THE REVENANT

bởi Phan Cao Hoài Nam
584 lượt xem
A+A-
Reset

Năm ngoái, trong bài bình luận về bộ phim đạt giải Oscar Birdman (2014) của Alejandro Inarritu, tôi có viết rằng: “Birdman là một trải nghiệm điện ảnh tinh khiết, chỉ có được ở một cấp độ làm phim đặc biệt chỉ xuất hiện một lần trong sự nghiệp của những đạo diễn hàng đầu.”

Tôi đã nhầm. Vì Inarritu đã chứng minh rằng ông vẫn có thể chạm đến và thậm chí vượt qua những đỉnh cao trong sự nghiệp. Năm 2015 với The Revenant, nếu may mắn, ông sẽ là người đầu tiên trong lịch sử Oscar chiến thắng Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim hay nhất trong 2 năm liên tiếp. Và khả năng đó cao ngang với khả năng Leonardo DiCaprio, nam diễn viên chính, lần đầu chiến thắng hạng mục diễn xuất ở lần thứ 5 đề cử.

Revenant là một công trình nghệ thuật xuất sắc, không nghi ngờ gì. Một công trình được tạo tác và nâng đỡ bằng nhiều công trình xuất sắc đơn lẻ khác. Đây là bộ phim hiếm hoi mà hình thức chiến thắng nội dung. Chính xác hơn, hình thức trở thành nội dung. Chúng ta sẽ nhanh chóng mất chú ý vào câu chuyện về Hugh Glass (Leonardo DiCaprio), người dẫn đường và săn lông thú ở Nam Dakota, Montana vào năm 1823 – thời kỳ chiến tranh lãnh thổ giữa người da đỏ và người Châu Âu. Một cốt truyện báo thù không mới mẻ cả về nội dung lẫn tình tiết, được dẫn dắt tốt để làm nền cho các yếu tố tay nghề: kỹ thuật đạo diễn thượng thừa của Inarritu, kỹ thuật quay phim thượng thừa của Emmanuel Lubezki, và kỹ thuật diễn xuất thượng thừa của DiCaprio.

Những tràng pháo tay (sẽ rất vang dội) dành cho Inarritu tạm thời để dành sau. Revenant trước hết sẽ là cột mốc nghề nghiệp quan trọng của một vị trí thường ít được chú ý trong đoàn làm phim, là tay máy. Không thể là ai khác ngoài Lubezki, cái tên đã gắn liền với “đặc sản” là các cảnh quay dài, để xử lý những trường đoạn cực kỳ phức tạp trong phim. Trước khi hợp tác với Inarritu, Lubezki chính là người đứng sau các cảnh dài xuất sắc và cực khó trong phim của Alfonso Cuáron, có thể kể đến là hai cảnh trong Children Of Men (2006) và cảnh quay mở đầu dài 17 phút trong Gravity (2013). Thú vị là, dù dày dặn kinh nghiệm thế, Lubezki đã đổ mồ hôi hột định từ chối khi Inarritu mời đảm nhiệm phần hình ảnh trong Birdman – bộ phim chỉ gồm 1 cảnh quay duy nhất từ đầu đến cuối (về mặt thị giác). Ông nói rằng các cảnh dài trong phim này là “điều mà tôi hoàn toàn không muốn làm”, đơn giản vì nó quá khó.

