1917 là bộ phim hiếm hoi mà kĩ thuật thay thế được nội dung. Với một cảnh quay duy nhất về hình thức, đạo diễn Sam Mendes mang đến trải nghiệm địa ngục trần thế trong Thế chiến thứ Nhất cho khán giả.
Dựa vào hồi ức của chính ông nội đạo diễn Sam Mendes, người được đề tặng ở cuối phim, 1917 kể về một ngày đầy biến động của hai anh giao liên trẻ. Đúng như tựa phim, đó là năm 1917, thời điểm bản lề của cuộc chiến khi quân Đồng Minh bắt đầu chiếm được lợi thế. Tại Tuyến Hindenburg, tuyến phòng thủ quan trọng của quân Đức đặt ở phía bắc nước Pháp, Blake (Dean-Charles Chapman) và Schofield (George MacKay) bị đánh thức khỏi giấc ngủ trưa. Họ nhận nhiệm vụ tối quan trọng: Tìm đến một đoàn quân sắp bị phục kích và hoãn lệnh tấn công. Nếu chậm trễ, hàng ngàn lính sẽ chết.
Đó là tất cả nội dung của 1917, cảm giác như kịch bản phim chỉ dày chưa đến 10 trang giấy. Phần còn lại là một hành trình bi tráng được gói gọn vào một cảnh quay dài duy nhất, về mặt hình thức. Gọi là “hình thức”, vì thực chất phim do ba cảnh dài ghép lại, nhưng vô cùng khéo léo để tránh đứt quãng về thị giác. Đây là lối kể chuyện từng mang đến thành công cho The Revenant (Người về từ cõi chết, 2015) hay Birdman (Người chim, 2014). Cả hai đều được đề cử Oscar Phim hay nhất, Birdman thắng giải.
Một lựa chọn đầy tham vọng nhưng hợp lí của Sam Mendes. Từ trước đến nay, các cảnh dài luôn được xem là đỉnh cao của nghệ thuật quay phim, đưa người xem vào thẳng trải nghiệm “trong sự kiện”. Nó cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kĩ càng ở mọi khâu, bởi mọi lỗi lầm dù nhỏ nhất đều phải trả giá lớn nhất. 1917 là kiểu phim phù hợp hoàn hảo với kĩ thuật này, bởi đi theo thời gian thực và lấp đầy bởi sự kiện, không phải chi tiết. “Cuộc sống thật cũng chỉ là one-shot”, Mendes từng nói. Mục đích của phim cũng không phải truyền tải những thông điệp sâu sắc, mà đánh vào các giác quan người xem. Phim mang đến không khí gần giống với Dunkirk (Cuộc di tản Dunkirk, 2017) của Christopher Nolan – cố gắng tái hiện một sự thật hơn là vươn tầm về nghệ thuật.
Theo chân Blake và Schofiled, một kiểu cặp đôi số 10 kinh điển (cao gầy và mập lùn), người xem thật sự được sống trong không khí chết chóc của chiến tranh. Giống như một tựa game nhập vai, chúng ta đi qua các màn khác nhau. Từ màn chuẩn bị là các chiến hào ngập ngụa lính tráng, cả khỏe mạnh lẫn thương binh, đến tiền tuyến chết chóc được miêu tả bằng cái tên ám ảnh “chốn không người”, qua các đường hầm tối tăm hiểm nguy, lao thẳng vào sào huyệt kẻ địch, trước khi đến đích. Thời gian là kẻ thù của hai anh lính trẻ, cũng như Sam Mendes. Với một phim thuộc hoàn toàn về rạp chiếu bóng như 1917, mỗi phút trong gần hai giờ thời lượng đều đáng quí.
Đôi khi, lời khen tuyệt nhất với một tác phẩm lại là “không có gì để chê”. Nghe có vẻ mỉa mai, nhưng trong các trường hợp quá khó khăn về kĩ thuật, thành tựu lớn nhất là không để lại bất kì vết xước nào. 1917 đạt được sự toàn vẹn đó. Dù phải di chuyển qua lại giữa nhiều không gian cả rộng lẫn hẹp, phần thiết kế sản xuất của phim không quá phức tạp. Bối cảnh chiến tranh điêu tàn vốn không cần quá nhiều chi tiết thiết kế, mà chỉ cần tập trung vào một vài điểm nhấn. “Người đàn ông cúi chào” chẳng hạn. Đoàn phim đảm bảo được điều đó.
Khâu khó khăn nhất của 1917 chắc chắn là quay phim, do tay máy kì cựu Roger Deakins đảm nhiệm. Trong giới điện ảnh hiện tại, gọi là bậc thầy của các cú máy dài có lẽ chỉ có Emmanuel Lubezki. Thậm chí có thể coi đó là kĩ thuật thương hiệu của ông, sau hàng loạt bộ phim cộng tác với Afonso Cuaron và Alejandro G. Iñárritu. Giờ đây, danh hiệu đó có thể chia sẻ với Deakins. Trong 1917, ông cho thấy sự hoàn thiện và tập trung gần như tuyệt đối trong mỗi khoảnh khắc. Ống kính của ông không chỉ theo sát nhân vật, trở thành đôi mắt cho người xem, mà còn kể một câu chuyện riêng về chiến tranh.
