Baby Driver có lẽ là phim khai sinh ra một thể loại mới: Nhạc kịch hành động. Trong đó âm nhạc không chỉ làm nền hay hỗ trợ, mà trở thành một nhân vật, kết nối mọi thứ lại với nhau. Khi thưởng thức, tôi cố nhớ lại xem mình đã từng xem bộ phim nào như thế trước đây chưa. Nhưng không, Baby Driver là phim đầu tiên.
Âm nhạc chưa bao giờ thiếu vắng trong phim của Edgar Wright. Vị đạo diễn người Anh, nổi tiếng với bộ ba “Máu Và Kem” (Shaun of the Dead 2004, Hot Fuzz 2007 và The World’s End 2013), luôn thích dùng âm nhạc như một thứ thuốc kích thích. Cảnh điển hình cho phong cách này có lẽ là Shaun trong quán bar, với chiếc máy hát nảy bản Don’t Stop Me Now của Queen, bắt đầu cho màn ẩu đả điên cuồng với đám zombies. Wright dành tình yêu rất lớn cho Queen, ban nhạc huyền thoại Anh Quốc.
Baby Driver dĩ nhiên có sự xuất hiện của Queen, với bản Brighton Rock, được giới thiệu là có màn guitar intro “bá cháy”. Ngoài ra có có T.Rex (TREX?), Beck, The Beach Boy, Bob & Earl, Paul Simon… những huyền thoại âm nhạc sẽ đưa người xem vào sau vô lăng của Baby (Ansel Elgort), qua các “nhiệm vụ” đánh cướp dưới sự chỉ đạo của ông trùm Doc (Kevin Spacey). Nhưng âm nhạc không còn là yếu tố ngoài câu chuyện, mà nằm trong chiếc ipod của Baby, vốn phải nghe nhạc 24/24 vì mắc chứng “ù tai” (tinnitus) sau một tai nạn thảm khốc ngày bé. Khi cậu bỏ một bên tai nghe ra, âm lượng giảm đi một nửa. Trước mỗi phi vụ, cậu đều chỉnh nhịp độ hành động theo nhịp độ bài hát. Âm nhạc cũng nói lên tiếng lòng của Baby, khi cậu tức giận, đau buồn hay đang yêu. Đây chính là nhạc kịch, được lồng ghép một cách khéo léo để người xem không nhận ra là nhạc kịch.
Do đó, linh hồn của Baby Driver không còn là hành động hay đua xe, hay các vụ cướp, mà là âm nhạc. Edgar Wright nảy ra ý tưởng cho phim từ cách đây 23 năm, khi còn là cậu nhóc thò lò mũi xanh ở trường đại học, với nhân vật chính là một tay tài xế trốn chạy sau các vụ cướp ngân hàng. Mất nhiều năm sau để anh hoàn thiện kịch bản và bắt tay thực hiện. Chúng ta có thể thấy sự phóng khoáng của Wright trong việc để tình yêu âm nhạc dẫn dắt bộ phim như thế nào. Trong phim có một bộ đôi tội phạm Nam Mỹ là Buddy (Jon Hamm) và Darling (Eiza González), khi họ hành động ta có ngay bản Tequila bốc lửa. Tên gọi các nhân vật cũng đến từ những ca khúc nổi tiếng, như Baby (được nhắc lại nhiều lần B-A-B-Y) là bản B-A-B-Y của Carla Thomas, nữ chính Debora (Lily James) là bản nhạc cùng tên của T.Rex… Tôi có thể tưởng tượng thứ đầu tiên Wright làm với kịch bản, không phải là đường dây câu chuyện hay nhân vật, mà là liệt kê ra một tracklist ưng ý.
Vì thế, nếu ta bỏ ra yếu tố âm nhạc, phần cốt truyện của phim chỉ ở mức thường thường bậc trung. Có một vài tình tiết đột ngột như cảnh ở chiếc xe rác, đúng kiểu Wright, sẽ khiến người xem bất ngờ. Có một pha đảo phản diện ngoạn mục. Phần lời thoại đôi chút dài dòng và các nhân vật nói hơi nhiều. Phim có đủ các yếu tố hấp dẫn fanboy đua xe như xe đẹp (quảng cáo cho dòng subaru), gái xinh (Lily James), các cú driffs điệu nghệ và các pha rượt đuổi… Là một phim kinh phí thấp (34 triệu đôla), tất nhiên Baby Driver không thể mang đến nhiều cháy nổ, hay đầu tư những trường đoạn hoành tráng kiểu zombie cars như Fast and Furious. Nhưng bằng năng lượng của mình, Eward Wright mang đến niềm vui khác, khi để ta hòa mình vào các nhịp điệu, nơi mà tiếng súng trở thành tiếng trống, những lời chửi rủa hay la ó thành lời rap, ngay cả tiếng động cơ cũng thành nhạc điệu. Đó là một thế giới đua xe, vẫn hồi hộp và dữ dội, nhưng khác hẳn những gì ta từng biết.
Tôi chưa từng nghĩ Ansel Elgort có thể trở thành ngôi sao phim hành động, vì bề ngoài có phần công tử trắng trẻo. Nhưng hóa ra, vẻ mặt baby của Elgort cũng có chỗ dụng võ trong thể loại này. Anh phối hợp và tương tác khá ổn với Lily James. Không có nhiều ấn tượng về mặt diễn xuất, dù cho có cả Kevin Spacey và Jamie Foxx trong phim, vì phim không cần đến các cảnh nặng diễn xuất. Thứ cần thiết ở đây là phong cách và cá tính, để tạo ra chất “ngầu” khác lạ cho phim. Mà phong cách và cá tính là thứ Edgar Wright chưa bao giờ thiếu.