Trang chủ Phía Sau Màn Ảnh NHƯ NƯỚC MẮT TRONG MƯA

NHƯ NƯỚC MẮT TRONG MƯA

bởi
1.1K lượt xem
A+A-
Reset

Làm thế nào một bộ phim thảm bại ở năm 1982 lại trở thành kinh điển vào năm 2007? Câu chuyện của Blade Runner (Tội phạm người máy), tác phẩm giả tưởng “đen” của Ridley Scott, là một ví dụ cho sức mạnh của tự do sáng tạo và sự kiên trì.

Năm 1982, đạo diễn Ridley Scott trình làng bộ phim thứ ba trong sự nghiệp. Blade Runner, chuyển thể từ tiểu thuyết giả tưởng Do Androids Dream of Electric Sheep? (Người máy có mơ về cừu điện?) của Philip K. Dick, được chờ đợi là một siêu bom tấn. Scott khi ấy vừa gây tiếng vang với Alien (Quái vật ngoài hành tinh, 1979), bộ phim đã khai sinh cho dòng Alien nổi tiếng, kéo dài đến ngày nay. Blade Runner còn có sự góp mặt của Harrison Ford, ngôi sao của loạt Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) đang khuynh đảo rạp chiếu bóng.

Bộ phim lấy bối cảnh thành phố Los Angeles của năm 2019 tương lai. Một đô thị cơ khí nhơ nhớp, bị bao phủ bởi các kiến trúc kim loại hình kim tự tháp, và luôn chìm đắm trong cơn mưa bất tận. Con người khi ấy đã chinh phục các thuộc địa ngoài trái đất. Họ tạo ra các Replicant, những người máy mang hình dạng và cảm xúc người, cho các công việc khai thác hoặc chiến tranh vũ trụ. Để đảm bảo an toàn, các Replicant được cấy vào kí ức giả, và giới hạn tuổi thọ 4 năm.

Ford vào vai Rick Deckard, một cựu “Blade Runner” – lực lượng cảnh sát chuyên tiêu diệt những người máy trốn thoát về trái đất. Một đêm nọ, Deckard được mời đến trụ sở cũ, nơi vị sếp thông báo về bốn Replicant đang lẩn trốn ngoài kia. Vốn định từ chối, nhưng khi biết người bạn cảnh sát cũ đã bị bọn chúng giết hại, Deckard nhận lời. Công việc của anh phức tạp thêm khi chạm mặt với Replicant thứ năm là Rachael (Sean Young), một người máy thế hệ mới, giống con người đến mức tin rằng cô là con người.

Được mong đợi nhiều, nhưng khi ra mắt, Blade Runner là một sự thất vọng lớn. Phim được khen ngợi ở khía cạnh hình ảnh và kĩ xảo, khi vẽ ra một thành phố tương lai đen tối đầy chiều sâu, chi tiết phong phú, cũng như bầu không khí kiểu metropolis đặc biệt. Tương tự là phần âm nhạc xuất sắc của nhạc sĩ Hi Lạp Vangelis. Nhưng tất cả không che đi được điểm yếu về nội dung, với chuyện tình sến súa kiểu Hollywood thập niên 30, cũng như giọng tường thuật nhàm chán của Ford. Chỉ thu về 23 triệu đôla trong năm ra mắt, Blade Runner khép lại là một phim tầm trung trong thời đại giả tưởng thập niên 70-80.

Blade Runner đánh dấu lần đầu tiên hợp tác giữa Ridley Scott và Harrison Ford. Mối quan hệ trên phim trường của cả hai cũng thảm họa như doanh thu phim. Scott từng nói: “Nếu hỏi rằng ai là diễn viên khốn nạn nhất tôi từng cộng tác, đó là Harrison Ford”. Trong khi đó, ngôi sao Star Wars cũng bảo rằng Blade Runner không phải là phim ông yêu thích, và phần lời dẫn của phim đúng là “một cơn ác mộng”. Thật ra, phần lời dẫn không phải ý kiến của Scott, mà của hãng Warner Bros.. Họ sợ rằng khán giả không hiểu, và ra tay can thiệp vào khá nhiều nội dung phim, bao gồm kết thúc.

Đó là lý do mà Ridley Scott luôn nuôi ý định tự tay “làm lại” bộ phim. Năm 1991, ông có quyền thực hiện điều đó trong bản VHS, và sau đó phát hành DVD vào năm 1997. Bản phim này có tên Blade Runner: Director’s Cut (Bản dựng của đạo diễn) dài 116 phút, hơn 3 phút so với bản chiếu rạp cũ. Bộ phim nhận được đánh giá tích cực, kể cả từ những người đã chê bai phim trước đó. Chưa hài lòng, đến năm 2007, khi công nghệ đã phát triển hơn, ông chỉnh sửa lại các hiệu ứng, đồng thời dựng lại thành bản Blade Runner: Final Cut (Bản dựng cuối). Thời lượng phim dài thêm 1 phút.