Dù có sự giúp sức từ phần nhạc nền cổ điển bi tráng của Thomas Newman, nhưng phần hình ảnh mới là thứ tạo nên áp lực cho 1917. Một tay của Deakins đã thay thế cả âm nhạc, các kĩ thuật cắt dựng, lối kể, và cả các lời thoại sẽ thừa thãi nếu xuất hiện. Tốc độ của ống kính giúp đẩy nhịp phim nhanh lên hay chậm lại. Các góc cận hay góc toàn đều mang dụng ý, khi miêu tả hiện thực, khi cho thấy tâm trạng nhân vật. Với máy quay trong tay, Roger Deakins giống như một nhạc trưởng quyền năng, điều tiết gần như mọi thứ của 1917. Ông xứng đáng với tượng vàng Oscar lần thứ hai trong 15 lần đề cử của mình.
Thế nhưng, như đã nói, 1917 là tác phẩm mà kĩ thuật thay thế thành công cho cốt truyện. Tự thân các sự kiện và bối cảnh đã trở thành nhân vật. Đây vẫn là một phim chiến tranh đúng nghĩa, vì lột ra được bản chất của mọi cuộc chiến: Địa ngục trần thế. Sam Mendes sử dụng một vài ý chỉ tôn giáo cho mục đích này. Miền quê nước Pháp hiện lên đẹp như địa đàng, chìm vào lửa đỏ và khói đen trước kia yên bình trở lại. Những tên lính Đức đôi khi xuất hiện như quỉ dữ không rõ hình hài. Một nhà thờ chìm lấp trong ánh lửa điêu tàn… Schofield, với gương mặt đôi chút trẻ thơ, bị đày đọa trong một cơn ác mộng dài, kể từ khi tỉnh giấc.
Trong 1917, sự đáng sợ của chiến tranh không nằm ở các hình ảnh ghê rợn, như đám xác trôi dạt trên dòng sông. Nó đến từ sự vô thường diễn ra quá nhanh và quá thường xuyên. Một đồng đội vừa ngủ trưa kề bên phút chốc trở thành cái xác trắng nhợt. Một làng quê yên bình trở thành bình địa trong nháy mắt. Bản thân Schofield cũng chỉ sống sót nhờ vào vận may, giống như ông nội của Sam Mendes. Nhưng chính ở đó, ý chí con người được trui rèn và tỏa sáng rực rỡ nhất. Nếu có phép thần để nhìn thấu mọi mối nhân quả phức tạp, có lẽ ta sẽ thấy kết quả của cuộc chiến lớn đôi khi được quyết định bằng ý chí một cá nhân đơn lẻ, như Schofield.
Với một phim giàu tính trải nghiệm như 1917, khi phần lớn thời lượng dành cho kĩ thuật, cốt truyện bỗng trở thành khâu yếu nhất. Chúng ta có một câu chuyện giản đơn về hai anh lính cố sống cố chết hoàn thành nhiệm vụ. Những người hùng vô danh trong chiến trận, cứu sống hàng ngàn người khác mà không có một lời tri ân. Kịch bản có xây dựng tính cách và tương tác cho cả Blake và Schofield, sự phát triển của họ, tương tự một phim hành trình. Tuy nhiên, thời lượng có hạn đã khiến cả hai có chút nhạt nhòa, nhất là so với những nhân vật đáng nhớ khác trong thể loại chiến tranh. Chúng ta khó có thể cảm động hay đồng cảm với họ, bởi thiếu vắng các thông tin nền cũng như các mâu thuẫn quá sức đơn giản và khiên cưỡng. Do tập trung vào kĩ thuật, 1917 không phải là phim tôn vinh kĩ năng diễn xuất, nó đòi hỏi sự tập trung nhiều hơn. Chỉ cần dàn diễn viên ở mức khá là có thể hoàn thành vai trò này.
Phim cũng thiếu vắng những chi tiết đắt giá đóng đinh vào tâm trí người xem. Những chi tiết mang tính tâm lí như Mendes từng kể với báo giới về ông mình, rằng ông ấy rất hay rửa tay. “Tôi hỏi bố vì sao ông lại thế, và bố trả lời rằng: Đó là vì ông nhớ luôn nhớ về những con hào và bùn lầy. Ông ấy không bao giờ rửa sạch được bùn khỏi tay mình.” Kiểu như vậy. Còn mọi thứ về chiến tranh trong 1917 đều gợi cảm giác đã từng thấy ở đâu đó.
Dù vậy, 1917 vẫn có giá trị riêng. Giống như They Shall not Grow Old (Họ sẽ không già đi, 2018) của Peter Jackson, đây là một bộ phim cá nhân của Sam Mendes. Chúng ta có thể tưởng tượng ra những lần vị đạo diễn ngồi cạnh bên, chăm chú lắng nghe ông mình kể chuyện ngày thơ bé. Bộ phim đã thành hình từ rất lâu trong tâm trí ông. Nhưng rõ ràng, 1917 hay Grow Old không chỉ có giá trị tưởng nhớ. Một thế kỉ sau địa ngục của Schofield, nhân loại vẫn đứng trước bờ vực chiến tranh, chiếc đồng hồ tận thế càng gần nửa đêm hơn. Đó là lí do chúng ta không bao giờ được phép xóa bỏ kí ức, bởi luôn học hỏi được điều gì đáng giá. Nỗi sợ hãi khi thật sự ở trong cuộc chiến chẳng hạn.