Trang chủ Blog MỘT NƠI GỌI LÀ NHÀ

MỘT NƠI GỌI LÀ NHÀ

bởi
681 lượt xem
A+A-
Reset

Hầu hết những bài hát tiếng anh có chữ “Home” đều là những bài hát hay. Home của Michael Bubbles, nổi lên ở Việt Nam cách đây vài năm từ màn trình diễn tại chương trình Got Talents. Home của nhóm với cái tên khá dài Enward Sharpe & The Magnetic Zeros, lại được biết đến nhờ hai bố con nhà Narvaez. Coming Home của Stratovarius. Một bản nhạc đồng quê khá giàu cảm xúc trong phim Bolt là “There is no home like the one you’ve got”. Và gần đầy nhất, trong phim Shaun the Sheep The Movie, bản Home của Foo Fighters.

Nhưng bản nhạc gợi cho tôi niềm nhớ thương nhiều nhất (dù không có “Home” trong tựa), là một bản dân ca quen thuộc của Mỹ và Châu Âu, giai điệu có lẽ ai cũng đã từng nghe qua. Bản Five Hundred Miles, gần đây được Justin Timberlake và Carey Mulligan hát lại. Tất nhiên, âm nhạc và giọng hát không thể mang đến không khí như của The Brothers Four mà tôi thường nghe. Tam ca gia đình Peter, Paul và Mary, trong một bản phối có phần hiện đại hơn với tiếng Harmonica, cũng hát khá tốt. Dẫu rằng nhịp độ nhanh trong giai điệu không hợp lắm với tôi.

Tối hôm qua, tôi trò chuyện lại với một người bạn cũ. Một tập hợp của những sự tình cờ. Khi tôi vừa đọc xong quyển “Khởi sinh của cô độc” của Paul Austen, như mọi khi, ông lại viết về những sự kiện ngẫu nhiên, tình cờ, không ý nghĩa, nhưng lại kết nối những con người và những cuộc đời một cách kỳ lạ. Tôi và bạn lâu ngày không gặp, không liên lạc, và buổi trưa, trong khi nói chuyện với một người bạn khác, vô tình có nhắc đến. Đến tối, bạn xuất hiện và chúng tôi nói chuyện khoảng 3 tiếng. Paul có một đoạn văn rất hay về những điều dễ khiến chúng ta kinh ngạc như vậy, khi đang ngân nga một bài hát đã lâu không nghe, bỗng nhiên nó vang lên từ một chiếc loa ở đâu đó, khi ý nghĩ vừa thoáng qua về một người ta không biết đang ở đâu, họ đột nhiên xuất hiện, hay khi ta gặp lại một đồ vật ta đã gặp trước đó, đúng là nó, ở một nơi cách xa chốn cũ đến mức phi lý và không có lý do gì để nó tồn tại ở đây. Paul viết về những điều đó, phản ánh lại với chúng ta ở sự khát khao ý nghĩa ở những điều ngẫu nhiêu. Tôi xin trích dẫn lại:

Giống như tất cả mọi người, anh khao khát một ý nghĩa. Giống như tất cả những người khác, cuộc đời anh quá vụn vặt đến nỗi mỗi lần anh thấy sự liên kết giữa hai mảnh vỡ anh sẽ cố tìm kiếm ý nghĩa cho sự kết nối ấy. Sự kết nối ấy có tồn tại. Nhưng gán cho nó ý nghĩa, nhìn lên khỏi thực tế là nó có tồn tại, thì cũng là xây dựng thế giới tưởng tượng giữa lòng thế giới thực, và anh biết nó sẽ không đứng vững. Vào khoảnh khắc can đảm nhất, anh ôm trọn sự vô nghĩa ấy như một nguyên tắc tối thượng, và rồi anh nhận ra nghĩa vụ của anh là nhìn vào điều ngay trước mắt mình (cho dù nó đồng thời cũng có bên trong anh) và nói ra điều anh nhìn thấy. Anh ở trong căn phòng mình ở phố Varick. Cuộc đời anh chẳng có ý nghĩa gì. Cuốn sách anh đang viết chẳng có ý nghĩa gì… Nó chỉ có nghĩa là chính nó, không hơn, không kém.