Đó là lúc mà Blade Runner được công nhận rộng rãi là một phim xuất sắc. Trước đó, phim được xếp vào hàng “cult classic” – kiểu phim độc đáo có sức ảnh hưởng đến tiến trình điện ảnh. Như lời Ridley Scott: “Đây là bố già của các phim viễn tưởng sau này.” Các hiệu ứng kĩ xảo trở thành hình mẫu cho cả một dòng giả tưởng “đen” (noir). Đây cũng là tác phẩm khai sinh cho xu hướng chuyển thể tiểu thuyết của Philip K. Dick, hình thành nên phong cách giả tưởng mới, tiêu biểu là Total Recall (Truy tìm kí ức, 1990), Minority Report (Báo cáo thiểu số, 2002), Paycheck (Lật mặt, 2003)…

Nhưng với bản phim năm 2007, giờ đã được nhìn nhận rộng rãi là bản phim chính, Scott đã xóa đi chữ “cult” (dành cho nhóm nhỏ). Chỉ còn “classic” (kinh điển). Ông đã thẳng tay cắt đi phần dẫn truyện dài dòng, nhường chỗ cho phát triển nhân vật, thay đổi kết thúc, và thêm vào trường đoạn về giấc mơ kì lân đắt giá – vốn bị nhà sản xuất phản đối 25 năm trước. Sự phức tạp của cốt truyện được đẩy lên bằng các chi tiết tranh cãi về Replicant thứ 6 – bản thân Deckard, cũng như lớp nền triết học về câu hỏi cơ bản: Con người là gì? Tất cả những thay đổi này được tán dương nhiệt liệt và đưa chất lượng phim vượt trội bản gốc.

Là nhân vật chính, nhưng Blade Runner không phải là một thành tựu trong sự nghiệp Harrison Ford. Đây là phim mà ông đóng tròn vai diễn Deckard, kiểu người hùng quá khứ bí ẩn quen thuộc trong phim đen. Các màn hành động ổn thỏa, nhưng không mấy đặc biệt nếu so sánh với loạt phim khác của Ford là Indiana Jones. Thay vào đó, Blade Runner là màn tỏa sáng và ghi dấu ấn của một người khác: Thủ lĩnh Replicant Roy do Rutger Hauer thủ vai.

Điểm tương đồng của dàn diễn viên phụ trong Blade Runner, là sau đó tất cả đều mất hút ở các vai nhỏ lẻ. Hauer cũng thế. Nhưng Blade Runner đã ghi dấu ông mãi mãi với cảnh phim cao trào “Tears in rain” (Nước mắt trong mưa). Đó là khi Roy, từ kẻ bị truy đuổi, đã trở thành kẻ truy đuổi đối với Deckard. Tất cả thông điệp và ý tưởng của phim được gói gọn vào trường đoạn này. Deckard được nếm trải cảm giác sợ hãi và khổ đau của một Replicant, dẫn đến việc quyết định bảo vệ Rachael sau đó. Vị trí của con người và người máy bị đảo ngược. Sau đó, Roy tha mạng cho Deckard, và trước khi chết, hắn kể lại những kí ức đẹp đẽ nhất rồi kết luận: “Tất cả đều sẽ bị quên lãng, như nước mắt trong mưa.”

“Tears In Rain” được xem là một trong những cảnh độc thoại cảm động nhất lịch sử điện ảnh, và thường được các phim giả tưởng các dùng lại hay nhắc đến. Điều thú vị là không phải các biên kịch, mà chính Hauer đã nghĩ ra chúng, vào buổi tối trước ngày quay. Trong kịch bản, câu thoại đầy đủ dài gấp đôi và kết thúc nhàm chán bằng “Ta đã thấy chúng, đã cảm thấy.” Hauer cho rằng đó là kiểu thoại opera và quyết định tự “cầm kéo” cắt gọt lại, không hề cho Scott biết. Sau khi cảnh phim quay xong, tất cả mọi người trên phim trường đều đứng lên vỗ tay. Một vài người khóc vì cảm động.

Blade Runner đã được Viện phim Mỹ lựa chọn lưu trữ vì các giá trị “văn hóa, lịch sử, và thành tựu về thẩm mỹ”, ngay sau bản dựng lại đầu tiên ra mắt vào năm 1993. Với Ridley Scott, một trong những lý do khiến ông cứ quay lại mãi với bộ phim này, là mang tính cá nhân. Đây là phim ông dùng chính những cảm xúc của mình khi chứng kiến anh trai qua đời vì bị ung thư. Ông muốn khắc họa nỗi đau của con người, của việc làm người, và nhắc nhở người xem đừng quên điều đó. Và để có một bản Blade Runner hoàn hảo, 25 năm không hề quá dài.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00