Điểm xuất sắc của Anomalisa, bộ phim đề cử Oscar 2015 vừa qua ở hạng mục hoạt hình, là ở ý tưởng. Một ý tưởng độc đáo về cách thể hiện nỗi cô đơn của lạc lõng của con người, chủ đề chủ đạo trong mọi tác phẩm của đạo diễn và biên kịch Charlie Kaufman – tác giả của các kịch bản lãng đãng và mơ mộng như Adaptation (2002), Eternal Sunshine Of Spotless Mind (2004), Synecdoche, New York (2008)… và được truyền tải theo một lối kể lạ lùng sử dụng những giọng nói người.
Cảnh đầu tiên của Anomalisa đưa người xem vào vùng siêu thực của một giấc mơ. Một cách rất “Kaufman”. Nhân vật chính là Michael Stone (David Thewlis), một chuyên gia về kỹ năng giao tiếp khách hàng qua điện thoại, đang trên chuyến bay công tác đến thành phố Cincinnati, bang Ohio. Ban đầu là những giọng nói vang lên không dứt. Rồi chúng ta thấy một chiếc máy bay đang bay trong tầng mây, nhưng góc nhìn lại chuyển đến từ cửa sổ của Stone. Đó là một chiếc máy bay khác, hay Stone đang nhìn chính chiếc máy bay của mình từ góc nhìn thứ ba, góc nhìn trong mơ?
Người đàn ông ngồi cạnh xin lỗi Stone vì đã bám lấy tay ông do sợ máy bay, nhưng Stone gạt đi nhanh chóng. Ông tỏ ra là một kẻ khó chịu. Cảm giác mơ màng tiếp tục đeo bám khi Stone bắt taxi đến khách sạn. Gã tài xế huyên thuyên không dứt, điều gì đó về sở thú và món ớt Cincinnati đặc sản. Stone nói rằng ông chỉ ở đây một ngày, ở nơi ông cách xa hoàn toàn những mối quan hệ ông có – vợ và con trai, đồng nghiệp, tất cả. Nhưng điều ông nghĩ đến lại là hình ảnh của cô tình nhân cũ, Bella, người ông đã bỏ rơi nhiều năm trước.
Điều kỳ quặc mà chúng ta nhanh chóng nhận ra, là Bella, hay tất cả những người phụ nữ Stone gặp gỡ, đều nói bằng giọng đàn ông trưởng thành. Hay tất cả mọi người đều nói cùng một chất giọng ấy, dù âm sắc có khác nhau. Stone tìm cách liên hệ lại với Bella và đặt một cuộc hẹn, tuy nhiên kết cuộc không mấy tốt đẹp. Sự sỗ sàng của Stone khiến Bella, nay là một phụ nữ buồn khổ, nổi giận bỏ đi. Và khi Stone, lẫn người xem, bắt đầu thấy quay cuồng với giọng nói đàn ông ám ảnh, bỗng một âm sắc nữ dễ chịu vang lên. Đó là từ Lisa (Jennifer Jason Leigh), cô gái lạ mặt ở phòng bên cạnh.
Charlie Kaufman vẫn được gọi là kẻ thích “chui” vào đầu những người khác, gần như trong tất cả kịch bản từng viết. Ông thích để cho người xem hóa thân vào ai đó, và thưởng thức thế giới bằng góc nhìn của họ. Đó là bên trong tâm trí của nam diễn viên John Malkovich trong Being John Malkovich (1999), trong ký ức của đôi tình nhân Clem và Joel trong Eternal Sunshine, hay trong sân khấu kịch nghệ kỳ ảo của một đạo diễn trong Synecdoche, New York… Anomalisa không là ngoại lệ. Thế giới chúng ta nhìn thấy trong phim là thế giới của Michael Stone, một bệnh nhân của hội chứng hiếm gặp Fregoli Delusion. Trong đó người bệnh sẽ luôn nghĩ rằng tất cả mọi người đều là một người. Từ đây, cách sử dụng một giọng nói duy nhất khá khó chịu, được lồng tiếng bởi Tom Noonan, trở nên có ý đồ và dễ hiểu.
