Trang chủ Năm Phát Hành2018 ASH IS PUREST WHITE

ASH IS PUREST WHITE

bởi
1.8K lượt xem
A+A-
Reset

Ash is Purest White (Những đứa con giang hồ) là khúc ai ca về con người trong sự biến thiên của xã hội Trung Quốc. Một trong những phim châu Á hay nhất năm 2018.

Chuyện phim bắt đầu từ một thị trấn hoang vắng, gần mỏ than ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Xảo Xảo (Triệu Đào) là con gái của một thợ mỏ già, người yêu của đại ca giang hồ Bân (Liêu Phàm). Cảnh đầu tiên tiên, cô bước vào một hội quán của băng đảng. Đó là năm 2001, thời hiện đại, nhưng lối bài trí trong phòng, âm nhạc cũ văng vẳng và sinh hoạt con người gợi đến giới thập kỉ 70. Có một mâu thuẫn giữa hai đàn em và Bân mang ra bức tượng Quan Công để giải quyết. Không gã giang hồ nào dám nói dối trước mặt Võ Thánh.

Những phút đầu, Ash is Purest White khiến người xem tưởng đang thưởng thức phim xã hội đen kiểu cũ. Các cuộc đấu đá băng đảng xảy ra. Một đàn anh nhờ Bân “chăm sóc” hộ đối thủ quấy phá chuyện làm ăn, nhưng chưa kịp động thủ thì đã anh ta bị thanh toán trước, qua đời. Bân trở thành trùm, ngày ngày đánh người và bị đánh. Xảo Xảo, khí chất hoàn hảo cho vai trò bà trùm, ở bên cạnh hỗ trợ người yêu. Khi cần cô sẽ ra mặt, còn chỗ đông người cô lánh sau lưng Bân. Những lúc bình yên, hai người lên núi ngắm cảnh. “Không gì thuần khiết hơn tro núi lửa,” Xảo Xảo chỉ lên ngọn núi cao, nói. “Cái gì cháy ở nhiệt độ cao đều trở nên thuần khiết.”

Thế giới của cặp tình nhân đầy bất ổn nhưng hợp lí. Họ biết rằng mình sẽ sống và chết như những đứa con giang hồ. Tuy vậy, người xem sẽ nhận ra vài dấu hiệu lạ lùng. Một ông bố vô vọng kêu gọi biểu tình để cứu lấy hầm mỏ bị bỏ quên. Vài người nhắc đến chuyện rời quê để làm kinh tế ở Tân Cương xa xôi. Đám tang kiểu cổ truyền nhưng lại có tiết mục nhảy hiện đại… Những dấu hiệu chuyển mình của đất nước này. Để rồi, một tình huống có phần kì lạ xảy ra: Xảo Xảo vào tù thay Bân khi sử dụng súng của anh, trong một trận ẩu đả. Từ bao giờ xã hội đen bị bắt khi sử dụng súng trên màn ảnh? 5 năm sau, cô ra tù và bộ phim thật sự bắt đầu.

Khi Xảo Xảo bước ra khỏi nhà giam, trước mắt cô là một thế giới hoàn toàn mới. Đó cũng là lúc người xem nhận ra thể loại thật sự của phim, là tâm lí xã hội chứ không phải hành động băng đảng. Chất hiện thực phủ lấy, xóa đi mọi hư ảo quá khứ. Xảo Xảo cố gắng tìm kiếm Bân, giờ không còn là xã hội đen mà là một nhân viên nhà đất. Cô lang thang như thể mộng du qua những tòa cao tầng, các công trình, nhà máy dang dở, những công chức đi lại trong bộ vét… Chỉ 5 năm, không quá dài so với đời người, nhưng dường như cuộc sống cô biết đã bị xóa sạch.

Đó là cách đạo diễn Giả Chương Kha đặt người xem vào hoàn cảnh của nhân vật. Đơn giản mà hiệu quả, bước qua ranh giới thể loại và bỗng cảm thấy lạc lõng. Từ đó, chủ đề chính của phim hiện ra: Sự thay đổi chóng mặt của đất nước Trung Quốc và số phận con người trước thay đổi đó. Tương tự các phim trước đó, Mountain May Depart (Sơn hà cố nhân, 2015) hay A Touch of Sin (Vô chủ định, 2013)… đạo diễn họ Giả tiếp tục bắt lấy sự biến chuyển cả bề mặt và nội hàm của Trung Quốc trong cách mạng kinh tế. Chỉ vài chục năm, từ một nước nghèo đói, đại lục đã vươn lên vị trí siêu cường thứ hai thế giới. Sự phát triển thần kì nào cũng phải trả giá, Giả Chương Kha nỗ lực đưa cái giá ấy lên màn ảnh.

