ZODIAC

bởi
560 lượt xem
A+A-
Reset

“Vì sao anh làm điều này?” Thám tử Toschi bối rối hỏi Graysmith. Trước mắt anh là một một họa sĩ hoạt họa bình thường, không làm trong ngành điều tra, không liên quan gì đến các nạn nhân, nhưng đã bỏ ra 20 năm trời để truy tìm tên sát nhân hàng loạt với tên gọi Zodiac (2007). Kẻ đã thuộc về “hồ sơ đóng băng” (cold case), những vụ án cảnh sát đã bó tay. Dưới cơn mưa nặng hạt, ánh mắt Graysmith như rực sáng: “Vì không còn ai làm nó cả!”

San Francisco của những năm cuối thập kỉ 60, tối tăm hơn hiện tại, phảng phất không khí Hippy từ lối ăn mặc của các thanh niên và tiếng nhạc văng vẳng từ các ngôi nhà. Một cặp tình nhân đang hò hẹn trên xe hơi, thì bất ngờ bị tấn công. Thủ phạm giấu mặt, giả làm cảnh sát bằng cách chiếu đèn pin vào họ, rồi lạnh lùng bắn nhiều phát súng vào hai nạn nhân. Cô gái chết ngay tại chỗ, chàng trai Mageau (Lee Norris) may mắn sống sót. Một tháng sau, tòa soạn báo San Francisco Chronicle nhận được lá thư nặc danh của thủ phạm. Tự xưng là Zodiac, theo một cung Hoàng đạo, hắn gửi đến một đoạn mật mã, thách thức cảnh sát tìm ra mình.

Đó là khởi đầu cho vụ án đã trở thành huyền thoại truyền miệng của người dân California. Trong khi mọi người bị cuốn vào đoạn mật mã, Zodiac thực hiện vụ thứ hai, tiếp tục nhắm vào một cặp tình nhân đang đi chơi bên hồ. Lần này, hắn dùng dao. Và cũng như lần trước, chàng trai sống, cô gái chết. Sự trùng hợp này biến mất ở vụ thứ ba, khi nạn nhân là một tài xế taxi. Cả tòa soạn Chronicle rúng động khi nhận được “món quà” là mảnh áo dính máu của nạn nhân. Còn nước Mĩ kinh hãi với dòng chữ Zodiac ghi trong lá thư kèm theo: “Ta thích giết người vì nó rất vui.”

Nhưng điều khiến Zodiac trở nên nổi tiếng, ngoài việc gieo rắc sợ hãi, là ở tính cách ngông cuồng. Hắn liên tục đưa ra những manh mối, thách thức cảnh sát tìm ra mình. Thậm chí tên cuồng sát còn gọi điện đến một chương trình truyền hình trực tiếp. Nhưng mặc cho việc để lộ nhiều dấu vết, hắn luôn biến mất như một bóng ma. Trong số rất nhiều người bị cuốn vào cuộc truy lùng vô vọng kéo dài hai thập kỉ, có ba người bị nó ám ảnh: Thám tử trực tiếp điều tra Toschi (Mark Ruffalo), phóng viên tờ Chronicle Avery (Robert Downey Jr.) và họa sĩ hoạt họa mới của báo Graysmith (Jake Gyllenhaal) – người duy nhất đủ kiên trì, cứng cỏi, và chút nào đó “điên khùng” để theo đến cùng.

Đa phần phim tội phạm kết thúc khi hung thủ bị bắt, hoặc lộ diện. Niềm vui thú của thể loại này gần giống khi ta đọc truyện trinh thám, như Sherlock Holmes, khi các manh mối ghép lại với nhau thành bức tranh hoàn chỉnh. Zodiac gần như đi ngược lại điều đó. Cả bộ phim của đạo diễn David Fincher là một cuộc điều tra cực kì chi tiết, với rất nhiều bằng chứng, lời khai, đầy đủ qui trình từ tất cả các bên cảnh sát, phóng viên, tòa án… đến mức ta cảm thấy như đang xem một phim tài liệu phá án. Thứ thiếu vắng, là một hung thủ thật sự.

Nhưng Fincher, cùng với biên kịch James Vanderbilt, đã thành công trong việc biến hành trình quan trọng hơn kết quả. Zodiac là bộ phim pha trộn giữa thể loại tội phạm và điều tra báo chí, nhưng tránh được các điểm yếu của cả hai. Phim không sa đà vào giật gân, dù mở màn cực kì ám ảnh với các cảnh giết người ghê rợn, gợi đến và không hề kém cạnh các cảnh kinh điển của Afred Hitchcock trong Psycho (Tâm thần hoảng loạn, 1960). Phim cũng không lạc lối trong ma trận chi tiết, dù có lẽ đã truyền tải lên màn ảnh 99% sự phức tạp của cuộc điều tra thật. Bằng cách nào đó, Vanderblit đã xây dựng được một câu chuyện sáng rõ, giàu có về lớp nền, trung thực với sự thật nhưng vẫn đảm bảo được góc nhìn của Graysmith – tác giả quyển sách mà bộ phim chuyển thể.