Trò chuyện, thực tế giữa tôi và bạn là những đoạn chat trên facebook, mà càng ngày tôi càng cảm thấy khó khăn giao tiếp theo cách này và ngày càng hạn chế. May mắn là, tôi vẫn có được sự quen thuộc với bạn. Một trong những nội dung chính chúng tôi nói đến, là cuộc sống sau cái chết. Tình cờ, một lần nữa, chúng tôi vừa đọc xong những quyển sách liên quan. Với bạn là quyển Journey of Souls của Michael Newton, người đã dành nhiều năm thôi miên người khác để nhìn thấy kiếp trước. Còn tôi là Sự Sống Sau Cái Chết, được viết bởi một bác sĩ Ấn Độ tên Deepak Chopra, ông thì rút ra kết luận bằng cách quan sát và trò chuyện với những bệnh nhân từng trải qua cái chết ngắn. Điểm chung giữa hai quyển sách, là việc họ đều tin rằng có một nơi chốn để trở về sau khi chết đi. Một giả thuyết không mới, rằng có một Nguồn Sống nào đó đã tạo ra những linh hồn, để thu thập kinh nghiệm hoặc thực hiện một “nhiệm vụ”. Khi chết đi, họ sẽ trở lại nơi ấy, trước khi tiếp tục một hành trình khác. Họ miêu tả đó là một nơi dễ chịu, ấm áp, và càng gần với Nguồn Sống hơn, càng có cảm giác thấu triệt và bình yên hơn. Họ gọi nơi đó là “Home”. Nhà của tất cả chúng ta.

“Nhà”, về thực tế, cũng chỉ là một trong những phát minh đầu tiên của loài người. Người nguyên thủy, nhận thấy rằng có một chốn cư trú thì sẽ an toàn và tiện lợi hơn không có: tránh được thú dữ, các mối hiểm họa trong đêm, tránh được mưa gió, các điều kiện thời tiết bất lợi, có chỗ để lưu trữ thức ăn và sinh hoạt bầy đàn, dần tạo thành những cộng đồng giúp họ có sức mạnh sinh tồn lớn hơn. Qua thời gian, khi đời sống quần thể tan rã, và trở thành tính chất cá nhân, nhà vừa vẫn giữ ý nghĩa là nơi cư trú, nơi hiện diện, nơi đánh dấu vị trí cá thể trong xã hội, vừa mang ý nghĩa tình cảm, một nơi thuộc về ta, một nơi bình yên, một nơi có những người thân thuộc, một nơi dễ chịu, một nơi để trở về. Vì thế, tôi không nghĩ từ “nhà” là hợp lý để nói về Nguồn Sống kia, về mặt vật lý, bởi chỉ có “nhà” khi có “không nhà”. Phải có một thế giới ngoài kia rộng lớn hơn và xa lạ hơn, thì mới tồn tại khái niệm góc riêng. Nhưng về mặt ý nghĩa và giá trị, và nhất là cảm giác, có thể chấp nhận được, đơn giản là trở về một nơi mà ở đó mình đã ra đi, một nơi bản thân, cái tôi này là một phần ngay từ đầu và không thể thiếu, một mảnh ghép luôn được chào đón.

Người ta vẫn nói, cuộc sống này là tạm bợ, cơ thể này là lớp vỏ. Phù du. Cuộc sống thật sự chỉ bắt đầu khi chết đi, theo một số quan niệm.

Nếu vậy, tôi chỉ không hiểu rằng, vì sao chúng ta vẫn còn ở đây, nơi xa lạ này? Sao tất cả chúng ta không ngay bây giờ trở về nhà? Câu hỏi về ý nghĩa, chỉ dẫn đến những câu hỏi khác không thể trả lời.