Nếu để ý, Fregoli chính là tên gọi của khách sạn mà Stone ở. Phép chơi chữ được sử dụng tràn ngập trong bộ phim này. “Anomalisa” là kết hợp giữa “Anomaly” và “Lisa”, tên cô gái, và phát âm giống một từ tiếng Nhật sẽ được giải thích ở cuối phim. “Toys Store” là cửa hiệu đồ chơi, nhưng “Toys” cũng là đồ chơi người lớn. “Stone” nghĩa là “đá”, trơ cứng và vô cảm… Kaufman cũng tận dụng tối đa hiệu ứng thị giác của thể loại stop-motion: gương mặt búp bê của các nhân vật có một đường rãnh kẻ qua mắt, như thể là rãnh nối của một chiếc mặt nạ. Có một cảnh phim Stone dường như sắp “mở” chiếc mặt nạ ra, nhưng chỉ thật sự làm điều đó trong một cơn ác mộng. Và phần nhạc nền trôi lơ lửng trong không trung của Carter Burwell là mảnh ghép cuối của tập hợp ngôn ngữ-thị giác-thính giác này. Nhưng chúng không phải là một tổng thể, mà rời rạc và vô định, chất thành từng đống đè lên nhau và gây phân tâm. Giống như những giọng nói – chúng làm phiền ta theo cách mà Kaufman mong muốn. Ta chưa thực sự nhập tâm vào câu chuyện của Stone, nhưng cảm giác của ta đã là của Stone.
Lớp nền đó khiến người xem không chỉ hiểu, mà cảm thấy được điều mà Michael Stone cảm thấy, khi gặp gỡ Lisa. Gần như chưa bộ phim nào có lối biểu thị cảm xúc bằng âm thanh kỳ quặc mà hiệu quả như thế. Giống như Stone, giọng nói của Lisa lọt vào tai chúng ta như thể thiên sứ đang hát từ thiên đường. Đây là điểm gây chia rẽ. Anomalisa ở bề mặt là một vụ ngoại tình, khi một người đàn ông thành đạt và điển trai lợi dụng một phụ nữ thất bại và tự ti. Để sáng hôm sau, ông ta cao chạy xa bay. Rõ ràng nhiều năm trước, ông ta cũng bỏ rơi Bella như thế. Và nhiều người có thể căm ghét Stone, cũng như nhìn nhận thế giới Kaufman tạo ra chỉ là một thứ biện hộ. Họ có lý. Nhưng câu hỏi mấu chốt nhất, không phải để chúng ta thông cảm cho Stone, mà thấu hiểu tình cảnh của ông ta, sẽ là: cuối cùng Stone đạt được điều gì?
Anomalisa là bộ phim mà Charlie Kaufman tiến đến gần với Richard Linklater, vị đạo diễn ám ảnh với thời gian và hiện sinh trong bộ ba Before Sunrise-Sunset-Midnight (1995-2013) hay Boyhood (2014). Ở chỗ họ đều đưa ra một ý niệm về sự kết nối. Phòng khách sạn luôn là một nơi cô quạnh lạnh lẽo, bởi nó không có gốc rễ gì với ta, và đặt ở một thành phố xa xôi đến mức không ai biết đến như Cincinnati (sự thật, tôi chưa hề nghe đến nó trước khi xem phim), giống như nơi tận cùng thế giới. Ý tưởng của Kaufman rất rõ ràng, ông cho người xem nếm trải cảm giác được kết nối, bằng cách tạo ra một không gian thiếu kết nối đến cùng cực, để rồi dập tắt nó phũ phàng ngay sau đó. Khi ánh sáng mặt trời chiếu rọi và những cảm xúc phiêu lưu qua đi, hiện thực ập đến với Stone một cách đau đớn. Lisa không phải là người cứu rỗi ông, cô không phải thiên sứ hay có phẩm chất gì đặc biệt. Tất cả chỉ là những khoảnh khắc sinh ra bởi ảo tưởng và khát khao.
