Trang chủ Blog NHỮNG NGÀY CHERNOBYL

NHỮNG NGÀY CHERNOBYL

bởi
1.5K lượt xem
A+A-
Reset

Có một cảnh phim trong Chernobyl rất phù hợp để miêu tả Sài Gòn hiện tại. Ở tập đầu tiên, khi lò phản ứng phát nổ, nhiều người dân đã tụ tập ở một chiếc cầu gỗ để nhìn ngắm cột sáng xanh phía xa. Những gia đình với trẻ em, một ông bố bế cô con gái, vài cặp đôi cười nói. Góc quay chậm thấy rõ cả những hạt bụi, thực chất miêu tả thứ vô hình chết chóc đang xâm chiếm vào từng tế bào ở cây cầu tử thần, là phóng xạ hạt nhân.

Những ngày này ở Sài Gòn cũng thế. Mọi người sợ hãi một thứ vô hình là virus Corona. Nó dường như không ở đâu cả nhưng lại như ở mọi nơi. Mọi thứ đều ngưng trệ và những bánh răng xã hội trở nên chậm chạp.  Những thứ tưởng như quan trọng bỗng chốc hóa vô nghĩa. Phim ảnh là một trong số đó. Rạp phim ngưng chiếu. Các phim sắp sửa phát hành phải dời lại. Các phim đang quay phải tạm hoãn. Phim ảnh trở nên nhỏ bé và tầm thường khi so với dịch bệnh, cũng như mọi thứ khác. Đối mặt với cái chết, mọi thứ đều vô nghĩa.

Tôi nhớ những ngày cuối năm 2012, khi dần đến ngày tận thế nào đó, bầu không khí cũng giống như thế này. Lúc đó không có dịch bệnh nào cả, trừ căn bệnh trong tâm trí non nớt của tôi. Trong căn phòng nhỏ, tôi xem một bộ phim hài lãng mạn hợp thời là Seeking a Friend for the End of the World. Câu hỏi phim đặt ra là, ta sẽ làm gì nếu biết tối nay là buổi tối cuối cùng. Nếu không có gì quá đột ngột, bất kì ai trong chúng ta cũng sẽ đến lúc đối mặt câu hỏi đó. Tôi không nhớ lúc đó mình đã chọn gì, nhưng có lẽ gần tương tự với bộ phim, là ở cạnh người mình thương yêu nhất. Hầu hết mọi người đều chọn thế, hoặc ít nhất là nghĩ thế.

Giờ đây, lựa chọn thực tế nếu có có lẽ ít màu sắc lãng mạn như trong phim. Nó có lẽ mang màu sắc nổi loạn hay điên loạn nhiều hơn, như loạt phim Breaking Bad đã chỉ ra. Một phim xoay quanh vấn đề có lẽ là thật nhất trong mọi vấn đề của con người, mang tính triết học cơ bản nhất, là đối mặt với cái chết như thế nào. Khi ấy, những hình mẫu về ý nghĩa mà xã hội cố gắng áp vào con người – Seeking a Friend là một trong số đó – bỗng trở nên tầm thường. Chúng chỉ lừa được ta khi ta còn non nớt hoặc yên bình, sống trong một chuỗi an toàn tạm thời lặp đi lặp lại. Chỉ khi cái chết đến, ta mới thật sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm ý nghĩa của đời mình. Vì có gì đáng sợ hơn nữa đâu?

Một câu nói cũ và sáo mòn là con người phải tự chọn lấy ý nghĩa cho sự tồn tại này. Hoặc khi hoàn cảnh đến, ý nghĩa sẽ tự tìm đến con người. Chúng ta chẳng là gì hơn những kiểu mẫu ghi chép vô số cách phản ứng và tự học hỏi giữa bản thân với môi trường, tinh vi hóa theo thời gian và được gọi là ý thức, với mục đích duy nhất là thích nghi và sinh tồn. Không có gì đau khổ hơn là nhận thức rằng bản thân sự sinh tồn cũng không có nghĩa, mà chỉ tự xảy ra. Everything just happens. Nó cũng có thể không xảy ra và không sao cả. Bất kì điều gì ta làm hay không làm đều chỉ là một vệt nhỏ vô nghĩa đến mức không tồn tại trên thang đo vũ trụ.

Vậy tự do có lẽ là nhận thức rằng ta có thể làm bất kì điều gì và chịu trách nhiệm cho chúng. Kurono từng nói thế trong Gantz, trong một căn phòng, gần ngày tận thế. Nhưng giữa suy nghĩ và hành động là hàng năm ánh sáng và phương tiện duy nhất rút ngắn khoảng cách ấy là cái chết.

My Baby Blue.

Kept you waiting there too long, my love.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00