Trong Zodiac, David Fincher đã bỏ qua lối dẫn truyện nhanh, mạnh, đã thành thương hiệu kể từ Sev7n (Bảy tội ác, 1995), bộ phim tưởng như là đỉnh cao của ông ở thể loại tội phạm. Thay vào đó, Fincher sử dụng sự cầu kì của ngôn ngữ điện ảnh thập niên 70, như một sự tri ân cho phong cách cổ điển. Như cách ông dành rất nhiều công sức cho bối cảnh và không gian: Thành phố San Francisco trong phim không hề mang không khí đe dọa của thể loại, mà như được lấy ra từ kí ức những người từng sống ở đó; các tòa soạn báo đầy rẫy các phóng viên uống rượu và hút thuốc, đúng như họ vẫn làm 40 năm trước; rạp chiếu phim cùng các poster nhớp nháp dưới cơn mưa… Khi câu chuyện trôi đi, ta theo dõi các nhân vật đi từ nơi này đến nơi khác, gõ cửa, trò chuyện, và thứ được khám phá không chỉ là một vụ án, mà là một thời đại.

Dù gây tiếng vang, và trở thành một kiểu huyền thoại truyền miệng của người dân San Francisco, Zodiac không phải trường hợp hiếm. Trong lịch sử nước Mĩ, có vô vàn “hồ sơ đóng băng” như thế, với vô vàn kẻ thủ ác vĩnh viễn được bóng đêm lịch sử che khuất. Điều đặc biệt trong câu chuyện này, mà Fincher và Vanderbilt khai thác rất đúng đắn, là bản thân Robert Graysmith. Sức hấp dẫn về nhân vật trong phim, lạ lùng thay không nằm ở chân dung hung thủ hay thám tử, mà ở một chàng họa sĩ quèn không biết bỏ cuộc là gì.

Trong phim, Toschi, Avery và Graysmith cùng theo đuổi một tên tội phạm, nhưng theo ba con đường khác nhau. Ta dễ dàng hiểu động cơ của hai nhân vật đầu tiên, cũng như động cơ của bất kì thám tử hay phóng viên nào khác. Phần kịch bản kĩ lưởng của Vanderbilt khắc họa chân thực các biện pháp nghiệp vụ của họ. Ông cũng khắc họa sự thật rằng, nếu Toschi và Avery hợp tác với nhau, có lẽ tên Zodiac đã bị bắt từ lâu. Nhưng luôn có một khoảng cách giữa giới điều tra và báo chí tại Mĩ, hai đầu mối nắm thông tin hàng đầu, bởi sự khác biệt về mục đích: Cảnh sát muốn hung thủ, còn phóng viên muốn có tin trên mặt báo trước. Sự bất hợp tác này đã hủy hoại cả hai: Toschi không phá được vụ án, còn Avery bị đe dọa đến tính mạng, dẫn đến việc chìm vào rượu chè.

Graysmith là một trường hợp khác. Ta không bao giờ hiểu được động cơ của anh. Ban đầu, chàng họa sĩ chỉ là một người hứng thú với lá thư mật mã. Rồi khi tất cả đã đầu hàng, anh vẫn tiếp tục. Không có sự hậu thuẫn của chính quyền hay toàn soạn, phải mất rất nhiều thời gian để anh có được những gì Toschi và Avery đã có, trước khi tiến xa hơn họ. Graysmith sẵn sàng đánh đổi tất cả, từ sự nghiệp, gia đình, đến an nguy bản thân, chỉ để “được nhìn vào mắt thủ phạm và biết đó là hắn”. Đó là một hành trình cô đơn đến mức không xứng đáng, cho đến khi ta nhận ra sự thật. Rằng Graysmith không hề mưu cầu công lí hay bị thôi thúc bởi trách nhiệm công dân: Anh tìm thấy ý nghĩa trong việc biết được Zodiac là ai. Cùng ý nghĩa mà Bethoveen tìm thấy trên những phím dương cầm.

Jake Gyllenhaal, đúng như lời của David Fincher, là diễn viên hoàn hảo cho vai Graysmith. Ở anh có cả vẻ ngây thơ lẫn bị ám ảnh, giống như hai mặt của một đồng xu. Vanderbilt viết kịch bản với Gylellenhaal trong tâm trí, sau khi xem màn trình diễn của anh trong Donnie Darko (2002). Ta cũng sẽ được chứng kiến một Robert Downey Jr. nội lực trước khi chìm vào rượu và ma túy, xuất sắc trong vai một nhà báo nghiện rượu và ma túy. Mark Rufallo gợi đến vai diễn khác của anh sau này trong Spotlight (Tiêu điểm, 2015), ở phong thái điều tra cuốn hút. Những màn trình diễn đáng nhớ ấy hòa vào không gian ảm đạm dưới làn mưa San Francisco, có lẽ đã rơi không ngớt từ Sev7n, đủ sức mang đến cho ta một tác phẩm tội phạm thỏa mãn, dù không có hung thủ nào bị bắt giữ ở đoạn kết.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00