Bạn nhắn cho tôi, nói rằng có việc cần trò chuyện. Vậy là tôi trở về nhà và bật máy tính. Chúng tôi chat qua facebook. Hiện tại tôi rất hạn chế nói những việc quan trọng bằng facebook. Nhưng chẳng thể gặp nhau vào lúc này. Qua rồi những ngày tôi có thể thoải mái đến gặp những người bạn, khi họ cần đến, vào bất kỳ lúc nào. Ở tuổi 18, 20 đó là sự lãng mạn. Ở tuổi 25, đó là sự kỳ cục. Chưa kể bạn đã có bạn trai.
Là chuyện bạn bè, bạn nói. Và chẳng phải ai xa xôi, bạn nói tiếp. Tôi hỏi lại, dù biết chẳng thể sai, “là tụi mình sao?” Tụi mình. Nghĩa là những người bạn tính về thời gian đã quen nhau tròn 10 năm, khi bước chân vào lớp 10. Những chuyện giận hờn hiểu lầm đã cũ, trong khoảng thời gian ấy đã diễn ra biết bao nhiêu lần, đến mức chúng ta chẳng còn nhớ. Những vấn đề còn cũ và nhỏ bé hơn nữa. Điều khác chăng, là mỗi lần giận hờn ở hiện tại là một nguy cơ xa cách nhau. Mãi mãi.
Tôi nhớ đến hai người bạn khác, từng là một phần của “tụi mình”. Ngay từ thời trung học cho đến đại học, đã giận hờn và chia cắt, rồi lại làm lành, lần này đến lần khác. Tôi thường xuất hiện ở giữa họ, có thể vì lúc ấy tôi tự tin rằng mình có thể giúp đỡ hay khiến mọi việc tốt hơn, nhưng đa phần là khiến mọi thứ tệ hơn. Tôi từng nói với một trong hai người bạn, khi cô ấy đang khóc, những câu an ủi đại loại như: bạn đừng sầu muộn quá, khi chúng ta lớn lên, chúng ta sẽ nhìn lại những vấn đề tưởng như to tát bây giờ chỉ bằng những vấn đề chúng ta gặp phải hồi bé xíu, những giận hờn và đau khổ bây giờ sẽ trở nên bình thường và ngây ngô. Rồi hai bạn sẽ lại làm bạn như cũ, hoặc như hai người đã trưởng thành, sẽ lại cùng nhau nhớ lại và phì cười vào những gì đang diễn ra bây giờ thôi. Tôi nói thế. Và tôi thật sự nghĩ như thế.
Nhưng tôi đã sai. Không phải tôi sai về điều xảy đến, rằng mọi thứ sẽ trở nên bình thường, nó thật sự trở thành bình thường. Điều tôi sai là, những người bạn vẫn xa nhau. Chỉ là không còn nước mắt, không còn níu kéo, không còn vấn vương.
Trong một chiều mưa vào hè năm lớp 11, có hai hoàng tử và một công chúa đi giữa con đường ngập nước, ướt như chuột lột, cười đùa với nhau, và nói rằng sẽ luôn ở bên và bảo vệ nhau. Giờ thì một hoàng tử và công chúa đã không còn nhìn mặt nhau. Một hoàng tử là tôi bơ vơ đứng lại, không buồn bã vì chứng kiến điều đó, mà buồn bã vì chính mình không hề muốn làm gì để cứu vãn. Tôi chỉ ở đó, trong cơn mưa, và nhìn hai người đi sang hai hướng.
Tôi có cảm giác như đang chứng kiến những cái chết xảy ra trước mắt. Chẳng phải cái chết của con người, những người tôi từng yêu mến và từng yêu mến nhau, mà cái chết dần mòn của ký ức tươi đẹp bên trong tôi, và bên trong họ. Nó chẳng còn ý nghĩa gì cả. Làm sao có ý nghĩa gì, khi nó chẳng đóng vai trò nào trong mối quan hệ giữa họ. Và tôi có thể thấy rằng, những ký ức đang dần phai nhạt khi họ ngày càng bước vào những môi trường mới và thoải mái hơn ở đó, và có thể dành hết tâm trí ở đó. Nó chỉ còn lấp lánh ở đây, nơi tôi đang lưu giữ, cố gắng lưu giữ. Cố gắng để gắn những con người trong quá khứ ấy với hiện tại này là một.
