Thor: Ragnarok không chỉ là một bộ phim hài hước, mà cao hơn, là hài hước có phong cách. Sử dụng màu sắc theo kiểu hoạt họa, âm nhạc điện tử có phần “high” gợi đến các video game thập niên 90, đạo diễn New Zealand Taika Waititi khiến ta quên đi đây là một phim Marvel. Thor: Ragnarok giống một phim giả tưởng tưng tửng kiểu Scott Pilgrim vs. the World, và lần đầu tiên, biến Thor thành một nhân vật đáng quan tâm.
Trong số các nhân vật có phim riêng của Marvel, Thor có lẽ là loạt phim yếu nhất. Cơ bản vì nhân vật chính là kiểu mẫu khá đáng chán: Một anh chàng võ biền đầu óc đơn giản, hành động ngờ nghệch, đặt trong một cốt truyện tranh vương đoạt vị kiểu thần thoại Hi Lạp, dù được lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu. Trong hai phần phim trước, sức sống của Thor lại nằm ở nhân vật em trai, Thần Lừa Lọc Loki (Tom Hiddleston). Loki cũng là phản diện đáng giá nhất của vũ trụ Marvel nói chung, bởi có tính cách thú vị rất riêng. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để tạo điểm nhấn cho hai phần Thor đầu tiên, với những màn hài hước cũ kĩ và câu chuyện lối mòn.
Tôi không nhớ gì nhiều về hai phần phim trước. May mắn rằng, lối làm phim chuỗi hiện đại luôn có các trường đoạn giúp người xem hồi tưởng lại. Đó là khi Thor (Chris Hemsworth) trở về Asgard, và nhìn thấy màn kịch lâm li bi đát về Loki hi sinh để cứu thần dân. Phim lấy thời điểm ngay sau khi The Dark Worldkết thúc. Sau khi giả chết, Loki đã đày Odin xuống Trái đất và đóng giả vua cha cai trị Asgard. Trong lúc đó, Thor phải thân chinh xuống hỏa ngục Muspelheim để tiêu diệt quỉ lửa Surtur. Theo truyền thuyết, Surtur sẽ hủy diệt Asgard khi hợp nhất vương miện của hắn ta với Ngọn Lửa Vĩnh Hằng. Điều này sẽ mở đầu chuỗi sự kiện tận thế Ragnarok , hay “hoàng hôn của các chư thần”, kết thúc của vũ trụ thần thoại Bắc Âu.
Như thường lệ, Thor tiêu diệt Surtur và đoạt lấy vương miện, dường như đã ngăn chặn được Ragnarok. Tuy nhiên, sau khi lật tẩy Loki và tìm đến Odin, hai anh em phát hiện ra kẻ sẽ gây ra ngày tận thế không phải Surtur. Và cũng như thường lệ, đó là một đứa con rơi của Odin: Nữ Thần Chết Chóc Hela (Cate Blanchett). Cô con gái đầu này bị Odin giam cầm ở rìa vũ trụ, do có tham vọng và sự độc ác ngoài tầm kiểm soát. Giờ đây, Odin chết đi, Hela trở về. Trong khi giao chiến với Hela, Thor và Loki bị ả đẩy văng ra khỏi con đường Bifröst, rơi vào một hành tinh lạ. Và đoán xem, đó là hành tinh đấu sĩ mà Hulk (Mark Ruffalo) đang là nhà vô địch!
Thor: Ragnarok là một phim vui nhộn. Marvel vẫn được biết đến là vũ trụ vui nhộn, đôi khi quá vui nên phá hỏng tất cả, nhưng đây là một cuộc vui có kiểm soát, có phong cách và chất lượng hơn hẳn. Waititi, đạo diễn của những phim hài hay nhất trong vài năm qua, như What We Do in the Shadows (Chúng ta làm gì trong tối, 2014) hay Hunt for the Wilderpeople (Cuộc đi săn kì thú, 2016), đưa được chất riêng, sự phóng khoáng, thỉnh thoảng là kì quặc của mình vào bộ phim. Cảnh đầu tiên, Thor bị nhốt trong chiếc lồng của Surtur, và chúng ta có một màn tự nhại kiểu Deadpool, thứ không ai nghĩ Thor có thể làm. Xuyên suốt bộ phim là sự kết hợp giữa cả hài tình huống (trò “Mau kêu người giúp”) và thoại (“thông thiên”) liên tiếp không dứt, gọn gàng và hiệu quả. Ngược với các đạo diễn độc lập được mời chỉ đạo bom tấn khác theo, vốn thường bị áp lực hoặc phải ép mình theo yêu cầu nhà sản xuất, Waititi tỏ ra thoải mái và tự do hơn hẳn. Ông cũng dùng một số yếu tố giới tính để gây cười, với nhân vật Grandmaster do Jeff Goldblum thủ vai, nhưng sạch sẽ và duyên dáng.
