Đã hết giờ làm việc, nhưng Baxter (Jack Lemmon) không thể về nhà. Bởi lẽ căn hộ của anh đã bị “trưng dụng” làm chỗ mây mưa cho các sếp ở công ty. họ hứa sẽ giúp anh thăng chức nhanh chóng và có văn phòng riêng. Trong khi chờ đợi, Baxter phải lang thang trên những con phố đêm lạnh lẽo và cô quạnh ở New York. Anh không có gia đình và không có tình yêu.
Kịch bản của The Apartment (Căn hộ), bộ phim kinh điển dành giải Oscar năm 1960 của bộ đôi đạo diễn-biên kịch Billy Wilder và I.A.L. Diamond được lấy cảm hứng từ phim trước đó Brief Encounter (Tình như thoáng mây, 1945). Trong đó có tình tiết người bác sĩ mượn nhà một người bạn thân cho mối tình vụng trộm. Chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng Wilder và Diamond đã rất ấn tượng, và phát triển thành nội dung chính của Apartment: căn hộ của một chàng nhân viên quèn tình cờ trở thành địa điểm ngoại tình lý tưởng của cấp trên. Đúng hơn là, rất nhiều cấp trên.
Baxter, chủ nhân căn hộ, tự giới thiệu rất ngắn gọn, giống như đang điểm những gạch đầu dòng trong tờ lý lịch bảo hiểm – công việc anh đang làm. “Khu vực W, bàn số 864” là vị trí của anh, giữa những dãy bàn dài các nhân viên cấp thấp trong công ty. Anh mơ về việc được thăng chức, có văn phòng riêng, tất nhiên cơ hội là rất nhỏ trong con số 31.259 con người xung quanh. Đó là lý do anh phải chiều lòng các sếp. Cảnh phim đầu tiên rất hình tượng, Baxter một mình trong căn phòng trống vắng, anh không có ai bên cạnh. Thật ra, Baxter có để ý đến cô nhân viên trực thang máy Kubelik Fran (Shirley MacLaine), người vẫn chào anh hàng ngày, nhưng không dám nói.
Apartment có tông chủ đạo là hài hước, giống như hầu hết các phim Hollywood thời kỳ này, và hài hước rất duyên dáng. Sự chắc tay trong kịch bản của Wilder và Diamond, vốn đang ở trong độ chín của sự nghiệp, đặc biệt sau thành công của Some like it hot (Có người thích nóng, 1959), đủ sức để tạo ra một bộ phim dễ xem với số đông ngay cả ở hiện tại. Khó mà nhịn cười ở cảnh Baxter vất vả “đặt lịch” cả tuần cho căn hộ của mình, hay cảnh phim anh chờ xem bộ phim Grand hotel (Khách sạn lớn, 1932) rồi bỏ cuộc vì quảng cáo… Trái với suy nghĩ nhiều người, những bộ phim kinh điển trong “thời kỳ vàng” của Hollywood vốn rất dễ thưởng thức, bởi tính đại chúng luôn được đề cao. Các đạo diễn và biên kịch biết cách để giữ đôi mắt người xem trên màn ảnh, và nụ cười nở trên môi họ. Apartment là một ví dụ điển hình.
Sự chịu đựng của Baxter, bao gồm việc bị phàn nàn bởi hàng xóm là bác sĩ Dreyfuss (Jack Kruschen), cuối cùng cũng được đền đáp. Anh được gã sếp tổng Sheldrake (Fred MacMurray) gọi lên để cất nhắc, với một điều kiện. Hóa ra, gã cũng đang cần một nơi để “vui vẻ” với tình nhân, và sẵn sàng đề bạt Baxter nếu trao cho gã chìa khóa. Dĩ nhiên, Baxter rất vui lòng, cho đến khi phát hiện cô tình nhân không ai khác ngoài Fran, người trong mộng của anh.