Những cơn đau vẫn đến. Ở đây. Trong trái tim và trong lồng ngực. Cả trong đầu tôi nhưng là cơn đau khác, cơn đau vật lý vừa nặng nề hơn vừa nhẹ nhàng hơn. Còn cơn đau dư ảnh xưa cũ này, chưa thể dứt đi dù tôi đã có thể kiểm soát được, có thể tìm cách để xóa bỏ dần. Nó vẫn đến khi có những hình ảnh cũ khơi gợi, những cảm xúc cũ khơi gợi, những tình cảnh cũ khơi gợi. Nó vẫn khiến tôi kiệt sức, và muốn nằm lại, mặc kệ mọi thứ ngoài kia. Lần cuối cùng xuất hiện, nó đánh gục tôi trong một ngày.
Nhưng nó chỉ như một kẻ thù cũ tôi đã biết cách đối phó. Tôi ngồi dậy, và tự nhắc mình về những gì tôi có. Tôi vẫn còn một số ít, chỉ trên đầu ngón tay, những người bạn khiến tôi thấy bình yên khi ở bên. Tôi sẽ gọi họ, và nếu họ không bận, chúng tôi có thể đi chơi, đi xem phim, cafe, chuyện trò. Nếu họ bận, tôi vẫn còn đây những trang trắng để viết. Những trang trắng này sẽ chẳng bao giờ được lấp hết, dù tôi có dành cả cuộc đời đi nữa. Vậy là tôi viết. Tôi nhìn ra khoảng sân đầy nắng, yên tĩnh và dịu dàng, nơi tôi đang sống hết tuổi trẻ của mình. Rồi tôi trở lại với những dòng chữ, và cứ mỗi phút giây cơn đau lại giảm sút đi một ít, trước khi biến mất.
Tôi không còn muốn viết về mình, như những gì tôi đang làm đây. Từng bước một, tôi dần tạo thành những nguyên tắc phù hợp với sự hiểu biết và nhận thức của mình. Tôi không chia sẻ chuyện cá nhân, điều tôi làm rất dễ dàng trước kia, bởi vì đó chỉ là hình thức khác của than vãn, của sự lười biếng trá hình và nỗi mong mỏi thầm kín được quan tâm, được chú ý, và được yêu thương, mà tôi luôn có. Gần như tất cả chúng ta đều có. Nó không có giá trị gì trong việc giúp tôi tốt đẹp hơn, dũng cảm hơn, thực chất hơn. Nó không giúp tôi thoải mái hơn, như tôi từng lầm tưởng về quyền năng của câu chữ, nó chỉ là thứ thuốc giảm đau nhất thời, sẽ chỉ càng ngày càng kéo dài trước khi trở thành một thứ bệnh khó chữa.
Và bởi nguyên tắc lớn nhất của tôi là không bao giờ dối trá với bản thân mình. Điều duy nhất tôi rút ra được và đỡ tôi đứng dậy sau một năm thật dài, những tháng ngày vô nghĩa lặp đi lặp lại và mơ hồ như giấc mơ, như cơn ác mộng , chỉ nằm ở việc phải sống thật. Nhưng không hề dễ dàng để biết đâu là thật, ngay cả với chính mình. Như những lớp quần áo chúng ta đang mang, bao bọc chúng ta là những lớp vỏ dày của ngụy biện, của trò chơi trong tâm trí để bao biện cho những điều chúng ta muốn hay sợ hãi, mà không phải sự thật. Đó là sợi dây mà tôi níu được dưới hố sâu. Là tia sáng duy nhất của tôi.