Chúng ta sẽ không hẳn chú ý đến câu chuyện về Asgard nói chung, hay màn lật đổ của Hela, hay mớ bòng bong về cách mạng, hay lí tưởng “vị vua thực sự” của bộ phim. Đó là điểm yếu của loạt phim này, so với Iron-Man hay Captain America. Câu chuyện hoàng gia của nhà Odin luôn mang hơi hướng của kịch opera, quá đơn giản, dễ đoán và sến súa kiểu trẻ con. Nó văng ra khỏi thế giới hiện đại, gần gũi hơn của vũ trụ Marvel. Nhưng với Ragnarok, Waititi làm được điều khác biệt này: Đối xử với nó đúng là một thế giới cũ kĩ, trước khi loại bỏ nó. Ragnarok hấp dẫn người xem bởi 80% thời lượng là ở một thế giới giả tưởng khác, nơi có không khí công nghệ khác hẳn, với nhiều điều mới. Thor đã cắt đi mái tóc dài lỗi thời, và giờ đây, giàu năng lượng cũng như khôn ngoan hơn. Ngược lại, Loki trở nên rõ ràng trong tính cách, và chúng ta có thể hiểu được. Phim có sự xuất hiện của nữ chiến binh Valkyrie nghiện rượu (Tessa Thompson), một nữ sidekick kiểu Warhead trong Deadpool. Và tất nhiên, Hulk và Banner cuối cùng đã có thể chiếm thời lượng đáng kể trong phim. Thor: Ragnarok giống như một sự đền bù cho những nhân vật thường bị lãng quên trong biệt đội Avengers, và chứng tỏ rằng, họ cũng có thể đứng độc lập một cách vững vàng.
Sức hấp dẫn về nội dung của Thor: Ragnarok là ở mối quan hệ giữa Thor và Loki. Như tình bạn và sự đối đầu của Iron-Man và Captain America, luôn cần một mối quan hệ đủ cuốn hút làm cốt lõi cho các loạt phim. Ragnarok là bộ phim mà Thor và Loki giống anh em hơn bao giờ hết. Chúng ta nhìn thấy các cặp anh em này ở mọi nơi. Một thằng anh ham chơi, vô trách nhiệm, nhưng giỏi giang và được yêu mến. Một đứa em yếu thế hơn, ghen tị và mong muốn được như anh, được chú ý. Cảnh diễn kịch đầu phim cho thấy rõ mong muốn của Loki, một đứa trẻ muốn được yêu thương, từ cả cha và anh mình. Sự lừa lọc của Loki, rất thông thường, để che giấu sự yếu đuối ấy. Có một cảnh tâm lí khá hay trong thang máy, khi Thor nói với Loki rằng “con đường chúng ta đã rẽ các hướng khác nhau từ lâu rồi”, và ngay sau đó, Loki quyết định phản bội. Chúng ta thấy rõ sự thất vọng của đứa em trai khi bị anh từ chối, và lập tức phản kháng.
Thor thì đã trưởng thành và thông minh hơn. Nếu lúc trước, anh thường bị Loki dắt mũi thì nay đã có thể “bắt nạt” lại em trai. Ngược với lời của Hera, Thor mới là người giống Odin nhất, có tố chất của một nhà vua. Một lãnh đạo chỉ dùng đến sức mạnh thì không đáng tin tưởng. Vì sức mạnh rồi sẽ bị vượt qua, như cách Thor chấp nhận rằng không thể đánh bại Hela. Giờ đây, Thor có thêm các mánh khóe, biết suy tính, do đó, cuốn hút hơn. Trong một loạt phim, điều chúng ta muốn xem luôn là sự thay đổi, sự phát triển trong tính cách nhân vật. Thor không còn một màu như trước, mà đa sắc, thậm chí màu mè như tông phim của Waititi. Nhưng như thế mới thú vị.
Điều buồn cười của Thor: Ragnarok là ở chỗ, từ trước đến nay, Trái đất suýt bị hủy diệt vài lần, chỉ vì những mâu thuẫn trẻ con hờn dỗi của các thành viên nhà Odin. Ngay cả Hela của Cate Blanchett, cũng là một đứa trẻ trong phim. Blanchett không mang đến gì nhiều hơn một phản diện nói rất nhiều với số phận lãng nhách như thường lệ. Nhưng với Hela, giờ đây Asgard và cuộc chiến ngôi vương hiện lên đúng bản chất: Một trò đánh trận giữa các vị thần. Một trò chơi mà kẻ gánh chịu hậu quả là dân thường đáng thương. Idris Elbar có nhiều đất diễn hơn khi trở thành Moses, dẫn dắt đoàn người thoát hiểm trên con đường cầu vồng Bifröst.
Các màn hành động của Thor: Ragnarok hấp dẫn tôi hơn hẳn các phim trước của Marvel, dù tần suất không nhiều bằng. Một phần nhờ vào tư duy hình ảnh của Waititi, phần khác do các bản nhạc nền có không khí riêng của Mark Mothersbaugh. Cảnh đánh đấm cuối trên cầu gợi tôi nhớ đến Wonder Woman, với lối dùng nhạc hoành tráng tương tự. Âm nhạc đáng nhớ cũng là một thiếu sót thường xuyên của Marvel, và giờ đã được khắc phục. Vẫn còn khá xa để gọi là phim xuất sắc, nhưng Ragnaroklà tác phẩm đưa tính giải trí của vũ trụ Marvel lên một tiêu chuẩn mới. Từ trước đến nay, luôn cảm thấy việc phải đảm bảo sự vui nhộn đã giết chết những tác phẩm lẽ ra có thể hay hơn, nghiêm túc hơn như Captain America: Civil War. Nhưng nếu là vui theo kiểu Waititi, không có lí do gì để từ chối Thor: Ragnarok.