Đạo diễn người Nam Phi Neill Blomkamp, cùng với đồng biên kịch là vợ mình Terri Tatchell, một lần nữa nỗ lực để đến gần với District 9 – phim khoa học viễn tưởng đầu tay tuyệt vời của họ vào năm 2009, đã đưa tên tuổi họ được biết đến toàn cầu. Và một lần nữa, họ thất bại, trong câu chuyện về chú người máy Chappie, cùng với những lý do của Elysium, đầy rẫy những hiệu ứng hình ảnh đẹp mắt, lối hành động choáng ngợp, chất viễn tưởng đặc trưng, nhưng lạc lối trong cách kể một câu chuyện đúng nghĩa.
Chappie đưa người xem đến thành phố Johannesburg tương lai, nơi nhà khoa học thiên tài Deon (Dev Patel) đã chế tạo ra những robot người máy trong vai trò cảnh sát thay thế cho con người. Nhờ đó, tỉ lệ tội phạm đã giảm xuống rất thấp. Nhưng mong muốn của Deon còn xa hơn thế, anh muốn chế tạo ra một con robot có trí tuệ như con người, có cảm xúc như con người, biết học hỏi, thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật. Đối thủ của Deon trong công ty là Vincent (Hugh Jackman), ngược lại, chỉ tin vào Chúa trời và con người, đang phát triển một loạt robot hủy diệt để cạnh tranh, nhưng không được chấp nhận.
Một diễn viên tôi rất yêu mến là Sigourney Weaver (nữ anh hùng trong loạt phim kinh điển “Allien”), vào vai CEO của công ty Robot cả hai đang làm việc. Nhưng đáng tiếc vai trò của bà là quá nhỏ để có được bất kỳ ấn tượng nào.
Bộ phim bắt đầu mang đến rất nhiều kỳ vọng, ở lối dẫn truyện bằng phóng sự, gợi đến District 9 và những cảnh hành động hoành tráng kết hợp âm nhạc Hans Zimmer. Deon, sau khi phát triển thành công phần mềm trí tuệ nhân tạo, đã lén đánh cắp một con robot cảnh sát hư hỏng để thử nghiệm. Trên đường về, anh bị bắt cóc bởi một nhóm cướp ba người, gồm Ninja, Yo-landi và Amerika (Jose Pablo Cantilo). Bọn chúng đang thiếu nợ, và ngây thơ nghĩ rằng Deon – với tư cách người chế tạo robot – có một chiếc “remote” nào đó vô hiệu hóa đám robot cảnh sát, giúp những vụ cướp dễ dàng hơn.
Bộ ba đó, ngoài đời thật, là thành viên của nhóm nhạc Hip hop nổi tiếng Nam Phi có tên Die ArtWoord, với Ninja và Yo-landi là các nghệ danh được giữ nguyên khi lên phim. Âm nhạc của họ được sử dụng song song cùng Hans Zimmer trong suốt bộ phim. Deon, lợi dụng đám cướp để hoàn thành thử nghiệm, cấy trí thông minh nhân tạo cho con robot, được đặt tên Chappie. Một con robot ban đầu giống hệt một đứa trẻ, và dần được định hình tính cách, cũng như hiểu biết về thế giới, qua quá trình sống của nó.
Đây là lúc câu chuyện bắt đầu lạc hướng. Một robot có trí tuệ và học cách trở thành người, không phải là “nguyên bản” như lời Blomkamp giới thiệu ở những buổi quảng bá. Robin Williams từng đóng vai một con robot sống đến 200 tuổi, thay thế dần các bộ phận cơ thể để trở thành người trong Bicentennial Man (1998). Sau đó 3 năm, đến lượt Haley Joel Osment trở thành cậu bé robot tìm kiếm tình yêu người mẹ với phim A.I., được Steven Spielberg chỉ đạo. Ở cả hai phim này, quá trình phát triển, cũng như định hình tính cách và cảm xúc của các robot, cần đến gần như toàn bộ thời lượng phim, mà vẫn còn chông chênh. Trong khi Chappie, chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, đã phải chia sẻ với các trường đoạn hành động và các nhân vật khác, trở nên quá ngắn ngủi để khiến người xem quan tâm đến.