Buổi sáng nay, tôi đọc lại những trang truyện Hỏa Phụng Liêu Nguyên, trong khi chờ đợi download xong phim The Imitaion Game. Đến đoạn cái chết của Quách Gia, vẫn khiến tôi xúc động như thế. “Từ Nha Ai Ca” cho Quách Gia Phụng Hiếu. Điểm xuất sắc của Hỏa Phụng luôn là ở nhân vật, và cách Trần Mưu miêu tả cái chết của họ, đều đầy bi ai, nhưng đều thể hiện được tấm lòng của họ. Không có người tốt, không có kẻ xấu, chỉ luôn là con người và đường đi của họ, tráng chí của họ. Quách Gia một đời mang ác danh, giết hàng vạn người, không phải để đặt nền móng cho Tào Tháo làm bá chủ. Giết dân để giúp dân, chúa công của Tứ Kỳ không phải Tháo, không phải Đại Hán, mà là dân, muốn chấm dứt trăm năm chiến trận bằng cách nhanh nhất, lại phải dùng đến cách tàn bạo nhất. Kẻ giết người, lại là kẻ hiểu được con người. Những lời Tuân Úc nói về Quách Gia, tôi trích dẫn lại ở đây:

Mới đầu, ta cho rằng chỉ cần nâng đỡ hoàng thượng, thiên hạ vẫn có thể cứu được
Có điều, hơn 10 năm sau, các chư hầu trong thiên hạ vẫn giữ binh tự chiếm mỗi phương
Như lời đệ nói, bọn họ vì bản thân, cái thiên hạ thiếu, là một kẻ cứng rắn có thể bức tạo ra sự thay đổi
Đem cái loạn tặc gây họa cho quốc gia đuổi đi
Thiên hạ nếu như không có bá chủ, sẽ chỉ khiến cho tranh đấu trăm năm thời xuân thu lặp lại
Chiến tranh vốn là tàn bạo, bạo quân, nhân quân, thì cũng đều là kẻ giết người
Phàm đã có cái tâm cải cách, căn bản sẽ không để ý đến vinh nhục cá nhân

Cái gọi là cải cách, đặt trong thực tiễn, đều nằm trong dự liệu của đệ
So với trăm năm chiến tranh, sao lại không hủy trong một lúc
Xưa có liệt sĩ hy sinh vì đạo, nay có kẻ vì đại cuộc hy sinh danh dự
Ta… đã chân chân chính chính hiểu được chém giết vì chữ hiếu là do đâu

Cái xấu xa của đời người chân chính, cùng với đại nghĩa hư vô vốn là đối lập
Trong thời loạn thế, sự tham lam không gì cản được biểu lộ ra hết
Trong bát kỳ chỉ có đệ mới hiểu được con người là loại gì
Đệ tự khoe là quạ, từ sớm đã nhìn rõ tất cả

Nhưng mà, quạ vốn là chim hiền, 
Hiền ở chỗ mớm trả
Hiền ở chỗ hiếu thuận
Hiền ở nguồn cội, không ngại xấu xí
Quách Gia ơi,
Quốc Gia ơi…

Tôi tự hỏi, có gì ở nơi Nguồn Sống đó, ở nơi nguồn cội đó, có thể thay thế được cho cảm giác này. Có phải đó là một nơi niết bàn không có đau khổ, nơi mà công chúa Kaguya trở về, ở trên mặt trăng? Cá nhân tôi, khi viết về chữ “tôi” lại dấy lên trong lòng những nhận thức kỳ quặc, nghĩ rằng không có cái “tôi” mà thiếu đi bản thể này, thiếu đi vật chất hữu cơ cấu thành nhân thể, thành chính chúng ta bây giờ. Thậm chí, khi ý thức còn ở dạng sơ khai, khi còn là một đứa trẻ chỉ hành động theo bản năng, hay khi còn bị tác động nhiều bởi ngoại cảnh và chưa thể tự tại, cái “tôi” vẫn chỉ là một dạng thức méo mó và chưa có thật. Con người vốn chỉ nhận thức thế giới bằng giác quan và các chất hóa học, nếu chúng mất đi, cái tôi mất đi, và chúng ta trở về với hỗn độn và trống rỗng. Khi ấy, dẫu cho chốn cực lạc kia có thật, tôi không nghĩ nó mang đến được sự trọn vẹn như khi đang làm người, nghĩa là đang vô cùng thiếu trọn vẹn này.

