WONDER WOMAN

bởi Phan Cao Hoài Nam
1.2K lượt xem
A+A-
Reset

Wonder Woman là phim siêu anh hùng hay nhất của DC, tính đến thời điểm này, là điều không cần bàn cãi. Nhưng đây còn là một trong những phim hay nhất của dòng siêu anh hùng nói chung, vì làm được điều mà rất hiếm phim siêu anh hùng làm được: Xóa đi ranh giới giữa thế giới người hùng và đời thật. Một phim được đầu tư chỉnh chu và nghiêm túc, thể hiện ngay từ thời lượng 2 giờ 21 phút của một phim nghệ thuật, và có lẽ, được nữ đạo diễn Patty Jenkins đối xử như một phim nghệ thuật. Một Rogue One của vũ trụ điện ảnh DC, và tôi thích nó.

Wonder Woman mở đầu bằng một bức ảnh cũ, là cách của những phim chiến tranh. Bruce Wayne (hay Batman cho những ai chưa biết) tìm được tấm ảnh tư liệu này từ thời thế chiến thứ nhất, và gửi cho Diana (Gal Gadot). Bức ảnh đen trắng có “công chúa chiến binh” đứng giữa những người lính khác, đã được gợi ý trong Batman v Superman. “Tôi muốn nghe câu chuyện của cô,” anh viết kèm theo. Nhưng khán giả sẽ là những người biết câu chuyện đó trước Bruce, về nguồn gốc của nàng chiến binh Amazon mạnh mẽ.

Những dòng kí ức đưa Diana trở lại thành một cô bé con ở hòn đảo Themyscira, nơi tộc chiến binh Amazon đang sống yên bình. Truyền thuyết kể rằng họ là những người duy nhất có thể chiến thắng thần chiến tranh Ares để cứu lấy thế giới, một khi hắn trở lại. Diana mơ sẽ trở thành người chiến binh ấy, nhưng bị mẹ là nữ hoàng Hippolyta (Connie Nielsen) can ngăn. “Con không phải người đó!” Bà quá yêu con để bắt nó phải đi theo con đường ấy, và còn một lí do khác sẽ tiết lộ sau. Nhưng như đã được Disney chứng minh, con cái nào chịu nghe lời cha mẹ? Diana lén lút luyện tập với người dì Antiope (Robin Wright). Một ngày nọ, số phận tìm đến cô dưới hình dạng của phi công Steve Trevor (Chris Pine), một điệp viên Anh đang bị truy đuổi bởi quân Đức.

Thành thật mà nói, mở đầu của Wonder Woman là phần tệ hơn cả. Cũng giống như mở đầu của Man of Steel, kể về quê hương của Superman, là một tập hợp của các cảnh trí CGI và những mối quan hệ mờ nhạt. Nhưng nội dung chính của phim không phải diễn ra ở Themyscira, mà là ở “mặt trận” thế chiến. Giữ trong tâm trí ý tưởng ngây ngô rằng sự xấu xa của con người là do Ares đầu độc, Diana cùng Steve rời khỏi đảo, để tiêu diệt hắn. Còn với chàng điệp viên, nhiệm vụ là ngăn chặn tướng lĩnh quân Đức Ludendorff (Danny Huston) – kẻ đang muốn phá hoại hiệp ước đình chiến bằng cách nghiên cứu thứ chất độc hàng loạt, cùng với nữ tiến sĩ độc dược Maru (Elena Anaya).

Đó là lúc bộ phim mới thật sự bắt đầu, và cứ từng phút trôi qua, lại càng trở nên tốt hơn. Và cứ tốt hơn mãi. Wonder Woman mang dáng dấp của một phim trưởng thành (coming of age) dành cho siêu anh hùng. Diana là cô bé lần đầu bước ra thế giới, với tất cả sự ngây thơ trong sáng của một cô bé, từng chút một học hỏi sự phức tạp của nó. Tất cả những điều đẹp đẽ và xấu xa, ánh sáng và bóng tối, tin tưởng và lừa lọc… để cuối cùng nhận ra hiện thực rất khác với những tư tưởng cổ xưa truyền lại. Rằng thế giới này không chỉ có hai màu trắng và đen, và không có thứ gì dễ dàng như việc có thể loại bỏ chiến tranh, chỉ bằng cách diệt một vị thần.

