YOU, THE LIVING

bởi
2.1K lượt xem
A+A-
Reset

Một người đàn ông thức giấc và nói rằng ông ta mơ thấy ác mộng. Một phụ nữ phốp pháp nghiện rượu khóc lóc, cho rằng không ai có thể hiểu mình. Một bác sĩ tâm lí sau 27 năm làm việc từ bỏ niềm tin rằng mọi người đáng được hạnh phúc, vì tất cả đều ích kỉ như nhau. Đó là 3 trong số 50 phận đời buồn bã được khắc họa trong bộ phim Thụy Điển You, the Living (Bạn, kẻ đang sống, 2007).

Indonesia có một họa sĩ sách tranh nổi tiếng Tjong Khing The, với lối vẽ rất độc đáo. Mỗi trang vẽ của ông có rất nhiều nhân vật và câu chuyện riêng biệt, phát triển theo những nhánh riêng. Để theo dõi một câu chuyện, độc giả phải chú ý vào một khu vực nhỏ trên trang giấy. Theo dõi câu chuyện khác, họ phải dời mắt sang khu vực khác, dù trên cùng một trang. Phong cách này là một kiểu khái quát hóa cách thức cuộc sống vận hành: Một tập hợp của nhiều số phận cùng tồn tại, tương tác trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau.

Giới hạn của điện ảnh là chỉ kể được một câu chuyện, một nhân vật chính cho một bộ phim. Có những thể loại cho phép nhiều hơn một, nhưng cố lắm cũng khó qua hàng chục. Vậy còn một thành phố, với tất cả những con người sống ở đó? Và không phải thoáng qua, mà sâu tận những nỗi buồn, nỗi sợ hãi, khổ đau của từng người, một cách chân thực và ám ảnh? Roy Andersson, một trong những đạo diễn Thụy Điển vĩ đại nhất còn sống, làm điều đó trong You, the Living bằng cách thức của Tjong Khing The. Ông biến những khung hình thành một bức tranh, không có cắt cảnh, không hiệu ứng. Như thể một camera tình cờ đặt trên phố, nơi mỗi nhân vật đều đang tiếp tục đời sống riêng. Chúng ta muốn theo dõi ai, buộc phải chú ý đến sự xuất hiện của họ, dù ở trung tâm hay chỉ một góc khung hình.

Cho đến nay, lối làm phim này vẫn chưa từng lặp lại bởi sự kì công quá mức. Ví dụ trong phim có chuyện về cô bé gặp gỡ ca sĩ thần tượng trong quán rượu. Cô ngại ngần khen ngợi tài chơi nhạc của anh ta và được mời uống chung vài ly rượu. Một cảnh khác, chúng ta thấy cô đi vào một căn phòng, có vẻ nhầm lẫn giờ diễn ban nhạc anh chàng ấy chơi. Cảnh khác nữa, và phải cực kỳ chú ý, người xem mới nhận ra anh chàng trong hàng người mua vé tàu rời khỏi thành phố. Không có nhiều chi tiết, không diễn giải, không phân cảnh nào chen giữa. Nhưng đó là câu chuyện về một cặp đôi gặp gỡ, yêu nhau, rồi chàng ca sĩ lừa cô gái bằng lịch diễn sai, rồi ra đi. Người xem phải tự nối kết và suy đoán.

Điều này phá vỡ những giới hạn, và tạo ra một thực tế cực kì sống động trên màn ảnh. Có một người đi cắt tóc. Anh chàng thợ cạo vì cãi nhau với vợ đã bực tức cạo trọc mái đầu ông ta. Ông trọc đến dự một cuộc họp, nơi vị CEO bỗng lăn ra chết vì đột quị. Trong đám tang ông CEO, người hát tang là một phụ nữ sẽ xuất hiện trong một cảnh khác, với người khác. Và cứ thế tiếp diễn. Những câu chuyện tự đan xen, kết nối, không cần lời dẫn hay cốt truyện rõ ràng. Một thế giới thu nhỏ và vận hành đúng như cuộc đời thật.

