Trang chủ Năm Phát Hành2016 THE HATEFUL EIGHT

THE HATEFUL EIGHT

bởi
584 lượt xem
A+A-
Reset

Khi bức tượng Chúa Jesus bị phủ lấp bởi tuyết trắng xuất hiện ở cảnh đầu tiên của The Hateful Eight, nhiều người sẽ nhớ đến không gian vô định của Fargo, bộ phim “đen” kinh điển tạo tác bởi bàn tay anh em nhà Coens năm 1996. Có nhiều lý do hơn để chúng ta tin rằng, bộ phim thứ 8 này của Quentin – được giới thiệu rất rõ ngay dòng đầu tiên – sẽ rất tương đồng với Fargo. Không phải ở cốt truyện, mà là ở tinh thần: về sự dị thường của số mệnh khi đặt ra ngoài vòng kiểm tỏa của pháp luật, và cả Chúa trời.

Ít nhất đó là điều tôi nghĩ đến khi xem đoạn trailer khá hấp dẫn, cũng như những phút đầu gợi mở của Hateful Eight. Vì mọi thứ đều bắt đầu từ sự tình cờ. Một gã săn tiền thưởng da đen được gọi là Đại tá Warren (Samuel L. Jackson) xin đi nhờ xe của “kẻ treo cổ” John Ruth (Kurt Russell), một tay săn tiền thưởng khác. Ruth đang dẫn độ nữ sát nhân bị truy nã Domergue (Jennifer Jason Leigh) đến thị trấn Red Rock để lãnh tiền. Hắn có thói quen giữ nạn nhân còn sống để chứng kiến cảnh hành quyết, lý do cho biệt danh đáng sợ ấy.

Giữa đường, cả hai lại đụng độ một gã ất ơ khác là Chris Mannix, tự nhận là tân cảnh sát trưởng của Red Rock. Không thể bỏ rơi người sẽ ký giấy lãnh tiền cho mình, Ruth đành phải để gã lên xe. Do bão tuyết, họ dừng chân nghỉ tại “Tiệm kim chỉ Mindy”, nơi có 4 người khác đang chờ sẵn. Đó là Bob (Demián Bichir), tự nhận là nhân viên mới của quán, thông báo rằng ông bà chủ đã đi vắng và hắn sẽ đảm đương mọi việc. “Người hành quyết” Mobray (Tim Roth), kẻ làm nghề nhấn giá treo cổ ở các thị trấn. Gã thích viết văn Joe Gage (Michael Madsen) trên đường về nhà nghỉ Giáng sinh. Cuối cùng là vị đại tướng về hưu Smithers (Bruce Den), già yếu chỉ ngồi yên cạnh lò sưởi.

Tình huống của The Hateful Eight khá giống với một phim nổi tiếng khác của Quentin Tarantino là Reservoir Dogs năm 1992. Nếu như vấn đề của băng cướp trong Dogs là phải tìm ra tay cảnh sát trà trộn, thì với Hateful Eight, là gã đồng bọn của Domergue. Ruth nói như đinh đóng cột rằng có ít nhất một tên trong 8 người đang nhăm nhe giết hết tất cả khi có cơ hội, để cứu ả. Đây là kiểu tình huống ưa thích của Quentin: một bối cảnh nhỏ chật hẹp với nhiều vật dụng thú vị (ly cà phê, bàn ăn…); những kẻ quái đản với tính cách, mục đích và lợi ích đối đầu nhau (giải cứu, tiền thưởng…); và tất nhiên, mối thù hằn chủng tộc được đại diện bởi một gã da đen giỏi giết chóc. Những người đã quen với Quentin sẽ biết điều đang chờ đợi họ, là lối phân chia chương hồi đặc trưng, những đoạn đối thoại dài hơi, và các màn bạo lực máu me thịt thà “giải trí”.

Có thể nói tôi là fan của Quentin Tarantino, nếu định nghĩa về fan là luôn yêu thích tác phẩm của thần tượng. Tôi chưa từng thất vọng với bất kỳ phim nào của ông từng xem qua, dù với tư cách đạo diễn (phần nhiều) hay biên kịch (True Romance là một trong những phim tôi yêu thích nhất, do Tony Scott chỉ đạo). Mặc cho những lời phàn nàn về tính bạo lực và sự bất nhẫn – một vài người bạn tôi không thể xem được phim ông, vì hầu như các nhân vật tốt đều chết thảm – tôi luôn thích thú được tận hưởng chất viễn Tây lồng ghép với âm nhạc phóng khoáng, các màn tra tấn tâm lý trước khi vỡ òa ở cao trào bạo lực, và cách sử dụng chi tiết bậc thầy đậm thương hiệu cá nhân.

Hateful Eight, rất đáng tiếc, sẽ là bộ phim đầu tiên nằm ngoài số đó. Và đây là minh chứng rằng, ngay cả những quái kiệt xuất sắc nhất cũng sẽ có lúc không giữ được phong độ. Với Quentin, đó là con số 8.

Thất bại của bộ phim này nằm ở hai điều cơ bản. Một là việc lặp lại những mô típ từng có, dù đặt ở các điều kiện rất thuận lợi, nhưng lại thể hiện tay nghề yếu hơn của Quentin Tarantino. Tôi không rõ có phải do yếu tố tâm lý, gây ra bởi sự cố lộ kịch bản vào năm 2012 hay không. Khi ấy ông đã rất tức giận không muốn thực hiện bộ phim, nhưng sau đó bị thuyết phục bởi Samuel L. Jackson và các diễn viên khác. Dễ dàng nhận thấy nhất là ở thế mạnh đã làm nên tên tuổi ông, phần thoại. Chưa bao giờ tôi thấy một Quentin đuối sức ở thoại phim đến thế: quá nhiều “thoại chết” để giới thiệu nhân vật và thậm chí, sử dụng cả lời tường thuật thiếu hợp lý nhằm giải thích tình tiết phim – điều rất sơ đẳng. Nó khiến đường dây câu chuyện trở nên yếu ớt và kém thuyết phục.

