân vật và hình ảnh hậu trường. Điều tra của FBI cho thấy họ đã đề nghị trả 250.000 đôla để bọn tin tặc không tung lên mạng.
Không chỉ hacker mới khát khao thông tin về phim. Cộng đồng fan hâm mộ cũng tìm mọi cách để có được hình ảnh hoặc nội dung kịch bản đầu tiên. Công tác làm phim giờ phải thay đổi để thích nghi. Ngoài phòng biên kịch, phim trường cũng trở thành cấm địa. Việc không được mang thiết bị ghi âm hoặc ghi hình khác vào trường quay gần như là bắt buộc. Thậm chí, đoàn làm phim Game of Thrones mùa 8 còn thử nghiệm dụng cụ “máy phá drone”. Mục đích là phá hủy các chiếc máy bay mini chuyên quay trộm.
Tuy vậy, “kẻ thù” lớn nhất của các hãng phim đôi khi không đến từ bên ngoài, mà bên trong: Diễn viên. Là những người trực tiếp tham gia, đôi khi các ngôi sao hào hứng tiết lộ nhiều hơn cần thiết. “Lúc tham gia Star Wars phần đầu, tôi còn mang kịch bản về cho bạn bè đọc,” nam diễn viên Mark Hamill cho biết. “Giờ thì họ in bằng giấy đỏ để tránh photo, và tôi chỉ được đọc khi có người giám sát.” Nikolaj Coster-Waldau vai Jaime Lannister trong Game of Thrones cho biết kịch bản được trao diễn viên trên một thiết bị số. “Khi bạn quay thì nó còn ở đó, khi cảnh quay kết thúc, nó biến mất,” anh nói.
Với một số bom tấn như Avengers: Endgame, hãng phim phải nghĩ ra nhiều xảo thuật hơn. Robert Downey Jr. cho biết từng tham gia viết các “kịch bản giả”. Mục đích để dàn diễn viên phải đóng nhiều kết thúc khác nhau, để không biết cái nào là thật. Với những người hay “vạ miệng” như Tom Holland, phương pháp bảo mật còn ghê gớm hơn. “Hai đạo diễn bảo tôi diễn cảnh đánh nhau với phông xanh,” nam diễn viên kể lại. “Tôi hỏi phải tưởng tượng đánh với ai thì họ trả lời ‘cậu không cần biết, đó là bí mật’”.
Giờ đây, có thể nói một “văn hóa spoiler” đang tồn tại trên mạng, theo lời Jim Rich của tờ Esquire. “Cộng đồng này bao gồm những kẻ chỉ trích các tiết lộ dù là nhỏ nhất và những người bị làm phiền bởi họ, tôi chẳng hạn,” Jim nói. Cùng với sự lên ngôi của Marvel, spoiler dần trở thành một phương pháp quảng bá. Các hãng phim nhận thức rất rõ điều đó: Quảng bá dưới danh nghĩa văn hóa xem phim. “Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy cách này ở mọi bộ phim, ” Jim kết luận. “Kể cả những phim không có gì để spoiler. Đó là một kiểu làm sang.”
Nhưng cảm xúc của người xem có cần bảo vệ hay không? Có, trong một chừng mực nào đó. Vấn đề là, mạng xã hội khiến người xem cảm thấy bị ảnh hưởng hiều hơn cần thiết. Giống như người đàn ông ôm đầu trước tít báo về Breaking Bad. Họ nổi giận ở mức độ không đáng để nổi giận. Khi Endgame sắp ra mắt, một bức ảnh chụp tờ thông báo dán trước cửa lớp học ở Mĩ gây xôn xao. Đó là những lời “cảnh cáo” của một thanh niên với bạn học, rằng họ không nên bàn tán về phim trong lớp. Nếu không, anh ta sẽ “xử” họ.
“Ngày trước, khi chưa có Internet, báo chí có gọi là spoiler nếu đăng tỉ số bóng đá?” Cây bút Chris Mandle của tờ Esquire nhận định. Hay gần gũi hơn, khán giả có thấy phim hay kịch của Shakespeare bớt hay khi đến rạp hay sân khấu? Hầu hết họ đều đã thuộc lòng cốt truyện, chi tiết và lời thoại. Một nghiên cứu năm 2011 của đại học California chỉ ra điều ngược lại: Những người biết trước nội dung phim có trải nghiệm tốt hơn người khác.
“Não bộ con người có xu hướng thoải mái hơn khi không phải xử lí nhiều thông tin,” nhà nghiên cứu Nicholas Christenfeld chỉ ra. “Khi được giải phóng khỏi cốt truyện, người xem sẽ cảm nhận tác phẩm sâu sắc hơn.” Tuy vậy, dường như văn hóa spoiler đang ngày càng phát triển theo hướng ngược lại. Thái độ đúng đắn nhất có lẽ là chấp nhận rằng đó là một phần của ngành công nghiệp. “Nhưng nếu lỡ như đọc được điều gì đó khi lướt Twitter hay Facebook, vốn là lựa chọn của bạn,” Christenfeld kết luận. “Đừng nghĩ rằng họ nợ bạn điều gì.”
“Tôi có một người bạn là nhà làm phim Pháp,” Christenfeld cho biết. “Anh ấy nghĩ rằng phim ảnh là nghệ thuật và nghệ thuật có nhiều điều hơn là cốt truyện. Cốt truyện chỉ dành cho trẻ con.”