Bởi thế, khi một người bạn nhờ tôi like một bài viết dự thi nào đó. Tôi từ chối. Tôi hứa rằng sẽ xem và sẽ like nếu thật sự hay khiến tôi thích. Và bạn giận. Ban đầu bạn bảo sao chỉ xin 1 like lại khó khăn vậy. Về sau bạn nói rằng sao tôi đã lớn rồi mà vẫn không thức thời, không hiểu xã hội này ra làm sao hay sao, mà vẫn cố chấp như con nít. Từ đó về sau, mỗi lần gặp tôi bạn đều thờ ơ.
Tôi không có thời gian để giải thích cho bạn rằng, mà có lẽ bạn cũng hiểu về cơ chế của những cuộc thi như thế này. Những người tổ chức muốn thu được một lượng like lớn từ cộng đồng mà bớt tốn kém hơn bỏ ra chi phí quảng cáo trên facebook. Những người thi muốn giành được giải thưởng, thì phải bỏ công sức để đi xin like từ bạn bè, người thân để chiến thắng, hay để giành được số tiền vốn được dùng cho quảng cáo ấy. Vấn đề không phải là sự hợp lý, tất cả đều hợp lý. Bên tổ chức tốn công sức để nghĩ ra nội dung thi. Người dự thi tốn công kêu gọi. Họ có thể đạt được điều họ xứng đáng. Vấn đề ở đây, là không thực chất. Cuộc thi là hình thức che đậy cho hoạt động quảng cáo, nên chất lượng của bài thi trở thành thứ yếu. Vì thế, tôi từ chối hợp tác, không phải với cuộc thi hay tình cảm bạn bè với bạn, mà với sự không thực chất kia.
Tôi chỉ nhìn vào sự việc, cố gắng hiểu rõ nó hay cơ chế của nó, và lựa chọn cách tác động thực chất nhất có thể. Và tôi sẽ không thay đổi. Như việc tôi không bao giờ nhấn vào một link có nội dung câu lượt xem trên báo mạng. Bởi cơ chế là càng nhiều lượt xem càng nhiều tiền quảng cáo. Và có những bài báo bán rẻ sự trung thực hoặc giá trị để đổi lấy lượt xem. Không có vấn đề gì to tát cả, bởi không phải lỗi của người viết, định hướng tòa soạn, hay cả những khán giả là nguồn cung cho những tin bài như thế, đó là vấn đề chung của xã hội này. Và 1 lượt xem của tôi chẳng thể thay đổi hay ảnh hưởng gì. Nhưng đó là lựa chọn của tôi. Không đáng kể, nhưng tôi sẽ giữ lại phần của mình.
Đó là một ví dụ. Một ví dụ buồn về việc tôi đã mất đi một người bạn như thế nào. Nhưng là ví dụ rõ nét cho cách tôi sẽ sống cho đến hết cuộc đời này. Bởi nếu khác đi, tôi sẽ trở lại nơi căn phòng đó, cô đơn và đau khổ không lối thoát. Và tôi không hề muốn trở lại.
Khi tôi nhìn vào “cơ chế” của tình bạn giữa chúng tôi, giữa những người bạn tôi tưởng rằng thân thiết nhất, tôi hiểu rằng mình đã từng sống trong ảo tưởng nhiều đến thế nào. Việc chúng tôi xa nhau là lẽ tự nhiên thôi. Giữa chúng tôi là những tính cách khác biệt, những mối quan tâm khác biệt, sở thích khác biệt, không thể dung hòa. Đã có thời chúng tôi tìm thấy sự an ủi và nương tựa ở nhau, giúp nhau bước qua những thời khắc khó khăn nhất của tuổi thiếu niên. Nhưng nó đã qua rồi. Chúng tôi tuổi trưởng thành là những phiên bản khác, mà đã thiếu đi những hoàn cảnh gắn kết để có được điểm chung quan trọng nhất: muốn ở bên cạnh và bảo vệ nhau. Không phải những giận hờn là nguyên do, những giận hờn chỉ là sự bộc lộ cho việc chúng tôi không còn hài lòng và sẵn sàng từ bỏ nhau bất kỳ lúc nào.