Bối cảnh đông đúc trong phim tưởng chừng sẽ khai thác được thế mạnh về xây dựng nhân vật của Quentin, hóa ra ngược lại. Sự thật là ông đã không tạo được lớp nền vững chắc cho bất kỳ ai trong 8 kẻ ác nhân. Chúng ta nghe rằng Ruth là “kẻ treo cổ” rất nhiều lần, nhưng liệu chúng ta có quan tâm? Một nhân vật không thể được định hình chỉ bằng lời kể, hay tán dương, hay sợ hãi, từ những kẻ khác. Hắn ta chỉ tồn tại trong hành động. Và Ruth rời bỏ cuộc chơi ngay khi người xem chưa biết được gã là ai. Gã hùng dũng ở điểm nào? Có gì cao quí trong hành động treo cổ nạn nhân của gã? Chúng ta không có manh mối nào để biết. Tương tự là các nhân vật khác, với vẻ ngoài và ấn tượng ban đầu khá thú vị, dù vậy không để lại ấn tượng đáng kể, khi mọi thứ diễn ra quá nhanh. Quentin cố gắng bù đắp bằng cấu trúc đảo ngược thời gian từng rất thành công trong Pulp Fiction (1994), nhưng không đủ. Khi đã đến tận chương 5 vẫn còn xuất hiện nhân vật mới, thứ mang lại không phải là hứng thú mà là sự mệt mỏi. Sự lỏng lẻo trong cách dẫn truyện dẫn đến sự lỏng lẻo về mặt tâm lý, một cách hiển nhiên. Thậm chí kỳ quặc, và không phải “kỳ quặc” theo hướng tốt.

Khi bữa tiệc đi đến món chính là các màn đấu súng, chúng ta nhận ra trong sự thán phục và thất vọng cùng một lúc, rằng làm phim “giải trí” máu me như Quentin vẫn làm từ trước đến nay khó khăn đến mức nào. Chúng ta nhận ra, những nỗ lực sáng tạo trong việc lấp đầy các khung hình bằng máu, xác thịt, bằng sự ghê tởm vượt các giới hạn đạo đức, cũng sẽ trở nên lạc lõng nếu thiếu đi quá trình xây dựng cao trào lâu dài tỉ mẩn trước đó. Bạo lực của Hateful Eight không “đã” vì nhiều yếu tố, quan trọng nhất là Quentin đã không thể nào tạo ra tình trạng căng thẳng trong tâm lý, điều ông thường làm rất tốt. Không khí trước, trong và sau các màn bắn giết không đông đặc, không khiến ta nghẹt thở hay hồi hộp. Một phần ở việc thiết lập tình huống không cân bằng, làm sao ta hồi hộp khi bốn gã trai khỏe mạnh đối đầu với người dân không một tấc sắt? Hay một bên cầm súng và một bên không? Hay một gã săn tiền thưởng lão luyện và một ông già? Ngoài ra, hơi khó tin là Hateful Eight lại quá thiếu hụt phần âm nhạc đúng chất, dù do nhạc sĩ kỳ cựu dòng Viễn Tây Ennio Morricone đảm nhiệm. Có rất ít tính “giải trí” ở đây.

Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất ở bộ phim này. Điều tệ nhất và cơ bản thứ hai, là khi màn hình đen hiện lên, tôi không biết nó nói về điều gì. Hateful Eight hóa ra không hề miêu tả cảnh Chúa đang chơi đổ xúc xắc như Fargo. Nó cũng không đi sâu vào mâu thuẫn sắc tộc trong cuộc nội chiến Mỹ, dù được khơi ra khá thú vị bằng việc phân chia giới tuyến. Rất nhiều thứ hay ho như công lý, tội phạm được thốt lên, nhưng dường như không phải đắp hình hài cho nhân vật, mà chỉ để dựng sân khấu cho giết chóc. Và tất nhiên không phải về cuộc báo thù. Hateful Eight chỉ là một bộ phim lạnh lẽo, như cơn bão tuyết quét qua vùng Wyoming, và thiếu chất người. Không hề có một cảnh phim cho thấy tình cảm con người hay nhân tính. Và nếu không phải nhân tính như tựa phim “Hateful” đã cảnh báo, tôi sẽ vui thích nếu xuất hiện một khung đạo đức khác biệt như đại tá Hans trong Inglorious Basterd. Không có nhân vật nào khiến tôi gắn bó hay yêu mến, vì không có chỗ cho sự yêu mến: cả 8 kẻ ác nhân đều xấu xa và tầm thường. Tôi không mảy may thương xót hay tiếc nuối khi họ chết đi. Kể cả Domergue, lẽ ra là vai diễn phức tạp đáng xem nhất, dù được thể hiện khá tốt bởi Jennifer Jason Leigh. Làm sao yêu một bộ phim nếu ta không yêu nhân vật nào trong đó?

Thường thì rất khó để xác định ngay đâu là một bộ phim hay, hoặc xuất sắc. Sẽ tốn nhiều thời gian. Như Pulp Fiction và True Romance, phải rất lâu sau lần xem đầu và có được lớp nền điện ảnh tốt hơn, tôi mới hiểu và yêu thích chúng. Nhưng rất dễ để biết đâu là một phim tệ hoặc không hợp gu, là khi nó kết thúc và không có niềm thôi thúc nào khiến chúng ta muốn xem lại lần nữa. The Hateful Eight là phim đầu tiên của Quentin Tarantino tôi không muốn xem đến lần thứ hai.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00