Điều đáng khen đầu tiên ở bộ phim này, là kịch bản, với những thay đổi đáng giá so với cốt truyện comic gốc. Trong truyện, bối cảnh xuất hiện của Wonder Woman là ở thế chiến II. Nhưng bộ ba biên kịch Allan Heinberg (kịch bản chính), Zack Snyder và Jason Fuchs (xây dựng câu chuyện), đã quyết định lùi về thế chiến I. Wonder Woman luôn là một biểu tượng nữ quyền mạnh mẽ, và cần có một lớp nền làm bật điều đó. Thế chiến I cung cấp được điều đó một cách hợp lí, như cảnh phim Diana vào phòng họp toàn đàn ông và bị kì thị. Ngoài ra, đây còn là lần đầu tiên nhân loại đứng trước một cuộc chiến toàn cầu, lần đầu tiên các vũ khí hàng loạt như khí độc được sử dụng. Nhân loại chia sẻ với Diana cùng sự ngây thơ trước những gì xảy đến.

Nhưng sức mạnh thật sự của kịch bản này đến từ sự thấu hiểu. Thấu hiểu lớp nền và bản chất của thần thoại Hi Lạp, trong việc giải thích nguồn gốc thiện ác con người, và lồng ghép nó vào hình tượng siêu anh hùng một cách đủ sâu sắc. Wonder Woman có thể xem là một phản đề với thần thoại Hi Lạp, nơi gợi cảm ứng sáng tạo nên các anh hùng DC, hoặc là một tiếp đề, khi đặt ra một giả thuyết khác về thần chiến tranh Ares. Tuy nhiên, điều khó khăn là đưa những các tư tưởng này áp vào một câu chuyện cụ thể. Kể từ khi Marvel xây dựng nên vũ trụ điện ảnh của họ, các người hùng đã trở nên rất gần gũi, nhưng chưa bao giờ đủ gần để xóa nhòa ranh giới với hiện thực. Marvel đã thử, và chưa thành công, với hai phần Captain America 1 và phần 3 Civil War, phần đầu cũng lấy bối cảnh thế chiến, và phần sau là thời hiện đại. Khi những nhân vật mặc đồ hóa trang xuất hiện, ta vẫn có cảm giác họ có chút gì “trẻ con” đế áp vào các vấn đề nặng nề như nguồn gốc chiến tranh hay khủng bố.

Những phim hay nhất là những phim khiến ta tin rằng các người hùng là có thật ở thế giới thực, như bộ ba Batman của Christopher Nolan hay WatchmenWonder Woman là bộ phim kế tiếp. Ta thấy được sự vững chắc trong cách khai thác vấn đề của phim, cũng như sự kết hợp giữa chất giải trí và nghệ thuật trong đó. Ở mặt giải trí, không còn là việc phải nhét chui nhét nhủi các phân cảnh hài hước vào phim vì sợ hãi, lần này các biên kịch đã chọn đúng hướng khai thác ngay từ đầu: Sự tương phản giữa Diana và mọi thứ xung quanh. Khai thác sự tương phản, nếu làm đúng, luôn là cách tuyệt vời để làm bật vấn đề. Các chi tiết, lời thoại ngây thơ của cô gái Amazon, khiến ta bật cười, và cùng lúc đó, biến cô thành gần gũi. Diana chính là đứa trẻ trong mỗi chúng ta, thắc mắc đúng những điều ta thắc mắc khi biết về chiến tranh và hận thù. Vì sao con người phải giết hại lẫn nhau? Vì sao phải có chiến tranh? Làm thế nào để kết thúc nó mãi mãi? Có thể nào tồn tại hòa bình vĩnh viễn hay không? Giống như Diana, đến cuối cùng, ta không biết câu trả lời. Và cũng giống như cô, ta biết rằng điều duy nhất có thể làm, là tin tưởng và cố gắng.