Nghe cứ như một chuyện cười, phải không, nếu được kể vào 5 năm hay 10 năm trước. Rằng những thứ vặt vãnh như lỗi hẹn hay trễ hẹn lại có thể kết thúc một tình bạn. Và nó đã thực sự xảy ra.
Khi tôi nhìn vào “cơ chế” của cuộc sống này, tôi thấy rằng có thật sự những giá trị điểm suốt cho khoảng thời gian ngắn ngủi tôi có, nhưng phần lớn, sẽ chỉ là chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc chia ly. Chẳng có hình tượng nào chính xác hơn hình tượng cũ rích ấy, rằng chúng ta đang ở trên một con đường dài, và những người khác đều là người khách bộ hành đi cùng một quãng nào đó. Ngay cả những gia đình, người thân, người yêu, hay bạn bè thân thiết. Dù họ đang bên cạnh ta, nhưng họ có con đường của riêng họ. Ngày nào đó, họ sẽ rẽ sang lối khác, sẽ dừng lại, hoặc sẽ vượt lên trước ta. Bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng là lời tạm biệt.
Đối với quan hệ người, chúng ta không thể lựa chọn cho cả hai. Chúng ta không thể ép một ai đó thích mình hay yêu mình. Không thể ép họ ở lại khi họ muốn ra đi. Chúng ta chỉ có thể lựa chọn cho phần mình, và chờ đợi lựa chọn của họ. Tôi không tin bất cứ thứ gì như là số phận hay duyên số, tôi tin vào sự ngẫu nhiên và các lựa chọn. Chúng ta gặp nhau hoàn toàn do ngẫu nhiên, nhưng ở bên nhau hay xa nhau là ở lựa chọn. Và những giai đoạn khác nhau trong quá khứ là một phần, chứ không phải tất cả lựa chọn đó. Không có bất kỳ điều gì là chắc chắn. Gia đình có thể tan vỡ. Vợ chồng có thể ly dị. Bạn thân có thể xa lạ. Không thể ép buộc và không thể miễn cưỡng.
Tôi luôn chọn phần mình là ở lại, và không cần phải suy nghĩ gì nữa. Vì trong những thứ cơ chế này, có một thứ ám ảnh tôi đã lâu là cái chết. Không có nỗi sợ hãi hay ngại ngùng nào vượt qua được nó. Những người muốn ra đi, tôi sẽ không giữ hay nuối tiếc. Như thường nói, ta không thể giữ những cánh chim bay. Nhưng tôi không đi đâu cả, tôi ở đây, tôi luôn sẵn sàng nếu họ quay lại, và chẳng để mình phải vướng bận quá nhiều nếu họ không làm thế. Tôi luôn muốn dành thời gian để ở bên cạnh những người tôi yêu quí, lâu nhất có thể. Nhìn gương mặt họ, nghe giọng nói họ, và khắc sâu vào mỗi kỷ niệm. Tôi không muốn chụp ảnh hay lưu giữ lại, tôi muốn nhớ và muốn sẽ quên, khi tôi già đi, khi tôi không còn minh mẫn hay sáng suốt. Đó là tự nhiên. Và vì thế, tôi sẽ thấy quí giá hơn mỗi lần gặp mặt. Tôi có thể nhận thức được điều đó ngay cả khi các sự kiện đang xảy ra.
Điều tôi nghĩ rằng có thể đi cùng mình cho đến hết con đường, là điều tôi đang làm bây giờ. Ở đây, sau khung cửa sổ của tôi. Trong màn đêm của tôi. Và cố gắng lấp đầy những trang trắng. Mỗi khi đau khổ, mỗi khi thất vọng, mỗi khi cơn đau tìm về, tôi trở lại với thế giới này. Ngày trước, đây là nơi của sự trốn tránh. Còn bây giờ, là nơi tôi thật sự sống.
