Trang chủ Năm Phát Hành2019 THE BOY WHO HARNESSED THE WIND

THE BOY WHO HARNESSED THE WIND

bởi
1.5K lượt xem
A+A-
Reset

The Boy Who Harnessed the Wind (Cậu bé khai thác gió,, 2019) tiếp tục chứng minh Netflix là mảnh đất lành cho các phim độc lập. Một tác phẩm có tiếng nói riêng, chân thực và xúc động về nỗ lực phi thường của con người trong khốn khó.

“Khi nào chúng ta thôi mất mát?” Mẹ cậu bé William (Maxwell Simba) đau đớn hỏi chồng mình, khi cả gia đình nhà Kamkwamba sắp lâm vào cảnh chết đói. Lũ lụt đã cuốn phăng cây trồng của họ, hạn hán không cho họ trồng trọt, chính phủ thối nát không hỗ trợ được gì. Họ mất rừng của tổ tiên vào tay chủ đồn điền, mất lương thực dự trữ bởi đám cướp, mất đi cô con gái Annie (Lily Bana) vì phải tha phương cầu thực. Và không lâu nữa, họ sẽ mất nốt thứ duy nhất thuộc về mình, là tính mạng.

Đó là tình cảnh bi đát mà gia đình William và người dân ngôi làng Kasungu ở Malawa, châu Phi phải trải qua trong The Boy Who Harnessed the Wind. Dù ở thời hiện đại, họ vẫn phải trải qua cuộc đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt không kém tổ tiên. Cha của của William là ông Trywelll (Chiwetel Ejiofor), một nông dân cần mẫn và tự trọng, nhiều năm chiến đấu với các công ty trồng thuốc lá để giữ đất. Mẹ và chị cậu tranh đấu để có cơm ăn mỗi ngày. William, thông minh và yêu khoa học, tìm mọi cách để được ở lại trường học.

Dựa trên hồi kí của chính William Kamkwamba, bộ phim kể lại hành trình cậu đã cứu sống ngôi làng. Bằng các kiến thức góp nhặt trong thư viện, chiếc xe đạp của bố, các mảnh rác kim loại… Willam đã xây dựng một cối xay gió phát điện chạy máy bơm nước, giúp cả làng trồng trọt. Chiếc cối xay với hình dáng kì khôi nhất trên đời. Điều này đã giúp William nhận học bổng đến Mĩ để phát triển tài năng, tốt nghiệp trường đại học danh tiếng. Cậu trở thành diễn giả truyền cảm hứng, tham gia các chương trình hỗ trợ giáo dục tại quê nhà.

Một cốt truyện cổ tích đúng kiểu Hollywood ưa thích, nhưng qua bàn tay của Ejiofor, mang đến nhiều thứ hơn là hành trình “chicken soup” dễ chịu. Sự thật, phim không tập trung vào hành trình “William, mà là mọi thứ xung quanh cậu. Ejiofor dũng cảm khắc họa bức tranh hiện thực tàn nhẫn ở châu Phi thời hiện đại, bằng một ngôn ngữ điện ảnh giản dị nhưng mạnh mẽ, nâng tầm nhờ diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên.

Chúng ta đều biết hầu hết các quốc gia lục địa đen ở trong tình trạng nghèo khó, nhưng ít ai hình dung được ở mức độ nào. Chất hiện thực trong The Boy Who Harnessed the Wind hẳn sẽ làm nhiều người choáng váng. Dù ở thời hiện đại, William và dân làng sống trong tình trạng “không khác gì tổ tiên ngày xưa”, theo lời mẹ cậu. Họ sống dựa hoàn toàn vào thiên nhiên, không sỡ hữu bất kì công cụ hiện đại nào hay thậm chí là điện. Họ cũng chẳng được chính phủ điều hành hay hỗ trợ. Giống như nhiều quốc gia châu Phi khác, chính trị ở Malawa nghĩa là bất ổn và bạo loạn.

Tình cảnh còn bi đát hơn với người dân, khi các nhà tư bản nhúng tay vào. Phần kịch bản khéo léo khắc họa một bức tranh lớn hơn, khi lồng ghép các chi tiết về phương Tây như sự kiện 11/9. Malawa vác các nước châu Phi khác giống như chiếc lá trôi trên dòng sông lớn. Mỗi biến động của phương Tây và Mỹ, cả khi hưng thịnh lẫn khủng hoảng, đều khiến họ chao đảo. Luật pháp không hề tồn tại, nhất là khi người dân không còn cơm ăn. Nhiều khán giả hẳn sẽ rùng mình ở trường đoạn tranh cướp lương thực, dù có thể đã thoáng thấy đôi lần trên các chương trình thời sự.