Sức sống của Apartment, cũng như nhiều bộ phim khác của đạo diễn Wilder mà nổi bật là Sunset Blvd.(Đại lộ hoàng hôn, 1950), nằm ở chỗ nó truyền tải những thông điệp “trưởng thành” dưới lớp vỏ tưởng như hài hước giản đơn. Chất bi kịch hòa quyện với hài kịch mượt mà, bổ sung cho nhau. Ngoại tình là vấn đề trưởng thành, nỗi cô đơn là vấn đề trưởng thành, cũng như lưu luyến với hào quang đã mất hay rạn nứt tình bạn, nó chất đủ sức nặng cho bộ phim để vượt lên hẳn những tác phẩm giải trí thông thường. Dù Baxter mang vẻ ngoài ngây ngô, gương mặt và hành động gây cười, thì người xem vẫn cảm thấy rõ nỗi cô độc của anh. Không gia đình, không người thân, thậm chí không được vào nhà mà phải ngồi co ro ở ghế đá công viên. Apartment là bộ phim trắng đen cuối cùng từng thắng giải Oscar, trước khi The Artist (Nghệ sĩ) lặp lại điều này vào năm 2012. Màu phim cũng là một chất liệu hiệu quả và phù hợp, nó khiến những bữa tiệc bớt náo động, ngày Giáng sinh bớt sặc sỡ, những con phố heo hút hơn, và khắc họa nỗi buồn của Baxter nặng nề hơn khi biết Fran là tình nhân của gã sếp.
Tất nhiên, Sheldrake là một tên khốn, như lời cảnh báo của cô thư ký dành cho Fran trong bữa tiệc. Gã chỉ lừa dối cô gái yếu đuối với chiêu bài cũ rích “sẽ ly dị vợ”. Fran không ngu ngốc, nhưng cô cũng không thể thoát khỏi hắn. Đây là vai diễn bước ngoặt của nữ minh tinh Shirley MacLaine, và lẽ ra cô nên dành Oscar cho Apartment thay vì một vai khác 24 năm sau đó. Cô không mang kiểu cách quí phái của Marylin Monroe, mà đáng yêu và gần gũi rất đời thường, với mái tóc ngắn và đôi mắt to tròn thu hút. Cô rất hoàn hảo để thể hiện một nhân vật rất thực tế cùng bi kịch luôn hiện hữu ở bất kỳ thời đại nào: tình nhân của một người đàn ông có vợ. “Cô gái yêu một người đàn ông có gia đình thì không nên trang điểm”, Fran nói trong một câu thoại đáng nhớ, vì trước sau gì họ cũng sẽ khóc.
Fran tự tử tại căn hộ của Baxter bằng thuốc ngủ, và được anh cứu sống với sự giúp đỡ của bác sĩ Dreyfuss. Cô buộc phải ở lại nhà anh trong hai ngày để chăm sóc, điều này cho họ một cơ hội. Thực tế, cả Baxter là Fran là một kiểu nô lệ của sự phụ thuộc. Phụ thuộc vào những giá trị được sở hữu bởi một người cao hơn về quyền lực và vật chất, là Sheldrake. Với Braxter là công việc, thăng chức và lương bổng. Với Fran là sự chở che cho một tâm hồn yếu đuối, được ngụy trang bằng việc theo đuổi tình yêu. Đến mức họ mù quáng trước Sheldrake. Hai ngày bên nhau đã lấy lại tầm nhìn, lấy lại giá trị sống cho họ: tình yêu, sự quan tâm, lòng tốt, sự hi sinh, và trên hết là sống tử tế, “là người”, như lời Baxter.
Đến đây bộ phim trở lại với mô típ lãng mạn thường thấy, nhưng vẫn được thể hiện một cách bậc thầy với tài năng của Wilder. Apartment là một chuẩn mực trong lối đan cài chi tiết, từ chiếc vợt tennis với “công dụng” mới, Fran biến mất theo ánh đèn trong tiếng hát mừng năm mới, cho đến tiếng sâm panh khiến người xem thót tim ở đoạn kết, đều rất thú vị và độc đáo. Mỗi chi tiết lại chứa đựng thái độ và tình cảm của nhân vật, đỉnh điểm là chiếc chìa khóa vào căn hộ của Baxter, mở ra bước ngoặt trọn vẹn của bộ phim. Jack Lemmon có lối diễn “hơi quá” so với tiêu chuẩn hiện đại, nhưng vẫn rất thuyết phục ở những cảnh cần đến anh nhất, như cảnh trao chìa khóa. Anh thể hiện được nhiều hơn cả tình yêu, mọi chàng trai với trái tim chân thành đều sẽ làm như Baxter. Đó còn là lòng tự trọng của một con người, thứ không có vật chất nào mua nổi.
The Apartment vẫn là bộ phim đáng xem sau hơn 50 năm ngày nó ra đời, ngay cả với khán giả không sành điện ảnh. Bởi lẽ nó bình dị và gần gũi, từ chất liệu đến nội dung và thông điệp, từ cách thể hiện đến không khí, phù hợp với bất kỳ thời đại nào, với thế hệ khán giả nào. Nhưng làm cho những điều bình dị trở thành đáng giá và sống mãi, đó mới là đỉnh cao của nghệ thuật.