Nếu phải định nghĩa, có lẽ cái tôi của “tôi” được xác định bằng chính cảm giác tôi đang có, cảm giác trái tim rung lên, nước mắt chực rơi, và đôi mắt nhìn thấy những màu sắc khác, khi chạm vào một thứ gì đó đẹp đẽ. Như “Hỏa Phụng Liêu Nguyên” là một điều đẹp đẽ, chỉ có thể tiếp cận được bằng đôi mắt, bằng trí óc, bằng cả nền văn hóa, nền kiến thức, mức độ hiểu thấu nào đó, mà chúng ta tích lũy qua tháng năm. Nếu có một mục đích nào đó để sống, “nhiệm vụ” mà Nguồn Cội kia giao phó cho mỗi linh hồn, tôi nghĩ chính là ở việc hoàn thiện linh hồn ấy, hoàn thiện chính chúng ta. Sống không phải để hưởng thụ và thỏa mãn những giác quan, những bản năng, mà để học hỏi, để phát triển, để hiểu thấu, để chạm đến những nhận thức ở tầng cao hơn, tình cảm ở tầng cao hơn, vượt qua những giới hạn, tích lũy kinh nghiệm, để trở thành những cá thể vừa độc lập, vừa đại đồng, toàn vẹn, để rồi ngày nào đó, khi linh hồn đã đủ đầy, có thể trở lại “nhà” của mình nơi chốn sau cái chết ấy.

Nhưng nếu nơi ấy không tồn tại, thì tôi không hề thấy tiếc nuối vì đã được ở đây, dù chỉ một lần ngắn ngủi này. Ít nhất, tôi không tiếc nuối khi được là tôi ở hiện tại, ngay lúc này, có đủ những cảm giác và phẩm chất con người, và sống qua một giai đoạn lịch sử của trái đất. Ít nhất, tôi không tiếc nuối khi được ở trên ngôi nhà tạm bợ thứ ba của hệ mặt trời, bên cạnh đồng loại của mình, ở một nơi với đầy đủ, phong phú mọi khía cạnh, một nơi có cả tình yêu và hận thù, có cả nghệ thuật và súng ống, có sự giết chóc, bất đồng, đau đớn diễn ra mỗi ngày, một nơi có ánh nắng, gió, mưa, có núi và thảo nguyên, có băng tuyết, có hoa cỏ, một nơi thật sống động, thật lạ lùng, ngay chỉ ở một chiếc lá, một chiếc lá thật lạ lùng và đẹp đẽ, khi bao nhiêu kỹ thuật hiện đại, bao nhiêu phép màu công nghệ hiện nay cũng không thể tạo ra một chiếc lá mà tự nhiên đã tạo ra hàng triệu năm về trước. Mọi thứ đều quí giá biết bao. Và con người, ở một nơi phong phú như thế này, và hỗn loạn như thế này, tạo ra điện ảnh, nhiếp ảnh, tạo ra âm nhạc, tạo ra nghệ thuật, tạo ra những khoảnh khắc vượt hơn chính mình, những con người nhỏ bé và gần như bị lãng quên Paul Austen nhắc tới, những cảm xúc đã trôi qua như khi người mẹ ngồi nhìn con mình chết dần đi, như một nữ thi sĩ gửi thư cho người yêu như sau, vừa đầy trí tuệ vừa đầy cảm xúc: “Em không có lời nào, anh yêu quí, để viết lá thư này… Em viết nó vào không gian trống rỗng. Có thể anh sẽ quay lại và không thấy em ở đây. Vậy thì đây là tất cả những gì còn lại để anh nhớ về em… Cuộc sống có thể kéo dài rất lâu. Thật khó và mệt mỏi cho mỗi người chúng ta phải chết một mình. Phải chăng đây là số phận dành cho những người không thể tách rời như chúng ta? Những chú cún và bọn trẻ con, liệu chúng ta có xứng đáng với những điều ấy? Anh có xứng đáng với điều ấy không, thiên thần của em? Mọi thứ vẫn tiếp tục như trước đây. Em không biết gì cả. Nhưng em cũng biết tất cả – từng ngày và từng giờ trong đời anh đều rõ ràng với em như trong một cơn mê…”