Nếu các cảnh quay ở Birdman là quá khó, thì The Revenant là siêu khó, hoặc ở một cấp độ khó hoàn toàn khác. Những người yêu hoặc quan tâm về kỹ thuật làm phim hẳn sẽ nổi da gà ở trường đoạn xung đột đầu tiên của Revenant, khi đoàn người của Glass được chỉ huy bởi đại úy Andrew Henry (Domhnall Gleeson) bị người da đỏ phục kích. Nó quá sức phức tạp. Không chỉ phức tạp ở thiết lập hành động và kiểm soát sự hỗn loạn – vốn là cơn ác mộng với các tay máy, mà còn nằm ở bối cảnh. Nếu Birdman, dù khó, vẫn có lợi thế là quay ở Studio để quản lý các chi tiết, thì Revenant hoàn toàn là ngoài tự nhiên. Đó sẽ là vấn đề về điều kiện ánh sáng, về khung cảnh rừng cây với nhiều chướng ngại, về sự chật chội của không gian di chuyển, về tỉ lệ cao của việc mắc lỗi. Nhưng chúng ta thấy góc máy của Lubezki thoải mái tới lui, lấy trung-cận-toàn một cách hoàn hảo, bất chấp cả việc di chuyển ra vùng sông nước. Ông như đang “bay” cùng với chiếc camera. Và nếu cảnh quay này, không hoàn toàn là một cảnh dài, chưa đủ sức làm đã mắt khán giả khó tính, tôi không thể nghĩ lý do nào để không hài lòng với cảnh Glass bị gấu vồ sau đó. Một cảnh phối hợp xuất sắc giữa diễn xuất và kỹ xảo, đưa người xem vào thẳng trung tâm của hành động và sự chân thực. Và thuyết phục họ. Lubezki thực sự đã vượt qua chính mình, minh chứng là cảnh dài nửa cuối phim được thực hiện tự nhiên đến mức chúng trở nên “bình thường”. Chúng ta sẽ không còn cảm giác về sự hiện diện của chúng, và đó là cấp độ chưa từng thấy trước đây.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Để thấy được sự khủng khiếp trong các shot hình của Lubezki, người xem phải nhận thức được nhiệm vụ thứ hai mà Inarritu đặt ra cho ông, ngoài các cảnh quay dài: là “bắt” lấy thiên nhiên hoang dã hùng vĩ của vùng Bắc Louisiana thế kỷ 19. Đó là không gian chúng ta thường nghe đến trong các câu chuyện kể bên đống lửa trại, những khu rừng âm u đáng sợ, những thảo nguyên mênh mông, những vách núi tuyết trắng lóa mắt… Không gian của những truyền thuyết sẽ được kể lại đến hàng trăm năm, mang đến giá trị lịch sử lớn lao cho Revenant. Lubezki đã làm thế nào? Hãy đến ý đến các góc rộng và tĩnh của ông, xuất sắc không kém các cảnh dài. Mỗi milimet trên khung hình đều là một sự dụng công. Và khác hẳn thứ đẹp đẽ phù phiếm do sắp xếp như Danish Girl, ống kính của Lubezki thật sự có “hồn”. Nó không bắt lấy khung cảnh, nó bắt lấy không khí. Kết hợp với tư duy hình ảnh bậc thầy của Inarritu, đã tạo nên kỳ quan về không gian trong Revenant, mà chúng ta sẽ còn phải nhắc lại mãi trước và sau lễ trao giải Ocar năm nay.

Còn điều đã được nhắc đến trước cả khi phim ra mắt, dĩ nhiên là Leonardo DiCaprio. Các tờ báo nước ngoài ngay từ tháng 7 đã đăng tải những hình ảnh và bài viết về quá trình “hành xác” của anh với Revenant: quay phim dưới điều kiện hàng chục độ âm, ăn gan sống, ngủ xác động vật, bò trườn qua bùn lầy… Và nó ít nhiều khiến người xem liên tưởng đến việc Leo “cố đấm ăn xôi” để giành tượng vàng. Sự thật có lẽ đơn giản hơn và không liên quan đến các trò châm chọc Oscar, mà chúng ta cần phải thừa nhận sau khi xem phim: Glass là vai diễn đỉnh cao trong sự nghiệp lừng lẫy của anh.

Có một điều khá lạ đời là ở các vai diễn quá khứ, người ta luôn công nhận đẳng cấp của Leo, nhưng lại không thấy anh xứng đáng đạt giải hơn người được chọn. Bởi dường như luôn có một lối mòn trong lối diễn cũng như cảm giác “thái quá” khi anh thể hiện nhân vật, từ Blood Diamond cho đến Shutter Island, hay gần nhất là The Wolf Of Wall Street. Tôi nghĩ vấn đề không phải Leo không hợp vai hay quá gồng mình, mà do nội lực của anh thường vượt quá giới hạn mà nhân vật đòi hỏi – dù đều là những vai diễn khó. Chỉ khi đến với Inarritu, một đạo diễn kỹ tính đến cực đoan, và nhân vật Glass có thể gọi là “cùng khổ” bậc nhất lịch sử điện ảnh, anh mới có đủ không gian để bộc phát tối đa nguồn năng lượng, được gào thét cho đến hết cường độ. Mà người xem vẫn cảm thấy tự nhiên. Nếu Glass không thể mang đến cho cho Leo vinh quang, tôi e rằng rất khó có vai diễn nào khác trong tương lai làm được.