Dù là phim đầu tay, Ejiofor cho thấy sự thấu hiểu về thể loại mình thực hiện. Anh rất chú ý lồng ghép các nét văn hóa và các chi tiết đời sống địa phương. Phim phảng phất không khí huyền ảo, khi mở đầu và kết thúc bằng đám tang, với sự đoàn người thổ dân diễu hành như các tinh linh ngàn xưa. Khi William đau đớn nhìn cánh rừng bị tàn phá, đứng cùng cậu là một người đeo mặt nạ trẻ sơ sinh như than khóc. Chúng ta được chứng kiến cách người dân sinh hoạt và cầu nguyện, giống như trong một bộ lạc. Chất văn hóa trở thành bệ đỡ vững chắc cho câu chuyện.

Càng về sau, The Boy Who Harnessed the Wind càng trở nên dữ dội. Nạn đói quét qua khu làng và thế giới của William vụn vỡ. Cuộc sinh tồn của dân làng Kasungu đầy sức thuyết phục, bởi sự chăm chút cho từng nhân vật. Mỗi con người xung quanh William đều là một số phận đáng quan tâm, mang đến thông điệp riêng và được giải quyết tận cùng. Cha William đại diện cho những người tốt bị vùi dập trong khốn khó. Mẹ cậu là hình ảnh người phụ nữ châu Phi cứng cỏi, không bao giờ gục ngã. Chị cậu lại là một trong nhiều thanh niên bỏ làng ra đi, tìm đường sống.

Các nhân phụ khác đều đáng nhớ, nhờ sự dày dặn của kịch bản. Ông trưởng làng biểu tượng cho các giá trị cũ bị mất đi. Ông hiệu trưởng hà khắc đến tàn nhẫn, tượng trưng cho lối điều hành của chính quyền. Cô thủ thư mang đến ánh sáng của kiến thức… Ngay cả một chú chó cưng chỉ xuất hiện đây đó cũng trở thành một chi tiết quan trọng trong bức tranh hiện thực. Phần lời thoại sống động, đôi lúc gây choáng váng, là điểm sáng. Chỉ cần một câu thoại “Khi mẹ chặt tay cho con ăn, con sẽ hiểu rằng con là con mẹ”, chúng ta hiểu tất cả về người mẹ của William. Chân dung châu Phi được thể hiện qua chân dung con người ở đó.

Các bộ phim như thế chỉ hiệu quả khi có được các màn diễn xuất đủ sức nặng. Về mặt này, gần như không thể tìm ra điểm nào để chê bai dàn diễn viên trong phim. Ejiofor, trong vai người cha Trywell, tiếp tục thể hiện tài năng ở dòng nghệ thuật. Cậu bé Maxwell Simba không hề tạo cảm giác là phim đầu tay trong vai William. Tương tác giữa hai người là chất kết dính cho chuyện phim. Mọi diễn viên khác đều cho thấy thực lực, mang đến cảm giác đủ đầy, dù thời lượng xuất hiện ít hơn. Phần diễn xuất còn được hỗ trợ bởi tay máy kì cựu Dick Pope. Các góc quay đều tận dụng tối đa ánh sáng thực, nâng đỡ cho diễn xuất. Chỉ với một chút đổ bóng trên mặt, các biểu cảm dù nhỏ nhất của nhân vật đều trở nên rõ rệt và ấn tượng.

Kết thúc của phim có lẽ chưa tương xứng với phần còn lại, một phần vì phải quay lại với chất tiểu sử. Nhưng điều đó chỉ như một vết gợn nhẹ, trong một tác phẩm chất lượng xứng đáng cho cuộc đua Oscar ngay đầu năm 2019. The Boy Who Harnessed the Wind mang đến một câu chuyện giàu cảm xúc, được kể chắc chắn, với các bài học không bao giờ cũ. Dù ở đâu hay thời đại nào, kiến thức là cách duy nhất để người nghèo có cuộc sống tốt hơn, hay như trong phim, cách để “không còn mất mát”. Nhưng chỉ kiến thức là chưa đủ. Chiếc cối xay gió của William khác hẳn mọi chiếc khác trên đời, bởi được làm từ chiếc xe đạp của cha cậu. Kiến thức chỉ hữu dụng nếu được nâng đỡ bởi tình yêu thương.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00