Ash is Purest White có được sự trầm tĩnh đáng giá, gợi suy ngẫm hơn là bày tỏ thái độ. Sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại không diễn ra mạnh bạo, mà từ tốn, nhẹ nhàng. Thuộc thế hệ đạo diễn thứ 6, nhưng Giả Chương Kha không đi theo lối trọng hình thức, đôi chút khoa trương như các bậc tiền bối. Phim dùng nhiều các góc rộng và tĩnh, gợi cảm giác mênh mang, thu lấy bức tranh hiện thực. Phần hình ảnh giống như một bức họa tinh tế, gây đau đớn bằng những nét điểm xuyết tưởng như mơ hồ. Nửa đầu phim là một thế giới cũ quen thuộc, gam màu ấm áp, với vài nét chấm phá hiện đại. Nửa sau lại là thế giới công nghiệp, gam màu lạnh lẽo, đôi lúc hiện lên vết xưa lạc quẻ. Một gánh Sơn Đông mãi võ giữa phố phường đông đúc. Đôi ba con thú dữ nằm trong cũi sắt. Một tiếng nhạc cổ vọng lại như thở dài… Tất cả đều là vết cứa rỉ máu vào xã hội đang vươn mình mạnh mẽ kia.

Như mọi khi, một đặc trưng khác của phim Giả Chương Kha được tận dụng: Các khoảng trống. Chuyện phim đi từ 5 năm sau, đến 10 năm, 20 năm sau mà không cần đoạn chuyển. Xảo Xảo và Bân gặp gỡ, chia tay rồi gặp gỡ trong một trường không liên tục về thời gian, gây ra cảm giác mất mát về sự kiện. Họ đã làm gì trong thời gian ấy? Họ gặp gỡ những ai? Trải qua biến cố gì? Người xem không biết, hoặc tự đoán lấy bằng vài lời thoại hiếm hoi. Việc thiếu vắng các khớp nối trong câu chuyện có thể gây khó chịu, nhưng cũng là dụng ý nghệ thuật. Sự mất mát của nhân vật cũng là của ta.

Những phim hiện thực hay nhất luôn là phim tình cảm hay nhất. Kéo dài suốt 17 năm, chuyện tình giữa Xảo Xảo và Bân mang sắc màu của trường thiên tiểu thuyết. Có những trường đoạn khiến ta liên tưởng ngay đến không gian trong các cuốn sách xưa. Xảo Xảo và Bân ở trong một căn phòng khách sạn cũ kĩ, bên ngoài mưa rơi lạnh, đến mức ta có thể ngửi thấy mùi hơi nước. Họ ngồi cạnh nhau, chỉ nói đôi lời, chậm rãi, nhưng dậy sóng trong lòng. Sức nặng của thời gian và sự đổi thay đè lên trái tim họ, và người xem.

Các nhân vật hiện lên như những con người thật sự, với tình cảm chân thật, đáng tin. Trước hết là nhờ diễn xuất nội lực của Triệu Đào (vợ đạo diễn Giả Chương Kha) và Liêu Phàm. Những diễn viên giỏi thuyết phục người xem chỉ bằng việc hiện diện. Rồi qua thời gian, ta thấy họ lớn lên thật sự, thay đổi, trưởng thành, tốt hơn, tệ đi… Đặc biệt là Triệu Đào, với thần khí của cô trên màn ảnh. Các nhân vật phụ khác cũng thế, dù chỉ xuất hiện thoáng qua. Một gã đàn em kiêm tài xế sẵn sàng sống chết vì đại ca, bao nhiêu năm vẫn một lòng. Một gã khác từng cụp mắt trước tượng Quan Công, nhưng lại hiểu rõ sự đời hơn tất thảy. Một tay lang bạt miệng mồm mép tép nhảy trên chuyến tàu xa…

Chuyện đời, chuyện người cứ thế “sống” trên màn ảnh. Xã hội thay đổi, công nghệ thay đổi và họ bị nhào nặn lại, cố gắng sinh tồn. Để rồi, điều cốt yếu hiện ra: Tất cả chỉ là kiếp người, với sinh, lão, bệnh, tử, xoay vần theo thời cuộc. Chỉ có một điều đẹp đẽ ở lại là tình yêu, tình nghĩa, dù là người thường hay giang hồ tiểu tử. Tình yêu thuần khiết dù lửa cháy thành tro tàn.

Ash is Purest White không phải là bản cáo trạng, chẳng hề đấu tranh, mà đơn giản là hiện thực. Hiện thực với một cảm giác đơn độc của Xảo Xảo, của Bân, của Giả Chương Kha, những người sống và chứng kiến đất nước qua giai đoạn chuyển mình. Gọi họ là nạn nhân của thời đại phần nào có lý, nhưng e là quá nghiêm khắc. Không có điều gì đạt được mà không phải bỏ lại thứ gì. Cái cảm thức lạc lõng của Giả Chương Kha có thể là chủ đạo trong sự trỗi dậy của điện ảnh Trung Quốc. Khi những choáng ngợp qua đi, khi Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca đã hoàn thành sứ mệnh, một thế hệ đạo diễn mới sẽ nhìn nhận lại được, mất, đúng, sai… và các tác phẩm giá trị ra đời.

You may also like

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x
-
00:00
00:00
Update Required Flash plugin
-
00:00
00:00