Không chỉ Leo, các diễn viên khác cũng được lợi từ Revenant, từ Tom Hardy cho đến Domhnall Gleeson. Đây là bộ phim đầu tiên mà tôi có cảm tình với diễn xuất của Gleeson, trong vai đại úy Andrew Henry cương trực đáng mến. Trước đó dù xuất hiện trong các bộ phim được khen ngợi như About Timehay Ex-Machina, tôi không hề thấy Gleeson diễn thuyết phục hay thậm chí dễ chịu. Anh luôn trông như một đứa trẻ cố gắng mặc vào mình bộ áo người lớn. Nhưng trong Revenant, Gleeson cho thấy sự trưởng thành và chiều sâu còn thiếu vắng trước đó. Revenant chính xác là kiểu phim mà bất kỳ ai tham gia vào đều sẽ trưởng thành. Từ những kẻ kỳ cựu như Lubezki, Leonardo, cho đến các tài năng đang khẳng định Gleeson hay Hardy, và cả những tân binh mới lần đầu diễn xuất như Forrest Goodluck trong vai cậu con trai Hawk.

Những nhánh cây có thể vươn cao đều nhờ có gốc rễ vững chắc. Ở đây không thể là gì khác ngoài Inarittu. Hiện tại, có lẽ ông là người thứ hai ở Hollywood mà các diễn viên nên tìm mọi cách để được cộng tác, sau Martin Scorsese. Vị đạo diễn người Mexico đã đưa những cảnh quay dài lên một tầm cao mới trong hai năm qua, cũng là người nổi tiếng với phong cách làm việc khổ sai đến phi lý. Với Revenant, ông đã bắt cả đoàn làm phim phải quay theo kiểu tuyến tính, nghĩa là từ cảnh đầu tiên cho đến cuối cùng, dù phải di chuyển đi lại nhiều lần giữa các địa điểm. Ông bắt các diễn viên phải phơi mình dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, hành hạ các tay máy phải chờ đợi từ ngày này qua ngày khác để có ánh sáng phù hợp. Và nhiều điều khác nữa. Tất nhiên, bản thân ông còn cực khổ hơn gấp bội. Như cách các thành viên trong đoàn đều vượt qua giới hạn, Inarritu cũng đưa việc làm phim lên một giới hạn mới, gần như khổ hạnh, để chạm đến sự hoàn hảo ở khoảng cách gần nhất. Nếu nghề diễn có một trường phái gọi là “Method acting”, tôi nghĩ Inarritu xứng đáng là người tiên phong cho “Method Directing” – kiểu khắc họa thực tế bằng sự tỉ mỉ đến điên rồ mà rất ít đạo diễn đủ can đảm thực hiện. Nhưng kết quả luôn rất xứng đáng, là những bộ phim mẫu mực như Birdman hay The Revenant.

Dù vậy, không phải không có sự đánh luôn có sự đánh đổi. Để đạt được thứ gần như tối thượng về kỹ thuật này, Inarritu chấp nhận (hoặc bắt buộc) hạ thấp tiêu chuẩn về nội dung: những gì Revenant mang lại về mặt cảm xúc có thể sẽ không thật tròn đầy; nhịp phim hơi lê thê ở đoạn giữa, khi vị đạo diễn buộc phải dùng nhiều cảnh hồi tưởng và huyền hoặc để duy trì cốt truyện về người vợ; các thông điệp về sức sống phi thường lấp lửng giữa hai câu chuyện, câu chuyện nhỏ về một cuộc báo thù, và câu chuyện lớn về một cuộc chiến, có thể không sâu sắc như cần thiết. Một số người khác có thể khó chịu vì cảm giác đây là “show diễn riêng” của Leo. Tuy nhiên, thứ khoái cảm được chứng kiến và thán phục cái đẹp từ kỹ thuật làm phim, lạ lùng thay, đủ sức để khỏa lấp sự hụt hẫng về cảm xúc ấy.

Điện ảnh thời đại nào cũng luôn cần đến những đạo diễn như Alejandro Inarritu, những người đủ sức đẩy các giới hạn về nghệ thuật làm phim, nghệ thuật điện ảnh lên một tầm cao mới. Năm ngoái là Birdman và năm nay là The Revenant. Làm được một lần, người ta sẽ gọi là đỉnh cao nghề nghiệp. Làm được đến hai lần và có thể nhiều hơn nữa như Inarritu, phải gọi là sự phi thường.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00