Wonder Woman cũng tránh được điểm yếu của 99% phim siêu anh hùng hiện tại, là tạo ra một nhân vật phản diện vô nghĩa. Có lúc, như khi gã tướng Ludendorff hít vào luồng khói tăng cường sức mạnh, tôi đã nghĩ thế là hỏng rồi. Nhưng khi kẻ phản diện thật sự hiện ra, đó là một cấp độ khác. Thứ tạo nên cấp độ đó là “mục đích”. Mỗi nhân vật phản diện trong phim là một con người với mục đích và tính cách rõ ràng. Ludendorff đại diện cho những kẻ yêu thích chiến tranh, tin rằng chiến tranh là thứ khiến con người tiến hóa. Nữ tiến sĩ Maru đại diện cho bi kịch của phụ nữ, bị sử dụng như công cụ, không phải con người. Họ “thật” không chỉ nhờ sự nhất quán trong hành động và tư tưởng, mà còn nhờ các chi tiết nhỏ khắc họa, như khi cả hai bật cười khoái trá sau khi đầu độc đám tướng lĩnh. Còn kẻ phản diện chính, với những câu thoại sâu sắc về nguồn gốc cái ác, ta không thể đánh đồng hắn với những “phản diện giấy” khác. Nếu thật sự xem xét, kẻ phản diện thật sự trong phim là Luciffer, là quỉ dữ. Vì quỉ dữ không tạo ra cái ác, hắn tạo ra mảnh đất cho cái ác nảy mầm.

Một kịch bản tốt còn là kịch bản tận dụng được các tuyến truyện phụ. Ở đây, là ba nhân vật phụ trong “đạo quân” của Steve. Đó là chuyên gia cải trang Sameer (Saïd Taghmaoui), một người tháo vát luôn tìm được cách sống sót. “Tù trưởng” (Eugene Brave Rock), một kẻ cơ hội kiếm sống nhờ cả hai phe. Và Charlie (Ewen Bremner), một tay súng bắn tỉa cừ khôi nhưng cả phim không bắn nổi một viên đạn, chỉ say xỉn. Họ là những gương mặt người của chiến tranh, bằng cách này hay cách khác, dạy cho Diana hiểu về hậu quả tàn khốc của nó. Tất nhiên, ta không thể so sánh họ với các hình tượng trong phim chiến tranh thật sự, nhưng ta cảm thấy bị thuyết phục, giống như Diana. Một phần nhờ vào cách xây dựng bối cảnh chân thực. Khi Diana lướt qua những con phố châu Âu đổ nát, giữa những bức tường cháy đen vì bom đạn, tôi có cảm tưởng như đang ở trong không gian của Call of Duty vậy.

Wonder Woman là phim về nữ siêu anh hùng đầu tiên do một nữ đạo diễn chỉ đạo. Nếu ai từng xem qua Monster (Quái vật, 2003), sẽ không thể quên cái tên Patty Jenkins. Bà mang đến cho bộ phim chất nữ tính mềm mại, bằng việc xử lí khéo léo chuyện tình giữa Steve và Diana (Steve là người đặt họ cho cô, Prince, và ai là người có quyền đặt họ cho một cô gái?) Có một cảnh ở sân bay bỗng nhiên gợi tôi nhớ đến Casablanca, dù không hẳn liên quan lắm. Có lẽ là do sự tương đồng ở mặt tình cảm, ở sự ngọt ngào và đắng cay. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn, là cách bà xử lí các cảnh hành động, nhất là lối dùng slow motion. Có chút lạm dụng và thiếu tự nhiên ở những cảnh đầu tiên, tại đảo Themyscira, nhưng càng về sau càng mượt mà. Và ở những cảnh cần phấn khích, Jenkins bắt ta phải phấn khích thật sự. Bà xử lí các trường đoạn hành động song song cũng khéo léo và đã mắt như bất kì đạo diễn nam giỏi nhất nào ở việc này.