Khi tôi xúc động vì những dòng chữ ấy, tôi thấy mình vẫn sống và may mắn khi được sống. Và con người nói chung, và việc được làm người nói riêng, có một vẻ đẹp không thể nào so sánh được, dù có ý nghĩa hay vô nghĩa, là một phần của điều gì đó hay đơn lẻ và trống rỗng, dù có được tiếp tục hay sẽ nằm lại cùng với thân thể tan đi trong những lớp đất.

Tôi nhớ một trí tuệ khác của thời đại chúng ta, Carl Sagan, từng viết về một mái nhà thật sự. Một chấm nhỏ giữa vũ trụ, được chụp từ vệ tinh Voyage 1, ở lần cuối cùng nó còn nằm trong hệ mặt trời, trước khi du hành vào khoảng không gian tăm tối chưa từng được biết đến.

Chấm nhỏ đó ở đây. Là tổ ấm. Là chúng ta. Ở đó có những người bạn yêu thương. Những người bạn quen biết. Tất cả những người bạn từng nghe nói đến. Nơi toàn bộ loài người sống và tồn tại. Nơi đó chứa đựng niềm vui nỗi buồn của chúng ta. Hàng ngàn tôn giáo, hệ thống tư tưởng và những học thuyết kinh tế. Từng thợ săn và người đánh bắt. Từng anh hùng và kẻ hèn nhát. Từng nhà khai phá và kẻ hủy hoại nền văn minh. Từng vị vua và người nông dân. Từng đôi tình nhân. Từng người mẹ, người cha, từng đứa con đầy kỳ vọng. Những nhà sáng chế và thám hiểm. Từng nhà tryền giảng đạo đức, từng nhà chính trị tham nhũng. Từng “ngôi sao”, từng vị lãnh tụ. Từng vị thánh và tội đồ trong lịch sử loài người. Đều sống ở đó. Trên một hạt bụi treo lơ lửng giữa tia nắng mặt trời.

Và tôi nhớ đến một cảnh tượng trong bộ manga “Chim lửa” của Osamu Tezuka. Vị đại sư, xuất thân là một tên tội phạm đã giết rất nhiều người, sau đó hiểu ra chân lý cuộc sống, trở thành nhà điêu khắc rồi bị chặt mất hai tay, ngồi trên đỉnh núi cao. Trên ông là mặt trời đang chói lọi. Dưới là cánh rừng, với vạn vật đang sinh sôi, đang sống. Thân ông trải qua trăm ngàn đau khổ, nhưng không một mối hận nào chạm được vào ông. “Tuyệt vời.” Ông nói và nước mắt chảy ra. “Thế giới này đẹp biết bao.” “Ta làm sao vậy? Bị chặt tay cũng không khóc, mà bây giờ lại… Sao ta lại muốn khóc? Sao mọi thứ lại đẹp đến thế?”

Ai cần đến những định nghĩa, và câu trả lời, nhiều hơn thế nữa.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00