Con chỉ nhìn thấy được phía trước, không nhìn được phía sau. Vậy con chỉ thấy một nửa sự thật, đúng không bố?” Câu hỏi ngây ngô của từ cậu con trai là chủ đề chính của Yi Yi (Nhất Nhất, 2000), bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh Đài Loan hiện đại. Không ai trong gia đình ba thế hệ của cậu bé biết về nhau nhiều hơn một nửa sự thật. Người biết tất cả, cũng như hiểu rõ những nỗi đau, nỗi sợ hãi, những khát khao giấu kín của mỗi người, là khán giả.
Sau câu hỏi ngây ngô ấy, cậu bé Yang Yang trong phim đã tìm ra cách giải quyết. Với chiếc máy ảnh bố cho, cậu cố gắng chụp lại phần gáy của từng người cậu gặp. Trong suy nghĩ trẻ thơ của mình, Yang nghĩ rằng như thế sẽ giúp họ thấy được những gì họ không thấy, từ đó biết được những gì họ không biết. Tất nhiên, thế giới người lớn phức tạp hơn, và những gì giấu kín là vô hình.
Như bố cậu NJ (Nien-Jen Wu), một kĩ sư làm việc trong ngành game. Mọi người nhìn vào NJ như một người đàn ông thành đạt, đáng tin cậy, và là trụ cột gia đình. Nhưng ông chưa bao giờ yêu thích công việc hiện tại, cũng như phù hợp với nó. NJ là một người trung thực lạc lõng giữa ngành công nghiệp lừa lọc và chạy theo lợi nhuận này. Một dịp tình cờ, ông gặp lại người yêu cũ là Sherry, sau 30 năm. Cô vẫn yêu ông và muốn nối lại tình xưa.
Trong khi đó, mẹ cậu bé đang trải qua cuộc khủng hoảng trung niên. Một phụ nữ tận tụy hết mực với chồng con, không có dấu hiệu bất ổn nào, cho đến khi một sự kiện lớn xảy ra: Bà nội Yang Yang gặp tai nạn, dẫn đến hôn mê. Các bác sĩ khuyên rằng các thành viên gia đình phải thay nhau trò chuyện với bà, để tăng khả năng hồi phục. “Em chẳng còn gì để nói với mẹ cả. Chỉ toàn là những điều lặp đi lặp lại. Sao đời em lại vô vị đến vậy?” Một ngày nọ, mẹ ngồi bên giường bệnh, òa khóc với bố cậu. “Lỡ như ngày nào đó em cũng giống mẹ…” Sau đó, bà bỏ nhà lên núi, tìm kiếm sự cứu rỗi từ tôn giáo.
Tất cả người lớn xung quanh Yang Yang đều có những bí mật. Chú cậu bé, vừa mới cưới vợ vẫn ngoại tình với một phụ nữ khác và đứng bên bờ vực phá sản. Chị cậu Ting-Ting (Kelly Lee), một học sinh trầm lặng và buồn rầu, đem lòng yêu bạn trai của cô bạn thân. Cô bạn này đang gặp rắc rối với người thầy dạy nhạc “vụng trộm” với mẹ mình. Trong khi đó, cậu bạn trai thì bị ám ảnh với bạo lực và giết người… Những lát cắt cứ thế mở ra, về những con người vẫn gặp gỡ và chuyện trò với nhau hàng ngày, nhưng không hề biết gì về nhau.
Yi Yi là bộ phim mang đậm dấu ấn cá nhân của đạo diễn Edward Yang, người dẫn đầu làn sóng mới của điện ảnh Đài Loan những năm 90. Không phải ngẫu nhiên cậu bé Yang Yang trong phim trùng tên với ông, cả việc cậu cố bắt lấy những “hiện thực” xung quanh qua ống kính máy ảnh. Yi Yi có nhiều điểm tương đồng với bộ phim Fanny and Alexander (Fanny và Alexander, 1982) của Ingmar Bergman. Đây cũng là tác phẩm cuối cùng của Edward Yang, trước khi qua đời vì ung thư năm 2007. Và giống như vị đạo diễn huyền thoại Thụy Điển, ông cố gắng tái hiện lại những trải nghiệm tuổi thơ và đúc kết quan điểm nghệ thuật sau một đời làm việc.
Chuyện phim tiếp diễn khi ông bố NJ trong một lần công tác ở Tokyo, đã hẹn gặp lại người yêu cũ. Họ trải qua một tuần bên nhau, ôn lại chuyện xưa, và cùng tìm câu trả lời cho quá khứ không thành đôi. Cô chị Ting-Ting lún sâu vào chuyện tình tay ba, nhưng mãi không tìm được hạnh phúc, như chậu cây trồng không thể nở hoa. Ông chú nọ thì hết phá sản, nợ nần, lại bất ngờ tìm được lối thoát… Yi Yi bắt đầu bằng đám cưới, kết thúc bằng đám ma, còn ở giữa là một đứa trẻ ra đời, vụ tự tử và giết người. Một trải nghiệm đời người được chia đều cho các nhân vật, từ thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, trưởng thành, đến tuổi già.