Điểm thất bại nhất, là Blomkampt không thể thổi “hồn” cho Chappie. Như thường lệ, ông cố gắng đưa vào tính hình tượng và châm biếm thực tế. Sự phát triển của Chappie, giằng co giữa việc trở thành người tốt hay kẻ xấu, dựa trên ảnh hưởng người nuôi dạy (Dean hay Ninja), mang đến hình ảnh về những đứa trẻ bị ép phải cầm súng ở Châu Phi, một vấn nạn nhức nhối. Tuy nhiên, ý đồ đạo diễn được thể hiện rất thiếu tự nhiên và lộ liễu, có phần giả tạo. Chappie, được tạo hình không quá giàu biểu cảm, phần lớn thời gian là một con robot ồn ào và thiếu chiều sâu, thêm một chút ngu ngốc. “Ngây ngô” rất khác với “ngu ngốc”. Tôi không hiểu vì sao, sau khi bị hành hạ và tổn thương bởi đám côn đồ và Vince, rồi thốt lên câu thoại rất kịch “vì sao con người làm thế?”, Chappie vẫn tin rằng dùng phi tiêu và dao đâm vào người khác là giúp họ “ngủ ngon”? Và đáng thất vọng nhất, là cách phản ứng của cậu khi được hỏi “muốn trở thành con chó này hay con chó kia”, dù trước đó cậu đã vuốt ve hai chú chó, một còn sống và một đã chết. Cậu không chần chừ chọn trở thành con chó giết chóc.
Chappie được học vẽ, được tiếp cận nghệ thuật, được chạm vào bởi tình yêu người mẹ, để làm gì? Khi Chappie vẫn không biết phân biệt đúng và sai, cái đẹp và cái xấu, và sự cảm thông. Nhưng tệ hơn, là Chappie không hề phức tạp, và không thú vị, từ đầu đến cuối. Chappie có thể xấu xa, mà vẫn hấp dẫn, nhưng rất tiếc không được như vậy.
Blomkamp, vào nửa đầu phim, cố gắng truyền tải những thông điệp quá sức để truyền tải. Ở nửa cuối phim, ông quên mất điều mình muốn truyền tải là gì .
Không chỉ Chappie, Blomkampt còn không thể thổi hồn vào những nhân vật còn lại. Một nhà khoa học trẻ tuổi thiên tài, vào vai bởi “triệu phú” Patel, lúc nào cũng hối hả và bực dọc (đá hết cái này đến cái khác), không hề thể hiện được tình cảm và động cơ khiến anh quan tâm đến Chappie. Tương tự là cặp đôi kỳ quái Ninja và Yo-landi, không đủ sức để tạo nên bầu không khí như họ đã làm trong các MV nhạc. Một nhân vật phản diện “dưới tiêu chuẩn” của Hugh Jackman, không xuất hiện để đối trọng với ai hay điều gì, chỉ để tham dự vào một cảnh bắn giết lạ lùng. Tiết lộ nội dung: robot MOOSE của Vincent xé xác Amerika trong một cảnh máu me kinh dị, không ăn nhập gì vào tông chung của phim, khiến tôi rất khó chịu (khác hẳn với chất máu me của Kingsman, dữ dội hơn nhiều nhưng rất vừa vặn). Sau khi loay hoay và dài dòng, đến hồi thứ ba, nội dung bất ngờ chuyển hướng, rất rõ ràng muốn tạo hiệu ứng như từng có với cái kết của District 9. Nhưng không thành công.
Chappie, dù vậy, vẫn có những cảnh đáng nhớ. Blomkamp rất giỏi ở việc dựng và biên tập phim, nhất là ở cảnh lắp ghép cuối cùng trên nền nhạc “Enter the Ninja” rất tuyệt, tôi rất thích. Nó có được không khí kỳ quặc mà cả phim nên có. Ngoài ra, bộ phim vẫn được thiết lập trên bối cảnh Nam Phi tương lai đặc trưng và độc đáo, chỉ có được trong phim của ông. Âm nhạc Hans Zimmer rất xuất sắc, trợ giúp cho các cảnh hành động vô cùng đắc lực, nhưng luôn trên tầm bộ phim trong hầu hết thời gian. Zimmer làm nhạc cho rất nhiều đạo diễn, nhưng có lẽ, chỉ Christopher Nolan là đủ sức để bắt kịp và hòa hợp với chất nhạc epic của ông, và đưa chúng lên một đỉnh cao mới. Còn lại, mà Chappie là một ví dụ, là sự lãng phí.
Cuối cùng, tagline của bộ phim nói rằng Chappie là “niềm hi vọng cuối cùng của nhân loại”, và tôi vẫn không hiểu niềm hi vọng đó là gì? Có lẽ, sẽ phải chờ đến phần tiếp theo.