Gần như mỗi bài bình luận đều sẽ dành từ “đẹp” để nói về Gal Gadot trong Wonder Woman. Có vẻ hơi thừa thãi với người từng đạt danh hiệu hoa hậu Israel, một trong những dân tộc đẹp nhất thế giới. Nhưng vẻ đẹp hình thể là vô nghĩa trong điện ảnh, quan trọng hơn là “đẹp” về khía cạnh nhân vật, là diễn xuất, khí chất, và sự hòa quyện tự nhiên với cốt truyện. “Gadot sinh ra là để trở thành Wonder Woman” là lối nói hơi sáo mòn, nhưng không thể đúng hơn trong trường hợp này. Đó là cảm giác của nhiều người trong chúng ta, khi thấy cô xuất hiện trong Batman v Superman. Cô không phải là người của những biểu cảm nội tâm sâu sắc, bây giờ và có lẽ sau này, nhưng toát ra sức hút như thỏi nam châm trong vai Diana. Ta không hề thấy sự giả tạo khi cô thốt lên những suy nghĩ ngây thơ, hay khi ăn cây kem đầu tiên với vẻ thích thú của một đứa trẻ, và nói với người bán: “Ông nên tự hào vì điều này.” Nét sáng trong không tì vết của Diana, qua lối diễn như thể chẳng cần cố gắng của Gadot, khiến ta tin thế giới này quả thật không xứng đáng với cô.

Tôi có cảm giác rằng, bởi vì Diana đã quá thu hút như thế, cô sẽ hợp vai với bất kì nam diễn viên nào trong vai Steve. Huống gì đó là một diễn viên giỏi và điển trai như Chris Pine. Tuy nhiên, phải nói rằng chuyện tình này vẫn bị đẩy đi hơi nhanh. Chưa đủ độ dày để tạo thành một tình yêu sâu sắc, mà chỉ là kỉ niệm mới lớn ngọt ngào của Diana. Cùng trường hợp này, Rogue One có lựa chọn hợp lí hơn là tình đồng đội. Nhưng chút điểm yếu không làm đoạn kết bớt cảm xúc đi, trong bộ phim siêu anh hùng hay nhất của DC, và có thể là cả thế giới người hùng nói chung, trong những năm qua.

Tôi nghĩ DC không chỉ có một, mà đến hai “Wonder Woman” sau bộ phim này: Gal Gadot và Patty Jenkins. Đây chỉ mới là phim điện ảnh thứ hai của Jenkins, và là lần đầu tiên một phụ nữ đạo diễn phim có nữ chính là siêu anh hùng. 12 năm sau thảm họa Elektra (2005) đã chấm dứt ước mong khai thác các nữ nhân comic của Hollywood, có lẽ đã đến thời điểm ấy. Giống như bức tranh được lan tỏa trên mạng những ngày qua, Diana gánh vác trên vai Batman và Superman, giúp DC trở thành đối trọng với Marvel. Sau khi phim kết thúc, tôi cảm thấy rằng đoạn logo rất đẹp của DC lúc đầu đã có trọng lượng hơn, và chúng ta nên vui vì điều đó. Marvel hay DC, một là tàn lụi, và hai là tiến lên, luôn như thế, dù điện ảnh hay cuộc sống. Wonder Woman còn đánh dấu bước chân đầu tiên của nữ giới, Patty Jenkins, vào lãnh địa người hùng vốn nằm trong tay các đạo diễn nam, chứng minh rằng họ không hề thua kém. Gal Gadot cứu ngày hôm nay. Patty Jenkins sẽ cứu những mai sau.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00