Nhưng đây không phải là “khoảnh khắc” mang màu sắc của Linklater. Kaufman và Linklater, rõ ràng như mặt trăng và mặt trời, là những tư tưởng khác biệt. Khoảnh khắc của Linklater là những giây phút “thần thánh”, nơi con người thật sự chạm vào nhau đến tận cùng, là nền tảng của yêu thương và theo nghĩa nào đó, mục đích sống của đời người. Nhưng khoảnh khắc của Kaufman, một cách đớn đau, chỉ là những ảo giác. Khoảnh khắc của Linklater lãng mạn và ấm áp, và cho dù ông để cho hiện thực đánh đập nó đến tàn nhẫn như trong Before Midnight (2013), chúng ta vẫn được an ủi rằng nó từng có thật. Còn Kaufman? Từ Synecdoche cho đến Anomalisa, không có gì hơn là những khoảng trống sâu hoắm của cái tôi vô xác định, như lời người vợ nói với Stone “Chúng ta là ai?” Nếu ngay cả cái tôi cũng là ảo tưởng, thiếu hụt và vỡ nát như con búp bê Nhật Bản, thì làm sao chúng ta được kết nối? Khi không thật sự có một đầu mút giữa các linh hồn?
Tôi có một vài trải nghiệm để thấu hiểu và cảm nhận được tư tưởng của Kaufman – điều khiến Anomalisa trở thành một bộ phim thậm chí còn bi thảm hơn. Bài hát cuối phim có tên “None Of Them Are You”, có không khí giống như bản “Little Person” trong Synecdoche, có nội dung về một chàng trai gặp gỡ từ cô gái đến cô gái khác, nhưng không phải là “em” mà anh ta tìm kiếm. Giống như Stone, từng là Bella và đến Lisa, có thể là nhiều người nữa. Ông ta sẽ không bao giờ tìm được, bởi vì “em” không tồn tại ngoài tâm trí ông, như một hình tượng hoàn hảo vô vọng. Sẽ không có gì ngoài những con người cũng bất toàn như chúng ta, cùng lạc lõng như chúng ta, và có lẽ cả với những ảo tưởng sẽ không bao giờ được lấp đầy tương tự.
Anomalisa, vì lẽ đó, giống như cú tát cảnh tỉnh cho những kẻ mộng mơ. Nhưng mặt khác, lại giống lời nhắc nhở chúng ta nhìn nhận các cá nhân khác ở thực tế của họ, không phải kỳ vọng của ta. Một phim đậm chất Kaufman sẽ phù hợp với những người đã yêu mến các bộ phim trước của ông, hoặc yêu mến chất hiện sinh về sự tồn tại. Không có gì phải phàn nàn về kỹ thuật làm phim, dù là lần đầu Kaufman tiếp cận với thể loại stop-motion, với sự giúp đỡ của một chuyên gia là đồng đạo diễn Duke Johnson. Và lối kể chuyện của Anomalisa, bằng cách sử dụng các giọng lồng tiếng ám ảnh của Tom Noonan, quả thật độc nhất vô nhị. Những giọng nói sẽ còn vang vọng rất lâu trong tâm trí. Có vài cảnh trần trụi trong phim không phù hợp trẻ em, nhưng chỉ là thứ gia vị cho lớp nền trưởng thành Kaufman thêm vào. Yêu mến hay ghét bỏ bộ phim, đây vẫn là một trải nghiệm điện ảnh lạ lùng chưa từng có, và xứng đáng để đem lòng trân trọng những người đứng sau.
Điều tôi cảm thấy thiếu hụt ở bộ phim này, có lẽ cũng là điều mà Kaufman luôn tỏ ra thiếu hụt trong các phim trước, trừ lần duy nhất hợp tác với Michel Gondry trong Eternal Sunshine. Đó là sự lấn át của lý trí so với trái tim. Anomalisa có ý tưởng, có lớp lang, và đạt được nhiều thành tựu về kỹ thuật, nhưng thiếu vắng đôi chút chất tình cảm để đạt được sự cân bằng. Có thể lý do nằm ở hành động chạy trốn của Stone, từ góc nhìn bên ngoài, rất khó cảm thông. Chúng ta hiểu những gì ông cảm thấy, nỗi buồn và sự cô đơn trong ông, nhưng trước hết ông phải là một người tốt. Khi nỗi buồn và cô đơn đi kèm với sự ích kỷ, giấc mơ của ông khó chạm đến chúng ta trọn vẹn như mong muốn.