Nhưng không phải để viết về những thứ tình cảm hay trống rỗng, như bài viết này, đây là một ngoại lệ, mà là những gì tôi cho là có giá trị hơn. Con người tôi muốn trở thành, đã chẳng còn là một chức danh, chức vị, một mục tiêu thành công, người giàu có hay danh tiếng. Tôi chỉ muốn trở thành một con người có giá trị. Rằng những gì tôi làm, có thể mang đến điều tốt đẹp gì đó cho người khác, dù nhỏ bé đến đâu. Những bài bình luận phim của tôi, những bài viết của tôi, những câu chuyện của tôi. Sẽ không có dối trá hay lừa lọc ở đó. Sẽ chỉ có sự thật. Thời gian của tôi hầu hết sẽ dành cho nơi này. Tôi sẽ viết khi nào ít nhất vẫn còn một người đọc nó.
Tuổi trẻ như thế này có được không?
Tôi không biết. Có thể đến cuối con đường tôi sẽ biết. Nhưng hiện tại tôi không biết. Chẳng có bất kỳ thứ gì như tôi từng mường tượng ở thời trung học. Như trên chiếc ghế đá mỗi buổi tan trường tôi đã nghĩ về tương lai. Chẳng có những chuyến đi xa hay du lịch, đến khắp mọi miền đất nước. Chẳng có công việc tình nguyện hay giúp đỡ người khác. Chẳng có một công việc thật sự và các đồng nghiệp. Chẳng có cả những chuyện yêu đương hay một cô gái tôi yêu say đắm. Có lẽ tôi ngày trước sẽ hét lên rằng “Mày chẳng có gì cả” nhưng chỉ tôi biết được tôi đã trải qua những gì. Và đã đánh đổi điều gì để có được những ngày tháng yên bình trong tâm hồn như hiện tại. Yên bình đến nỗi tôi có thể không còn thức dậy vào sớm mai nào mà chẳng hề hối tiếc.
Và tôi vẫn giữ được trái tim mình rung động trước những điều đẹp đẽ. Sau tất cả thì nó vẫn đập. Nó không chai lì, không xơ cứng, không sần sùi đi. Nó vẫn khiến tôi vẫn có thể khóc và cười từ phim ảnh, từ truyện tranh, từ sách, tiểu thuyết, từ những bản nhạc tuyệt vời. Nó khiến tôi vẫn thấy yêu mến và cảm ơn vì được sống, được làm người. Nó cũng khiến tôi khổ đau, và cô đơn, trong một phép cân bằng. Như một phút giây, khi tình cờ nhìn thấy bạn nhắn tin hay chuyện trò với bạn trai bạn. Như vài ngày trước, em nói rằng bạn trai em gọi và quan tâm rất nhiều. Biết rằng mỗi người tôi gặp và yêu quí sẽ có một người như thế bên cạnh họ, tôi thấy khát khao sự thân tình đó. Nhưng rồi chẳng hiểu sao tôi lại mỉm cười, vì an tâm, biết rằng bất kỳ ai cũng sẽ có sự thân tình sẽ vỗ về và che chở cho họ. Những người bạn giờ có thể dễ dàng xa nhau, vì họ không còn cần đến nhau. Họ đã có những người khác.
Và bởi vì cơ chế của con người sẽ tự tiết ra những chất hóa học không có lợi khi ở một mình tuổi trưởng thành, và nỗi cô đơn cũng là sự thúc đẩy, là chất xúc tác người ta muốn có gia đình, có những đứa trẻ, để bảo vệ sự tồn tại của loài người. Rằng loài người sẽ tuyệt chủng nếu tất cả đều muốn ở một mình.
Loài người sẽ không tuyệt chủng dù không có tôi. Không đáng kể gì, nhưng tôi sẽ giữ lại phần của tôi. Tuổi trẻ của tôi. Những trang trắng của tôi.