Cốt truyện của Yi Yi, nếu là phim truyền hình, chắc hẳn sẽ đầy kịch tính. Nhưng dưới góc nhìn của Edward Yang, những sự kiện trong phim xảy ra một cách bình thản. Dài đến ba giờ đồng hồ, Yi Yi có không khí của một phim tài liệu gia đình. Nếu Bergman ưa thích các thủ pháp siêu thực, Yang trung thành với hiện thực. Ông không sử dụng một cận cảnh nào trong phim, chỉ dùng trung và toàn cảnh. Khung hình của phim giống như một ống kính khác của Yang Yang, nhưng nhiệm màu hơn, soi chiếu vào những góc khuất của những người thân. Các nhân vật thường chỉ xuất hiện ở một góc bối cảnh, nhỏ bé và lạc lõng, như chính cuộc đời họ.
Xem Yi Yi, nhiều người hẳn sẽ nhớ đến câu thoại nổi tiếng trong Léon: The Professional (1994). Khi nhân vật bé gái của Natalie Portman hỏi người chú hàng xóm: “Liệu khi cháu lớn lên, đời có bớt khổ không hơn không?” “Vẫn thế thôi”, ông trả lời. Liệu có bất kì khoảng thời gian nào trong đời, mà người ta được hưởng hạnh phúc trọn vẹn? Edward Yang, qua Yi Yi và các phim khác, có cùng quan điểm với Léon. Dù ở bất kì tuổi nào, người ta cũng chỉ biết một nửa sự thật. Và vì thế, chỉ được hưởng nửa phần hạnh phúc, nếu may mắn.
Giống như các đạo diễn hiện sinh phương Tây, Yang sử dụng một nhân vật ảo trong phim để nói lên tư tưởng này: Thời gian. Con người hình dung đời mình thành các giai đoạn, nhờ những mốc thời gian. Trong Yi Yi, vị đạo diễn đặt các mốc này song hành với nhau. Chuyện tình hiện tại của cô con gái diễn ra cùng lúc với cuộc gặp gỡ người yêu cũ của bố. Họ là quá khứ và tương lai của nhau. Một cậu bé ra đời trong lúc bà nội của nó đang chết dần, là hai đầu mút của sinh mệnh. Còn giữa hành trình, là đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố, những giấc mơ tan vỡ, những cơ hội bỏ lỡ, những tiếc nuối… mà bất kì ai trong chúng ta cũng sẽ cảm thấy đồng cảm.
Trung tâm của bộ phim là NJ, đang phải trải qua những biến động lớn, cả công việc lẫn gia đình. Nhưng trước tất cả, ông chỉ khoanh tay lùi lại, chứng kiến nhiều hơn can thiệp. Đây là thời điểm ông buộc phải nhìn lại những được mất trong đời. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, như từ một người bạn Nhật Bản trong cuộc nhậu: “Sao ta lại sợ hãi những lần đầu tiên? Mỗi buổi sáng đều mới mẻ. Mỗi ngày đều là duy nhất. Ta có sợ thức giấc đâu? Sao ta phải sợ lần đầu tiên?” NJ chỉ mỉm cười, cúi đầu không đáp. Sẽ đến lúc ta phải cúi đầu trước những câu hỏi, vì không có câu trả lời nào. Chỉ có những lựa chọn. Như trở về nhà là một lựa chọn. Đi cùng Sherry, cô người yêu cũ, là một lựa chọn khác.
Giống như NJ, tất cả nhân vật trong Yi Yi đều phải lựa chọn. Điều khiến họ đáng quan tâm, và mang đến những khoảnh xúc động trong phim, là việc cuối cùng họ đều chọn trách nhiệm và đương đầu sóng gió. Khi những góc khuất trong tâm hồn họ hé lộ, ta không hề thấy ghét bỏ, mà càng trân trọng hơn. Cuộc sống càng khó khăn, những giá trị về tình yêu, tình cảm gia đình, càng lấp lánh. Còn với Edward Yang, chân lí của ông trong điện ảnh được thể hiện qua lời thoại của cậu bạn trai Ting-Ting: “Nhờ có phim ảnh, ta có thể sống nhiều cuộc đời hơn.” Cuộc sống và con người Đài Loan chưa bao giờ hiện lên gần gũi và sống động đến thế, cho đến khi ta bắt gặp ống kính của Yi Yi.