You, The Living được xem là một trong bộ ba phim triết học nổi tiếng của Roy Andersson. Hai phim còn lại là Song from the Second Floor (Ca khúc từ lầu hai, 2000) và A Pigeon Sat on a Branch Reflecting on Existence (Con bồ câu ngồi trên nhánh tồn tại, 2014). Nhưng đây là phim mà chất triết được tiết chế, để dành chỗ cho cảm xúc người. Một cách đơn giản, bộ phim là sự lặp lại của những hoạt cảnh, trong đó người ta nói về nỗi khổ đau, ước mơ tan vỡ, sự thất vọng, nỗi sợ hãi… của bản thân mình.

Thỉnh thoảng, những cảm xúc ấy được thể hiện bằng các giấc mơ. Một người đàn ông mơ thấy máy bay ném bom kéo đến. Người khác mơ về việc mình làm bể bộ đồ sứ hơn 200 năm tuổi, và bị phạt ngồi lên ghế điện. Cô gái nọ mơ về chuyến tàu hạnh phúc với người yêu, cùng đàn hát và được mọi người chúc phúc. Giấc mơ là biểu hiện rõ nhất của tiềm thức, và chúng ta bỗng thấy đồng cảm sâu sắc với nhân vật. Thỉnh thoảng, các nhân vật lại quay về phía màn hình trò chuyện với người xem. Giống như ta tình cờ gặp ai đó trên phố và nghe họ kể chuyện. You, the Living dẫn truyện lạ lùng như thế, nhưng cực kì hiệu quả. Ban đầu, ta có thể thấy hơi nhàm chán. Nhưng cứ mỗi giây phút trôi qua, người xem càng chìm sâu và sâu hơn vào những cảm xúc giản dị ấy.

Sức tác động của phim được hỗ trợ rất nhiều bởi công tác bối cảnh. Roy Andersson, giống như Christopher Nolan, là những đạo diễn ưa chuộng tính thực tế. Không một cảnh phim nào trong You, the Living sử dụng hiệu ứng máy tính, kể cả đại cảnh máy bay ở cuối phim. Điều đáng ngạc nhiên là gần như tất cả bối cảnh, dù trong nhà hay ngoài phố, đều được dựng ở Studio. Nhờ đó, Roy có thể kiểm soát được ánh sáng và tông màu xám xịt, biểu thị tâm trạng chung của các nhân vật. Ngay cả những tia chớp cũng có dụng ý: Chúng không đổ bóng. Không có bóng tối, nghĩa là không có nơi lẩn trốn hay che giấu, cho bất kì ai.

Vậy có lợi ích gì khi xem một bộ phim chỉ toàn nỗi buồn, như You, the Living? Không phải một, mà đến 50 nỗi buồn cứ lẩn khuất trong không gian? Sự thật, phim vẫn có chất hài hước được Roy sử dụng tinh tế. Nhưng đó không phải là kiểu hài khiến ta bật cười. Giống như các phim của Wes Anderson, đó là kiểu hài xúc tác để đẩy nỗi buồn đến tận cùng. Không có cả hi vọng, giống như lời ông bác sĩ tâm lý: “Tôi đã dành cả đời cố gắng khiến người khác hạnh phúc. Không đến đâu cả.” Ông chủ quán rượu luôn nói: “Ngày mai là một ngày khác!”, câu thoại nổi tiếng trong Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió, 1939), nhưng ở quán ông luôn là giờ đóng cửa. Vậy vì sao ta cần xem bộ phim này?

Hãy để ý đến tựa đề phim, rõ ràng không phải để nói về các nhân vật. Đó là phản đề của phim khi đề cập đến các nhân vật: Họ, đang chết. Đôi khi, người ta cần phải chìm vào khổ đau để biến trân trọng niềm vui, hạnh phúc. Đôi khi, người ta cần phải thật gần với cái chết, để biết trân trọng sự sống. Cả bộ phim là một phản đề lớn dành cho bạn – người xem: Bạn đang sống!

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00